Friday, March 29, 2024

‘Thời Niên Thiếu’: Đặc sắc, trẻ trung, đậm chất văn hóa Việt của sinh viên Cal State Fullerton

Thiện Lê/Người Việt

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Rất nhiều người, nhất là các sinh viên, đến xem chương trình “Ngày Văn Hóa Việt Nam” lần thứ 30 do Hội Sinh Viên Việt Nam của đại học Cal State Fullerton tổ chức tại Saigon Performing Arts Center hôm tối Thứ Bảy, 24 Tháng Ba.

Chương trình có tên là “Thời Niên Thiếu” và là một vở nhạc kịch có rất nhiều sự ảnh hưởng của âm nhạc thời thập niên 1980.

Sau các chương trình mở màn, anh Bryan Trương Đặng, chủ tịch của Hội Sinh Viên Việt Nam Cal State Fullerton, cho biết: “Thay mặt cho hội sinh viên, chúng tôi chào mừng quý vị đến ‘Ngày Văn Hóa Việt Nam’ lần thứ 30. Với tư cách là chủ tịch hội sinh viên, đây là một kinh nghiệm đầy ý nghĩa vì có thể tuyên truyền văn hóa Việt cho thế hệ trẻ. Chúng tôi sẽ ca hát, nhảy múa và diễn kịch để cho mọi người thấy được văn hóa Việt.”

(Từ trái) Anh Bryan Trương Đặng, chủ tịch hội sinh viên Việt Nam Cal State Fullerton, Anh Minh Quân Nguyễn, MC và phó chủ tịch hội sinh viên, và anh Marvin Phạm, đạo diễn của chương trình. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

“Niềm vui của tôi là được thấy sự cố gắng của hội sinh viên thành công và trở thành buổi diễn hàng năm và tối hôm nay. Tôi không thể nào bày tỏ được hết sự biết ơn của mình đối với các thành viên của hội sinh viên và các cố vấn của đại học Cal State Fullerton,” anh Bryan cho biết thêm.

Anh Marvin Phạm, đạo diễn của chương trình, cho biết: “Tôi cảm thấy rất may mắn vì có cơ hội làm đạo diễn cho chương trình ‘Ngày Văn Hóa Việt’ lần thứ 30 này. Tôi và tất cả mọi đạo diễn trước tôi đều được giao nhiệm vụ tuyên truyền văn hóa và kinh nghiệm của người Mỹ gốc Việt chỉ trong vòng một đêm.”

Về lý do tại sao anh chọn thập niên 80 làm chủ đề cho vở kịch, anh Marvin cho biết đây là những năm đầu tiên tại Hoa Kỳ cha mẹ của anh phải trải qua khi rời Việt Nam. Anh rất tò mò về cuộc sống thời niên thiếu của cha mẹ mình và muốn đưa những điều này lên sân khấu.

Cuộc gặp gỡ của Danie (Triangle Ramos, phải)l và Liên (Shelly Nguyễn). (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Theo anh, không có thời nào có âm nhạc đặc sắc như thập niên 80, nên anh muốn dùng âm nhạc của thời này này để nói lên câu chuyện về những người Việt Nam có mặt ở Mỹ vào những năm này bằng vở kịch đậm chất thập niên 80. Đây là một vở kịch thuộc thể loại “Movement Musical” tức là vừa đóng kịch bình thường, vừa có nhảy múa.

Còn anh Minh Quân Nguyễn, phó chủ tịch hội sinh viên Việt Nam của Cal State Fullerton, cũng là người dẫn chương trình cùng với cô Emily Đỗ, chào mừng và cám ơn các khán giả có mặt tại Saigon Performing Arts Center để ủng hộ cho chương trình.

Vở kịch “Years in Youth” hay “Thời Niên Thiếu” nói về câu chuyện của hai nhân vật nữ chính là Liên và Phương, do hai cô Shelly Nguyễn và Jennifer Lâm đóng, có bối cảnh là những năm 1980. Liên và Phương đến Mỹ vào thập niên 80, sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt.

Màn múa quạt trong đoạn cuối của vở kịch. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Hai nhân vật là bạn thân của nhau khi còn sống ở Việt Nam. Phương đã đến Mỹ được hơn một năm rồi gặp lại Liên ở trung học Eastminster High. Hai nhân vật này vì nhớ văn hóa Việt nên muốn lập ra câu lạc bộ người Việt ở trường. Tuy gặp được thêm hai nhân vật người Việt Nam nữa là Huy và Quân, do Justin Trần và Jared Yen đóng, nhưng câu lạc bộ này không có ai ghi danh tham gia.

Vở kịch nói lên nỗi nhớ nhà và sự khủng hoảng văn hóa của những người Việt lúc mới qua Mỹ vào ở những năm 1980 khi phải bỏ lại đất nước và văn hóa quê hương.

Phương quyết định cùng ba người bạn tham gia cuộc thi năng khiếu của trường bằng một màn múa truyền thống của Việt Nam vì Liên từng là một vũ công rất giỏi. Tuy nhiên, các thành viên của câu lạc bộ người Việt rất lo sợ là sẽ không ai thèm ủng hộ văn hóa Việt, vì họ đang ở một đất nước khác chứ không phải ở quê nhà. Ngoài ra, câu lạc bộ nhảy nhạc hip-hop sẽ diễn trước họ và đây là câu lạc bộ nổi tiếng nhất của trường Eastminster High.

Liên là người phụ trách vũ đạo cho màn múa truyền thống. Trong lúc đang tập luyện, Liên gặp Daniel, đội trưởng của nhóm nhảy hip-hop do Triangel Ramos đóng. Liên bị thu hút bởi điệu nhảy này nên phải nói dối các bạn người Việt của mình để tham gia nhóm nhảy dưới sự động viên của Daniel.

Đạo diễn Marvin Phạm cũng tham gia nhảy. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Liên trở nên tự tin hơn, học được nhiều điều về nước Mỹ từ nhóm nhảy hip-hop, và cô quên đi công việc vũ đạo cho màn múa truyền thống của câu lạc bộ người Việt. Phương và các bạn phát hiện Liên nói dối để tham gia nhóm nhảy. Thế là giữa họ xảy ra cuộc tranh cãi về văn hóa Việt.

Liên cho rằng các bạn mình, nhất là Phương, phải bỏ văn hóa Việt đi vì họ đang ở một quốc gia khác, đất nước của họ đã mất và những gì họ từng biết không còn nữa.

Sau bao nhiêu tranh cãi, hai nhân vật chính làm hòa với nhau và hợp tác với nhóm nhảy hip-hop của trường để làm một màn trình diễn độc đáo vì có sự pha trộn giữa múa truyền thống Việt Nam và kiểu nhảy hiện đại.

Tuy chuyên chở một chủ đề được xem là “khá nặng,” nhưng vở kịch “Thời Niên Thiếu” không làm cho khán giả cảm thấy “ngột ngạt, nặng nề” vì cách diễn của các diễn viên rất trẻ trung, hài hước, một phần là nhờ vào giọng nói “tiếng bồi” của nhân vật Huy. Cách dẫn chương trình vui nhộn của hai MC Minh Quân Nguyễn và Emily Đỗ cũng góp phần làm “nhẹ” vở kịch.

Trong suốt vở kịch, các nhân vật từ muốn giữ gìn văn hóa Việt Nam, sợ văn hóa nước ngoài, trở nên tự tin hơn, tiếp thu được văn hóa Mỹ và muốn tìm cách cho người Mỹ biết được văn hóa Việt ra sao. Huy từ không biết nói tiếng Anh, đến cuối vở kịch thì nói được vài câu lắp bắp. Quân thì thiếu tự tin, không dám nói chuyện với ai, đến cuối vở kịch thì đi hẹn hò với nữ sinh Jessica đẹp nhất trường.

Toàn thể hội sinh viên Việt Nam của Cal State Fullerton và những người đã đóng góp cho chương trình. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Phải nói đây là một vở kịch rất đặc sắc, đậm chất văn hóa Việt và thể hiện được những khó khăn của những người Việt trẻ tị nạn ở Mỹ thời thập niên 80. Không chỉ như vậy, “Thời Niên Thiếu” còn mang đậm tính chất trao đổi văn hóa, khi truyền tải thông điệp: chỉ có người Việt phải học văn hóa Mỹ, mà người Mỹ cũng phải biết văn hóa Việt.

Khán giả ngồi kín hết ghế của rạp cho đến phút cuối đủ cho thấy sự thành công của chương trình. Đây quả thật là một buổi trình diễn đầy ấn tượng của những sinh viên người Mỹ gốc Việt tại Orange County. (Thiện Lê)

Cảnh sát Orange County công bố lịch thả tù nhân trên mạng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT