Thursday, March 28, 2024

Thư gửi các độc giả vô cùng yêu quý

Sổ tay phóng viên

Ngọc Lan/Người Việt

1.

Tôi nghĩ đến chuyện viết thư này trong lần gặp một bạn độc giả tại nhà một người quen. Bạn độc giả thấy tôi, nói liền, “Chị, để em kể chị nghe chuyện này. Cái ông chủ thầu mà chị viết bài nói gạt người ta tiền sửa nhà đến hơn $80,000 đó, bạn em cũng bị ổng gạt luôn.”

Tôi tròn mắt, “Trời, xui vậy. Lâu chưa?”

“Mới đây nè chị,” bạn độc giả trả lời.

“Ủa, bộ không có đọc báo sao mà còn bị gạt? Bài đó mình viết lâu rồi mà!”

“Bạn em có đọc bài đó chứ! Khi có người giới thiệu gặp ông thầu đó để sửa nhà, bạn em nói ông này từng gạt người ta bị lên báo rồi, nhưng người giới thiệu nói ‘Hơi đâu mà tin báo chí. Chuyện bé xé to. Nếu ổng gạt người ta thì ổng bị bắt rồi, chứ đâu có ở ngoài.’ Thế là bạn em tin. Nhưng giờ thì bạn em bị mất $5,000 rồi,” bạn độc giả kể tiếp.

Tôi nghe mà lắc đầu. Không biết nói sao luôn.

Chợt nhớ khi bài báo đó được đăng, bên cạnh nhiều lời bình luận nhắc nhau nên đề phòng, cảnh giác, hoặc chia sẻ kinh nghiệm làm sao để “thoát khỏi” sự lừa bịp, thì cũng có nhiều độc giả phán như thánh “Chuyện xạo! Làm gì dễ bị gạt như vậy!” Một số khác thì lại quay sang “mắng mỏ” nạn nhân kiểu “Ai biểu cả tin, tham thì thâm!” và còn tưởng tượng ra nhiều chuyện “rùng rợn” nữa mới ghê.

2.

Không biết có phải vì học được kinh nghiệm “xương máu” của những người từng mang “tai nạn đau thương” của chính mình ra kể, với lòng tốt là “hy vọng không ai rơi vào hoàn cảnh bi kịch như mình,” nhưng ai dè lại bị nhiều người nghe “phán xét, chỉ trích” nên hầu như tất cả ai “bị” gì cũng đều giữ im thin thít (có kể thì kể chuyện hàng xóm thôi).

Thành ra, mới đây, khi biết tin có một kiểu lường gạt mới xuất hiện ở một số tiệm nail, chủ tiệm bị mất số tiền lớn, nhưng mà thuyết phục họ kể lại cho những người khác hay mà đề phòng thì họ “thà chết chứ không hy sinh,” sống để dạ chết mang theo, chứ nhất định không kể, vì kể mắc công bị “dòm ngó.”

Thôi thì họ không kể trực tiếp thì tui kể kiểu “thèo lẻo” vậy: Đó là người ta “đồn” hiện nay đang xuất hiện một nhóm người Việt giả dạng là thợ nail đi xin việc và xin ở luôn trong nhà chủ (kiểu thợ nail xuyên bang). Sau một thời gian ở trong nhà chủ, nắm được đường đi nước bước, giờ giấc sinh hoạt, cách cất giữ tiền… thì họ ra tay cướp. Có nạn nhân đã bị mất số tiền lên tới $50,000 (dĩ nhiên là tiền mặt) nhưng không dám báo cảnh sát – dường như tâm lý “sợ cảnh sát biết mình có tiền mặt” ăn sâu trong suy nghĩ nhiều người nên khi xảy ra những vụ như thế thì họ “cố đấm ăn xôi” chứ không đi khai báo. Cách thức này xảy ra luôn cho một số nhà hàng tiệm ăn của người Việt luôn.

Ai tin thì đề phòng. Khỏi phán xét.

3.

Đã có lần tôi kể, một hôm, vừa đến tòa soạn thì điện thoại bàn reng.

“A-lô, cho tôi nói chuyện với ban biên tập!” Giọng một quý ông không lấy gì làm vui vẻ.

“Dạ thưa đây là ban biên tập. Có chuyện gì ạ?” – “Tôi nói cho cô biết, tôi đọc báo Người Việt đã mấy chục năm nay, nhưng hôm nay tôi rất giận không thể không nói, là các cô làm việc cần có lương tâm một chút. Tại sao lại đi đăng báo những tin cũ rít từ đời nào, làm như vậy là đánh lừa độc giả có biết không?” Sáng sớm nghe mắng vốn như vậy tôi cũng cảm thấy mướt mồ hôi.

“Dạ, chú vui lòng cho biết tin nào là tin cũ vậy chú?” Vừa nói, tôi phải vừa ra hiệu nhờ bạn đồng nghiệp chạy ra lấy tờ báo mới vô dùm.

“Đây, tin này…. Tin này nữa…. Tôi nói cho cô biết những tin này tôi đều đã nhớ đọc qua hết rồi.” Giọng quý ông càng lúc càng giận.

“Dạ, tin chú nói ở trang nào sao con không thấy trên tờ báo?” Tôi vừa lò dò kiếm tin vừa ngạc nhiên.

“Ngay trang đầu chứ đâu, cả trang kế tiếp cũng là tin tôi coi rồi,” quý ông vẫn chưa dịu giọng.

“Dạ, sao lạ quá, tờ báo con đang cầm không có đầu tin như chú nói hén. Có phải chú đang cầm báo Người Việt không chú?” – “Cái cô này, tôi đã nói tôi đọc báo Người Việt mấy chục năm nay. Đây, báo Người Việt, Thứ Hai, ngày 8 Tháng Giêng…”

Ui trời ơi, nghe quý ông vừa nói đến đó, tôi thở phào, “Dạ, chú ơi, hôm nay Thứ Hai, 15 Tháng Giêng rồi nha chú.”

“Gì kỳ vậy? Sao tờ báo này lại nằm đây? Bà ơi, tờ báo hôm nay đâu? Sao ai để tờ báo cũ ở đây…” Rồi không nghe gì nữa luôn.

Đó là độc giả gọi điện thoại vô khi đọc phải báo cũ mà tưởng báo mới. Còn với độc giả đọc báo từ trên NVO thì không gọi mà email vô “giũa.”

Cách đây chưa đến hai tuần, một độc giả gửi lời bình luận dưới bài báo có tên “Cha vợ chủ nhân Facebook là Việt gốc Hoa.” Độc giả này viết, “Báo Người Việt chuyên đăng những tin cũ rích, thí dụ tin chủ nhân Facebook cưới vợ tuần trước… Thật sự người ta đã cưới nhau từ năm 2012, ngày 15 Tháng 9. Thôi yêu cầu báo này chỉ nên đăng tin đám tang là đúng ngày mà thôi.”

Thì ra là quý độc giả này đọc báo trên internet mà không hiểu rằng trong phần quảng cáo, nhiều công ty, ví dụ như Google, tự động “lôi ra” những bài viết cũ nhưng có nhiều người đọc và liên quan ít nhiều đến những tin tức mới cập nhật. Cho nên, điều ngộ nhận ở đây là quý độc giả đó đọc một bản tin đã được đăng cách đây gần 6 năm (đăng trên báo Người Việt từ ngày 28 Tháng Năm, 2012) mà lại tưởng là báo mới đăng nên email vô “giũa” như vậy.

Đó không phải là trường hợp duy nhất, cho nên thư này viết cũng là để giải thích, là khi đọc bất cứ tin gì từ website Người Việt, quý vị vui lòng nhìn vào bên trái ngay dưới tựa bài để xem nó cũ hay mới rồi hãy lên tiếng trách móc, để không ai buồn lòng ai.

Tương tự, trong làm báo, viết tin, chúng tôi cũng có những qui định của nghề. Ví dụ với những bài vở do chính phóng viên, cộng tác viên Người Việt đi tìm hiểu, săn tin để làm thì chúng tôi sẽ ghi rõ tên tác giả ngay ở đầu bài, bên phải.

Còn với những tin tức chúng tôi mua lại, dịch lại từ các cơ quan thông tấn khác thì chúng tôi chỉ ghi tắt tên người dịch mà thôi, mong quý độc giả hiểu như vậy để không phải nặng lời khi cho rằng đó là một kiểu “nặc danh” này nọ.

Cuối thư, tôi cũng như các đồng nghiệp mình vẫn luôn chờ nhận được những thư góp ý “mang tính xây dựng” của quý độc giả để biết mình còn thiếu sót gì mà sửa, cũng như có gì hay nên tiếp tục phát triển.

Kính chúc quý độc giả bước vào một Mùa Xuân mới thiệt nhiều sức khỏe và tâm thân an lạc!

Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Giá trị sự sống của mỗi con người là cao quý và vô giá”(Phần 1)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT