Thursday, April 18, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (Kỳ 300)

LTS: Tòa soạn trân trọng giới thiệu với quý độc giả và phụ huynh, Giáo Sư Trần Chấn Trí sẽ cộng tác qua mục “Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh” trên trang Tiếng Việt Dấu Yêu của nhật báo Người Việt vào ngày Thứ Bảy cách tuần.

Mọi hình ảnh và bài viết cho trang TVDY xin gởi về email: [email protected].

GS Trần C. Trí (PhD, UCLA) hiện giảng dạy ngôn ngữ học và Việt ngữ tại University of California, Irvine và tiếng Tây Ban Nha tại một số đại học khác trong vùng Orange County. Ông cộng tác với Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California từ năm 2003 đến nay, góp phần trong các khóa huấn luyện và tu nghiệp sư phạm hàng năm dành cho các thầy cô dạy Việt ngữ ở California và các tiểu bang khác ở Hoa Kỳ. Ông cũng là tác giả của nhiều sách giáo khoa và nghiên cứu tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha.

Học tục ngữ bằng hình ảnh

GS Trần C. Trí

Trang Tiếng Việt Dấu Yêu xin hân hạnh giới thiệu một mục mới dành cho các em. Qua mục Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh thường xuyên này, các em sẽ vừa tìm hiểu kho tàng tục ngữ Việt Nam, vừa ôn luyện tiếng Việt và giải trí với những hình ảnh vui đẹp.

“Tục” là thuộc về ngôn ngữ bình dân và “ngữ” là một câu nói. Qua tục ngữ, các em sẽ được dịp học hỏi thêm về văn hóa, luân lý, lịch sử, địa lý, kinh nghiệm dân gian,… được truyền từ đời này sang đời khác ở Việt Nam.

Thông qua việc tìm ra câu tục ngữ dựa theo hình ảnh và phần gợi ý kèm theo, các em sẽ có cơ hội ôn luyện tiếng Việt về nhiều mặt: cấu trúc vần, hệ thống thanh, chính tả, dấu giọng và dấu nguyên âm, từ vựng và cú pháp.

Đây là một trò đố vui khá phổ thông, đã có từ lâu ở Việt Nam. Đối với mỗi hình ảnh, nếu không có phần chú thích kèm theo thì tên gọi của hình ảnh đó cũng chính là một chữ trong câu tục ngữ. Phần nhiều các hình ảnh cần bỏ đi hay thêm vào một số chữ cái, dấu thanh hoặc dấu nguyên âm mới trở thành những chữ trong câu tục ngữ.

Phần giải đáp câu tục ngữ và giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng cũng như ý nghĩa mở rộng của nó được xếp vào một góc khác của trang báo.

 

Giải đáp câu đố câu tục ngữ kỳ trước (3 Tháng Chín): Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Câu đố tục ngữ kỳ này

Tìm câu tục ngữ qua khung ảnh trên. Phần giải đáp sẽ được đăng trên số báo kỳ sau.


Góc hoạt họa thiếu nhi

Huey Nguyenhuu

Kính thưa quý phụ huynh,

Ba Bố Con chúng tôi xin hân hạnh được giới thiệu đến quý vị và nhất là các thanh thiếu niên Việt Nam những mẩu chuyện hí họa về chú cún con “Boo,” Boo Berry Bandit (BBB).

Tôi là cựu quân nhân Hoa Kỳ gốc Việt, là một người tỵ nạn đến Mỹ đầu năm 1981. Sau khi giải ngũ với cấp bậc Đại Úy Hải Quân ngành nguyên tử, tôi làm kỹ sư trong căn cứ Không Quân tại Los Angeles. Hai con tôi một trai, một gái đang học lớp 7 và lớp 4 tại Placentia Yorba Linda Unified School District.

Meet Boo Berry Bandit là một tác phẩm tinh thần của ba Bố Con. Mong quý vị thưởng thức những câu chuyện dí dỏm hàng ngày, dựa vào những tin tức nóng bỏng, hay những câu châm ngôn dậy dỗ con cái làm người.

Tái Bút: Boo cũng xin chào quý vị. Quý vị có thể xem thêm câu chuyện chúng tôi tại: http://meetbooberrybandit.blogspot.com/


Em viết văn Việt

Những bài viết của học sinh các trường Việt ngữ

1. Nhằm tạo một diễn đàn cho các em tập viết tiếng Việt, Ban Biên Tập trang Tiếng Việt Dấu Yêu kêu gọi quý phụ huynh và quý thầy cô khuyến khích các em viết văn, diễn tả bằng tiếng Việt những cảm nghĩ và ước vọng trong đời sống của các em. Ước mong nơi đây một sân chơi được mở ra và khu vườn văn hóa Việt sẽ được quý phụ huynh và quý thầy cô góp tay vun trồng, khuyến khích.

2. Trong các bài nhận được và chọn để đăng, chúng tôi cố ý giữ nguyên văn những gì các em viết. Vì thế, khi đọc đến những ngôn từ, lỗi chính tả và sai văn phạm, chúng tôi mong được phụ huynh và thầy cô chia sẻ và sửa chữa cho các em tại nhà hay trong lớp học.

3. Tất cả các bài viết dưới dạng MSWord, font Unicode; và hình ảnh dạng .jpg, xin gởi về địa chỉ email: [email protected] (Xin đừng gởi dạng .pdf vì không tiện cho việc layout).

Trân trọng cảm ơn quý vị.

Nguyễn Việt Linh

***

Bà Ngại

Bảo Thư, Lớp Ba

Me nói em phải thương bà ngại nhưn mà bà ngại đâu có thương em.

Bà già rồi nhưn còn khỏe, bà la em hoài. Em đi học về, coi truyền hình một chút, thì bà la em làm biến, khôn chịu học, phải đi học ngay. Em đã học và làm bài xong, em chơi game thì bà la em, chơi game hoài, lớn lên làm gì.

Bà vô phòng em mà khôn gõ cửa, bà la em bừa bãi.

Mẹ về, em lai gần mẹ, ôm mẹ một chút, bà la em và nói xít ra cho mẹ nghỉ.

Bà la em con gái mà làm biến, khôn giúp đỡ việc nhà, khôn tôi nghiêt mẹ, mẹ vấc vả cả ngày mà khôn thươn mẹ.

Bà ngại cũn là con gái, bà ngại lại lớn hơn em , bà ngại khôn có đi làm, khôn có đi học, sao bà ngại khôn giúp mẹ? Bà ngại đâu có hút bụi, đâu có nấu cơm, đâu có rửa chén, bà chỉ có lo mấy cái cây hoa mà thôi.

Em khôn thít thươn bà ngai.


Tâm tình thầy cô

Hoa Hồng Trắng

Cành Hồng

Hôm nay Lễ Vu Lan, tôi không đi dạy, tôi dắt cháu đi chùa. Hai bà cháu đã chuẩn bị xong, tôi ra vườn hái hai đóa hoa hồng, một màu đỏ, một màu trắng. Cài lên ngực áo tôi đóa hồng trắng tinh khiết, thơm ngát, rồi âu yếm cài cho cháu đóa hoa màu đỏ rực rỡ, tươi mát.

Dẫn cháu chào mẹ, rồi hai bà cháu ra xe. Cháu trai tôi trên tay mẹ khóc đòi đi theo. Tôi rất thương hai bé cháu ngoại, đi đâu tôi cũng đưa cả hai cháu cùng đi. Hôm nay đi chùa ngày lễ, tôi sợ mình không lo cho cháu được nên để cháu ở nhà với mẹ.

Bảo Uyên ngồi ghế sau, huyên thuyên nói chuyện. Uyên hỏi tôi sao tôi không cài hoa màu đỏ, giống bé, Hoa đỏ đẹp mà trong vườn lại có nhiều. Tôi giải thích cho cháu một cách đơn giản, (không biết cháu có hiểu không) rằng mẹ của bà ngoại qua đời rồi, bà ngoại cài hoa trắng để diễn tả nỗi buồn mất mẹ.

“Mẹ con còn sống, con cài hoa đỏ để biểu lộ sự hạnh phúc, vui tươi vì còn được săn sóc mẹ, hưởng được sự yêu thương của mẹ,” tôi giải thích.

Bé hỏi tôi: “Vậy mẹ của bà ở nghĩa trang nào? Bà có đi thăm mẹ của bà không?”

Tôi nói tro mẹ tôi được thờ tại chùa, hôm nay tôi và Bảo Uyên sẽ thăm bà cố. Bó hoa tôi hái hồi sáng là để tặng bà cố đó. Uyên hỏi tôi: “Vậy là mẹ của bà cố cũng chết rồi à?”

Tôi hỏi lại cháu tại sao cháu biết? Cháu trả lời: “Vì bà ngoại mang tặng bà cố toàn hoa hồng trắng.”

Tôi cười và khen bé thông minh. Bé nói hôm nay tới chùa, ai mà cài hoa trắng là mẹ đã chết rồi, phải không? Tôi gật đầu và cười với bé.

Hai bà cháu tới chùa. Hôm nay chùa đông Phật tử quá, chúng tôi phải đậu xe hơi xa, và đi bộ vào chùa. Cháu tôi đành ôm bó hoa hồng trắng và nói: “Cháu thương bà cố vì cháu thương bà ngoại. Chốc nữa cháu sẽ để bó hoa lên bàn thờ tặng bà cố.”

Tôi thật xúc động và hạnh phúc.


Tâm tình phụ huynh

Một chút hương hoa tạ cuộc đời

Ngô Vân Quy
(Thứ Tư, Ba Mốt Tháng Mười Một, 2016)

Thứ Tư, Tháng Mười Một, gần xế trưa, trời đất Quận Cam đang có những cơn gió nhẹ thổi về, vừa đủ cho người choàng thêm chiếc áo. Trên cao mây giăng từng sợi nhỏ và ngàn cây đã có những chiếc lá úa ngả màu, báo hiệu cho một mùa Thu đang nhón gót trở về. Tôi lái xe đến phòng sinh hoạt của nhật báo Người Việt theo lời hẹn với Minh Hiếu, một cô em có dáng nhỏ dịu dàng cũng là “linh hồn” của lớp vẽ dành cho mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt là cho người “cao niên.” Cũng theo lời của Minh Hiếu, lý do của lần hẹn nầy là vì các thành viên trong lớp vẽ muốn “tái hội ngộ” với tôi để mong tôi tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm sinh hoạt cùng tất cả anh chị em trong lớp vẽ mà tôi đã từng sẻ chia trong năm tháng trước đây.

Đúng giờ hẹn. Anh Phúc, một trong những “chìa khóa” chính của lớp vẽ đón tôi từ ngoài lối vào bằng nụ cười thân ái như bao giờ. Chúng tôi bước vào bên trong phòng sinh hoạt khi trước mắt là bóng tối. Bỗng nhiên những tiếng cưới pha lẫn tiếng reo vang “Surprise” của mọi người hiện diện, để rồi sau đó đèn được bật sáng lên. Tôi hơi có chút ngỡ ngàng nhưng Minh Hiếu vội lên tiếng cho biết là một buổi “tiệc” nho nhỏ được các anh chị em trong lớp vẽ dành riêng để cảm tạ cũng như mừng đón tôi được “hồi sinh” qua cơn bạo bệnh. Chỉ với ngần ấy thôi đã khiến tôi nghe chơi vơi trong cảm xúc theo từng dòng máu đang luân lưu trong cơ thể. “Xin cảm ơn em, cảm ơn đời, hôm nay tôi đứng giữa trời Việt Nam, có gì như chút ngỡ ngàng. Có gì như ngấn lệ tràn trên mi.” Tôi ngỏ lời cảm tạ bằng chân tình và cũng muốn mọi người hiểu là tất cả đều do duyên lành gặp gỡ và trong gặp gỡ ấy cũng đã cho tôi có cơ hội gởi đến người, đến tha nhân chút kinh nghiệm có được để mang thêm hương hoa vào đời sống thay cho tình tri ngộ. Tại đây tôi cũng đã gặp lại các cây bút “nòng cốt” của nhật báo Người Việt như anh Nguyễn Văn Linh, người đã liên lạc, vận động để có nơi sinh hoạt cho lớp vẽ. Đồng thời tôi cũng có dịp gặp lại ký giả Nguyên Huy, cũng như chị Vĩnh và chị Hạnh Tuyền, với lời thăm hỏi và nụ cười dễ thương nhất… “nụ cười dấu hạt răng xinh, nụ cười như có bình minh theo về…

Sau hơn một tiếng đồng hồ hàn huyên và sinh hoạt chung, tôi đã chào từ giã với lời hẹn gặp lại.Trên đường lái xe về. Ý nghĩ tôi đã nhảy múa trên từng kỷ niệm nhỏ vừa qua mà nghe chừng như mình hạnh phúc… Chao ơi chỉ một món quà, nụ cười ánh mắt chan hòa nhân sinh, chiều nay tôi đứng một mình, mà sao ôm hết mối tình quê hương…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT