Friday, March 29, 2024

Tinh thần anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực trong Phật Giáo Hòa Hảo

Uyên Nguyễn/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Sáng Chủ Nhật 15 Tháng Mười, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) Nam California đã tổ chức lễ giỗ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực tại Hội Quán PGHH trên đường McFadden, thành phố Santa Ana.

Buổi lễ đã diễn ra trong không khí thật trang nghiêm trước tấm hình lớn của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, được đặt dưới bàn thờ Tổ Quốc bên giáo kỳ Màu Nâu PGHH và hình Đức Huỳnh Giáo Chủ.

Gần 200 tín đồ PGHH cùng đồng hương và quan khách đã cùng nhau hướng lên hình ảnh của Vị Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực trong quốc phục Việt Nam áo dài khăn đóng giản dị như một người bình dân nước Việt.

Phút giây tưởng niệm đã diễn ra theo nghi thức tôn giáo PGHH.

Ý nghĩa của buổi lễ được Giáo Sư Nguyễn Thanh Giầu, hội trưởng PGHH Nam California, diễn giải trong hơn một tiếng đồng hồ qua một đề tài khá mới lạ mà các buổi lễ giỗ Ngài ít khi được đề cập đến. Đó là “Tinh Thần Nguyễn Trung Trực trong PGHH.”

Theo Giáo Sư Nguyễn Thanh Giầu, PGHH có Tứ Ân là Ân Tổ Tiên Cha Mẹ, Ân Đất Nước, Ân Tam Bảo và Ân Đồng Bào và Nhân Loại. Nếu nghiên cứu về cuộc đời của anh hùng Nguyễn Trung Trực và Tứ Ân trong PGHH, chúng ta sẽ thấy có sự tương quan vô cùng mật thiết.

Giáo Sư Giầu nói: “Ngoài cương vị của một lãnh tụ kháng chiến tài ba đảm lược, Ngài còn là một người gồm đủ Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa và đã hành xử trọn vẹn ‘tứ đại trọng ân,’ là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo và là một tín đồ tiêu biểu của Tông Phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Đó là lý do tại sao danh hiệu Ngài được tín đồ PGHH ngày đêm sùng bái.”

Giáo Sư Nguyễn Thanh Giầu sau đó đã phân tích về Trung Hiếu Tiết Nghĩa nơi anh hùng Nguyễn Trung Trực, cũng là những giáo lý mà Đức Phật Thầy Tây An và Đức Huỳnh Giáo Chủ giảng dạy cho tín đồ PGHH.

Tín đồ PGHH và đồng hương cùng quan khách đến tham dự đông chật hội quán Phật Giáo Hòa Hảo Nam California. (Hình: Uyên Nguyễn/Người Việt)

Như về Hiếu, Giáo Sư Giầu kể: “Dù đa đoan công việc binh nhưng khi hay tin mẹ bịnh, Ngài trở về nhà hết lòng săn sóc thuốc thang cho mẹ. Thật là hào hùng với hình ảnh Ngài, một tay chống trên đốc kiềm, một tay quạt lửa nấu thuốc cho mẹ, miệng thì trao đổi kế hoạch hành quân với nghĩa binh cho đến khi mẹ hết bệnh Ngài mới ra đi. Sau này, cũng vì âm mưu thâm độc của tên Việt gian Huỳnh Công Tấn, Ngài phải tự trói mình ra hàng để cứu mẹ và dân chúng trong vùng. Với hành động này, Ngài đã hoàn thành chứ Hiếu trong Ân Tổ Tiên Cha Mẹ đồng thời cũng là báo Ân Đồng Bào và Nhân Loại.”

Về khí tiết của anh hùng Nguyễn Trung Trực, cận sử Việt Nam ghi: “Khi thực dân Pháp không diệt nổi được Ngài và nghĩa binh của Ngài, đã dùng đến cách cho người đến khuyến dụ Ngài quy thuận, chúng sẽ ban cho Ngài chức Phó Soái, Ngài đã khẳng khái trả lời ‘Tụi bây hãy kiếm cho tao chức gì giết Tây được nhiều, chứ chức Phó Soái tao không màng’. Rồi trước khi bị xử tử, bọn thực dân Pháp hỏi Ngài có muốn gì không thì Ngài thản nhiên nói ‘Tôi muốn cứu nước mà không thành công, nên chỉ xin một điều là hãy truất sự sống của tôi càng sớm càng tốt.”

Vẫn theo Giáo Sư Nguyễn Thanh Giầu thì sự bình thản, an nhiên tự tại trước cái chết của anh hùng Nguyễn Trung Trực, chỉ có được nơi những người đã đạt được Đạo, hiểu rõ luật vô thường, xác thân ngũ uẩn là giả tạm, có sanh thì có tử, có đến thì có đi. Do đó mà trong thi văn và những lời dẫn giải của Đức Huỳnh Giáo Chủ, danh tính của Ngài thường được nhắc đến.

Sử sách Việt Nam thời cận đại ghi rằng: “Nguyễn Trung Trực sinh năm Đinh Dậu 1837, mất năm Mậu Thìn 1868, là liệt sĩ cận đại, nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Tân An (nay thuộc tỉnh Long An) và Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang).

Ông xuất thân trong một gia đình chài lưới ở hạ lưu sông Vàm Cỏ, năm 1861, hưởng ứng lịch Cần Vương chống Pháp của Triều đình, ông chiêu mộ một số đông nông dân nổi dậy đánh phá các đồn Pháp ở các vùng thuộc phủ Tân An. Lập được nhiều chiến công nên khi mất được triều đình Huế người dân đều coi Ngài là Quan Thượng Đẳng Đại Thần.

Nghĩa quân dưới quyền lãnh đạo của ông tổ chức cuộc phục kích đốt tàu L’Esperance của Pháp trưa ngày 10 Tháng 12, 1861 tại vàm Nhật Tảo.

Sau đó, ông tiếp tục chiến đấu qua lại trên địa bàn Gia Định, Biên Hòa. Sau khi ba tỉnh miền Đông Nam Bộ mất (hòa ước Nhâm Tuất 1862) ông được phong làm Lãnh Binh. Năm 1861 ông lại được triều đình phong chức Hà Tiên thành thủ úy để trấn giữ đất Hà Tiên.

Sau khi thành Hà Tiên thất thủ, ngày 23 Tháng 6, 1867, ông rút quân về Rạch Giá tiếp tục cuộc chiến đấu, lập căn cứ ở Hòn Chồng. Ngày 16 Tháng 6,1868 ông cho quân đánh úp đồn Kiên Giang (nay là thị xã Rạch Giá) tiêu diệt địch và làm chủ tình hình trong nhiều ngày. Giặc Pháp phản công, ông rút ra đảo Phú Quốc lập căn cứ nhằm chống giặc lâu dài. Pháp phải huy động một lực lượng hùng hậu đến bao vây và tấn công đảo. Đến Tháng 10, 1868, để bảo đảm lực lượng nghĩa quân và nhân dân trên đảo, ông tự ra nộp mình cho giặc bắt. Chúng nhiều lần dụ dỗ, mua chuộc nhưng ông không ra đầu hàng.

Giặc Pháp đem ông ra hành hình ở chợ Rạch Giá ngày 27 Tháng 10,1868, hưởng dương 31 tuổi.

Để tỏ lòng biết ơn Ông, hiện nay, nhân dân ta thờ cúng Ông ở nhiều nơi, trong đó tiêu biểu là Đền Thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực tại Long An, Đền Thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá và đền thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực tại Gành Dầu Phú Quốc.” (Uyên Nguyễn) 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT