Thursday, April 25, 2024

Thăm Bức Tường Đá Đen ‘lưu động’ nhân Tháng Tư Đen

Đỗ Dzũng/Người Việt

COSTA MESA, California (NV) – Thực ra đây chỉ là bản sao của Bức Tường Đá Đen (Vietnam War Memorial) ở Washington, DC, nhưng về kích thước, Bức Tường Đá Đen (The Wall That Heals) lưu động này bằng 3/4 bức tường thật ở thủ đô Hoa Kỳ.

Trong khi bức tường thật làm bằng đá đen, “bức tường” này làm bằng nhôm, màu đen, và được đem đi triển lãm khắp nơi, nên thường được thêm chữ “lưu động” vào cho dễ hiểu.

Chúng tôi có mặt tại công viên Balearic Park, Costa Mesa, California, lúc 10 giờ sáng Thứ Bảy, 13 Tháng Tư, nhân dịp lễ vinh danh cựu chiến binh Mỹ và khai trương triển lãm bức tường, cùng một viện bảo tàng di động, như là một trung tâm giáo dục, nói về cuộc chiến Việt Nam.

Kể từ khi cuộc chiến chấm dứt, cứ mỗi độ Tháng Tư về, người Việt tị nạn thường nhắc đến Tháng Tư Đen, và ngày nay, nó là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất mỗi Tháng Tư, nhất là khi các cấp chính quyền ở Hoa Kỳ, những nơi có cộng đồng người Việt cư ngụ, thường thông qua nghị quyết tưởng niệm Tháng Tư Đen.

Buổi lễ do Vietnam Veterans Memorial Fund (VVMF), một tổ chức bất vụ lợi, đứng ra tổ chức.

Ông Robert Hynes, từng tham chiến ở Việt Nam, đứng tại viện bảo tàng di động. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

VVMF cũng là tổ chức gây quỹ xây dựng Bức Tường Đá Đen tọa lạc trong National Mall năm 1982.

Sau phần giới thiệu của ông Dwight Hanson, thành viên Hội Đồng Quản Trị VVMF, là phần trình diễn nhạc của nhóm Surf City Singers thuộc Huntington Beach Academy for the Performing Arts, vinh danh những người hy sinh cho nước Mỹ, được hàng trăm người, bao gồm cựu chiến binh và thân nhân những người hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam, vỗ tay tán thưởng.

Kế đến là lời phát biểu của Thiếu Tướng Không Quân William J. Mall, người từng tham chiến ở Việt Nam, khen ngợi sự hy sinh của những đồng đội có tên trên bức tường, nhưng vẫn còn thắc mắc sự chính nghĩa của họ khi tham chiến.

“Khi nhìn thấy bức tường lần đầu tiên ở Washington, DC, thú thật là tôi không hài lòng tí nào, vì nó không giống các tượng đài khác, nhưng không ngờ đây lại là một trong những nơi có nhiều người viếng thăm nhất ở thủ đô,” ông Mall chia sẻ. “Điều này cho thấy, sự hy sinh của những người lính cuối cùng được trân trọng.”

Ông Luck Patterson chỉ vào tên anh trai trên bức tường, Thiếu Úy James Kelly Patterson, vẫn còn bị mất tích. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Ông nói thêm: “Tuy vậy, những gì xảy ra sau khi cuộc chiến gần kết thúc – sự phản kháng của công luận – là điều tôi hoàn toàn không hiểu được.”

“Tôi hy vọng bức tường này sẽ xóa tan tất cả những gì xảy ra đối với những người lính sau cuộc chiến. Và tôi hy vọng điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa,” người cựu chiến binh cuộc chiến Việt Nam kết luận.

Khi được hỏi suy nghĩ gì về cuộc chiến xảy ra cách đây gần nửa thế kỷ, ông Robert Hynes, cư dân Orange, người từng tình nguyện sang Việt Nam từ năm 1966 đến năm 1967, nói ông có “cảm giác lẫn lộn,” cho tới ngày nay.

“Tôi may mắn trở về. Sau đó, tôi biết có nhiều đồng đội của tôi không bao giờ trở về nữa. Cảm giác của tôi lúc đó, và cho tới bây giờ, vẫn còn lẫn lộn, không biết là vui hay buồn,” ông Hynes nói với nhật báo Người Việt. “Lúc đó, tôi là ‘crew chief,’ chỉ ngồi trên máy bay CH-47 Chinook, mỗi ngày bay khoảng 4 tiếng, đến nhiều nơi như Phú Lợi, Biên Hòa, Sóc Trăng,…có lẽ vì vậy mà tôi sống sót.”

Sau khi phần khai mạc chấm dứt, mọi người ùa ra bức tường để xem tên người thân và bạn bè mình khắc trên đó.

Nhiều người để những bó hoa, một cành hoa, một tấm hình, hoặc một trang giấy có hình người hy sinh hoặc mất tích, với một ít lai lịch của người đó.

Một số người cầm bút chì và tấm “brochure,” cà tên người thân của mình trên bức tường vào đó, mang về làm kỷ niệm.

Một người cầm bút chì và tấm “brochure,” cà tên người thân của mình trên bức tường vào đó, mang về làm kỷ niệm. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Bức tường dài 375 foot, bao gồm 144 miếng nhôm màu đen. Bức tường có hai phần, nối nhau ở chỗ nhọn cao nhất, 7.5 foot, có tên của 58,000 binh sĩ Mỹ hy sinh hoặc mất tích tại Việt Nam.

Cũng giống như Bức Tường Đá Đen ở Washington, DC, tên của những người hy sinh hoặc mất tích được khắc thứ tự theo ngày đầu tiên có lính Mỹ hy sinh, và theo thứ tự mẫu tự trong mỗi ngày, bắt đầu từ chỗ cao nhất của bức tường bên phải, gọi là East Wall, và kéo dài tới chỗ thấp nhất ở phía cuối, rồi tiếp tục ở chỗ thấp nhất ở phía cuối của bức tường bên trái, gọi là West Wall, và tiếp tục tới chỗ cao nhất, giáp với chỗ bắt đầu.

Người hy sinh có hình thoi kế bên, người mất tích có chữ thập kế bên.

Mỗi khi một ai đó mất tích được tìm thấy hài cốt, thì chữ thập được đổi thành hình thoi.

Trên bức tường, vẫn còn khoảng 1,600 tên có chữ thập bên cạnh.

Ông Luck Patterson, từng là Thủy Quân Lục Chiến tham chiến ở Việt Nam, hiện cư ngụ tại Laguna Beach, là một trong những người để tấm hình của người anh của ông, Thiếu Úy James Kelly Patterson, có tên trên bức tường và có chữ thập kế bên.

“Anh tôi lái chiến đấu cơ A-6, bị bắn rơi ở Hòa Bình ngày 22 Tháng Năm, 1967. Tôi nghe nói anh còn sống ba ngày sau đó, và tới nay vẫn còn mất tích,” ông Luck kể. “Năm 1995, tôi có về Hòa Bình, đến nơi máy bay anh tôi bị bắn rơi, nhưng không tìm được gì cả.”

“Mặc dù hy vọng rất nhỏ nhoi, tôi tin anh tôi có thể còn sống, và có thể bị đưa qua Moscow, Nga, vào thời đó, để người Nga khai thác kỹ thuật của Mỹ. Có một số bằng chứng làm tôi tin như vậy. Tôi vẫn còn hy vọng, mặc dù rất nhỏ nhoi.”

Tại buổi lễ, ban tổ chức có vinh danh một phụ nữ, tên là Elaine Roach, cư dân Orange.

Cha của bà là Thiếu Úy Harold S. Roach Jr., hy sinh ngày 2 Tháng Mười, 1964 tại Việt Nam.

Con trai bà là Binh Nhất Joel K. Brattain, hy sinh tại Iraq năm 2004.

Ông Hanson nói: “Đây là một gia đình, ông ngoại và cháu ngoại đều hy sinh cho đất nước. Sự kiện này nói lên một điều, cho đến ngày nay, cho dù người Mỹ nghĩ đến cuộc chiến Việt Nam ra sao, vẫn có những thế hệ tiếp nối cha anh bảo vệ cuộc sống chúng ta.”

Có mặt tại buổi lễ là một nhân viên cứu hỏa Costa Mesa, ông Fred McDowell, mặc bộ quân phục, đeo súng trường, đeo lựu đạn, đội nón sắt… có phù hiệu Nhảy Dù trên vai bên trái.

Ông là một nhạc sĩ thổi kèn trumpet, và là thành viên đội nghi lễ của Sở Cứu Hỏa Costa Mesa.

Ông Fred McDowell thổi kèn trumpet tưởng niệm những người hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

“Ông nội tôi từng tham dự Thế Chiến 2, tôi sinh năm 1968, vào thời điểm cuộc chiến Việt Nam khốc liệt nhất,” ông Fred nói. “Tôi thường sưu tầm kỷ vật chiến tranh, và tôi chú ý đến cuộc chiến Việt Nam rất nhiều. Hôm nay tôi đến đây thổi kèn để tưởng niệm những người hy sinh trong cuộc chiến xảy ra vào lúc tôi ra đời.”

Cuộc triển lãm “The Wall That Heals” sẽ chấm dứt vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, 14 Tháng Tư, với một lễ bế mạc, có phần phát biểu của Trung Sĩ Thủy Quân Lục Chiến Frank Orzio, từng tham chiến tại Việt Nam và được thưởng Chiến Thương Bội Tinh (Purple Heart).

Sau đó, bức tường lưu động và viện bảo tàng sẽ lên đường sang tiểu bang Oklahoma, ông Hanson cho biết.

Theo VVMF, sau khi hoàn tất Bức Tường Đá Đen ở Washington, DC, năm 1982, nhiều người cảm thấy không phải ai cũng có cơ hội đến đây thăm viếng.

Thế là VVMF làm bức tường lưu động, hoàn tất năm 1996, và đem đến các thành phố ở Mỹ để mọi người “thăm viếng.”

Cho tới nay, bức tường này được đưa đến hơn 500 cộng đồng. Năm 1999, nó được đưa tới Ireland, và năm 2005, được đưa tới Canada.

Riêng trong năm 2018, có hơn 400,000 người thăm bức tường này.

Mục đích của bức tường lưu động này, như lời ông Jim Knotts, tổng giám đốc VVMF, nói, là “hy vọng nó tạo ra một cơ hội để cả cộng đồng hàn gắn và học hỏi ảnh hưởng của cuộc chiến Việt Nam đối với nước Mỹ.” (Đỗ Dzũng)

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Thăm Bức Tường Đá Đen ‘lưu động’ nhân Tháng Tư Đen

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT