Thursday, April 25, 2024

Tết đến, Giai Phẩm Xuân Người Việt Kỷ Hợi đến

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Giai Phẩm Xuân Người Việt Kỷ Hợi 2019 vừa thân quen, vừa mới mẻ qua nét vẽ mặn mà bản sắc quê hương của đôi họa sĩ uyên ương Nguyễn Thị Hợp và Nguyễn Đồng như rộn ràng giục giã tiếng trống hội mừng Xuân ở đầu làng cho cộng đồng gốc Việt tại Little Saigon, Bolsa và khắp nơi trên thế giới, kể cả trong nước.

Cầm Giai Phẩm Xuân trên tay, chỉ cần liếc qua hình bìa hơ hớ hương Xuân với một gia đình sum vầy bên hiên nhà ấm áp, chín mát lộc Xuân với các cháu bé say sưa ngắm nghía tranh Đông Hồ, đôi họa sĩ như ước ao cái hồn Tết sẽ mãi mãi đâm chồi; Tết chứ không phải “Luna New Year” mà cũng chẳng phải “Chinese New Year,” dứt khoát phải là Tết.

Phải chăng đây là một minh họa cho lời khẳng định của nhà báo Ngô Nhân Dụng khi ông mượn câu danh ngôn của danh sĩ Ngô Thời Nhiệm “Phải hãnh diện mình là người Việt Nam!” Ông đã nhắc nhở chúng ta cái tinh thần uy nghi, ngạo nghễ bất khuất cuồn cuộn trong huyết quản qua thư chủ nhiệm, “Ta Về Cho Kịp Độ Xuân Sang.”

Giai phẩm Xuân Người Việt Kỷ Hợi được chia làm sáu mảng với sáu chủ đề rõ rệt.

Báo Xuân Người Việt về đến tòa soạn sáng sớm 28 Tháng Mười Hai, 2018. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

“Tết, nhớ mùi quê”

Tết về, lòng người rộn ràng tiếng gọi, khi thì réo rắt, lúc thì nhẹ nhàng, sâu lắng. Ai ơi, dẫu ở thành đô lập lòe đèn xanh, đèn đỏ ngọn đèn, hay nơi xứ người tấp nập ngựa xe, thì mùi quê vẫn là tiếng Mẹ Ngàn Năm nhắc nhở lũ con xa nhà hãy quay về…

…Về đi, để thấy Nam Sơn Trần Văn Chi lau chùi bộ tam sư, còn gọi là bộ “đồ thờ,” khi cả làng đang háo hức chuẩn bị đón Xuân trong “Chùi lư ăn Tết.” Người mình vậy đó. Làm gì thì vẫn phải nhớ đến ông bà, cha mẹ trước. Hãy nhìn những động tác tỉ mỉ “Bộ lư đồng chưng trên bàn thờ nhà tôi cả năm nên trở màu xám, đóng một lớp ten rất nặng. Đầu tiên phải tháo rời ba phần của cặp chân đèn, vốn ít nhiều bị dính những vết đèn cầy, rồi tháo tiếp bộ lư hương gồm chân đế, hai tay, ba chân để chùi.”

Ông Trần Thành Tiến là thợ đánh bóng lư đồng ở phường 3, quận Bình Thạnh, Sài Gòn, có tiếng với thâm niên khoảng 30 năm trong nghề. (Hình: Dân Trí)

…Về đi, để chứng kiến bà mẹ quê với nỗi khắc khoải mong chờ đứa con phương xa chưa về kịp cho mẹ ăn Tết trong “Mẹ là ngày Tết” của Đoàn Ngọc Thạch. “Ngồi cạnh bếp lửa hồng để canh nồi bánh tét ngày Xuân, thỉnh thoảng bà Năm lại ngoái nhìn về hướng con lộ lớn. Cứ mỗi một chuyến xe đò dừng lại đổ khách. Ánh đèn xe bừng sáng để soi đường cho khách xuống xe cũng đã thắp sáng lên tia hy vọng trong lòng bà Năm rằng, con trai, con dâu và những đứa cháu của bà ắt sẽ bước xuống từ chuyến xe này.”

“Nhưng không biết đã bao nhiêu lần, niềm hy vọng của người đàn bà hơn 60 tuổi này cứ nhanh chóng vụt tắt và tan biến theo ánh đèn xe vút xa và nhạt dần trong màn sương đêm. Bà tự an ủi mình rằng: “Có lẽ năm nay nó còn bận việc…”

“Thỉnh thoảng bà Năm lại ngoái nhìn về hướng con lộ lớn để ngóng con.” (Hình Dân Huỳnh)

…Về đi, để lắng nghe Nguyễn Vĩnh Nguyên luận về đích đến, để nghe tâm sự một người suốt 20 năm lang thang giữa lòng Sài Gòn trong “Đi về đi ở đi đi…” Hãy nghe: “Sài Gòn của dân tứ xứ. Rồi Sài Gòn cũng tẩy xóa dần nguồn gốc để thị dân hóa theo cách hợp chủng quốc của một đô thị theo lẽ thường.”

Rồi nghe: “Nghĩ cũng lạ, không lẽ người ta phải bất ổn, quay cuồng quanh năm, người ta phải đổi cái rộn không yên cả nămtrời chỉ đểnhận cái phúc phần có chốn về trong mấy ngày Tết?

Mưu sinh ở Sài Gòn. (Hình Dân Huỳnh)

Đặc biệt, Giai Phẩm Người Việt Xuân Kỷ Hợi 2019 cũng là năm thứ 40 nhật báo Người Việt được ăn Tết cùng cộng đồng người gốc Việt khắp năm châu. Mảng kế tiếp ghi lại những quãng đường báo Người Việt nổi trôi cùng đồng hương.

“40 năm Người Việt  Chuyện mới kể”

Qua “Những gì tôi biết về báo Người Việt,” nhà văn Hoàng Khởi Phong, một cách khách quan, ôn lại từ ngày 15 Tháng Mười Hai, 1978, ngày đầu tiên với số báo đầu tiên của Người Việt Cali, tiền thân báo Người Việt, với tựa đề chữ lớn suốt tám cột trang nhất: “Bốc 100,000 tị nạn ở ĐNÁ bằng cầu không vận quân lực Mỹ.” Lúc ấy Người Việt mới là một tuần báo, phải dần dần dành dụm kinh nghiệm và chiêu mộ những ngòi bút chân chính để “…đến năm 1985, Người Việt tiến thêm một bước đáng kể nữa là ra một tuần năm số và đồng thời cũng điều chỉnh lại khổ báo (từ tabloid) thành nhật báo. Công tâm mà nói, sự cải tổ này không đến từ phía Người Việt mà do những yếu tố bên ngoài thúc đẩy…”

Từng bước, từng bước, từ chập chững đến vững chãi, Người Việt, qua ký ức chính  xác của nhà văn Hoàng Khởi Phong, cùng lớn, cùng mạnh, cùng phát triển với Little Saigon, Bolsa, ngôi làng đầu tiên của cộng đồng gốc Việt trên toàn thế giới.

Nhà báo Võ Thành Điểm, trong “34 năm biết bao ân tình với Người Việt”, hồi tưởng những ngày đầu Người Việt phải chật vật lắm mới mua nổi máy ‘Varytyper’ để viết bài, phát hành từ một số mỗi tuần, thành ba số mỗi tuần, rồi năm số mỗi tuần trước khi thành nhật báo với số lượng phát hành mỗi ngày một tăng. Hãy lắng nghe một thoáng bùi ngùi trong giọng kể của một nhà báo gắn bó với Người Việt từ ngày đầu tiên đến giờ: “Tôi còn nhớ đầu Mùa Xuân 1985 hay 1986 gì đó, khu Phước Lộc Thọ lúc đó chỉ là một garage sửa xe hoặc máy cày với khoảng đất trống cho cộng đồng Việt Nam mượn tổ chức hội chợ Tết, và dĩ nhiên Báo Xuân Người Việt cũng góp mặt. Thời gian qua, với bao thay đổi thăng trầm ghi vào trong tôi biết bao kỷ niệm vui buồn lẫn lộn, không thể nào quên.”

Rồi trong “Vậy mà đã 40 năm,” nhà báo Nguyễn Tuyển nhắc lại ngày phần đời ông bắt đầu gắn bó với Người Việt. Chuyện xảy ra thật tự nhiên và cũng thật bất ngờ.

Ông viết: “Một tối ngày Hè năm 1979, tôi đang ngồi chơi với con thì nghe điện thoại reo. Bốc lên thấy Đỗ Ngọc Yến (cố sáng lập viên nhật báo Người Việt) gọi. Từ ngày chạy dạt sang Mỹ tị nạn đến giờ, tôi mới nghe thấy tiếng Yến, thật vui.

“Mày tới tao ăn cơm tối mai,” Yến bảo. Thế đấy. Nhà báoTuyển Nguyễn bắt đầu viết cho Người Việt từ hôm ấy đến giờ.

Rồi ông thuật lại những giai thoại thật như đếm về cá tính quý bạn hơn ai hết của ông Đỗ Ngọc Yến. Đúng giờ, đến nhà ông Yến và được bà Loan, vợ ông Yến, tiếp. Bà rất ngạc nhiên khi biết bà sắp đãi khách. Ông Tuyển viết: “Bà Loan có vẻ vừa ngạc nhiên vừa bối rối vì không được chồng cho biết gì chuyện mời bạn ăn cơm. Im lặng vài giây, bà vào bếp cầm ra một cái nồi nhôm, đít nồi còn dính tí cơm cháy. Bà cầm cái muỗng cạo sốn sột rồi nói: “Nhà thì hết gạo, trong tủ lạnh không còn cái gì để ăn. Để tôi cạo chỗ cháy này chiên lên anh ăn đỡ.”

“Đời phố đời người”

Với tinh thần “ôn cố, tri tân,” Giai phẩm Xuân Người Việt Kỷ Hợi mời độc giả nhìn lại những giá trị lịch sử, những con người của lịch sử qua bài “Trương Vĩnh Ký và chữ Quốc Ngữ” của nhà văn Phạm Phú Minh, “110 năm nhìn lại cuộc Minh Tân” của nhà báo Lê Vũ, hay “Người Sài Gòn Bất Đắc Dĩ, một bút ký… sinh nở 30 cây cầu” của nhà báo Tuyết Vân…

Qua “Trương Vĩnh Ký và chữ Quốc Ngữ,” nhà văn Phạm Phú Minh lược qua sự hình thành và phát triển của ngôn ngữ Việt hiện đại nhờ nỗ lực không ngơi nghỉ của con người phi thường Trương Vĩnh Ký. Bài viết tưởng như ngắn gọn này là một công trình sưu tập lớn lao với những hiện vật lịch sử đầy giá trị như những tập sách, những bài viết đầu tiên của ngài Trương Vĩnh Ký bằng chữ quốc ngữ trong “Chuyện đời xưa”, “Kim, Vân, Kiều Truyện”, “Lục Vân Tiên Truyện”…

Nhà văn Phạm Phú Minh nhận định: “Với cố gắng phi thường của một bác học về ngôn ngữ, trước khi từ giã cõi đời, Trương Vĩnh Ký đã đặt xong nền móng chữ quốc ngữ cho Việt Nam.”

Đọc “Bữa tiệc cuối năm” của Xuân Mai để bùi ngùi nhớ lại một thời đói kém, thèm thuồng mà chế độ Đỏ đã khiến cả nước phải trải qua.Qua câu truyện ngắn, độc giả sẽ nhớ lại những cơn đói quặn ruột, những cơn thèm quặn lưỡi trong những tháng ngày trên quê hương sau 1975.

“40 năm thuyền nhân – Ngày ấy, bây giờ”

Cũng để kỷ niệm 40 năm ngày người Việt ùn ùn bỏ nước ra đi tìm tự do, đây là mảng gồm những câu chuyện cần phải nhớ, những nơi chốn không cho phép chúng ta quên, qua “Bidong, một thuở, một đời” của Đằng-Giao, “Ông Già Bidong” của Nguyễn Tứ Anh, “Đứa bé vượt biên ngày ấy, bây giờ” của Ngọc Lan…

Em trai chị Kiều Ngân trở thành đứa trẻ mồ côi, bơ vơ khi bố mất ngay tại trại tị nạn ở Malaysia vào Tháng Tư, 1980. (Hình Bùi Kiều Ngân cung cấp)

Ngọc Lan tường thuật những bước chân lưu lạc của hai đứa bé vượt biên, chị 13 dẫn em gái 11 tuổi đi tìm đất sống trong “Đứa bé vượt biên ngày ấy, bây giờ.” Câu truyện ly kỳ, hấp dẫn và xứng đáng là điển hình trong lịch sử thuyền nhân. Câu truyện gói gọn buồn vui, lúc xót xa, khi kiêu hãnh, lúc xuống chó, khi lên voi nhưng đầy tình Việt nên dù người con có đang học cũng dẹp qua để đến với mẹ, để săn sóc mẹ. Và dù có trôi dạt đến tận phương trời nào thì cũng phải một lần quay về vùng đất cũ tìm mộ cha.

Ai đã từng là thuyền nhân, chắc chắn sẽ tìm thấy mình trong câu chuyện này.

Nguyễn Tứ Anh, qua “Ông Già Bidong” gợi lại những tháng ngày ở trại tị nạn Bidong, Malaysia đầy ước mơ, đầy kỷ niệm của lứa tuổi vừa lớn. Xoay quanh bức tượng do kỹ sư công chánh Nguyễn Văn Thân tạo hình, “Ông già Bidong” vừa là ký sự, vừa như lời cám ơn ông Nguyễn Văn Thân, vị kỹ sư công chánh Việt Nam đã đến đảo Bidong và tặng lại Bidong một nhân dáng thuyền Viêt Nam đầy tinh thần tương thân, tương trợ Việt Nam. Bức tượng này, hôm nay vẫn sừng sững hiên ngang trong nắng gió.

“Cải lương trăm năm trước”

Trong mảng tôn vinh nghệ thuật cải lương độc đáo miền Nam, Anh Thư sẽ mời quý độc giả tìm hiểu một trăm năm ra đời và phát triển của cải lương trong “Tại sao có tên nghệ thuật cải lương?” và “Năm Phỉ – Thanh Nga, bậc kỳ tài của cải lương,” hay “Giải Thanh Tâm danh giá và duy nhất của cải lương” của Phong Trần, hay “Nhạc sư Vĩnh Bảo, ‘báu vật sống’ của nghệ thuật đờn ca tài tử” của Anh Kiệt để chúng ta cùng hãnh diễn vì bộ môn cải lương những giai nhân, tài tử cải lương là tiếng nói bất khuất của dân tộc Việt trước đà xâm lăng văn hóa của Trung Hoa và Pháp thời bấy giờ.

Nghệ sĩ Năm Phỉ có giọng ca thiên phú và tài diễn xuất độc đáo với nhiều vai diễn trong các vở “Phụng Nghi Đình,” “Xử Án Bàng Quý Phi,” “Lan và Điệp,” “Tơ Vương Đến Thác,” “Tứ Đổ Tường”… (Hình Phụ Nữ Việt Nam)
Vẻ đẹp của nghệ sĩ Thanh Nga một thời khuynh đảo khán giả Sài Thành. Hơn 20 năm hoạt động nghệ thuật, tên tuổi Thanh Nga gắn liền với nhiều vở cải lương gây tiếng vang như “Tiếng Trống Mê Linh,” “Nửa Đời Hương Phấn,” “Bên Cầu Dệt Lụa.” (Hình: Ðinh Tiến Mậu/Tiền Phong)

Tám Đờn Cò sẽ kể lại tâm sự một người chồng góa vợ, một người cha, tưởng đã mất hai con trong “Tuồng cải lương năm cũ,” và như bao nhiêu tuồng tích “có hậu,” ông đã tìm lại con mình trong vòng tay gia đình.

“Dọc đường gió bụi”

Đây là mảng hết sức quê hương của Giai phẩm Xuân Người Việt Kỷ Hợi và độc giả được mời thưởng thức cái rộn rã của không khí Tết trên nhiều nẻo đường Việt Nam. Từ “Làng hoa Sa Đéc, nét đẹp đôn hậu của miền Tây” của Anh Khôi, “Tổ đình Từ Hiếu, nụ vô thường giữa vườn cô tịch” của Lê Vân, hay “Đào Nhật Tân khóc với gió Đông” của Lê Đại, hay “Xót lòng với nhà nông miệt vườn miền Tây” của Trần Tiến Dũng và “Tiết canh cua, món ‘độc’ xứ mắm Gò Công” của Vân Nguyễn…

Làng hoa Sa Ðéc. (Hình: Anh Khôi)

Nhiều lắm. Không thể nào kể hết những bài viết rộn ràng tiếng Xuân với nội dung phong phú, ăm ắp kỷ niệm ngày Tết dạo nào.

“Little Saigon ký sự”

Bảng hiệu Little Saigon. (Hình Ðằng-Giao)

Mảng này là một sự ngả nón cúi chào Little Saigon, quê hương mới của chúng ta và là một nỗ lực kết nối với Sài Gòn năm xưa thuở ấy trên quê hương bỏ lại. Qua bài “Little Saigon, một quê hương thu nhỏ,” Đằng-Giao tóm tắt sự hình thành của ngôi làng được hình thành bằng bàn tay, khối óc và sự quyết tâm của con dân nước Việt tha hương.

Đỗ Dzũng, trong “2018, năm thành công nhất của người Việt tại chính trường Mỹ,” sẽ cho chúng ta hãnh diện vì là người Việt, như lời kêu gọi của nhà báo Ngô Nhân Dụng trong thư chủ nhiệm “Ta Về Cho Kịp Độ Xuân Sang” ở phần đầu.

Và Thiện Lê sẽ mời mọi người cùng thưởng thức các món thịt heo qua “Đủ món ngon khắp năm châu ở Little Saigon.” Vâng, cùng với Thiện Lê, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào Little Saigon để khai Xuân với các món lạ khắp năm châu.

Giai Phẩm Người Việt Xuân Kỷ Hợi 2019 dày 352 trang, màu sắc lộng lẫy, trình bày trang nhã gồm có 52 bài viết của gần 50 tác giả, sẽ giúp độc giả ngẫm lại quá khứ, chiêm nghiệm hiện tại mà lại còn dạy dỗ thế hệ tương lai ngẩng cao mặt và thốt lên như Ngô Thời Nhiệm: “May mắn thay, sinh làm người Việt Nam!”

Nội dung Giai Phẩm Người Việt Xuân Kỷ Hợi gồm các chủ đề thú vị, độc đáo, hấp dẫn, đọc miệt mài trong dịp Tết

Và cuối cùng, đừng quên phần Tử Vi 12 con giáp, xem mình may mắn, đào hoa, hay thành công,… ra sao trong năm mới. (Đằng-Giao)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT