Thursday, March 28, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (Kỳ 332)

Cư dân Westminster chung vui dự lễ thắp sáng cây Giáng Sinh thành phố trong đêm Thứ Hai, 3 Tháng Mười Hai

Thị Trưởng Tạ Đức Trí cùng hoa hậu Westminster Malia Merrill và Ông Già Nô En từ xe SWAT của cảnh sát Westminster bước tới khu vực tập trung, trước mặt thành phố.
Hội Đồng Thành Phố chào mừng cư dân và thắp sáng cây thông Giáng Sinh.
Mọi người vui mừng hướng về cây Giáng Sinh.
Các em thuộc các đoàn Hướng Đạo Hoa Kỳ hợp ca.
Ông Già Nô En cho kẹo và chụp hình với trẻ em.
Các em tham gia được các tình nguyện viên vẽ mặt miễn phí. Trong hình là em Danica Sao Mai Nguyễn.


Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh

Trang Tiếng Việt Dấu Yêu xin hân hạnh giới thiệu mục Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh để các em vừa tìm hiểu kho tàng tục ngữ Việt Nam, vừa ôn luyện tiếng Việt và giải trí với những hình ảnh vui đẹp.

“Tục” là thuộc về ngôn ngữ bình dân và “ngữ” là một câu nói. Qua tục ngữ, các em sẽ được dịp học hỏi thêm về văn hóa, luân lý, lịch sử, địa lý, kinh nghiệm dân gian, v.v… được truyền từ đời này sang đời khác ở Việt Nam.

Thông qua việc tìm ra câu tục ngữ dựa theo hình ảnh và phần gợi ý kèm theo, các em sẽ có cơ hội ôn luyện tiếng Việt về nhiều mặt: cấu trúc vần, hệ thống thanh, chính tả, dấu giọng và dấu nguyên âm, từ vựng và cú pháp.

Ðây là một trò đố vui khá phổ thông, đã có từ lâu ở Việt Nam. Ðối với mỗi hình ảnh, nếu không có phần chú thích kèm theo thì tên gọi của hình ảnh đó cũng chính là một chữ trong câu tục ngữ. Phần nhiều các hình ảnh cần bỏ đi hay thêm vào một số chữ cái, dấu thanh hoặc dấu nguyên âm mới trở thành những chữ trong câu tục ngữ.

Phần giải đáp câu tục ngữ và giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng cũng như ý nghĩa mở rộng của nó được đăng trong kỳ kế tiếp.

Trần C. Trí
University of California, Irvine

Câu tục ngữ kỳ này

Giải đáp câu tục ngữ kỳ trước

NÓI CÓ SÁCH, MÁCH CÓ CHỨNG.

-Nghĩa đen: Nói những điều đã được nhiều sách vở ghi chép; tường trình những việc có bằng cớ hẳn hoi.

-Nghĩa bóng: Lời nói của chúng ta chỉ có giá trị nếu có thể kiểm chứng qua sách vở hay bằng cớ xác thực.

-Ý nghĩa thực tiễn: Không nên phát ngôn bừa bãi mà phải có trách nhiệm trong việc dùng lời ăn tiến nói đối với mọi người chung quanh ta.



Em viết văn Việt

Những bài viết của học sinh các trường Việt ngữ

Nhằm tạo một diễn đàn cho các em tập viết tiếng Việt, Ban Biên Tập trang Tiếng Việt Dấu Yêu kêu gọi quý phụ huynh và quý thầy cô khuyến khích các em viết văn, diễn tả bằng tiếng Việt những cảm nghĩ và ước vọng trong đời sống của các em. Ước mong nơi đây một sân chơi được mở ra và khu vườn văn hóa Việt sẽ được quý phụ huynh và quý thầy cô góp tay vun trồng, khuyến khích.

Trong các bài nhận được và chọn để đăng, chúng tôi cố ý giữ nguyên văn những gì các em viết. Vì thế, khi đọc đến những ngôn từ, lỗi chính tả và sai văn phạm, chúng tôi mong được phụ huynh và thầy cô chia sẻ và sửa chữa cho các em tại nhà hay trong lớp học.

Tất cả các bài viết dưới dạng MSWord, font Unicode; và hình ảnh dạng .jpg, xin gởi về địa chỉ email: [email protected] (Xin đừng gởi dạng .pdf vì không tiện cho việc layout).

Trân trọng cảm ơn quý vị.

Nguyễn Việt Linh

Đặt câu với một mệnh đề

1- Em dùng cái não để suy nghỉ.

2- Con nhện ở trên mạng.

3- Xe của ba em màu xanh dương.

4- Con sư tử là thu rừng.

5- Nha sĩ khám răng cho em.

6- Buổi sang con chim hót liu lo.

7- Ba em thích ăn sầu riêng

8- Em thich ăn kẹo ng5t.

9- Thầy khuyên em học bài chăm chỉ.

10- Phía Đông của nước Việt Nam có Biển Đông

Nguyễn BT Truman



Góc hoạt họa thiếu nhi

Câu chuyện hí họa về chú gấu bông Dexter

Họa sĩ Nia Nguyễn



Tâm tình thầy cô

Tiếng Việt truyền thống: Từ và Chữ
(tiếp Phần 3 và hết)

Trần C. Trí
University of California, Irvine

Trong văn học cổ điển Việt Nam, Kim Vân Kiều (thế kỷ XIX) là một trong những tác phẩm đầu tiên dùng chữ Nôm. Trong đại tác phẩm này, chúng ta có thể tìm ra hàng chục câu thơ có chứa chữ “chữ,” tất nhiên là với nghĩa “word” chứ không thể nào là “letter,” vì vào thời đó, khi chữ Quốc ngữ vẫn còn trong giai đoạn phôi thai, chắc cụ Nguyễn Du (1765-1820) chưa biết chữ a, b, c là cái chi chi. Chẳng hạn như với câu “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài,” tại sao cụ lại không viết “Từ tâm kia mới bằng ba từ tài”? Đây cũng là một ví dụ để chúng ta suy nghĩ. Chữ “từ” khi đi với một chữ khác (nhưng không phải là trong một chữ kép (hay ghép), rất nhiều khi gây ra hiểu lầm. “Từ tâm” nghĩa là “chữ tâm,” “từ trong tim mà ra” hay là “tốt bụng”? “Từ đó” có nghĩa là “that word” hay “ever since”?

Cao Bá Quát (1809-1855) là một thi sĩ nổi tiếng trong văn học sử, làm thơ bằng cả tiếng Hán và tiếng Nôm. Ông cũng là một người kiêu ngạo có một không hai. Tương truyền rằng có lần ông tuyên bố như sau: “Trong thiên hạ có bốn bồ chữ, mình tôi giữ hai bồ, anh tôi Bá Đạt và bạn tôi Nguyễn Văn Siêu giữ một bồ, còn bồ phân phát cho thiên hạ.” Trong thời của Cao Bá Quát, tuy chữ Quốc ngữ đã được hình thành, phải đến gần cả thập niên sau khi ông mất mới được chính quyền thực dân khuyến khích sử dụng. Vì thế, ta có thể nói rằng Cao Bá Quát dùng chữ “chữ” không với nghĩa là a, b, c vì ông chưa dùng tới chữ Quốc ngữ. Vả lại nếu “chữ” có nghĩa là a, b, c thì đâu cần tới bốn cái bồ chỉ để đựng 29 chữ cái trong tiếng Việt?

Sau này, khi chữ Quốc ngữ đã khá phổ thông, có một bài thơ ái quốc theo thể loại song thất lục bát nổi tiếng của thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải (1895-1983), viết bằng chữ Quốc ngữ vào năm 1926, với tựa đề là “Hai chữ nước nhà.” Thi sĩ là một nhà Nho học, sống trong buổi giao thời Hán học và Tây học, tại sao ông không dùng chữ Hán-Việt để đặt tựa đề cho bài thơ là “Hai từ nước nhà”?

Trong khi đó, văn học dân gian hay ngôn ngữ bình dân cũng đầy rẫy nhưng câu ca dao, tục ngữ hay thành ngữ có chữ “chữ,” mà hầu như không có câu nào có chữ “từ,” như một số ví dụ đan cử dưới đây:

*Tục ngữ:

– Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ. (Chứ không phải “dốt hay nói từ”!)

– Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. (Chứ không phải “một từ cũng là thầy”!)

– Một kho vàng không bằng một nang chữ. (Chứ không phải “một nang từ”!)

*Ca dao:

– Muốn sang thì bắt cầu kiều,

Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy. (Chứ không phải “muốn con hay từ”!)

– …Anh về học lấy chữ nhu,

Chín trăng em đợi, mười thu em chờ. (Chứ không phải “anh về học lấy từ nhu”!)

*Thành ngữ:

– Một chữ bẻ đôi cũng không biết. (Chứ không phải “một từ bẻ đôi”!)

– Mấy ai học được chữ ngờ. (Chứ không phải “mấy ai học được từ ngờ”!)

Chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ thành chữ quá. (Chứ không phải “từ tác đánh từ tộ”!)

(Còn tiếp)

Trong âm nhạc, tuy muốn kiếm một bài hát có dùng chữ “chữ” khá khó khăn, ta cũng thấy được ít nhất một bài như vậy. Trong bài “Tình thư của lính” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (1942-2005), chữ “chữ” được dùng hai lần, một lần với nghĩa là “letter” và một lần với nghĩa là “word.” Ở giữa bài hát có câu “Thư của lính, ba-lô làm bàn nên nét chữ không ngay.” Qua câu này, ta hiểu ý nhạc sĩ muốn nói từng chữ cái viết không được đẹp vì phải kê trên ba-lô mà viết. Câu cuối cùng trong bài như sau: “Thư của lính chấm dứt ở đây, sau khi đề thêm hai chữ hôn em.” Rõ ràng là ở đây, “chữ” có nghĩa là “word.” Xin cám ơn nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Nếu ông viết “sau khi đề thêm hai từ hôn em” chắc không em gái hậu phương nào dám nhận một nụ hôn sống sượng như thế!

Trong thơ ca, bài “Đây thôn Vỹ Dạ” của thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912-1940), được sáng tác vào khoảng năm 1938, cũng có thể được dùng để làm một dẫn chứng cho bài viết này. Trong bốn câu đầu, nhà thơ viết:

Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Đọc đến đây, chắc chúng ta nghĩ giá nhà thơ viết “Lá trúc che ngang mặt từ điền” thì nét mặt được miêu tả trong cảnh tương phùng của hai nhân vật trong bài thơ sẽ… chẳng giống con giáp nào cả. Mà cảnh vườn thôn Vỹ cũng chẳng còn chi là thơ mộng nữa.

Trong bài thơ “Lá thư ngày trước” của thi sĩ Vũ Hoàng Chương (1916-1976), trong tập thơ “Mây,” 1943, ông dùng chữ “chữ” với hai nghĩa khác nhau. Lần thứ nhất, ông dùng “chữ” với nghĩa “letter”:

Trong mạch máu, chút gì nghe vướng rối, Như tơ tình thắc mắc buổi chia xa…

Ngón tay run ghì nét chữ phai nhòa, Hỡi năm tháng, hãy đưa đường giấc điệp!

Lần thứ nhì, ông dùng “chữ” với nghĩa “word”:

Nét thon mềm run rẩy gắng đưa nhanh, Lòng tự thú giữa khi tìm chốn nấp. Mươi hàng chữ đơn sơ, ồ ngượng ngập! E dè sao mươi hàng chữ đơn sơ!

Chúng ta thử tưởng tượng xem, nếu tác giả viết “Mươi hàng từ đơn sơ, ồ ngượng ngập! E dè sao mươi hàng từ đơn sơ!” thì không những âm điệu của đoạn này bị lạc so với luật bằng trắc (hay luật phối thanh), mà tứ thơ cũng chẳng còn gì là lãng mạn nữa!

Chuyện lớn nào cũng bắt đầu từ chuyện nhỏ. Theo thiển ý của tôi, muốn loại bỏ những từ ngữ phản truyền thống trong nước đang lan tràn khắp nơi ở hải ngoại, từ người sử dụng tiếng Việt hằng ngày đến các cơ quan truyền thông, báo chí, việc đầu tiên là không dùng chữ “từ,” vì nó chính là cội rễ của tất cả những “từ” độc hại khác. Có phải tôi là người cực đoan hay không? Xin thưa rằng không, nếu chúng ta đồng ý với nhau rằng việc giữ gìn tiếng Việt truyền thống là chuyện nên làm. Đành rằng ngôn ngữ nào cũng phát triển, thay đổi theo thời gian, nhưng việc mở cửa kho tàng ngôn ngữ của chúng ta để cho những từ ngữ lạ tai từ một nước láng giềng Cộng Sản xâm nhập vì mục đích chính trị và mưu đồ đồng hóa dân tộc chúng ta thì không thể nào làm ngơ được. Bài viết này chú trọng vào cách dùng chữ “từ”, thoạt nhìn thì có vẻ như chuyện vạch lá tìm sâu, tủn mủn, nhỏ nhặt. Tuy nhiên, nếu con sâu có thể làm rầu nồi canh thì chắc cũng nên diệt con sâu ấy để trừ hậu hoạn.

Môi trường ngôn ngữ chung quanh lúc nào cũng có một tác động mạnh mẽ đến chúng ta là những người sử dụng tiếng Việt. Cho dù có một thái độ rõ ràng với việc gìn giữ tiếng Việt truyền thống, chắc cũng có đôi lần, đâu đó, chúng ta “lỡ miệng” dùng những chữ mà thường ngày chúng ta vẫn không thích dùng. Đó cũng là vì những từ ngữ “phản truyền thống” đã len lỏi vào nhiều ngõ ngách trong cộng đồng hải ngoại của chúng ta, từ từ nhưng vô cùng mạnh mẽ. Những từ ngữ đó bây giờ nhan nhản trên sách báo, truyền thanh, truyền hình, và không thiếu gì người trong cộng đồng chúng ta sử dụng. Những từ ngữ ấy cũng đang dần dần len lỏi vào các lớp dạy tiếng Việt, từ những lớp Việt ngữ cuối tuần, đến các lớp tiếng Việt ở một số trường trung học, cao đẳng và đại học Mỹ. Nếu muốn “chống lại” làn sóng những từ ngữ phản truyền thống trong cộng đồng người Việt hải ngoại ngày nay, điều thiết thực nhất là chúng ta nên bắt đầu từ chuyện nhỏ, và bắt đầu từ việc nhắc nhở nhau không dùng chữ “từ” nữa.

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT