Thursday, March 28, 2024

‘Tết thầy’ đầu năm Mậu Tuất tại Little Saigon

Văn Lan/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – “Mồng Một Tết cha, Mồng Hai Tết mẹ, Mồng Ba Tết thầy,” câu tục ngữ của người Việt về tình thầy trò vẫn nồng thắm như xưa khi một nhóm học trò cũ tại Little Saigon đi chúc Tết thầy cô, xuất phát vào Thứ Bảy, 3 Tháng Ba (nhằm ngày 16 Tháng Giêng Âm Lịch).

Các học trò cũ ngày nào giờ tóc đã phai màu, người trẻ nhất cũng trên 60, gồm cựu học sinh các trường trung học Chu Văn An, Võ Trường Toản, và các cựu sinh viên đại học Vạn Hạnh, Văn Khoa, Luật Khoa, Sư Phạm Sài Gòn, và Đà Lạt.

Vị thầy đầu tiên đến thăm là Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ. Dù đã xin hẹn trước và chuẩn bị chu đáo, các học trò vẫn xúc động khi thấy thầy mình nhanh chóng bước ra đón tiếp, bắt tay ôm hôn thắm thiết từng người.

Giây phút vui mừng như kéo dài hơn với những lời chúc Tết thầy của cựu học sinh trung học Chu Văn An Sài Gòn trong bài thơ “Đầu Xuân Mậu Tuất Đến Thăm Thầy” do ông bà Đào Ngọc Phong sáng tác: “Năm nay Thầy đã chín lăm/ Còn năm năm nữa là trăm tuổi đời/ Đã qua bao trận đầy vơi/ ‘Ba sinh hương lửa’ nổi trôi dân mình/ Đường hầm lịch sử u minh/ Bao giờ thấy được bình minh rạng ngời/ Tôn sư trọng đạo thiếu thời/ Vẫn là ánh đuốc bên trời tha phương/ Học trò xưa vẫn nhớ trường/ Nhớ Thầy nhớ bạn tình thương đậm đà.”

Giáo Sư Phạm Thị Lệ Hương (thứ hai, trái), kế bên là Giáo Sư Phạm Vân Bằng, bên các học trò cũ đến chúc Tết. (Hình: VănLan/Người Việt)

Câu chuyện thầy trò bắt đầu rôm rả khi “ông già xuyên thế kỷ” (cách gọi thân thương của học trò để nói về Giáo Sư Sỹ) bắt đầu với những câu chuyện kể. Cả nhóm hết sức ngạc nhiên về trí nhớ tuyệt vời của thầy khi trả lời những câu hỏi của học trò, giảng giải từng câu cho thư ký ghi chép cẩn thận từng chi tiết, như bài thơ trào phúng của cụ Tú Mỡ, nhạc phụ của Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ, viết về chiếc xe “bình bịch” (loại xe hai bánh gắn máy thời đó), hoặc giải thích vì sao ông có bút hiệu Tô Giang Khách, bút hiệu đầu tiên khi ông tập tành viết văn, để nhớ về dòng sông Tô Lịch chảy ngang đầu làng Cót còn có tên là làng Hạ Yên Quyết, ghi trong giấy khai sinh nơi ông chào đời 95 năm về trước. Hoặc nói về bài thơ nhạc phụ ông viết để nhớ nhạc mẫu lúc qua đời, có hai câu kết thật cảm động: “Việc đời còn dỡ chút thôi. Một vài năm nữa lại tôi với bà.”

Chào tạm biệt giáo sư, phái đoàn đến chúc Tết Giáo Sư Hà Dương Dực, dạy môn kế toán Mỹ tại Đại Học Vạn Hạnh và Võ Bị Đà Lạt. Thầy cô thật vui khi kể chuyện tâm tình mấy mươi năm trước, về chuyện người nội tướng ở nhà khi thầy còn trẻ, giúp thầy rất nhiều trong cuộc sống để thầy thực hiện nhiều đề tài tâm huyết cho việc cải tổ đất nước, tiếp nối theo con đường mà thân phụ thầy là cụ Hà Dương Bưu, tổng giám đốc Bộ Kinh Tế thời VNCH, đã vạch ra.

Đến thăm Giáo Sư Phạm Cao Dương, vị thầy khả kính của các thế hệ học trò trung học Võ Trường Toản, Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, và Đại Học Vạn Hạnh. Vẫn phong độ như ngày nào, nét tinh anh và dáng đi khỏe mạnh, thầy bắt tay chúc năm mới từng người. Thầy dặn dò nên giữ tinh thần “Duy Tuệ Thị Nghiệp” trong tinh thần của từng người, ráng giữ gìn sức khỏe cho lần họp đại hội Vạn Hạnh sắp tới.

Giáo Sư Phạm Cao Dương (thứ ba, trái, ngồi) bên các học trò. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Chuyến đi chúc Tết hoàn tất khi đến thăm Giáo Sư Phạm Vân Bằng, là phu nhân cựu chánh án Nguyễn Trọng Nho, cô dạy khoa Anh Ngữ, và Giáo Sư Phạm Thị Lệ Hương, dạy khoa Khoa Học Xã Hội, Đại Học Vạn Hạnh, với nhiều chuyện kể thật vui trong đời học trò và làm thầy.

Nhìn những bức tranh trắng đen treo trên tường, cô Lệ Hương giải thích rằng đó là bộ ảnh “Suối Tóc” của cố nhiếp ảnh gia Phạm Văn Mùi, thân phụ cô Phạm Vân Bằng, và điều thú vị nữa là cô Vân Bằng và cô Lệ Hương là hai chị em “có cùng một ông nội,” cô Lệ Hương vui vẻ cho biết.

Câu chuyện vui rôm rả hơn nữa bên bàn tiệc đầu năm do cô Lệ Hương khoản đãi, quanh tiếng chúc tụng cụng ly năm mới.

Điều cảm động nhất là trước đó, một nhóm cựu sinh viên đã đến viếng mộ, thắp hương cho cố Giáo Sư Trần Như Tráng, khoa trưởng Khoa Học Xã Hội, Đại Học Vạn Hạnh, và phu nhân, như tấm lòng tưởng nhớ đến thầy, đã dạy dỗ bao khóa học trò thành người.

“Năm nay đi chúc Tết thầy cô, mình đã già mà thấy thầy cô càng thương hơn, tuổi phong sương đã đến lúc nào ai biết được! Thôi thì cứ giữ lệ chúc Tết thầy cô, như một truyền thống Việt lâu đời, nhất là ở Mỹ càng cần phải làm gương cho các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở đây,” ông Bùi Quốc Cường, cựu sinh viên Đại Học Vạn Hạnh, nói. (Văn Lan)

Ngoại trưởng Tillerson cho biết “nói chuyện” nhưng không “thương thảo” với Bắc Hàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT