Thursday, April 18, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (Kỳ 337)

Học sinh Ernest O. Lawrence biểu diễn võ thuật mừng Tết. (Hình: Thu Hà Nguyễn)

Khán giả cổ vũ. (Hình: Thu Hà Nguyễn)

Quan khách tham dự. (Hình: Thu Hà Nguyễn)


Học ngôn ngữ và văn hóa Việt qua hình thức đối thoại và tập đọc

GS Trần C. Trí
(University of California, Irvine)

Qua mục mới này, GS Trần C. Trí sẽ đưa các em vào thế giới muôn màu của ngôn ngữ và văn hoá Việt qua những bài đối thoại sinh động hay những bài tập đọc lý thú. Kèm theo các bài này là phần ngữ vựng và thành ngữ được dùng trong bài được đối chiếu với phần tiếng Anh để các em dễ theo dõi và cảm nhận. Những bài đối thoại và tập đọc trong mục này được trích từ cuốn sách giáo khoa NGÔN NGỮ VÀ VĂN HOÁ của GS Trần C. Trí (với sự hợp tác của GS Trần Minh Tâm trong phần bài tập thực hành), do California State University, Long Beach và Viet Text xuất bản.

 

AI ĂN CHÈ KHÔNG?

 

Megan  Thảo ơi, hôm nay cho mình phỏng vấn bạn về chuyện ăn uống được không?

Thảo     Được chứ! Bạn muốn biết gì về thức ăn Việt Nam?

Megan  Mình định hỏi bạn về một món tráng miệng độc đáo của các bạn: các món chè đó!

Thảo     À, hoá ra bạn cũng thuộc loại “hảo ngọt” đó phải không? Bạn đã ăn loại chè gì rồi?

Megan  Mình chỉ mới được ăn chè chuối thôi. Ngon ơi là ngon! Hôm nào bạn phải dẫn mình đi khu Phước Lộc Thọ ăn chè nhé! Bạn có thể kể thêm một vài loại chè khác cho mình nghe không?

Thảo     Phần lớn các loại chè được nấu bằng nhiều thứ đậu khác nhau: đậu xanh, đậu đen, đậu ngự, v.v., nhiều loại trái cây hay ngũ cốc như chuối, nhãn, táo tàu, sầu riêng, bắp, hạt sen và rất nhiều loại khoai như khoai lang, khoai mì, khoai sọ.

Megan   Nghe hấp dẫn quá! Thế thì cách nấu chè nói chung ra sao?

Thảo      Cách nấu dễ nhất là nấu các loại nguyên liệu trên với nước và đường. Có những loại chè còn được nấu với nhiều thứ bột như bột mì, bột báng. Nước chè vì thế có thể loãng hay đặc.

Megan    Món chè chuối hôm nọ tôi ăn có chan nước dừa béo và ngon lạ!

Thảo       Tôi cũng mê nước dừa lắm. Bạn có thể ăn nhiều món chè với nước đá hoặc ăn nóng, tuỳ theo loại.

Megan     Thú thực là mình đã nghiện chè rồi, Thảo ạ. Món tráng miệng của các bạn vừa lạ, vừa ngon, lại vừa bổ dưỡng.

Thảo       Ngày trước, khi tôi còn ở Việt Nam, gia đình tôi rất mê ăn chè do các bà gánh đi bán khắp các hang cùng ngõ hẻm. Cứ chiều chiều, tối tối, các bà quảy gánh chè trên vai, vừa đi vừa rao “Ai ăn chè không?” Bọn tôi ngồi xúm xít quanh gánh chè, thưởng thức những chén chè thơm ngon ướp đá hay nóng hổi. Chẳng bao giờ tôi quên được những chén chè ngày xưa ấy!

 

DANH TỪ

bắp                  corn

bột báng          tapioca

bột                   flour

bột mì              wheat flour

chè                   Vietnamese dessert

chén                 small bowl

chuối               banana

chuyện ăn uống           eating and drinking

đậu đen            black bean

đậu ngự           royal bean

đậu xanh          green bean

đường              sugar

gánh                baskets (carried with a pole)

hạt sen             lotus seed

khoai lang        sweet potato

khoai mì          manioc, yucca

khoai sọ           taro

miếng              piece

món tráng miệng         dessert

nước dừa         coconut milk

nước đá           ice

ngũ cốc            cereals

nguyên liệu      ingredient

nhãn                longan

sầu riêng          durian

táo tàu                         Chinese apple

trái cây            fruit

vai                   shoulder

 

TÍNH TỪ

béo                  greasy, fatty

bổ dưỡng        nutritious, healthy

đặc                   thick (liquid)

độc đáo            unique

hấp dẫn           tempting

lạ                     curious

loãng               thin (liquid)

nghiện             addicted

nóng hổi          steaming hot

ngon                delicious

thơm ngon       good-smelling and delicious                                  

ướp đá             iced

 

ĐỘNG TỪ

bán                  to sell

gánh                to carry (something in two baskets hung on a yoke)

hảo ngọt          to have a sweet tooth

mê                   to love passionately

nấu                  to cook

ngồi xúm xít    to sit around

phỏng vấn       to interview

quảy                to carry

rao                   to announce, to cry out (one’s merchandise)                                 

thưởng thức    to enjoy

 

TRẠNG TỪ

cứ chiều chiều, tối tối              every evening

khắp các hang cùng ngõ hẽm in every alley and side street

ngày trước                                           in the past

 

THÀNH NGỮ

Nghe hấp dẫn quá! Sounds very tempting!

Ngon ơi là ngon! indescribably delicious!

Thú thực là:  I must admit that


Em viết văn Việt

Đặt câu với một mệnh đề

1-Cổ tay của em nằm trên bàn tay.

2-Em rất vui sướng khi được đi chơi.

3-Em rất thích màu đỏ.

4-Con chó và con bò là gia súc.

5-Cô giáo của em giảng bài cho em.

6-Mẹ em chăm sóc cho em cả ngày.

7-Xoài có một hột.

8-Em phải nhớ ơn tổ tiên ông bà và cha mẹ.

9-Hùng Vương Thứ Nhất là con trưởng của Lạc Long Quân.

10-Hoàng Sa ở trong Biển Đông

Phan Như Bảo Tín
Thí sinh lớp Hai Giải Khuyến Học- 2013


Góc hoạt họa thiếu nhi

Câu chuyện hí họa về chú gấu bông Dexter

Họa sĩ Nia Nguyễn


Tâm tình Thầy Cô

NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐÓ, TÔI QUEN!

Ở Mỹ ba mươi tám năm, tôi quen người đàn ông đó ba mươi năm.

Hơn ba thập niên đã qua, giữa “hai chúng tôi” không có gì “sôi nổi.” Đó có nghĩa là hơn ba thập niên qua, tôi vẫn thấy, vẫn nghe, và vẫn có nhiều lần được ông ôm ngang vai khi gặp gỡ, bắt tay, rồi tấm tắc khen chuyện này chuyện kia đôi ba lời. Cứ thế mà ròng rã nhiều gần bằng chuỗi năm tháng tôi đặt chân đến xứ Mỹ. Vậy đó, rồi tôi chỉ là cái bóng trong cuộc đời của ông. Ông vẫn nhớ tôi mỗi khi gặp lại, vẫn ôn tồn ân cần; còn tôi, vẫn ghi nhớ hình dáng ông, lúc xa hay lúc gần, tôi vẫn nhớ người đàn ông đó: Thầy Lưu Trung Khảo.

Tôi gọi Thầy là Thầy mà đã chẳng bao giờ là học trò của Thầy. Tôi cũng không có được một ngày làm người dự thính những buổi thuyết trình của Thầy. Tôi chưa đọc sách của Thầy, và vì bôn ba với đời sống, lắm khi tôi đọc không xong bài Thầy viết, hoặc ít có dịp ngồi nghe hết những gì Thầy thuyết giảng trình bày. Tôi quen biết Thầy, đôi khi sinh hoạt cùng Thầy, đôi khi phỏng vấn Thầy cho chương trình phát thanh, lòng luôn kính quý Thầy, vỏn vẹn chỉ có thế.

Sự quen biết Thầy khởi ra lúc tôi đang miệt mài chương trình Cao-Học tại đại học trong vùng. Tôi nhớ cái duyên đưa tôi đến với Thầy thật là không có gì đặc biệt cho lắm, nếu không muốn nói thì đã là chuyện bình thường giản dị, của đời sống lắm khi: trong cương vị của một Chủ Tịch Hội Đồng Đa Văn Hóa (Multi-Cultural Council Chairwoman) của trường, tôi phải đi tìm vài diễn giả, vài thi văn sĩ, để mời đến trường nói chuyện. Quả thật là trời xui đất khiến làm sao để điều đó ngẫu nhiên đã trở thành cái duyên, cái hạnh phúc cho tôi: người tôi mời được không ai khác hơn là… Thầy Lưu Trung Khảo. Tôi đã cám ơn sự tình cờ chẳng ngẫu nhiên này: vì đó, tôi quen biết Thầy!

Ấn tượng của tôi, người cũng hay nhát chuyện này chuyện kia cho đến bây giờ, thì thật khi gặp mặt Thầy, tôi đã run. Thật sai, không đúng, tôi đã không run, mà… quá run! Người đàn ông khả kính đó đã có một khuôn mặt rất nghiêm, mặc dù nụ cười rất êm đềm, dáng dấp trầm ngâm, chữ thiện rõ như tâm. Tôi dặn dò tôi âm thầm: nói chuyện cùng Thầy thì phải… e dè, thưa hỏi phải có lối có lề, phải thận trọng từng chữ từng câu, rồi sẽ còn qua lại mãi dài lâu. Chỉ có thế thôi, mà mỗi lần biết sẽ gặp Thầy, thì tôi tiếp tục… run!

Nhưng, cái chữ nhưng nhiều khi cũng là điều dễ thương ghê lắm, nói theo kiểu Mỹ thì “Boy, was I wrong !” Tôi sai, sai qua biên giới luôn. Khuôn mặt nghiêm nghị đó đã chẳng bao giờ tạo ra một khoảng cách nào với những người đối diện. Đôi lần nói chuyện cùng Thầy trên tivi, tôi vẫn mang theo bên mình nỗi khâm phục Thầy nhiều lắm. Mỗi khi Thầy nói, như mê hoặc người nghe: giọng trầm ấm, lời xuất từ tâm. Đặc biệt nhất nhất mỗi khi nói về lịch sử Việt Nam, sao Thầy nhớ như người học sinh vừa học bài hôm qua. Những lần có đủ thời giờ ngồi nghe thầy nói, sao tôi thấy tôi chơi vơi. Chơi vơi vì thấy mình nhỏ bé trước sự hiểu biết quá rộng lớn, như trời như bể của Thầy. Thầy nói mà cứ ngỡ như những trang lịch sử đang diễn ra thật hào hùng thật bất khuất ngay trước mặt. Sao lại có thể có người đàn ông ở lứa tuổi đó, có lẽ nhớ hết cả kho lịch sử của Quê Hương mình? Sao lại có thể có người đàn ông ngồi ngay trước mặt mình, ở một nơi cách biển cách trời, mái tóc hoa sương, tuổi đời chồng chất, mà còn điềm nhiên kể lại lịch sử như một người thanh niên đang đứng trên bục nhà trường, trả bài ôn bài thế kia? Mà đâu phải chỉ là lịch sử không đâu, giáo dục văn chương Thầy có ăm ắp cả tâm hồn cả tâm trí. Dần dà, tôi không còn thấy nét nghiêm trang của Thầy làm tôi e dè nữa: sự ấm áp khi Thầy hiện diện và nói chuyện, bao giờ cũng là những sẻ chia kinh nghiệm kiến thức không ngại ngùng, chưa một lần đắn đo, điềm đạm hằn rất rõ, rất chăm chú những lời nhỏ lời to.

Tôi nghĩ thuở thiếu thời, chắc hẳn Thầy chẳng biết đi chơi là gì. Vì lẽ, nếu đi chơi, hay biếng nhác học hành, sao Thầy có thể uyên bác đến thế? Thầy cho tôi cảm tưởng lúc là thanh niên, Thầy hẳn đã rất chững chạc, rất trưởng thành hơn hay trước cả các bạn cùng lứa tuổi. Này nhé, thí dụ điển hình: trong lịch sử, thuờng thì lúc nào cũng có nhiều danh tánh, nhiều ngày giờ, nhiều câu nói lưu truyền, nhiều mấu chốt; vậy đó, mà Thầy nhớ hết, rõ ràng đến từng nét. Phải mà tôi có máy ghi âm bên mình luôn luôn, thì tôi sẽ biến những lần nói chuyện cùng Thầy thành những bài học để ôn lại, để trau giồi, để như lật về một trang lịch sử một bài thi phú để coi. Kiến thức của Thầy như cây cổ thụ, đem tàng rễ và bóng mình làm mát những chiếc lá đơm chồi trổ cây. Thầy đã không mệt mỏi ngừng lại ở bất kỳ lúc nào, vì Thầy đã thổi lửa vào lòng tôi, và cả những học trò của Thầy, những người sống chung quanh Thầy, lòng nhiệt thành, sự cống hiến, tính hiền lành, tâm rất tịnh rất thanh.Thầy đã không ngừng nghỉ đem hết nổ lực và tâm sức ra với một ước mong giản dị vô cùng: giữ lấy tinh hoa ViệtNam, không chỉ qua dòng lịch sử của Quê Hương hằng ghi khắc, mà còn qua những khắc khoải trong giáo dục ngôn ngữ Việt tại Quê Người, qua những băn khoăn trong bảo tồn kho tàng văn hoá tại xứ sở này. Mà Thầy, Thầy đã và đang kiên trì theo đuổi con đường của Thầy, mãi khôn nguôi.

Người đi muôn dặm cũng có ngày mỏi mệt, kẻ bôn ba sa trường cũng nhiều lúc ngả nghiêng. Thế nhưng, ở Thầy, mái tóc bạc đó, những nét nhăn trên khuôn mặt đó, tôi chưa thấy Thầy muốn ngừng nghỉ. Tâm hồn gắn chặt vào lịch sử văn hóa, hơi thở đầy những ưu tư cho ngôn ngữ Việt Nam trường tồn, nhịp tim Thầy chắc hẳn đập mãi những âm vang của dấu tích Quê Hương, tiếng nói Thầy còn chất chứa cái thuở thanh bình nơi chôn nhau cắt rốn. Thầy gián tiếp giúp tôi nhận chân một điều: có đi hết đời mình, có như sóng như cát, như lá như hoa, có là mây là gió, thì biển học mãi bao la vô tận, mãi bát ngát vô ngần. Chỉ cần có tấm lòng, có ý chí, có nhiệt thành để mỗi một ngày trau giồi một bài học: bài học sách vở, bài học cuộc đời, bài học làm người. Cho nên, ở Thầy, tôi vẫn chưa thấy có dấu vết gì chuẩn bị cho một sự ngừng nghỉ nay mai, dù đường ngắn hay dài.

Vâng, xin Thầy cứ tiếp tục đi mãi. Cho hết tám mươi, cho hết chín mươi, hoặc giả là một trăm, xin Thầy cứ đi, nếu có thể. Vì mỗi bước đi của Thầy đã để lại gấp trăm lần gấp vạn lần những dấu chân mà biết bao người sẽ lần lượt đi theo. Ở đằng trước mặt Thầy đã chuẩn bị sẵn ngọn đuốc bừng bừng cháy, lấy gì mà không thấy để đi tới. Thầy đã dọn sẵn quãng đường bằng kiến thức trao đi, bằng kinh nghiệm sớt chia, lấy đâu nữa chông gai để không đạt không thành. Thầy đã trồng hoa ươm lá, đã đơm rễ trổ nhánh. Tôi còn đi giữa đời, cuối quãng đường rễ nhánh lá hoa kia còn chưa tới, dù Thầy đã để lại trong tôi rất rõ, một hình ảnh kính quý, chưa lần tôi bày tỏ. Rồi mai kia mốt nọ, đường tương lai điểm lại những tuổi tên rất rõ, tôi biết tôi sẽ vô cùng hãnh diện, giữa trời đất vô biên, nhắc lại điều hiển nhiên: người đàn ông đó, tôi rất biết, rất quen!

ThụyVy
Viết riêng, gửi Chú Lưu Trung Khảo.
(Tháng Chín, 2013)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT