Thursday, March 28, 2024

Little Saigon: Kỹ Thuật Cao Thắng Tất Niên 2018 với nhiều kỷ niệm khó quên

 

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng vừa tổ chức tiệc Tất Niên và mừng Xuân mới 2018, lúc 11 giờ Chủ Nhật, 11 Tháng Hai 2018 tại Kensington Garden, Westminster, với các cựu học sinh cùng các thầy cô, hội ngộ trong tình thầy trò, tình đồng môn, và các thân hữu.

Đây là lần hội ngộ Tất Niên truyền thống lần thứ 6 bắt đầu từ năm 2012, các cựu học sinh Kỹ Thuật Cao Thắng mới có dịp gặp nhau, người cao tuổi nhất cũng xấp xỉ 70, thầy trò cùng tóc bạc như nhau, hàn huyên tâm tình mãi không thôi.

Ông Bùi Đường (K. 68-71) cho biết hàng năm đều có họp mặt Tất Niên, trước đó một tuần có buổi nấu bánh chưng, và cứ 2 năm một lần có đại hội Cao Thắng toàn quốc để anh chị em Cao Thắng có cơ hội gặp nhau.

Năm nay có sự tham dự của các Giáo Sư Trần Quang Hải, Vũ Mộng Hà, Nguyễn Văn Nên, và cùng các bạn đồng môn từ các nơi xa về.

Ông Phan Thanh Nhuận, thay lời ban tổ chức lên chúc Tết Thầy Cô và các bạn đồng môn.

Ông Vũ Kim Thành (K.50-53), có lẽ là cựu học sinh lớn tuổi nhất hôm nay. Ông cho biết sau khi ra truờng Cao Thắng, chuẩn bị đi học khóa sĩ quan cơ khí hàng không Rochefort ở Pháp năm 1967, nhưng không đi được vì động viên nhập ngũ Quân Lực VNCH, là sĩ quan biệt khu 44 Truyền Tin.

“Sau 43 năm xa xứ, đến dự tiệc Tất Niên hôm nay tôi thấy buồn, vì lớp bạn già cùng tuổi không thấy đâu, mỗi năm đều vơi bớt, chắc rơi rụng hết rồi.”, ông Thành buông lời tâm sự.

Từng ly bia cụng nhau lia lịa nhớ đến những ngày xưa còn mài đủng quần trên ghế nhà trường, cùng nhiều chuyện kể rôm rả nghe cười đứt ruột, với những giai thoại về chuyện đi uống bia đặc Gò Công, ở góc đường Lê Lợi và Pasteur, một loại bia ngon thời đó đem ướp lạnh cho cứng xốp, khi uống phải dùng đũa chọc rồi từ từ uống mới đã.

Hay những lần cả lớp cùng đi ăn “Phở Nhà Xác”, mới nghe ai cũng giật mình nhưng đó chỉ là tên do học trò trường Cao Thắng đặt cho quán phở nằm phía sau bệnh viện Sài Gòn (thời đó kêu là Bệnh Viện Chú Hỏa) sau lưng có nhà xác, xéo góc với trường Cao Thắng.

Chưa kể những lần đánh lộn, cũng dàn trận chiến thuật như ai, có những lần thắng trận huy hoàng nhưng cũng có lúc “ôm đầu máu!” Ấy vậy mà con trai Cao Thắng cũng dẻo miệng lắm, tán gái là dính chắc!

“Đó mới là tính cách Cao Thắng! Coi vậy mà học cũng giỏi lắm nha. Cao Thắng là một trong những trường trung học có tỷ lệ học sinh đậu Tú Tài 2 nhiều nhất Sài Gòn thời đó. Mà đi du học cũng nhiều nữa,” ông Thành nói tiếp.

Các nữ sinh Cao Thắng năm xưa trong ngày Tất Niên và mừng Xuân mới 2018. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Võ Duy Khiết (K. 64) cho biết tuy học Cao Thắng nhưng sau đó lại thi đậu năm thứ nhất Luật Khoa Sài Gòn, do đó vào học Luật luôn cho đến khi ra trường nhập ngũ vô quân đội. Nay về dự tiệc Tất Niên thấy rất cảm động, anh em tình cảm vẫn như xưa.

Cựu học sinh Bùi Đường thì kể những kỷ niệm khi cùng nhau đá banh tại sân Hoa Lư, ông cũng nói vui khi nói dân Cao Thắng có máu thầy, máu thợ và cả máu “du côn”, chính điểm đó làm anh em dễ thân nhau hơn, vì ai cũng có máu giang hồ.

Không khí lên đến cao trào khi các nàng học trò Cao Thắng đi từng bàn cụng ly với các đàn anh, cùng tiếng cười nói rôm rả, và mọi người cùng ca vang bài “Ly Rượu Mừng” sáng tác Phạm Đình Chương, một nhạc phẩm bất hủ không thể thiếu được khi mỗi độ Xuân về.

Tuy là trường nam sinh với những môn học nặng phần kỹ thuật với dao búa, máy mài, khoan tiện,… nhưng nổi bật nhất là lớp nữ của trường, như những bông hoa giữa sa mạc.

Cô Phạm Hoài Hương, nữ học sinh Cao Thắng đầu tiên năm 1974, cho biết cũng được học nữ công gia chánh, sau đó học điện tử. Khi ra truờng làm ở Công ty Điện Tử Bình Hòa được mấy năm thì… vượt biên!

“Sang đây gặp lại bạn bè cùng các đàn anh, tình cảm đồng môn vẫn y như ngày nào. Nhất là rất hãnh diện là học trò truờng Cao Thắng,” cô Hương hào hứng kể. Và đàn em Kim Hương, K. 75-79, thì nói rằng các bậc đàn anh đều giỏi văn chương chữ nghĩa văn nghệ đầy mình, biết giúp đỡ đàn em trong nhiều lãnh vực.

Một bức hình kỷ niệm chụp chung với các thầy cô, cùng các đàn anh chen vai sát cánh với đàn em, thật ấm tình thầy trò và đồng môn.

Thầy giám thị Nguyễn Văn Nên cho biết dạy trường Cao Thắng từ 1959 cho đến 1983 mới nghỉ hưu. Ông cho biết đa số học trò Cao Thắng rất hiền, học giỏi nhưng sau 1975, có nhiều thay đổi, thầy trò không như ngày xưa. Tuy nhiên gặp nhau tại đây mỗi kỳ hội ngộ, thầy trò gặp lại rất mừng.

Chương trình văn nghệ thật đặc sắc với nhiều ca sĩ cây nhà lá vườn, mang lại không khí thật vui tươi sôi nổi.

Theo lịch sử, trường được sáng lập với danh xưng đầu tiên là Trường Cơ Khí Á Châu do Nghị Định ngày 20 Tháng Hai, 1906 của Thống Đốc Nam Kỳ Rodier, lúc ấy toàn quyền Đông Dương là Bonhour.

Mục đích của trường là đào tạo chuyên viên cơ khí bổn xứ cho ngành Hải Quân Pháp tại Đông Dương và kỹ thuật gia cho kỹ nghệ xí nghiệp của người Pháp. Sĩ số học sinh lúc ấy rất ít, vì người Việt chưa thích học về các ngành kỹ nghệ, hơn nữa khi ra trường phải đi lính cho Hải Quân Pháp.

Từ đầu thành lập đến 1975, trường đã đào tạo được gần 7,000 học viên chuyên nghiệp cơ khí và công nhân với nhiều tay nghề như điện, nguội, cơ khí và mộc. Và ban kỹ thuật toán tốt nghiệp tương đương Tú Tài 2 phổ thông chuyên nghiệp cơ khí và điện. Sau 1975, trường đổi tên thành Cao Đẳng Kỹ Thuật Cao Thắng.

Hơn 100 năm thành lập, giờ đây Trường Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng Sài Gòn và tinh thần của trường đã lan xa tận nơi hải ngoại, mỗi độ Xuân về vẫn còn ôm ấp tình đồng môn qua những đợt đóng góp gây quỹ tương trợ những bạn bè còn khó khăn ở quê nhà.

Ông Bùi Đường, thành viên ban tổ chức Tiệc Tất Niên cũng kêu gọi mọi người hãy nhớ Tháng Mười Một năm 2018 là ngày Giỗ Tổ Cao Thắng, anh em bạn đồng môn nhớ họp mặt đông đủ. Mọi thông tin đều có trên website Cao Thắng, hoặc ĐT: (714) 906-8871, (661) 607-1844, (858) 724-0944

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT