Thursday, March 28, 2024

Little Saigon tổ chức buổi tưởng niệm cố soạn giả Yên Lang

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Nhiều quan khách, ca nghệ sĩ, và đồng hương đến tham dự buổi tưởng niệm cúng thất tuần cố soạn giả Yên Lang, do Hội Nghệ Sĩ Hải Ngoại và Ðoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang tổ chức vào trưa Chủ Nhật, 30 Tháng Bảy, tại hội trường Việt Báo, Westminster.

“Hôm nay là ngày cúng thất tuần của cố soạn giả Yên Lang. Bốn mươi chín ngày trôi qua là những ngày buồn nhất trong gia quyến của chú, cũng là nỗi buồn của các chú trong ban chấp hành của hội, của anh em nghệ sĩ của đoàn và tất cả nghệ sĩ cùng khán giả mộ điệu cố soạn giả trong cũng như ngoài nước,” cô Mai Chân, giám đốc Ðoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang, trưởng ban tổ chức, chia sẻ với nhật báo Người Việt.

Cô nói thêm: “Trong sự nghiệp sáng tác, soạn giả Yên Lang cho ra đời nhiều kịch bản cải lương được giới mộ điệu thời đó nhận xét là những tuồng hát của ông đã mang lại sự đổi thay mới cho ngành nghệ thuật sân khấu. Nhiều vở tuồng nổi tiếng của ông cho đến nay vẫn còn được rất nhiều khán giả yêu thích như: Bão Biển, Bão Cát, Băng Tuyền Nữ Chúa, Bếp Lửa Chiều Ly Biệt, Cuối Mùa Lá Rụng, Ðêm Lạnh Chùa Hoang, Hỏa Sơn Thần Nữ, Khi Rừng Thu Thay Lá, Khi Trời Lạnh Sương Khuya, Máu Nhuộm Sân Chùa, Manh Áo Quê Nghèo, Mùa Thu Trên Bạch Mã Sơn, Nhất Kiếm Bá Vương, Người Ðẹp Tây Thi, Nắng Chiều Trên Cổ Tháp, Nắng Thu Về Ngõ Trúc, Người Phu Khiêng Kiệu Cưới, Tình Bằng Hữu, Tình Hận Băng Hồ, Thằng Ðiên Vùng Bến Hạ,…”

Nghệ sĩ Hương Sĩ Nhân, thay mặt ban tổ chức, đọc bài Dòng Tâm Tư Cho Soạn Giả Yên Lang, của Lê Yến Ngọc Dung, thành viên Ðoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang.

Sau khi kể qua về những vở tuồng nổi tiếng của cố soạn giả, ông nói: “Ngoài những vở tuồng cải lương nổi tiếng, ông còn viết cả trăm bài cổ nhạc với thể loại tân cổ giao duyên như: Nỗi Buồn Hoa Phượng, Sầu Lẻ Bóng, Chuyến Ði Về Sáng, Ngàn Dặm Nước Non, Trăng Phương Nam, Tình Nghệ Sĩ, Trường Cũ Tình Xưa,…”

Nghệ sĩ và đồng hương tham dự buổi tưởng niệm 49 ngày cố soạn giả Yên Lang qua đời. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông nói thêm: “Sở trường của cố soạn giả là biên soạn những kịch bản cải lương có nội dung của Kiếp Hiệp Kỳ Tình, mà trong những năm của thập niên 1960 khán giả rất yêu thích, trong những thể loại này, ông có soạn những tuồng có những sắc thái tự tình quê hương dân tộc, tình yêu tổ quốc, hoặc nói lên khí phách của những chàng trai lãng tử dọc ngang bên bình rượu nghĩa tình hay ân oán, nhưng rất đa tình và mềm lòng bởi nhan sắc của giai nhân qua nhiều chuyện tình yêu ngang trái.”

Có mặt trong buổi tưởng niệm là nghệ sĩ Yến Linh, cư dân Westminster, bắt đầu vào ngành sân khấu trên 10 năm. Cô từng đi hát cho những tổ chức của cộng đồng và có diễn những trích đoạn một vài tuồng cải lương của cố soạn giả Yên Lang.

Cô nói với nhật báo Người Việt: “Theo tôi, lời văn của chú Yên Lang rất mộc mạc, nhưng ẩn chứa nhiều tình cảm sâu đậm, vì thế, khi đóng những vai trong những vở tuồng của chú nghệ sĩ dễ nhập vai theo tâm tư của tác giả.”

Cô tâm tình: “Ðối với cố soạn giả Yên Lang, Yến Linh xem như một người cha tinh thần trong lãnh vực nghệ thuật, vì mỗi khi có dịp đóng những vai diễn trong vở tuồng của chú, thì chính chú làm đạo diễn cho tôi diễn như thế nào để được nhập vai. Chú cũng từng khuyến khích những nghệ sĩ trẻ ở hải ngoại nên diễn và hát đúng theo bài bản mà các soạn giả đã bỏ công sức biên soạn, và cố gắng giữ truyền thống nghệ thuật cải lương tại hải ngoại.”

Nhạc sĩ Lê Khiêm, cư dân Santa Ana, lúc còn ở Việt Nam, ông là nhạc sĩ đào tạo rất nhiều nghệ sĩ cổ nhạc được xuất thân từ “Lò đào tạo nghệ sĩ cổ nhạc Lê Khiêm” ở Cà Mau.

Nhạc sĩ Lê Khiêm cho biết: “Theo tôi, soạn giả Yên Lang rất xứng đáng để được vinh danh là người đã có công đóng góp nhiều tác phẩm nghệ thuật sân khấu cải lương của Việt Nam. Thứ nhất, ông có đức tính rất hiền từ, mềm mại và thương yêu nghệ sĩ. Thứ hai, ông có tầm hiểu biết rất cao về nghệ thuật, vì ông đã soạn những vở tuồng rất nổi tiếng. Khi nói đến những tuồng về ‘Hương Xa’ thì phải nói đến soạn giả Yên Lang. Từ ngữ ‘Hương Xa’ theo giới cải lương để ám chỉ những tuồng có nội dung nói về lịch sử cổ xưa của những nước trong thời vua chúa, muốn biên soạn những tuồng này thì người soạn giả phái có trình độ về văn hóa lịch sử thật sâu rộng như: “Máu Nhuộm Sân Chùa” (Việt Nam); Mùa Thu Trên Bạch Mã Sơn (Nhật Bổn); Người Ðẹp Tây Thi (Trung Hoa),…”

Nghệ sĩ Giang Bích Phượng (phải) và nghệ sĩ Tấn Phong trong trích đoạn cải lương “Ðêm Lạnh Chùa Hoang” của cố soạn giả Yên Lang. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Nhân dịp này, ông Phát Bùi, phó thị trưởng Garden Grove kiêm chủ tịch Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Nam California, chia sẻ: “Ðối với soạn giả Yên Lang thì tôi là một khán giả rất hâm mộ những tuồng cải lương của ông từ trong nước, cũng như ở hải ngoại. Ðối với tôi, ông là một người tài hoa và đã có công rất nhiều trong lãnh vực đóng góp những tác phẩm có giá trị cho nền văn hóa nghệ thuật của Việt Nam. Vì thế, hôm nay chúng tôi có mặt ở đây và xin thắp một nén hương để tỏ lòng kính mến người nghệ sĩ tài hoa này.”

Trong số quan khách tham dự còn có ông Nguyễn Mạnh Chí, ủy viên Ðặc Khu Vệ Sinh Midway City.

Hai thành viên sáng lập Hội Nghệ Sĩ Hải Ngoại là Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu và Giáo Sư Trần Văn Chi cũng có mặt tại buổi lễ.

“Tâm trạng của tôi là rất bùi ngùi khi bước vô hội trường này, cái xúc động đó mình không diễn tả được, mà như là có một sự mất mát quý báu đối với mình. Thật ra, tôi xin thưa với chị Yên Lang và các bạn như thế này: Cái ngày lễ tang của soạn giả Yên Lang thì tôi rất buồn, nhưng cái buồn đó chưa thấm thấu,” ông Giàu chia sẻ.

Ông nói thêm: “Nhưng sau 49 ngày qua, tôi đến đây để thắp cây nhang cho anh Yên Lang, thì tôi mới thấy thật sự mình đã mất một người bạn mà mình từng cộng tác, đặt từng hy vọng trong việc duy trì nền cổ nhạc Việt Nam tại hải ngoại này. Từ năm 2004, tôi với Giáo Sư Trần Văn Chi cùng một số anh em đứng ra thành lập Hội Nghệ Sĩ Hải Ngoại. Sau này có thêm anh Yên Lang. Chúng tôi có cái lòng, cái tâm để lo cho văn hóa của dân tộc của mình, nhưng chúng tôi không có sự hiểu biết sâu rộng về nền cổ nhạc cải lương. Cho nên, anh Yên Lang là cột trụ của các nghệ sĩ hải ngoại đầu tiên khi hội được thành lập. Mất anh, thì xem như hội mất đi cái cột cái của ngôi nhà nghệ thuật sân khấu ở hải ngoại này rồi.”

Tiếp lời, Giáo Sư Trần Văn Chi ngậm ngùi chia sẻ với mọi người: “Anh Yên Lang ra đi là sự mất mát lớn, không phải chỉ cho Hội Nghệ Sĩ Hải Ngoại và Ðoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang, hoặc cho những nghệ sĩ trong cũng như ngoài nước, mà còn là sự mất mát lớn của bộ môn cải lương trong nền văn hóa của dân tộc Việt Nam.”

Sau nghi thức tưởng niệm là chương trình văn nghệ đặc biệt do các ca nghệ sĩ ở Nam California đóng góp, với sự điều hợp của MC Quốc Bảo.

Mời độc giả xem phóng sự “Khóa tu học Phật Pháp Bắc Mỹ lần thứ 7 tại Chicago” (Phần 2)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT