Thursday, April 18, 2024

‘Vang Vọng Từ Trống Đông Sơn’ cuốn sách mang cội nguồn văn minh dân tộc Việt

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Buổi thuyết trình về trống đồng và ra mắt sách “Vang Vọng Từ Trống Đông Sơn” của Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn vừa diễn ra vào chiều Chủ Nhật, 14 Tháng Tư, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster, đã thu hút đông đảo đồng hương Little Saigon đến dự.

Những công trình nghiên cứu về trống đồng Việt Nam, di vật của người Việt cổ và ra mắt sách đã thu hút số người dự thính đông đến không ngờ, với những giáo sư học giả, những nhà nghiên cứu, giới tìm hiểu về lịch sử nước nhà, và cả những người có quan tâm đến cội nguồn dân tộc Việt.

Một chiếc trống đồng Đông Sơn khổ lớn, chu vi khoảng 1.15 với men đồng lên xanh màu thời gian, chiếm một không gian dễ thu hút mắt nhìn, kế bên là ba tủ kính chứa những di vật của người Việt cổ gồm các dụng cụ thuờng ngày bằng đồng như lưỡi dao, dụng cụ cày bừa, các đồng tiền lớn nhỏ đủ các kích cỡ, và tiền giấy xưa qua các triều đại.

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái, vẫn phong cách nói chuyện trước công chúng hài hước một cách có duyên và sâu sắc, đã dẫn dắt suốt chương trình, và hai vị diễn giả chính được mời tham dự là Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Huy Bích và Giáo Sư Quyên Di.

Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn thuyết trình về công trình nghiên cứu của mình về trống Đông Sơn nhằm giúp người nghe hiểu rõ hơn về nguồn gốc nền văn minh người Việt và mối tương quan với các bộ tộc Bách Việt, cùng rất nhiều tài liệu được trình bày qua slide show trên màn ảnh.

Trống là dụng cụ phát âm thanh, dùng để cầu mưa, lễ hội khải hoàn, hoặc trong đám ma, cho nên thời nào cũng vậy, khi ca hát nhảy múa thì cần một cái gì đó, gõ cho phát ra âm thanh, tiếng nhạc, có thể là chiêng, trống da, và văn minh nhất là trống đồng ngoài việc phát ra âm thanh, còn có thể ghi lại những hình ảnh của tổ tiên qua cách trang phục, sinh hoạt.

Hai em nhỏ Nika Nguyễn và Anna Nguyễn xin chữ ký trong sách “Vang Vọng Từ Trống Đông Sơn.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cuốn sách “Vang Vọng Từ Trống Đông Sơn” bìa cứng giấy dày, bằng hai thứ tiếng Anh và Việt, dày 282 trang, là công trình nghiên cứu lớn về trống Đông Sơn và những vật dụng tiêu biểu cho nền văn hóa đồ đồng Đông Sơn. Toàn bộ cuốn sách là những khảo cứu, hình ảnh, tài liệu chứng minh cho nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ.

Sách có sáu chương gồm những nội dung: Truy tìm cội nguồn và thử sắp xếp lại trình tự tiến hóa trống Đông Sơn; tìm hiểu kỹ thuật đúc trống đồng Đông Sơn; niên đại trống đồng Ngọc Lũ; văn hóa Đông Sơn và tục săn đầu người; An Dương Vương-Thục Phán từ góc nhìn của người sưu tập; Bách Việt và quá trình Nam tiến của người Bách Việt.

Giáo Sư Trần Huy Bích, nhà nghiên cứu nổi tiếng về sử học, Hán học và Việt Nam học, đóng góp ý kiến về bộ sưu tập của Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn, được coi là có hạng trong các bộ sưu tập về văn hóa Đông Sơn của tư nhân ở ngoại quốc, gồm nhiều trống đồng, những chiếc qua và kiếm, chậu, và hàng trăm hiện vật khác nhau như âu, bình, chân đèn, vòng, lục lạc, tấm chắn ngực, hổ phù, máy nỏ, dao găm, giáo, lao, rìu. Đặc biệt là sự khác biệt rất lớn giữa dòng giống Trung Hoa và Việt Nam, mà Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn viết rất kỹ trong quyển sách.

Theo một khía cạnh khác, Giáo Sư Quyên Di cho rằng quyển sách “Vang Vọng Từ Trống Đông Sơn,” nền văn minh đồ đồng là niềm hãnh diện lớn lao, sản phẩm trí tuệ chói lọi của người Việt cổ trên thế giới. Cái nôi của Đông Sơn nằm ở vùng sông Mã, Thanh Hóa, nơi địa linh nhân kiệt, nơi có cửa biển Thần Phù rất quan trọng, từ đó sản sinh ra những phẩm vật lạ lùng như trống đồng Đông Sơn hoặc trống đồng Ngọc Lũ.

Giáo Sư Quyên Di kết luận: “Tranh luận về điều khởi phát của văn minh trống đồng, đó là sự thách thức giữa Bác Sĩ Chẩn và toàn thể giới khảo cổ ở trong nước, khi trong quyển sách này nói về những luận cứ khoa học mà từ xưa tới giờ trong nước không nhắc tới.”

Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn trong buổi thuyết trính ra mắt sách “Vang Vọng từ Trống Đông Sơn.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Buổi thuyết trình sôi nổi hẳn lên trong phần hỏi đáp, những câu hỏi tại sao trong trống Đông Sơn, chim Lạc bay ngược theo hướng mặt trời, sông Hát là ở đâu khi Hai Bà Trưng tự trầm, hoặc hai đất Quảng Đông và Quảng Tây có thuộc vùng Đông Sơn không, hoặc câu hỏi về kỹ thuật đúc trống đồng Đông Sơn, tục cắt đầu người mà có hình trên trống đồng, hoặc câu hỏi về sự liên hệ giữa chế độ mẫu hệ, hay nam nữ bình quyền trong bộ Luật Hồng Đức, và nhiều câu hỏi nhỏ nữa.

Không khí thật nóng lên khi ông Nguyễn Giao, từ San Diego về dự, cho biết đọc trên Người Việt Online, thấy có một độc giả comment rằng “‘Đề nghị Bác Sĩ Chẩn nên đưa hết trống đồng này về Việt Nam.’ Tôi đề nghị ông Chẩn đừng đưa trống đồng này trả về Việt Nam, vì bọn chúng sẽ bán hết cho người khác lấy tiền bỏ túi, chứ có đưa vào viện bảo tàng cho công chúng xem đâu!”

Khác với những người chơi đồ cổ thuần túy, Bác Sĩ Chẩn đã gắn thú sưu tập đồ cổ của mình với những vấn đề khoa học nhân văn sâu rộng hơn, với mục tiêu làm sáng tỏ những trang sử tự hào của dân tộc. Khi đọc quyển sách này, đọc giả sẽ biết rõ nguồn gốc của người Việt từ đâu ra, người Việt cổ văn minh như thế nào.

Trong phần mở đầu cuốn sách, tác giả giải thích vì sao ông yêu thích văn hóa Đông Sơn: “Một số tài liệu trước đây đã từng tạo nên một cách hiểu không đúng rằng dân tộc Việt chỉ là một bộ phận của người Hán phương Nam Trung Quốc bị đánh đuổi xuống miền Bắc Việt Nam. Nhưng những sưu tập đồ đồng Đông Sơn lại cho thấy thực tế không phải như vậy. Nhiều phát hiện khảo cổ học gần đây ở Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu (Trung Quốc) cũng như văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc Việt Nam đã khẳng định sự hiện hữu những nhóm người có trình độ văn minh rất cao trước khi bị lệ thuộc vào người Hán ở Trung Nguyên.”

“Hơn nữa, gần đây nhất, một báo cáo khoa học trong Nature Tháng Mười, 2017, 14 nhà khoa học quốc tế đã xác định qua DNA, Việt Nam là một trong những cái nôi cổ nhất của văn minh nhân loại và cũng là một trong các nơi biết làm nghề nông sớm nhất thế giới.”

Bác Sĩ Quỳnh Kiều, phu nhân Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn, cũng là một cộng sự đắc lực trong việc nghiên cứu trống Đông Sơn hơn 30 năm qua, cho biết: “Qua quyển sách ‘Vang Vọng Từ Trống Đông Sơn,’ chúng tôi muốn đặt lại nền tảng cho con cháu người Việt hải ngoại hiểu được văn hóa gốc Việt của mình, có nguồn gốc rất xa xưa, để cố gắng hiểu những giá trị được thừa hưởng hôm nay từ tổ tiên ông bà của mình. Dù ở bất cứ nơi nào, nếu con cháu Hai Bà Trưng hiểu được lịch sử Việt, sẽ cố gắng phát triển những giá trị tinh hoa của dân tộc. Việc này cần bắt đầu từ những thế hệ truyền thừa, chúng tôi đang gom góp lại lịch sử nước nhà qua những giá trị cổ vật, và cũng rất cần sự góp sức phát huy của nhiều người tại hải ngoại.”

Mọi người lắng nghe Giáo Sư Trần Huy Bích trong buổi ra mắt sách “Vang Vọng Từ Trống Đông Sơn.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn bộc bạch với Người Việt: “Khi sang Mỹ chúng tôi cố gắng thu thập tất cả những gì về Việt Nam, và khi có điều kiện chúng tôi đi khắp Đông Nam Á tìm mua trống đồng, trong đó có trống đồng Việt Nam, và càng nghiên cứu trống đồng càng thấy lịch sử Việt Nam rất rõ ràng, không còn mù mờ gì nữa.”

“Người Hán ở phía Bắc sông Dương Tử là người văn minh, cho nên họ coi mình là người man di mọi rợ. Tuy nhiên mình cũng có nền văn minh riêng của mình, tương đối khá rực rỡ so với các bộ tộc ở Đông Nam Á, từ Nam Trung Hoa, Bắc Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai, Indonesia, Singapore, thì người Việt là văn minh nhất, bằng chứng là bộ sưu tập đồ đồng Đông Sơn chúng tôi có được,” Bác Sĩ Chẩn nói tiếp.

Bác Sĩ Chẩn khẳng định: “Nếu cầm quyển sách của chúng tôi, có thể dùng nó đi bất cứ nơi nào để cãi nhau với bất cứ ai nói là Việt Nam không văn minh bằng họ, hoặc để xem tổ tiên của một dân tộc nào đó vào thời đại đồ đồng có văn minh bằng dân tộc Việt không, thì cứ mở quyển sách này ra mà so sánh với đồ đồng của họ, sẽ thấy rất rõ ràng minh bạch.”

Hai em nhỏ Nika Nguyễn và Anna Nguyễn, cũng là học sinh Truờng Việt Ngữ Hồng Bàng, cho biết: “Em tuy không hiểu gì về trống đồng, nhưng thấy hình chụp trong cuốn sách rất đẹp, được bố giải thích đó là vật rất cổ xưa của tổ tiên để lại, nên xin bố mua cho một quyển để khoe với bạn bè trong lớp.” Cả hai em rất thích thú khi được tác giả ký đề tặng.

Bác Sĩ Lê Tất Giao, cựu bác sĩ quân y Tổng Y Viện Đà Nẵng, cho biết: “Một buổi nói chuyện khảo cổ thật thú vị, nguồn gốc của văn minh Việt Nam qua trống đồng Đông Sơn, những tài liệu trong quyển sách ‘Vang Vọng Từ Trống Đông Sơn’ rất quý giá, xứng đáng trong kho tàng sử liệu thế giới, người Việt hải ngoại nên tự hào và cùng góp sức trong việc minh định lại lịch sử nước nhà.”

Độc giả muốn có quyển sách “Vang Vọng Từ Trống Đông Sơn” xin liên lạc qua địa chỉ: [email protected]. (Văn Lan)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT