Wednesday, April 17, 2024

Tiệc Tân Niên 2019 của Hội Đồng Hương Phú Yên vui như Tết

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Không khí Tết còn thơm nức trong buổi tiệc tân niên của Hội Đồng Hương Phú Yên được tổ chức ngày 17 Tháng Hai tại Diamond Seafood Palace 3, Westminster.

Có lẽ là phụ nữ cao tuổi nhất trong bữa tiệc, bà Thọ Lê cười chân chất: “Năm nay tui 82 tuổi rồi, không còn nhớ nhiều. Tui nhớ mang máng là hồi nhỏ tui làm ruộng ở Hòa Đà, vậy thôi.”

Cử chỉ đượm tình đồng hương. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Bà lắc đầu: “Nhớ từng chi tiết cụ thể về Phú Yên thì nói thiệt là tui nhớ không nổi. Nhưng dù qua đây từ hồi 1975, lòng tui không bao giờ quên được Phú Yên. Làng mạc của mình, thương lắm.”

Ông Nguyễn Hoàng Công, ban cố vấn hội, cũng có tình cảm như vậy đối với Phú Yên: “Sanh ra và lớn lên ở Phú Yên, tôi vô Sài Gòn sống tới 14 năm trước khi qua Mỹ, vậy mà chưa khi nào tôi quên được Phú Yên. Một khi đã là dân Phú Yên thì mãi mãi là dân Phú Yên.”

Hội viên Phú Yên tương lai. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông tiếp: “Chính sự cởi mở và thật thà của người dân ở đó làm tôi không quên Phú Yên được.”

Phú Yên có nhiều cái để người ta nhớ. Người thì nhớ núi Nhạn, người nhớ sông Ba, người nhớ cầu Đà Rằng.

Cô Lê Diễm Phúc nhớ những ngày tan học theo bạn bè lội nước sau cơn mưa lớn, khi nước ngập thành cái vũng cuối con dốc trước cổng trường Bình Kiều. “Hồi học tiểu học, con gái Phú Yên ngây thơ lắm, nghịch ngợm như con trai,” cô kể. “Có bữa bị ba má la.”

Thắm thiết tình đồng hương. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông Lý Công Tịnh, hội trưởng, ôn lại ký ức: “Hồi học trung học, tụi tôi rất phá. Cứ mỗi lần mưa ngập nước là tụi tôi đạp xe đạp về, làm bộ cho xe đổ, văng nước tung tóe vô mấy cô nữ sinh áo dài.”

Bà Hồng Nguyễn thì nhớ cá thu Sông Cầu. “Cá thu quê tui ngon lắm, thịt dai và ngọt vô cùng,” bà chia sẻ.

Ông Trần Tử Hòa, không đi được, nhưng vẫn đến. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Bà Nguyễn Như Yến nhớ những con ruốc Gành Đỏ tươi roi rói mới vớt lên. “Ruốc làm gì cũng ngon, nhưng xào lên với hành hương rồi cho vô bò bía là ngon nhất. Bò bía có mùi vị đặc biệt là nhờ ruốc đó,” bà tiết lộ. “Ruốc ăn với bánh xèo cũng là một bí quyết nữa.”

Ông Lê Văn Sáu, chủ tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Nam California, hội trưởng Hội Không Quân Trung California, phó chủ tịch ngoại vụ Hội Đồng Hương Phú Yên thì nhớ cái khác. Ông nói: “Tôi nhớ thị xã Sông Cầu. Ở đó cát trắng, dừa ngọt và có rất nhiều mỹ nhân.”

Lòng thương yêu làng mạc ở Phú Yên là sợi dây thắt chặt tình cảm đối với đồng hương của những người có mặt hôm nay. Người nào cũng bước vào nhà hàng trong bộ quần áo thắm đượm sắc Xuân và nụ cười tươi như Tết.

Họ gặp nhau, tay xiết chặt tay, vồn vã hỏi thăm, ân cần chúc tụng.

Như những hội đồng hương khác, phần đông Hội Đồng Hương Phú Yên là những vị cao niên, nhưng họ dẫn theo không ít con cháu còn ở tuổi rất trẻ. Và như người lớn, các em cũng mừng rỡ chào nhau với những nụ cười tươi rói ánh Xuân.

Ông Tịnh, chủ tịch hội, cho biết: “Hội có lâu lắm rồi, ít nhất là trên 30 năm. Và năm nào tụi tôi cũng gặp nhau vài lần. Sau bữa tiệc đầu năm này, cúng tôi còn mấy dịp nữa.”

Sau Lễ Độc Lập Mỹ, hội có bữa ăn uống ngoài trời. “Rồi khoảng 15 Tháng Tám, có thể hội sẽ đi cắm trại ba đêm ở Silverwood Lake, California nữa,” ông cho biết.

Ngồi giữa bữa tiệc thịnh soạn mà ai ai cũng nhớ về những con sò huyết, con ghẹ, đặc sản của Phú Yên. “Sò huyết không lớn lắm, nướng vừa chín tới rồi chấm muối tiêu chanh là không nơi nào ngon bằng,” bà Như Ý kể.

Mẹ áo dài, con cũng áo dài. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Không khí mùa Xuân rôm rả suốt bữa tiệc, không cần phải có đoàn múa lân Bi Trí Dũng để nhắc nhở rằng Tết chưa qua hẳn.

Tuy vui Xuân, một số người cũng nhớ Quốc Lộ 7 từ Phú Bổn dẫn đến huyện Sơn Hòa, nơi rất nhiều đồng bào đã chết vì chiến tranh trước 1975.

Và không ai quên được vịnh Vũng Rô là nơi QLVNCH bắn chìm tàu Việt Cộng và tịch thu rất nhiều vũ khí.

Con như cha là nhà có phúc. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Phú Yên có ba mặt là núi, phía Bắc có dãy Đèo Cù Mông, phía Nam là dãy Đèo Cả, phía Tây là mạn sườn đông của dãy Trường Sơn, và phía Đông là biển Đông.

Phú Yên có đồng bằng Tuy Hòa, được xem là vựa lúa của miền Trung.

Tháp Nhạn là công trình kiến trúc nghệ thuật Chàm duy nhất còn sót lại trên vùng đất Tuy Hoà, vì nằm trên đỉnh núi Nhạn, nên được người dân địa phương gọi là Tháp Nhạn. Đây cũng là biểu tượng của thành phố Tuy Hòa.

Tháp có điện chính là thờ Bà Thiên Y A Na, ngoài ra còn thờ Phật Quan Âm Bồ Tát, Phật A Di Đà, năm Bà Ngũ Hành, Phật Di Lặc, Quang Thánh…

Núi Nhạn là một trong hai ngọn núi duy nhất nằm lọt giữa trung tâm thành phố. Từ trên đỉnh núi có thể phóng tầm mắt về cả bốn hướng của Tuy Hòa. Đây là điểm du lịch đặc biệt của Tuy Hòa. Bên cạnh đó, dưới chân núi là dòng sông Đà Rằng hiền hoà uốn lượn chảy qua, tạo nên một khung cảnh rất nên thơ, hữu tình. (Đằng-Giao)

Liên lạc tác giả: [email protected]

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT