Friday, April 19, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (Kỳ 291)

Tưởng niệm Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư 1975

Không thích của nào, Trời trao của nấy

Trích: Bùi Ðạt Trung

Trước 1975, khi du khách đến Ðà Lạt và ghé Hồ Than Thở đều thấy có một tấm bảng to tướng với những hàng chữ đập vào mắt mọi người:

“Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, nơi quy tụ những chàng trai có lý tưởng quốc gia”

Bây giờ hồi tưởng lại tôi thấy khi đó mình chỉ là một chàng trai có lý tưởng “bất đắc dĩ,” không biết có ai “trùng hợp” không nhưng xin các bác đừng vội “nhíu mày” vì tôi sẽ xin “trải lòng” sau đây:

Là một người di cư sống và lớn lên trong hai nền Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa, hưởng một nền giáo dục hầu như trọn vẹn (không như bây giờ…), mình chỉ có một ước mơ bình thường như các bạn khác là cố gắng học lên cao hay du học để sau này giúp ích cho đời, cho đất nước.

Hình ảnh Tháng Tư Ðen tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster, tưởng niệm các vị Tướng QLVNCH anh dũng tuẫn tiết đền nợ nước.
Hình ảnh Tháng Tư Ðen tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster, tưởng niệm các vị Tướng QLVNCH anh dũng tuẫn tiết đền nợ nước.

Ở bất kỳ lãnh vực nào cũng hướng về đất nước thì đều là lý tưởng cả.

Nhưng chỉ vì cái tội “ham dzui” nên “thiên bất dung gian,” tôi rớt Tú Tài 2 (66-67), năm sau thi lại vừa đậu thì gặp biến cố Mậu Thân, đưa đến luật tổng động viên của Tổng Thống Thiệu khiến mình bị triệt buộc, không thể tiếp tục học và phải nhập ngũ theo học khóa 7/68 Trừ Bị Thủ Ðức.

Trước kia TVBQGVN không có một cái gì “ấn tượng” với tôi cả, chỉ có một vài trường hợp tiếp xúc với các Cùi Niên Trưởng (gọi một khóa đàn anh đã mãn khóa), như khi học thi tại nhà bạn thì chú của bạn mình là Cố Niên Trưởng (NT) Nguyễn Ðức Cần K19 Binh Chủng Dù, thỉnh thoảng về phép, sau này tử trận tại Khe Sanh, nhìn hình ảnh NT trong bộ đồ Dù tôi thấy rất hào hùng, bản tính mình lại hay thích xem những phim hành động như chiến tranh, cao bồi, kiếm hiệp, quyền cước… tỏ rõ cá tính thích phiêu lưu, năng động chứ không thích ngồi một chỗ.

Sau khi bị “dính chấu” nhà binh, ngồi xem TV, tình cờ có chương trình cổ động cho K25 do Khóa 22B phụ trách, tôi và người bạn lên Ðà Lạt chơi, nhân tiện ghé vào trường Võ Bị và gặp Trung Tá Ðồng Văn Chân Trưởng phòng Tâm Lý Chiến, lại được dịp nghe quảng cáo, sau đó NT cho tụi tôi tập tài liệu về trường và đơn ghi danh.

Em nhớ màu cờ.
Em nhớ màu cờ.

Trở về và chuẩn bị lên đường nhập ngũ, vào Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ khám sức khỏe rồi chuyển qua thụ huấn giai đoạn 1 ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung tại Tiểu Ðoàn Ðinh Tiên Hoàng, còn gọi là Tiểu Ðoàn Salem (vì bảng tên mang mầu xanh Salem), tôi được sắp xếp về TrÐ3/ÐÐ3/TÐ ÐTH đồng thời có Nguyễn Phùng Doanh (Tự Doanh Lồi) ở Trung Ðội 2, còn các bạn K25 thì ở rải rác các đại đội và tiểu đoàn khác như Bá Dzi, Giang Ngô, Bính Korean, Long Sụn, v.v…

Tuần lễ đầu tiên, ngày thì huấn luyện, tối về lo làm đơn xin phép về đi thi vào Võ Bị, sau đó chúng tôi được về phép tuần đầu tiên và thi ở trường Petrus Ký, đến khi có kết quả, nhân dịp đi phép, về nhà thì ông anh đã đi dò kết quả và phán: “Mày trượt rồi,” buồn 5 phút, tôi nghĩ thôi số phận mình đã an bài phải chấp nhận thôi, đến tuần cuối cùng trước khi mãn khóa Giai Ðoạn 1 để lên Thủ Ðức tiếp tục Giai Ðoạn 2, về phép thì ông anh báo “Mày đậu vớt rồi.” Lúc đó tôi bắt đầu phân vân, suy nghĩ có nên tiếp tục học Thủ Ðức hay ra “đầu thú,” nhớ lại những hình ảnh thương tâm của biến cố Mậu Thân và những dịp đi ủy lạo, cứu trợ, xây nhà tạm cho đồng bào nạn nhân ở khu Phạm Thế Hiển, cầu chữ Y, nhìn những hoàn cảnh bi thảm đó tôi cảm thấy mình thật may mắn, những sự đóng góp, chia xẻ nhỏ nhoi đó không thấm vào đâu cả. Nếu bây giờ không bị triệt buộc, được du học hay tiếp tục đại học thì tôi cũng không cảm thấy thoải mái, bình thản gì.

Trở về trại thấy trên văn phòng đâu đâu cũng dán danh sách thí sinh trúng tuyển K25 Võ Bị Ðà Lạt, nhìn vào thấy tên tôi và “Gioanh Lồi,” thế là hai đứa kéo nhau lên câu lạc bộ, vừa nốc bia vừa nhìn nhau, thằng này hỏi thằng kia cùng một câu hỏi: “Mày đi không?”… “Mày đi không?”… “Mày đi không?” Cuối cùng thở dài: “Ði mẹ cho rồi”… và đó là giây phút quyết định lịch sử của hai đứa.

Cha dặn con gái phải biết nhớ ơn các anh hùng.
Cha dặn con gái phải biết nhớ ơn các anh hùng.

Lên Thủ Ðức hai đứa ra “đầu thú” và làm thủ tục để lên Ðà Lạt, nhập trường vào đợt 3 với 8 tuần huấn nhục, tôi về Ðại Ðộ E chung phòng với Ðức Giang và Chí Mén, còn Gioanh thì về C, gắn Alfa thì ở chung phòng với Tạ Thúc Thái và Phạm Ðăng Luyện, tưởng đâu mọi việc sẽ bình thường, dè đâu giông tố đến ào ào, số là hai ông NT là bạn hai ông anh mình, Ð/U Hoàng Lê Cường K16 và NT Nguyễn Như Lâm K22B tối nào cũng leo vào phòng ngồi tán gẫu làm cán bộ tiểu đội trưởng Nguyễn Kim Bách cứ đi qua đi lại gầm gừ, với sự phụ họa của TÐT Ðỗ Mạnh Trường từ đó mình trở thành “cao thủ dã chiến” lúc nào cũng hận đời và căm thù đàn anh, nhưng sau này “ra khơi” mình mới biết mang ơn mấy ông anh, vì đó chính là những bí kíp tuyệt chiêu giúp mình đứng vững trên mọi hoàn cảnh, kể cả bí kíp “trốn phố” nữa các bác nhé, chơi mà thực, thực mà chơi đấy. Năm 2010, nhân dịp K23 họp mặt tại San Jose, hôm Tiền Hội Ngộ, tại nhà một K23, tôi ghé thăm các NT, nhìn quanh nhìn lại chỉ có một mình là khóa đàn em duy nhất mà thôi, NT Trường nhìn tôi tủm tỉm, “Sao, hôm nay đến đây để Ðòi Nợ hay Trả Nợ ?” Tôi cười: “Cả hai!”

Qua trường Mẹ, chúng ta thấy gì ở hình ảnh của người Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị, đó là sự pha trộn giữa trí thức và máu giang hồ nhưng không khát máu, khác với CS vì chúng ta còn mang tính nhân bản.

Cái “không thích của nào…” vẫn còn dai dẳng triền miên, ngay cả đến kỳ mãn khóa, khi chọn đơn vị, tôi với Huỳnh văn Ðực khi đó hai đứa là cặp bài trùng cùng “móc sẩu” với nhau, kỳ này căn bản là phải Ðồ Bông, ưu tiên theo thứ tự: Biệt Cách 81, Nha Kỹ Thuật (Nha KT), Dù, Thủy Quân Lục Chiến (TQLC), Biệt Ðộng Quân (BÐQ)…

BC81 thì LÐ Hợi và Bá Dzi cuỗm mất, Nha KT thì Ðực chớp được, ghế còn lại Nguyễn Huỳnh Kỉnh phỗng tay trên, dù thì thua sớm, chỉ còn TQLC còn một chỗ thì chưa gì gặp ngay cái tên “Trời đãi kẻ lờ quờ” làm mình tức ói máu, còn lại BÐQ thì hơi nản vì đã từng nghe danh “3 Tây còn thua Biệt Ðộng” nhưng ít ra cũng còn là “đồ bông” và còn chỗ nên cùi không sợ lở… chơi luôn, cho nên bây giờ thành “cọp sứt móng” là dzậy đó các bác ạ. Ra đến đơn vị lại gặp ông Sụn giáng cho món thịt cầy thành “Không thích cày nào sụn trao cày nấy” đâm ra ghiền luôn…

Thời thế xoay vần, nào ai muốn mất nước, tan hàng, đi tù lâu, thế rồi đành phải bị vào tù trực diện với lũ đười ươi lúc nào cũng muốn lộn ruột, thử hỏi không “điên” sao được, những ngày đi lao động, dưới trời nắng chang chang, hai người đi chung một Ki đất, mặc quần sì lủng…

Một lần nữa lại đến ngày 30 Tháng Tư, tôi cũng xin chia sẻ quá khứ với các con, cháu…



LTS:
Tòa soạn trân trọng giới thiệu với quý độc giả và phụ huynh, góc Hoạt Họa Thiếu Nhi, một mục mới trên trang Tiếng Việt Dấu Yêu của nhật báo Người Việt, dành cho trẻ em sinh trưởng ở hải ngoại, học Việt ngữ qua hình ảnh bằng song ngữ về chú chó tên BOO trong sưu tập BBB. Cộng tác viên phụ trách là kỹ sư Huey Nguyenhuu.
– Nguyễn Việt Linh

*Kể từ số báo Tháng Tư, chúng tôi kính mời phụ huynh tích cực tham gia Góc Hoạt Họa Thiếu Nhi bằng cách gởi hình của các con em, kèm theo tên và cho biết em đã làm được điều gì có tiến bộ và đáng khen, ở nhà hay ở trường. Hình của các em sẽ được gia đình BBB giới thiệu, mỗi em một lần, đứng một bên với chú chó tên BOO, trong góc nhà danh dự. Mục đích để khuyến khích tinh thần học hỏi, làm việc tốt của các em.

*Mọi hình ảnh và bài viết cho trang TVDY hay Góc Hoạt Họa Thiếu Nhi, xin gởi về email: [email protected]

Góc hoạt họa thiếu nhi

Kính thưa quý phụ huynh,

Ba Bố con chúng tôi xin hân hạnh được giới thiệu đến quý vị và nhất là các thanh thiếu niên Việt Nam những mẩu chuyện hí họa về chú cún con “Boo,” Boo Berry Bandit (BBB).

Tôi là cựu quân nhân Hoa Kỳ gốc Việt, là một người tỵ nạn đến Mỹ đầu năm 1981. Sau khi giải ngũ với cấp bậc Ðại Úy Hải Quân ngành nguyên tử, tôi làm kỹ sư trong căn cứ Không Quân tại Los Angeles. Hai con tôi một trai, một gái đang học lớp 7 và lớp 4 tại Placentia Yorba Linda Unified School District.

Meet Boo Berry Bandit là một tác phẩm tinh thần của ba Bố Con. Mong quý vị thưởng thức những câu chuyện dí dỏm hàng ngày, dựa vào những tin tức nóng bỏng, hay những câu châm ngôn dậy dỗ con cái làm người.

Huey Nguyenhuu

Tái Bút: Boo cũng xin chào quý vị. Quý vị có thể xem thêm câu chuyện chúng tôi tại: http://meetbooberrybandit.blogspot.com/

 

BB-0422-1 BB-0422-2 BB-0422-3 BB-0422-4

Góc danh dự với BOO

Austin Jaurequi, 6 tuổi, lớp mẫu giáo, North Carolina. Giải chăm sóc cho BB8, từ khi đi mua “em BB8” với ông bà Ngoại ở Toy's R Us về.
Austin Jaurequi, 6 tuổi, lớp mẫu giáo, North Carolina. Giải chăm sóc cho BB8, từ khi đi mua “em BB8” với ông bà Ngoại ở Toy’s R Us về.
Emily Jaurequi, 11 tuổi, lớp 6, North Carolina. Giải tranh tài thể thao, giúp mẹ chùi nhà và chơi iPad giỏi hơn ông bà ngoại.
Emily Jaurequi, 11 tuổi, lớp 6, North Carolina. Giải tranh tài thể thao, giúp mẹ chùi nhà và chơi iPad giỏi hơn ông bà ngoại.


Em viết văn Việt

Những bài viết của học sinh các trường Việt ngữ

1. Nhằm tạo một diễn đàn cho các em tập viết tiếng Việt, Ban Biên Tập trang Tiếng Việt Dấu Yêu kêu gọi quý phụ huynh và quý thầy cô khuyến khích các em viết văn, diễn tả bằng tiếng Việt những cảm nghĩ và ước vọng trong đời sống của các em. Ước mong nơi đây một sân chơi được mở ra và khu vườn văn hóa Việt sẽ được quý phụ huynh và quý thầy cô góp tay vun trồng, khuyến khích.

2. Trong các bài nhận được và chọn để đăng, chúng tôi cố ý giữ nguyên văn những gì các em viết. Vì thế, khi đọc đến những ngôn từ, lỗi chính tả và sai văn phạm, chúng tôi mong được phụ huynh và thầy cô chia sẻ và sửa chữa cho các em tại nhà hay trong lớp học.

3. Tất cả các bài viết dưới dạng MSWord, font Unicode; và hình ảnh dạng .jpg, xin gởi về địa chỉ email: [email protected] (Xin đừng gởi dạng .pdf vì không tiện cho việc layout).

Trân trọng cảm ơn quý vị.

Nguyễn Việt Linh

Ðặt câu có một mệnh đề, nhưng có 2 động từ:

Bảo Uyền Cao
Lớp Năm

1- Ba em ăn sáng và lái xe cùng lúc.

2- Mẹ em nấu cơm , kho cá ngon lắm

3- Em thường thích chơi đá banh và đánh cầu.

4- Em của em bò và lật giỏi.

5- Em em biết cười và khóc khi 3 tháng .

6- Cô giáo soạn bài và chấm bài ở nhà.

7- Em học và làm bài trong lớp

8- Em thích chơi game và coi phim mỗi ngày.

9- Em nói và viết tiếng Việt giỏi.

10- Bá em tưới cây và nấu cơm mỗi ngày.


Tâm tình thầy cô

Thăm bà

Cành Hồng

Hè năm nay cháu nội tôi sẽ về thăm tôi 2 tháng. Bố mẹ cháu đưa cháu ra phi trường và tôi sẽ đón cháu tại phi trường LAX.

Huy, cháu tôi tuy mới 13 tuổi nhưng rất khôn, ngoan, dạn dĩ và nhanh nhẹn. Tôi rất yên tâm khi cậu bé đi một mình trên phi cơ. Huy nói tiếng Mỹ và tiếng Việt rất giỏi.

Dù còn hơn tháng nữa mới nghỉ Hè nhưng Huy rất nôn nóng sang thăm bà nội. Mỗi năm cháu chỉ thăm tôi một lần vào dịp Hè. Cháu líu lo trên điện thoại: “Con thương bà nội lắm, con nhớ bà nội lắm. Con muốn về thăm bà vì bà có công sanh ra ba con rồi bà nuôi ba con lớn rồi bà cho ba đi học. Bây giờợ ba phải đi làm xa, bỏ bà nội một mình, con tội nghiệp bà nội lắm.” Nghe cháu nói mà tôi chảy nước mắt. Huy kể rằng: “Mẹ con cũng thương bà nội. Mẹ nói rằng con phải ngoan, phải nghe lời bà nội, đừng làm bà nội buồn. Ðiều này mẹ đâu cần nhắc nhở con.”

Ba thì dặn: “Con phải thay ba hiếu đễ với bà nội, con không hiểu, nhưng con sẽ hỏi làm gì để hiếu đễ, bà nội nói làm gì con sẽ làm y như lới bà, không có cãi.”

Con có thể vừa coi phim vừa dịch cho bà nội nghe, con dắt bà nội ngoài đường để bà nội không té. Con tưới hoa cho bà nội không mệt, con bắt sâu để nó không cắn hoa của bà nội.

Con còn biết nhổ tóc trắng cho bà nội nữa, nhưng ba nói đừng vì nếu nhổ hết tóc trắng, bà nội sẽ bị trọc đầu. Con sẽ không chơi game, không ra đường đá bóng, không nói điện thoại nhiều, và bà nội sẽ không buồn đâu.

Qua năm em bé lớn, bố mẹ sẽ cho cả con và em về thăm bà nội, Xuân Mai dễ thương lắm, bà nội chơi với Xuân Mai cũng sẽ vui như chơi với con vậy.

Bà nội chuẩn bị chờ con nhe.

Nghe cháu nói, tôi vui như mở hội trong lòng. Không biết bố mẹ Huy có “gà”cho con không? Cháu tôi giỏi quá, bố mẹ cháu đã dạy dỗ cháu theo đúng văn hóa Việt Nam: Chim có tổ, người có tông, và cháu chắt nên thương yêu, quý trọng, thăm nom ông bà.

Tôi cũng nôn nao chờ cháu, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ chăn, drap chờ cháu, nghĩ sẽ nấu món gì cho cháu ăn. Huy rất thích ăn thức ăn Việt Nam.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT