Thursday, March 28, 2024

VNCOC thuyết trình ‘Giảm sự kỳ thị về bệnh tâm lý trong cộng đồng’

Nguyên Huy/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Giảm sự kỳ thị về bệnh tâm lý trong cộng đồng” là chủ đề thuyết trình tại buổi sinh hoạt của Trung Tâm Y Tế Southland, thuộc Hội Cộng Đồng Người Việt Orange County (VNCOC), vừa diễn ra sáng Thứ Bảy, 1 Tháng Tư, tại chi nhánh của hội trên đường Westminster, Westminster.

Thuyết trình viên là họa sĩ Trinh Mai, đề cập đến những băn khoăn, tìm hiểu của lớp trẻ về chiến tranh Việt Nam. Cô cho biết vì sanh trưởng tại Hoa Kỳ nên cô hoàn toàn không được biết gì về cuộc chiến Việt Nam. Thân phụ và những anh em chú bác của cô là những người phải chịu ảnh hưởng của cuộc chiến ấy. Cuộc sống của họ trong một xã hội nghèo khổ, chậm tiến nên lúc nào cũng mong mỏi con em mình phải thoát ra được sự nghèo khổ, chậm tiến của một đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Theo cô, do vậy mà hố ngăn cách trẻ, già ngày càng lớn khi thế hệ thứ hai của người Việt hải ngoại lớn lên và sinh trưởng trong một xã hội mới, được giáo dục trong phong cách của nền giáo dục mới. Vì vậy mà tuổi già mới có những mặc cảm và tuổi trẻ mới có những kỳ thị. Không một gia đình nào thuộc thế hệ người Việt tị nạn thứ nhất đến Mỹ, Âu Châu, Canada… không lâm vào tình cảnh con cái ít nghe lời cha mẹ về tương lai học vấn và sự nghiệp của mình.

Cô cho hay, đến nay sắp qua thế hệ một và thế hệ thứ hai đang tiếp bước cha anh giáo dục con cái của mình là thế hệ thứ ba. Họ cần phải biết đến điều này để có được sự thông cảm, hiểu biết giữa già, trẻ trong cộng đồng. Người lớn tuổi phải hiểu cho lớp trẻ và ngược lại lớp trẻ phải tìm hiểu lớp già vì sao lại có những khe khắt bắt buộc con cái phải theo ý mình.

“Lớp trẻ phải hiểu tâm lý của sự bắt buộc ấy là từ lòng thương yêu con cái, muốn con cái có cuộc sống hơn mình… Thế hệ đi trước nên hiểu cho con em rằng trong xã hội mới, nhất là ở Hoa Kỳ, chính tổ tiên người Việt từng nói ‘Nhất Nghệ Tinh Nhất Thân Vinh’ và ‘Nhất Sĩ, Nhì Nông,’ nhưng ‘hết gạo chạy rông’ thì phải ‘Nhất Nông, Nhì Sĩ,’” cô nói.

Ngoài chủ đề thuyết trình, buổi sinh hoạt còn triển lãm khoảng 100 bức vẽ kèm với những bài viết dài ngắn của lớp vẽ Stigma Art do các em nhỏ trên dưới 13 tuổi thực hiện. Các bức tranh là hình ảnh do chính các em ghi nhận được quanh mình như cảnh mùa Thu với lá vàng rơi, ngôi nhà thờ ở thành phố Đà Lạt, những gương mặt quen thuộc trong cuộc sống của các em…

Điều mà người xem khá bất ngờ là những bài viết cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt của nhiều em đều chan chứa tình cảm, cũng như nỗi buồn, niềm cô đơn và những tư tưởng về thiền, về niềm tin tôn giáo, về cuộc sống… Các em không chỉ có những suy nghĩ trẻ thơ, non nớt mà đã chạm đến những vấn đề tâm linh, siêu hình. Tuy không là những suy nghĩ sâu sắc nhưng các em đã bảy tỏ về cuộc sống tinh thần mà thường tuổi trẻ ít khi nghĩ tới.

Cô Tricia Thảo Nguyễn, tổng giám đốc VNCOC, nói: “Chúng tôi có 70 anh chị em cùng phụ trách công việc này của hội. Mục đích chính là giúp cộng đồng về y tế, các vấn đề trong sinh hoạt như về tâm lý, tinh thần, mở các lớp về ESL cũng như thể dục, nghệ thuật… Điều mà chúng tôi quan tâm hơn hết là làm sao cho hố ngăn cách trẻ, già trong cộng đồng người Việt được xóa đi, hay ít nhất cũng phải giảm thiểu đến tối đa.”

“Chính vì sự ngăn cách trẻ, già trong cộng đồng nên đã phát sinh những bệnh trầm cảm, căng thẳng, cho nhiều vị cao niên, đồng thời cũng tạo ra sự kỳ thị trong giới trẻ với thế hệ cao niên. Phải tìm ra nguyên nhân để khắc phục, đó là mục đích của các buổi thuyết trình do hội mở ra thường xuyên để tạo cơ hội cho người trẻ, người lớn tuổi cùng hiểu nhau và thông cảm cho nhau,” cô nói thêm.

Cô cho hay, VNCOC được thành lập rất sớm, từ năm 1979, do bà Mai Công sáng lập và thực hiện với sự hỗ trợ của chính quyền Hoa Kỳ trong các chương trình giúp người tị nạn Việt Nam sớm hòa nhập vào cuộc sống mới. Nay hoạt động của hội mở rộng ra với các sắc dân khác nên đã đổi tên là Southland Integrated, Inc.. Hoạt động của hội bao gồm nhiều công tác về sức khỏe, về cuộc sống tâm thần cho người mới tới.

Mọi chi tiết liên lạc xin gọi (714) 620-7007 hay vào trang web http://southlandintegrated.org.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT