Saturday, April 20, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (Kỳ 324)

Đêm Văn Hóa ‘Một Thuở Học Trò’

Do các thầy cô giáo thuộc các TTVN trình bày (mỗi đội mang tên một thành phố của nước Việt Nam)

Thuở học trò với các nữ sinh mặc áo dài trắng và chiếc xe đạp dễ thương.
Tiến Sĩ Renae Bryant (bìa phải) thuộc Học Khu Anaheim cũng thích áo dài bên tàn hoa Phượng Vĩ.
Thầy Vũ Hoàng (bìa phải) làm một Sơ ngại ngùng trong hoạt cảnh trình diễn thời trang.
Từ trái, MC Thụy Vy; Billy Lê, đại diện Chánh Lục Sự Orange County Hugh Nguyễn, trao bảng tưởng lục cho Thầy Vũ Hoàng.
Các cô giáo trong điệu múa nón.
Các sơ dạy Việt ngữ thuộc các giáo xứ Công Giáo cũng tham dự khóa tu nghiệp sư phạm.

Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh

GS Trần C. Trí

Trang Tiếng Việt Dấu Yêu xin hân hạnh giới thiệu mục Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh để các em vừa tìm hiểu kho tàng tục ngữ Việt Nam, vừa ôn luyện tiếng Việt và giải trí với những hình ảnh vui đẹp.

“Tục” là thuộc về ngôn ngữ bình dân và “ngữ” là một câu nói. Qua tục ngữ, các em sẽ được dịp học hỏi thêm về văn hóa, luân lý, lịch sử, địa lý, kinh nghiệm dân gian, v.v… được truyền từ đời này sang đời khác ở Việt Nam.

Thông qua việc tìm ra câu tục ngữ dựa theo hình ảnh và phần gợi ý kèm theo, các em sẽ có cơ hội ôn luyện tiếng Việt về nhiều mặt: cấu trúc vần, hệ thống thanh, chính tả, dấu giọng và dấu nguyên âm, từ vựng và cú pháp.

Ðây là một trò đố vui khá phổ thông, đã có từ lâu ở Việt Nam. Ðối với mỗi hình ảnh, nếu không có phần chú thích kèm theo thì tên gọi của hình ảnh đó cũng chính là một chữ trong câu tục ngữ. Phần nhiều các hình ảnh cần bỏ đi hay thêm vào một số chữ cái, dấu thanh hoặc dấu nguyên âm mới trở thành những chữ trong câu tục ngữ.

Phần giải đáp câu tục ngữ và giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng cũng như ý nghĩa mở rộng của nó được đăng trong kỳ kế tiếp.

Câu tục ngữ kỳ này

Giải đáp câu tục ngữ kỳ trước

LỬA THỬ VÀNG, GIAN NAN THỬ SỨC

Nghĩa đen: Muốn biết vàng có tinh ròng hay không (đúng 24 karat), người ta dùng lửa để đốt và loại ra những chất thừa. Muốn biết người nào có sức chịu đừng bền bĩ hay không, người ta quan sát người ấy hành động và xử sự như thế nào trong những lúc gặp khó khăn.

Nghĩa bóng: Bản chất hay đặc tính của sự vật, sự việc hoặc con người có thể thẩm định đúng đắn nếu được đặt vào những điều kiện hay hoàn cảnh nhất định.

Ý nghĩa thực dụng: Muốn đánh giá một điều gì, một hoàn cảnh nào hay một người nào một cách trung thực, chúng ta cần phải xem xét điều đó, hoàn cảnh đó hay người đó trong những điều kiện thích hợp và có tính cách quyết định.


Em viết văn Việt

Những bài viết của học sinh các trường Việt ngữ

Nhằm tạo một diễn đàn cho các em tập viết tiếng Việt, Ban Biên Tập trang Tiếng Việt Dấu Yêu kêu gọi quý phụ huynh và quý thầy cô khuyến khích các em viết văn, diễn tả bằng tiếng Việt những cảm nghĩ và ước vọng trong đời sống của các em. Ước mong nơi đây một sân chơi được mở ra và khu vườn văn hóa Việt sẽ được quý phụ huynh và quý thầy cô góp tay vun trồng, khuyến khích.

Trong các bài nhận được và chọn để đăng, chúng tôi cố ý giữ nguyên văn những gì các em viết. Vì thế, khi đọc đến những ngôn từ, lỗi chính tả và sai văn phạm, chúng tôi mong được phụ huynh và thầy cô chia sẻ và sửa chữa cho các em tại nhà hay trong lớp học.

Tất cả các bài viết dưới dạng MSWord, font Unicode; và hình ảnh dạng .jpg, xin gởi về địa chỉ email: [email protected] (Xin đừng gởi dạng .pdf vì không tiện cho việc layout).

Trân trọng cảm ơn quý vị.

Nguyễn Việt Linh

Ðặt câu với một mệnh đề:

1- Bộ não óc ở trên đầu.
2- Nhà con có nhiều mạng nhện.
3- Nha sĩ của em là đàn bà.
4- Con chim thường hót buổi sáng.
5- Nhiều người sợ con sư tử.
6- Trái sầu riêng màu vàng và có gai nhọn.
7- Kẹo thì thiệt là ngọt.
8- Mình phải nhớ ơn tổ tiên, ông bà và cha mẹ.
9- Mẹ khuyên con nên học tiếng Việt.
10- Hoàng Sa và Trường Sa là quần đảo của Việt Nam.

Lê Thảo Evie
Thí sinh lớp Ba Giải Khuyến Học 2013

——

Ðặt câu có 2 mệnh đề:

1- Ba mẹ thường khuyên em là em phải cố gắng học hành cho giỏi.
2- Gia đình em sum họp vào mấy lễ quang trọng như tết hoặc có giỗ, đó là giờ vui vẻ, ăn chơi và nói chuyện.
3- Mẹ em thích dùng bánh tráng làm gỏi cuống chay, nhưng có người bỏ thịt, tôm trong gỏi.
4- Bố mẹ em thường khen em khi nhận được phiếu điểm của em.

Lê Diane, thí sinh lớp Năm Giải Khuyến Học 2013


Góc hoạt họa thiếu nhi

Câu chuyện hí họa về chú gấu bông Dexter

Họa sĩ Nia Nguyễn


Tâm tình phụ huynh

Tục ngữ 8 (tiếp theo)

(Bình Nguyễn sưu tầm)

69. Có công mài sắt có ngày nên kim:

Đây là một câu tục ngữ rất phổ biến, khuyên mọi người phải có ý chí bền bỉ, kiên nhẫn thì dù việc khó đến đâu cũng thành công.

Chuyện xưa kể rằng Lý Bạch thuở nhỏ hay ham chơi, ít chịu khó học hành. Một hôm, cậu thấy một bà già đang ngồi bên tảng đá để mài một thanh sắt. Cậu hỏi thì bà trả lời: “Mài thanh sắt để làm thành cái kim khâu cháu ạ !” Cậu hỏi: “Liệu hôm nay có xong không hả cụ?” Bà già trả lời: “Hôm nay không xong thì ngày mai mài tiếp. Tháng này không xong thì tháng sau mài tiếp.”

Thấy vậy, Lý Bạch chợt hiểu ra và từ đó dốc tâm học tập. Về sau, Lý Bạch học giỏi, trở thành một nhà thơ nổi tiếng đời Đường Trung Quốc.

70. Công dã tràng:

Dã tràng là một con vật nhỏ, giống hình con cáy, chạy rất nhanh, sống ở bãi cát ven biển. Dã tràng thường dùng hai càng để xe cát và ăn các chất hữu cơ có trong cát. Cát bị xe thành từng viên nhỏ như hạt đu đủ, mỗi khi có sóng biển tràn lên thì tan ra hết. Vì vậy mọi người cho rằng dã tràng làm một việc vô ích. Ca dao có câu:

Dã tràng xe cát biển Đông
Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.

Từ đó, thành ngữ này dùng để chỉ một việc làm phí công sức mà không có ích lợi.

Cổ tích của ta cũng có chuyện Dã Tràng có viên ngọc nghe được tiếng nói của chim. Sau viên ngọc bị Long vương lấy mất nên Dã Tràng cứ ở ven biển đào cát để tìm lại viên ngọc.

71. Công như công cốc:

Cốc là một loài chim mình đen như quạ, có tài lặn dưới nước để bắt cá. Nhiều người dân chài đã thuần dưỡng cốc để kiếm cá cho chủ. Học cho Cốc đeo một chiếc vòng bằng ddoongfowr cổ. Hễ mò được cá nhỏ, cốc có thể nuốt được. Nhưng nếu bắt được cá to , cốc đành chịu. Chủ nuôi sẽ được cá to đem bán. Thành ngữ này nói lên ý tốn công sức mà không được hưởng thành quả.

72. Của người bồ tát, của mình lạt buộc:

Vế thứ hai “của mình lạt buộc” thì ai cũng hiểu và giữ khư khư, không chịu rời cho ai đồng nào. Nhưng còn vế đầu “của người bồ tát” thì bồ tát nghĩa là gì ? Có nhiều cách giải thích khác nhau.

1- Theo trong kinh Phật, bồ tát là bậc tu hành đã đắc đạo, có thể lên ngôi như Phật nhưng vẫn náu lại nơi hạ giới để cứu nhân độ thế. Ông Bồ Tát rất phóng tay cứu giúp mọi người.

2- Có người cho rằng bồ tát là nói chệch của từ bố tát. Bố từ Hán có nghĩa là tung ra (như trong bố thí). Tát từ Hán có nghĩa là buông thả (bố tát là tháo tung ra). Dù giải thích cách nào thì nghĩa của vế đầu vẫn là: “của người thì phung phí rộng rãi” để đối lập với vế sau là bo bo giữ cảu mình.

73. Cữ gió tuần mưa:

Theo cách chia thời gian ngày trước, một cữ là 7 ngày, một tuần là 10 ngày. Ngày nay vẫn còn nói “Chị ấy mới ở cữ,” tức mới sinh con được một vài cữ. Một tháng chia ra ba tuần: thượng thần (10 ngày đầu tháng), trung tuần (10 ngày giữa tháng), hạ tuần (10 ngày cuối tháng).

Câu này nói ý nhớ người thân đi xa vất vả.

Não người cữ gió tuần mưa
Một ngày nặng gánh tương tư một ngày.
(Truyện Kiều)

(Còn tiếp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT