Thursday, March 28, 2024

Ngày Thanksgiving kể chuyện thi quốc tịch Mỹ

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER (NV) – Trong khi nhiều người hội nhập vào văn hóa Mỹ, xem ngày Thanksgiving như một kiểu ngày Tết cổ truyền, để nhớ về ông bà, cha mẹ, để các đứa con xa tìm về mái nhà xưa, thì nhiều di dân gốc Việt lại cũng muốn nhân ngày này, nói lời cám ơn với đất nước đã giang rộng vòng tay đón nhận mình, bất chấp thân phận, màu da, tôn giáo.

Tâm tình đó được gửi gắm khá nhiều trong những mẩu chuyện “đi thi vào quốc tịch Hoa Kỳ.”

Tạ ơn Trời, tôi đậu…

Một trong những người không tắt được nụ cười tủm tỉm trên môi suốt hai ngày nay là ông Toàn Nguyễn.

Bởi vì, sau “5 năm, 2 tháng, 26 ngày” đặt chân đến Mỹ, ông Toàn hoàn thành vòng thi “cam go” để có thêm điều kiện chính thức trở thành công dân Hoa Kỳ “một cách ngoạn mục” vào sáng Thứ Ba vừa rồi.

Ông Toàn Nguyễn có thể được xem là đại diện cho nhiều người Việt đang sống tại Hoa Kỳ nhưng lại không có mấy “cơ hội” được sử dụng tiếng Anh. Ðơn giản thôi. Sống ngay trong cộng đồng người Việt ở Little Saigon; đi chợ Việt, ăn cơm Việt, lằm sở Việt – Báo Người Việt, đồng nghiệp Việt, vợ Việt, con Việt, bạn Việt, bác sĩ Việt. Cái gì cũng Việt, thì tiếng Anh chỉ dành để dùng lúc… đi thi quốc tịch.

Và cũng chính vì vậy mà niềm vui đậu kỳ thi này của những người như ông Toàn Nguyễn, người bị khiếm thính, lại được nhân lên gấp nhiều lần.

Từ hơn 3 tháng qua, nhiều đồng nghiệp của ông Toàn cứ thấy ông hay lân la hỏi chuyện thi quốc tịch có gì khó, điền hồ sơ làm sao, vô thi họ hỏi thế nào, không biết tiếng Anh thì họ nói làm sao mình hiểu, lỡ họ hỏi “có tham gia khủng bố không?” mà trả lời “Yes” thì coi như toi mạng còn gì.

Ông lo lắm. Càng lo, ông càng… quyết tâm học thuộc bài.

“Tui thuộc bài như cháo. Học từ hồi tháng 8 đến giờ làm sao mà không thuộc!” Ông Toàn nói một cách đầy tự hào.

Nhưng với người giỏi tiếng Anh nói đâu hiểu đó thì người ta học kiểu khác.

Còn ông Toàn “nói tiếng Mỹ phải nặn từng chữ” thì có cách học tủ của riêng mình.

“Cứ câu nào mà nghe bắt đầu bằng chữ ‘Do you… ‘ thì mình trả lời ‘Yes’, câu nào ‘Have you ever… ‘ thì sẽ nói ‘No.’ Ðó, mấy câu trong cái đơn N.400 tui học như vậy đó.” Người đàn ông ngoài 60, dáng người nhỏ nhắn nhưng có lối nói chuyện rất dí dỏm, khôi hài, truyền “kinh nghiệm.”

Học thuộc bài không chưa yên tâm, ông còn nhờ đồng nghiệp dạy thêm những câu tiếng Anh “tuyệt chiêu” mà ông sẽ dùng trong lúc “hữu sự.”

Gia đình ông Toàn đi thi cả thảy 4 người, hai vợ chồng ông và hai cậu con trai đang học đại học.

Dù không ít lần ông Toàn “cũng răn đe nhắc nhở hai thằng con lo mà học bài, không thôi tốn hơn $600 tiền lệ phí của tao,” nhưng ông tin chắc là con ông sẽ đậu dễ dàng. Chỉ có ông và bà vợ thì lo lắng lắm (mà nghe những người thi trước bị rớt về ‘hù’ thì lại càng lo, càng quỷnh, nhất là vợ ông).

Nhưng lo gì thì lo, giờ ông đã “oanh oanh liệt liệt” đậu rồi, nên ông có thể kể lại chuyện giây phút vào thi nghe mà muốn đau bụng vì… cười.

***

Toan Nguyen - nhân viên nhật Báo Người Việt kể chuyện thi quốc tịch nhân dịp lễ tạ ơn Thanksgiving
Ông Toàn Nguyễn nay thấy “nhẹ bâng” vì đã thi đậu kỳ thi vào quốc tịch Hoa Kỳ. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

“Ông giám khảo người Mễ gọi tôi vô đầu tiên. Ổng giơ tay phải lên, tui giơ lên theo và lặp lại lời thề sẽ nói thật theo ổng. Tui nói xong, thấy tay phải ổng cũng còn giơ lên, tay trái thì ổng móc cái điện thoại ra áp vào lỗ tai nghe. Tui tưởng ổng muốn thu âm lời tui thề, thế là tui lặp lại một lần nữa, mà tui nói lớn lắm (người lãng tai vẫn thường như thế)! Ðến khi nghe tiếng ổng nói ‘A-lô’ và tay phải ra hiệu cho tui nói nhỏ nhỏ lại thì tui mới biết ổng có điện thoại gọi tới!” Ông Toàn kể.

Chờ cho giám khảo nói điện thoại xong, “thí sinh” Toàn Nguyễn bắt đầu nói thật lớn và chậm rãi từng chữ, cùng với sự trợ giúp của hai tay chỉ vào lỗ tai, “Ai hei-vơ tu hia-rinh ét, bất quan ốp tu nô quớt. Tui nó là tui phải mang máy điếc nhưng mà một bên nó bị hư rồi. Ông phải nói lớn lớn lên. Cuốc du xờ-pít lau-ly? Tui nói đại như vậy mà ổng chắc cũng hiểu. Ổng cười, ổng gật gật đầu.” Ông Toàn tủm tỉm vừa cười vừa kể lại.

Giám khảo mời ông Toàn ngồi xuống và bắt đầu hỏi vào phần nội dung “100 câu” ngay.

“Ổng hỏi tui câu số 1 tổng thống đầu tiên của Mỹ là ai. Tui biết câu trả lời rồi nhưng mà không trả lời ngay mà tui chồm lên để nhìn tiếp câu 2, câu 3. Rồi mới trả lời câu 1. Ổng ghi câu trả lời của tui xuống. Trong lúc ổng ghi thì tay ổng che tờ giấy rồi. Tui phải nghiêng qua một bên để nhìn mấy câu hỏi tiếp theo. Ổng thấy tui lắc qua, ổng cũng lắc qua. Tui lắc lại bên này, ông cũng lắc lại bên này. Khi tui ngó lên thì tui thấy ổng nhìn tui cười. Chắc ổng biết tui nhìn đề nên ổng chọc tui nhưng cũng là để cho tui coi.” “Thí sinh ma lanh” này tỉnh bơ kể lại.

“Tại sao lại phải nhìn câu hỏi trong khi thuộc bài?” – “Thuộc hết chứ nhưng mà cứ sợ ổng nói nhanh quá mình không nghe được trả lời sai làm sao. Nhìn vô mặt chữ dễ hơn, biết chắc chắn ổng nói cái gì.” Thì ra lý do “nhìn trộm” đề thi là như vậy.

Chưa hết. Câu trả lời nào ông Toàn cũng nói như “gào lên”, “nói lớn lắm.” – “Ðể chi vậy?” – “Thì để ổng nghe cho rõ.”

Ông Toàn nói như giễu, “Tui nói lớn đến nỗi mấy bà giám khảo ở những phòng gần đó phải bước ra nhìn luôn mà. Bởi vì tui thấy mắt ông giám khảo nhìn ra ngoài cười. Tui ngoái đầu ra sau theo hướng ổng nhìn thì thấy mấy bà đứng ngoài đó nhìn vô cười. Ông ra hiệu cho tui nói nhỏ nhỏ lại.”

Giống như bao nhiêu thí sinh khác. Chỉ cần trả lời đúng 7 câu thì xem như đậu phần đó rồi. Sau phần thi “lịch sử nước Mỹ và nghe-nói-đọc-viết” xong thì chuyển qua phần ông Toàn Nguyễn được hỏi về lý lịch cá nhân.

“Ổng hỏi tiếng Anh của vợ tui như thế nào, con tui tên gì. Sau đó ổng đưa giấy chúc mừng là tui đậu rồi. Tui cám ơn ổng rồi nói thêm là tui lo cho vợ tui. Ổng nói yên tâm, đừng lo. Ông giám khảo vui lắm. Mà đúng là cuối cùng ổng cũng là giám khảo của vợ và hai thằng con tui. Mọi người đậu hết.” Ông Toàn cười bởi “giờ thì nhẹ bâng luôn.”

***

Chị Cathy Nguyễn, một thợ làm móng tay ở Long Beach, nhớ lại chuyện thi quốc tịch như một trong những chuyện vui nhất trong đời: “Tôi đâu có biết tiếng Anh đâu, chỉ bập bẹ thôi. Cũng học bài thuộc như cháo nhưng vô thi run thì cũng run. Nhớ ông giám khảo đọc câu hỏi xong, mình chưa kịp trả lời thì thấy tay ổng đã chỉ luôn vào câu trả lời có in sẵn rồi. Chắc ổng sợ mình không biết. Ði thi lo thì nhiều, cả tháng trời tôi mất ăn mất ngủ, cứ sợ rớt thì làm sao, cũng quê lắm chứ. Nhưng mà công nhận là giám khảo dễ quá! Họ muốn mình đậu, không có làm khó.”

Bà Phương Trần, ngoài 70 tuổi, đang sống ở Garden Grove, kể một cách “giận dỗi”: “Tôi được thi bằng tiếng Việt. Tui học bài quá trời luôn. Nhưng đến khi vô thi, ông giám khảo chỉ hỏi ‘Bà có ủng hộ khủng bố không?’, tui trả lời ‘Không. Ai mà ủng hộ tụi khủng bố.’ Rồi ổng hỏi, ‘Bà có muốn trở thành công dân Mỹ không?’ Hỏi vậy mà cũng hỏi, phải trả lời là ‘Có.’ Vậy là xong. Ổng chúc mừng tôi đậu rồi. Tui chưng hửng. Sao mà đơn giản mà nhanh dữ vậy. Ổng hông thèm hỏi mình một câu làm thuốc để biết là mình có học bài! Tức ghê.”

Anh Calvin Ðỗ, một người sống gần 15 năm ở Mỹ, hiện là cư dân thành phố Westminster, nêu nhận xét, “Phải nói ngay một điều rằng, các giám khảo thi quốc tịch ở Mỹ rất là dễ thương. Mình nhìn thấy rõ ràng là họ tạo mọi thuận lợi, mọi điều kiện để người di dân đậu vòng thi, để trở thành công dân Hoa Kỳ, chứ không như nhiều quốc gia khác, nó hành người ta dã man luôn.”

Lễ Tạ Ơn này, ông Toàn Nguyễn, người vừa đậu thi vào quốc tịch Mỹ, bảo “Phải ăn lớn!”

Ông Toàn nói sang sảng, “Mọi năm nhà tui ăn vịt, nhưng năm nay đậu quốc tịch rồi phải ăn gà tây cho giống Mỹ.”

“Nhưng mà có thêm món bánh canh với giò cháo quảy nữa. Phải vừa Mỹ vừa Việt, chứ Mỹ không chịu không nổi!” Người vừa đậu quốc tịch Mỹ cười giòn giã.

Cám ơn những vị giám khảo đã cho người di dân những cơ hội đầu tiên để trở thành một công dân của đất nước Cờ Hoa này.

Happy Thanksgiving.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT