Friday, March 29, 2024

Trường Việt Ngữ Viện Việt Học tổ chức lễ ‘Biết Ơn Cha Mẹ’

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Đông đảo phụ huynh và đồng hương vừa đến tham dự lễ “Biết Ơn Cha Mẹ,” do Trường Việt Ngữ Viện Việt Học tổ chức vào trưa Thứ Bảy, 6 Tháng Năm, tại Viện Việt Học, Westminster.

“Tuần sau là ngày lễ của mẹ (Mother’s Day), và Tháng Sáu sắp tới sẽ có ngày lễ cha (Father’s Day), nhưng lúc đó trường bế giảng rồi, vì vậy trường mới tổ chức lễ ‘Biết Ơn Cha Mẹ’ cùng lúc. Sở dĩ trường dùng chữ ‘biết ơn’ mà không dùng chữ ‘nhớ ơn,’ bởi vì nhớ thì chỉ nhớ thôi, không tích cực bằng biết ơn,” bà Nguyễn Kim Ngân, giám đốc viện, cho biết.

Tại buổi lễ, học sinh toàn trường đồng hát hai bài “Ơn Nghĩa Sinh Thành” của cố nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và bài “Cỏ” được thầy Nguyễn Đình Hiếu phổ nhạc theo thơ của Giáo Sư Đỗ Quý Toàn. Thầy Hiếu cũng là người hướng dẫn các em những bài hát và sinh hoạt của trường.

Ngoài ra, mỗi em của các lớp lần lượt lên trình diễn những bài hát, cũng như những bài thơ do các em tự sáng tác để tặng cho cha mẹ.

Xen kẽ phần hát có trò chơi trả lời những câu hỏi nhằm giúp các em để ý đến những sở thích của cha mẹ mình. Nhà trường cho rằng, khi các em để ý đến những sở thích của cha mẹ thì các em sẽ có tình thương với cha mẹ nhiều hơn.

Và tại đây, có nhiều hình ảnh cảm động khi các em đến dâng tặng cha mẹ những tấm thiệp hình trái tim, những lời yêu thương cha mẹ do các em tự vẽ và viết.

Phụ huynh, đồng hương, và học sinh tham dự buổi lễ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Phụ huynh, đồng hương, và học sinh tham dự buổi lễ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cô giáo Nguyễn Tú Loan chia sẻ: “Tôi dạy các em đọc tiếng Việt những nguyên âm, phụ âm và những chữ đơn giản như ông, bà, ba, mẹ… và cách chào hỏi lễ phép với những người lớn tuổi. Tại lớp, các em muốn có ý kiến gì thì phải đưa tay để xin phép, khi đi hoặc về nhà các em phải trình thưa với những người lớn tuổi trong gia đình…”

Cô cũng nêu lên vài trở ngại khi hướng dẫn các em: “Phần nhiều các em được sinh tại Hoa Kỳ, nên nói tiếng Anh thông thạo hơn tiếng Việt. Vì thế khi dạy, thỉnh thoảng tôi cũng phải dùng chút Anh Ngữ để giải thích nghĩa tiếng Việt cho các em, vì có những chữ khó hiểu nghĩa như ‘đất nước,’ ‘dân tộc’… nếu càng giải thích bằng Việt Ngữ thì sẽ làm cho các em càng không hiểu. Do đó, trong gia đình, nếu cha mẹ thường dùng tiếng Việt thì các em dễ hiểu những bài học ở lớp hơn.”

Cô giáo Lê Thị Bích Thuận cho biết: “Đối với tôi, vốn tiếng Việt để hướng dẫn cho các em đầu tiên là tình thương, và tình thương này giống như bầu sữa mẹ. Đối với những em nhỏ, khi dạy dỗ thì mình dùng tâm lý và tình thương nhiều nhất, rồi sau đó, các em sẽ dễ tiếp nhận được những gì mình đã dạy cho các em.”

Ông Tô Đăng Khoa, cư dân Garden Grove, có con trai học chữ Việt tại trường, nói: “Điều quý nhất là ban giám đốc và thầy cô chú trọng nhiều về nhân cách, đạo đức để hướng dẫn cho các em. Chẳng hạn buổi tổ chức hôm nay là để các em hiểu biết về công ơn của cha mẹ nhiều hơn. Điều tốt nữa là thầy cô gọi các em bằng con, và xem các em như con ruột của mình. Điều này tạo cho các em tình yêu thương đối với thầy cô rất đầy đặn, và giúp các em thích đến học chữ Việt ở trường.”

Theo bà giám đốc viện, sinh hoạt của viện là nghiên cứu, quảng bá và giảng dạy. Trong phần giảng dạy, trường Việt Ngữ sẽ dạy tiếng Việt theo âm vị học và khai giảng được hơn ba năm. Lớp học từ 3 giờ 30 phút chiều đến 5 giờ chiều. Sau đó, từ 5 giờ đến 5 giờ 30 phút, học sinh được dạy về sinh hoạt học đường, trong đó có dạy những bài hát nói về công ơn của cha mẹ… Hiện trường có bảy lớp, từ lớp vỡ lòng lên đến các lớp 1, 2, 3, 4, 5 và 6.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT