Tuesday, April 16, 2024

Thư Viện Việt Nam ở Little Saigon tròn 18 tuổi

Quốc Dũng/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Thư Viện Việt Nam ở Garden Grove vừa tổ chức sinh nhật tuổi 18 hôm Thứ Bảy, 10 Tháng Chín. Không chỉ là nơi lưu giữ hầu hết những tài liệu lịch sử, văn hóa Việt Nam, nhất là của miền Nam Việt Nam, thư viện còn là nơi để “Hội đoàn nào không có tiền, tới đây cũng sinh hoạt được. Đó là nguyện ước chung của những người sáng lập,” nhà báo Du Miên, một sáng lập viên, chia sẻ.

Nói đến Thư Viện Việt Nam là nói đến công lao và tâm huyết của một số nhân sĩ trí thức trong cộng đồng người Việt ở Nam California, đó là Giáo Sư Trần Lam Giang, nhà báo Du Miên, nhà văn Nguyễn Ðức Lập, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, Bác Sĩ Võ Trọng Di.

Nhớ đến những người cùng sáng lập, nhà báo Du Miên nói: “Anh Trầm Tử Thiêng thì anh thấy bên này không vui nên anh qua bên kia sống vui hơn. Anh đi trước hết, năm 1999, khi thư viện mở ra được mấy tháng. Mới đây, hồi cuối Tháng Hai, ở dưới đó thiếu người viết văn nên anh Nguyễn Đức Lập xuống cùng với anh Trầm Tử Thiêng làm một thư viện ở dưới.”

Mọi người nghe thì cười, nhưng trong lòng ai nấy đều thương tiếc đến người đã khuất.

“Khi chúng tôi làm thư viện này, không biết anh Bùi Đắc Danh là ai, vậy mà tới giờ phút này ngày nào anh cũng mở cửa thư viện. Không có anh chắc thư viện… chết lâu rồi! Cũng như nếu không có anh Vũ Long Sơn Hải thì chúng tôi không có phòng hội này. Anh cùng một số bạn hữu đã bỏ tiền, bỏ công làm thành phòng hội này để mọi người có nơi sinh hoạt,” ông nói thêm.

Cùng là người sáng lập, Bác Sĩ Võ Trọng Di nói: “Bây giờ ở Việt Nam thì biển không còn gì nữa, rừng cây chết, ruộng miền Nam bị hủy hoại… Nguy hiểm nhất là văn hóa. Khi Cộng Sản cưỡng chiếm đã đốt tất cả các loại sách. Những sách sau này có in lại thì cũng đã sửa đổi để ca tụng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Thư Viện Việt Nam cần phải lưu trữ những sách để sau này giới trẻ sẽ biết được đích thực sách của người quốc gia.”

Gắn bó lâu năm với Thư Viện Việt Nam, Giáo Sư Phạm Cao Dương nhận xét: “Thư viện là linh hồn của bất cứ tổ chức nào, dù lớn hay nhỏ. Nhất là đối với cộng đồng người Việt Nam tại hải ngoại, thư viện là nơi gìn giữ hồn của người Việt, hồn của dân tộc Việt. Vì vậy tôi rất vui, sau 18 năm thư viện không những tồn tại mà còn phát triển và hoạt động mạnh. Tuy nhiên chúng ta phải nghĩ đến chuyện trao lại cho tuổi trẻ.”

“Sau 40 năm, những người thuộc thế hệ của chúng tôi, những người sử dụng thư viện nhiều nhất để tiếp tục học hỏi, cũng như để dùng làm nguồn cho các công trình nghiên cứu của mình, chúng tôi thấy rằng thư viện là một nơi quý báu. Và đã đến lúc chúng ta phải nghĩ tới một cộng đồng Việt Nam lớn hơn, nghĩ tới một thành phần thứ hai đang thành hình tại hải ngoại này, đó là những người trẻ. Họ sẽ đóng góp vào sự phát triển trong tương lai của dân tộc Việt Nam. Thư viện sẽ là trung tâm sinh hoạt của bất cứ cộng đồng Việt Nam nào ở bất cứ địa phương nào,” giáo sư mong muốn.

“Thư Viện Việt Nam không chỉ là nơi chứa sách, đây còn là nơi tụ họp của những người còn tha thiết với văn hóa nước nhà, và của những người muốn tìm lại những gì tuổi thơ của mình. Đặc biệt, thư viện là chỗ mình muốn giữ được những gì muốn giữ. Điều mơ ước của tôi là mong muốn cộng đồng Việt Nam hải ngoại vững mạnh để quân bình với một nước Việt Nam già cỗi, mỗi một ngày một tệ hại hơn ở trong nước. Và thư viện sẽ là nơi để giới trẻ có một lý tưởng,” giáo sư nói thêm.

Mời độc giả xem thêm video: Sài Gòn còn những hàng cây rợp bóng

Bác Sĩ Võ Trọng Di cũng kêu gọi: “Chúng tôi cần những thế hệ trẻ để đóng góp và duy trì thư viện này.”

Luật Sư Dina Nguyễn, ủy viên Hội Ðồng Thủy Cục Orange County, người đã đóng góp cho Thư Viện Việt Nam mười mấy năm nay, nói: “Tiếng Việt còn thì còn văn hóa Việt Nam. Văn hóa Việt Nam còn thì còn nước Việt Nam. Tôi thấy điều này rất đúng. Và tôi thấy, thư viện là nơi rất tốt để thế hệ trẻ móc nối với nguồn gốc của mình, văn hóa của mình, và tiếng Việt của mình. Tôi nghĩ, thư viện nên kết nối với các trung tâm Việt Ngữ để cho các em đi tham quan nơi này, để các em đến đây nhiều hơn. Tôi xin tình nguyện làm việc 10 tiếng đồng hồ với thư viện, nhằm đem các thế hệ trẻ đến với thư viện.”

Nhà báo Du Miên tâm sự: “Cho đến nay, thư viện không có hệ thống tổ chức, không có gì hết, nhưng vẫn tồn tại suốt 18 năm qua, chắc có phép lạ. Thư viện này là của anh em, của cộng đồng. Tôi không bao giờ nói thư viện là của chúng tôi cả, mà là thư viện của chúng ta. Tất cả những người sáng lập đều muốn đem tấm lòng của mình ra để mong thư viện giúp ích được cho cộng đồng. Vì vậy, dù có khó khăn đến đâu, chúng ta cũng phải duy trì bằng được thư viện này.”

Và để làm được điều này, người đồng sáng lập Thư Viện Việt Nam không giấu được nét ưu tư là làm sao thư viện không chỉ là nơi có đủ chỗ chứa sách, những cổ vật quý hiếm, mà còn có đủ tiền để duy trì tiền nhà, điện nước và những phí bắt buộc khác. Ông mong được sự tiếp tay của cộng đồng người Việt khắp nơi. (QUỐC DŨNG)

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT