Thursday, March 28, 2024

Thuyết trình và hội thảo ‘Việt Nam trong thế giới biến chuyển’

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Việt Nam trong thế giới biến chuyển” là chủ đề buổi hội thảo và thuyết trình do Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Bưởi-Chu Văn An (B-CVA) tổ chức lúc 1giờ trưa Chủ Nhật, 23 Tháng Tư tại Westminster.

Đầu chương trình, trong nghi thức chào cờ và tiếng kèn truy điệu tưởng niệm ngày 30 Tháng Tư, do các MC Vũ Quốc Phong (CVA 65), Phạm Gia Đại (CVA 65), và trưởng ban nghi lễ Lê Hiến (Trừ Bị Thủ Đức) và ban hầu kỳ gồm có Tập Thể Chiến Sĩ Tây Nam Hoa Kỳ, Trừ Bị Thủ Đức, Thiếu Sinh Quân và ban chào cờ gồm cựu học sinh các trường trung học thời VNCH phụ trách.

Buổi thuyết trình và hội thảo gồm 3 đề tài: “Nhân quyền và môi trường Việt Nam: khủng hoảng và lối ra” (Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên), “Mối đe dọa mới của Cộng Sản Trung Quốc đối với Việt Nam” (Giáo Sư Trần Huy Bích), và “Việt Nam trong thế giới biến chuyển” (Giáo Sư Đỗ Quý Toàn).

Ban điều hợp hội thảo gồm các ông: Lại Quốc Ấn, Phạm Đình San, và Nguyễn Đức Năng.

Hội trưởng Hội B-CVA, ông Nguyễn Địch Hà trong lời cảm tạ quan khách và giới truyền thông, xác định lập trường không chính trị trong buổi hội thảo.

Trưởng ban tổ chức, ông Bùi Đức Uyên nói về ý nghĩa, mục đích và hình thức buổi hội thảo. Ông nói: “Có người hỏi đã 42 năm rồi sao vẫn còn chiến đấu hận thù?”

Ông cho biết: “Không phải là cuộc chiến đấu để trả hận thù, hơn nữa, những người trong cả hai phía, người bị giết và người ra tay giết trong cuộc chiến, những thế hệ đó đã chết hết rồi, thời gian cũng xóa hết hận thù rồi.”

Quang cảnh buổi hội thảo ‘Việt Nam trong thế giới biến chuyển.’ (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Quang cảnh buổi hội thảo ‘Việt Nam trong thế giới biến chuyển.’ (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nhưng “Chúng tôi vẫn chiến đấu để xây dựng lại tự do dân chủ chống lại độc tài độc đảng độc quyền; để mỗi người dân Việt Nam có quyền tự do bầu cử ứng cử; để Việt Nam toàn vẹn giang sơn, chống lại việc bán nước, khiếp nhược trước ngoại bang; để người dân Việt Nam được đối xử công bằng, chống bóc lột, cướp đất bất công; để người dân Việt Nam có quyền tham gia xây dựng đất nước hùng mạnh, phú cường, chống tụt hậu thua cả các nước nhỏ bé láng giềng; để mọi người dân Việt được hưởng thịnh vượng, chống lại giàu có ăn chơi phè phởn, thành phố hào nhoáng nhà lầu xe hơi trong khi đại đa số dân còn gian khổ, biển không có cá, đất không đủ nước; và để góp tay xây dựng một thế hệ Việt Nam mới biết lo cho đất nước, nhân bản, khai phóng và tiến bộ,” ông Uyên nói tiếp.

Chủ đề: “Nhân quyền và môi trường Việt Nam: Khủng hoảng và lối ra”

Với đề tài này, Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên trình bày, “Về nhân quyền, trong 6 tháng vừa qua, dựa theo điều 88 luật Việt Nam hiện nay, nhà cầm quyền CSVN đã gia tăng đàn áp, bắt rất nhiều nhà tranh đấu trẻ ôn hòa vì bày tỏ quan điểm trên các mạng xã hội. Vấn đề môi trường hiện nay, ngoài Formosa còn có những ô nhiễm mọi nơi, các con sông ngoài Bắc như sông Đáy tiếp tục chết, đe dọa sự sống người dân. Rồi cướp đất bất công, dân oan xảy ra khắp cả nước. Vì thể chế của CSVN không công nhận quyền tư hữu, do đó không giải quyết được các mâu thuẫn này.”

“Do đó lối ra là phải giải quyết chế độ Cộng Sản, vì nó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, phải giải quyết hệ thống chính trị là điều kiện đầu tiên, đó là do lỗi ở hệ thống chính trị, phải sửa lỗi này, như chính ông nguyễn Văn An, cựu chủ tịch quốc hội CSVN đã từng nói.”

“Nếu không giải quyết được thì chắc chắn phải xảy ra cuộc cách mạng. Lòng dân đã chín muồi, chỉ còn thời gian khi nào sụp đổ mà thôi. Nếu CSVN sụp đổ thì phải làm sao xây dựng một chế độ dân chủ pháp trị, có những định chế dân chủ vững chắc,” Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên kết luận.

Chủ đề “Mối đe dọa mới của Cộng Sản Trung Quốc đối với Việt Nam”

Chủ đề này do Giáo Sư Trần Huy Bích trình bày được dẫn chứng bằng những hình ảnh chính xác, từ việc tóm lược những mối nguy hại xưa của Trung Hoa mà mọi người đều biết.

Mối đe dọa mới của Cộng Sản Trung Quốc hiện nay là Việt Nam bị mất hết tất cả vùng biển từ trước, qua đường chín đoạn, nay chỉ còn dọc theo vùng duyên hải mà thôi.

Việt Nam hiện nay vô cùng nguy hiểm, phải đối phó với một đế quốc nham hiểm đầy tham vọng, với ưu thế kinh tế quân sự. Nếu cứ tiếp tục tình trạng này, Việt Nam không thức tỉnh thì phải mất nước. Nhưng ông hỏi chúng ta có bị mất nước không? Chỉ có toàn thể dân Việt mới trả lời được.

Bà Mỹ Hường, cựu học sinh trung học Pleiku đặt câu hỏi “Người Việt hải ngoại sẽ làm gì khi Việt Nam có dân chủ và hậu dân chủ?” (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Bà Mỹ Hường, cựu học sinh trung học Pleiku, đặt câu hỏi “Người Việt hải ngoại sẽ làm gì khi Việt Nam có dân chủ và hậu dân chủ?” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Chủ đề “Việt Nam trong thế giới biến chuyển”

Liên quan đến chủ đề này, Giáo Sư Đỗ Quý Toàn nói đến tình trạng Việt Nam hiện nay trong khung cảnh quốc tế. Ông cho thấy thế giới hiện nay đang biến chuyển, với sự xung đột khắp nơi, những biến cố xảy ra từng ngày.

Theo ông, có hai thay đổi lớn trong lịch sử thế giới dẫn đến tình trạng này đó là Kinh tế toàn cầu hóa và những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã thay đổi cách làm việc

Hai hiện tượng trênvới hậu quả không lường trước được là ở Âu Châu có phong trào đề cao quốc gia dân tộc, ở Mỹ ông Trump nói: “Nước Mỹ trên hết”, ở Anh thì tách ra khỏi EU…

Hai hiện tượng này thấy rõ nhất là các nước lớn trên thế giới ngày nay đều quay lại nhìn về bên trong, chứ không hướng ra bên ngoài nữa. Tất cả đều có hậu quả ảnh hưởng tới Việt Nam như Tổng Thống Trump đã hủy bỏ hiệp định TPP. Trong khi Việt Nam trông chờ hiệp định này để có dân chủ và khi chế độ CSVN sụp đổ thì người Việt Nam phải làm gì để xây dựng được chế độ dân chủ, xây dựng một nước tự do dân chủ thịnh vượng?

Để kết luận, Giáo Sư Đỗ Quý Toàn có vài ý kiến nhắc tới để xây dựng nền dân chủ cho Việt Nam, thứ nhất là làm sao để hạn chế quyền của những người đang nắm quyền. Ở Mỹ có khẩu hiệu “Cân bằng và kiểm soát”, tổng thống không thể lạm quyền vì có những định chế không thể vượt qua được. Vậy một khi chế độ CSVN sụp đổ phải có một hiến pháp mới để hạn chế quyền lực của người nắm quyền. Thứ hai là việc xây dựng định chế “Cân bằng và kiểm soát” có đủ để thiết lập dân chủ hay không? Việt Nam khi xây dựng chế độ dân chủ phải thiết lập định chế cân bằng kiểm soát, và bảo đảm xã hội phải có an ninh trật tự để giữ vững định chế này.

Buổi thảo luận sôi nổi với phần đặt câu hỏi và các diễn giả trả lời, với nhiều câu hỏi, băn khoăn trăn trở, qua những sự việc nóng hổi vừa xảy ra tại Việt Nam như các vụ biểu tình của dân oan, vụ Đồng Tâm dân bắt nhốt công an.

Bà Mỹ Hường, cựu học sinh trung học Pleiku, cho biết bà chỉ là người nội trợ trong nhà bếp nhưng lúc nào cũng nghĩ về đất nước Việt Nam thân yêu. Có một ngày nào đó dân chủ sẽ trở lại và nỗi khát vọng của bà là được nghe những cuộc hội thảo, bàn luận của mọi người về Việt Nam.

Câu hỏi được người phụ nữ này đặt ra, là “Người Việt hải ngoại sẽ làm gì khi Việt Nam có dân chủ và hậu dân chủ?” sẽ là câu để nhiều người cùng suy ngẫm.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Năm, ngày 27 tháng 4 năm 2017

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT