Thursday, March 28, 2024

Triển lãm thư ảnh của giáo sư Tăng Hưng

Nguyên Huy/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Một cuộc triển lãm thư ảnh của Giáo Sư Tăng Hưng đến từ Canada vừa được khai mạc hôm Thứ Bảy, 6 Tháng Năm, tại Viện Việt Học, Westminster.

Gần 40 bức thư ảnh được tác giả đem trưng bày trong phòng triển lãm này.

Đây là một cuộc triển lãm nghệ thuật ít có vì là một bộ môn nghệ thuật tương đối còn mới, có thể được coi như xuất hiện lần đầu trong sinh hoạt nghệ thuật tại Nam California.

Thư ảnh không phải là thư pháp mà cũng không phải là nhiếp ảnh mà nó tổng hợp cả hai bộ môn nghệ thuật này.

Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm, diễn giả trong buổi triển lãm này, cho biết: “Tôi lờ mờ hiểu thư ảnh là sự kết hợp giữa thi ca và ảnh chụp nghệ thuật. Kết hợp hai thể loại khác nhau để tạo nên một thể loại mới nhiều tính chất nghệ thuật hơn.”

Vẫn theo Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm, thư ở đây “vốn là thi nhưng nét bút bay bướm, vũ lộng tài năng về chữ của người viết.”

Tác giả cho biết: “Theo tôi thì ảnh chụp và thi ca không có thứ nào trội hơn thứ nào nhưng trong thư ảnh thì chúng lại hòa điệu sống với nhau để thoát ra khỏi chính mình và tạo nên một tác phẩm mới.” Tác giả nhấn mạnh: “Đành là thi ca phải phù hợp với bức ảnh nhưng lời thơ phải được viết bằng một nghệ thuật như thư họa và vị trí của thư trên bức ảnh phải có sự chọn lựa chứ không phải chỉ ở góc trái trên cùng như trong các bức tranh thủy mạc của Trung Hoa.”

Đề cập đến “hành trình” trên con đường thư họa, Giáo Sư Tăng Hưng cho biết: “Khi tôi theo học chứng chỉ văn chương tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn vào những năm đầu thập niên 1960, tôi được học với thầy Đông Hồ, một nhà thơ nổi tiếng và có chữ viết rất đẹp. Tôi mê say lối viết của thầy và đã liều đến nơi thầy cư ngụ để xin được chỉ dẫn. Trong khi đó, về nhiếp ảnh, tôi cũng có được nhiều kinh nghiệm vững chắc. Thầy Đông Hồ đã vui lòng chỉ cách cầm bút lông và nhấn mạnh trên việc tạo chữ hình lá trúc cho một số anh em chúng tôi đến xin học. Nắm được kỹ thuật viết, tôi tiếp tục theo thầy và đem kết hợp thư pháp của thầy với nhiếp ảnh mà tôi đã có được khá nhiều kinh nghiệm tạo nên những bức hình nghệ thuật mà tôi đặt tên là Thư Ảnh.”

Được hai giáo sư hướng dẫn, chúng tôi đi coi trở lại lần thứ hai gần 40 bức Thư Ảnh triển lãm, thì quả thấy có “sáng” hơn lần coi đầu. Ở lần coi đầu, chúng tôi bị choáng ngợp ngay từ những lời thơ được viết rất bay bướm trên bức ảnh. Tưởng tác giả của những bức ảnh khi chụp đã “tức cảnh sinh tình” nhớ lại những câu thơ mà mình tâm đắc của các thi nhân kim cổ mà phóng bút lên bức ảnh. Nào ngờ nó đâu có đơn giản như vậy. Đến trò chuyện với tác giả mới được biết để tạo nên một bức Thư Ảnh, người nghệ sĩ cũng đã phải lao tâm khổ trí như bất cứ một lãnh vực nghệ thuật nào khác.

Một số tác phẩm thư ảnh trong phòng triển lãm. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Một số tác phẩm thư ảnh trong phòng triển lãm. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Tác giả kể: “Khi tôi chụp được một bức ảnh ưng ý, tôi bắt đầu ‘lùng sục’ trong trí những lời thơ mà mình tâm đắc đã đọc và nhớ được từ những tác giả kim cổ. Khi kiếm được rồi sẽ trân trọng phóng bút viết trên ảnh chỉ một vài câu thơ ngắn gọn, trọn ý. Nếu trí nhớ không giúp được cho sự ưng ý của mình thì lại tra cứu sách vở cho đến khi tìm được, nếu không thì lại tạm dừng để khi khác.”

“Phần chụp ảnh thì không mất công nhiều, nhất là ngày nay kỹ thuật Photoshop như chiếc bút thần kỳ giúp cho bức ảnh của mình đạt như ý nguyện. Nhưng đến phần viết lời thơ trên ảnh cũng lại là sự sáng tạo nữa. Những kỹ thuật mà thầy Đông Hồ chỉ bảo được đem ra áp dụng. Viết thế nào. Phần thư trên ảnh sẽ chiếm bao nhiêu chỗ để bức ảnh không bị ảnh hưởng mà trái lại còn như tô vẽ thêm cho bức ảnh. Nếu chỉ phóng bút trên một tờ giấy hoa tiên như các nghệ nhân thư họa ở trong nước mỗi độ Xuân về đi bán chữ trên những vỉa hè các thành phố lớn, thì kể như dễ dàng. Ở đây phải là nghệ thuật. Nghệ thuật không chỉ trên sư bay bướm phổ vào từng chữ mà phải là ‘ý tại ngôn ngoại’ theo các cách viết nữa. Một điều đáng lưu ý hơn nữa là cách viết dù có bay bướm đến đâu cũng phải rõ nét cho người đọc, không thể để người đọc phải đoán, lần mò ra chữ có khi sai hẳn ý nghĩa lời thơ,” ông kể tiếp.

Nghe tác giả kể công trình sáng tạo trong Thư Ảnh, chợt nhớ câu “nghề chơi cũng lắm công phu.” Nhưng chính những công phu này lại giúp tinh thần con người đạt đến được cái Mỹ trong cuộc sống truân chuyên mà Đức Thích Ca Mâu Ni gọi là “Bể Khổ,” là chốn “ta bà”.

Đứng nhìn những bức “Vọng,” “Tâm,” “Kiếp người,” “Say với ai” và đọc những lời thơ của Nguyên Sa, Tô Đông Pha, Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng, Đông Hồ trên những bức ảnh, người xem bỗng bất chợt thấy mình cũng lung linh như muốn thoát khỏi cuộc sống với những trăn trở sỏi đá mà đến chỗ “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây.”

Một khách xem Thư Ảnh thuộc lớp trẻ duy nhất trong cuộc triển lãm, cô Vân Quỳnh, ở Anaheim, khi được hỏi cảm tưởng, e dè nói: “Cháu không biết nói sao, chỉ thấy thích lắm, muốn mua một bức mà không biết có bán không.”

Mời độc giả xem phón sự thăm KABC News ở Los Angeles

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT