Saturday, April 20, 2024

Dân cử gốc Việt gởi thư tổng thống Mỹ vụ nhân quyền và Formosa

LITTLE SAIGON, California (NV) – Hai vị dân cử Mỹ gốc Việt vùng Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại, đang vận động Tổng Thống Donald Trump nêu lên tình trạng nhân quyền tệ hại tại Việt Nam, cũng như thúc giục nhà cầm quyền Cộng Sản giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong vụ nhà máy Formosa thải chất độc ra bờ biển bốn tỉnh miền Trung cũng như để ý đến hải sản có chất độc nhập cảng vào Mỹ.

Trong một thông cáo báo chí gởi ra hôm Thứ Năm, 4 Tháng Năm, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn, đại diện Địa Hạt 34, cho biết đã gởi thư tới nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, kêu gọi ông phải bảo đảm là vấn đề nhân quyền phải được nêu ra trước tiên trong bất cứ cuộc đối thoại nào (với phía Việt Nam).

Hôm 20 Tháng Tư, Tổng Thống Trump mời Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Hoa Kỳ, qua một lá thư do ông H.R. MaMaster, cố vấn an ninh quốc gia, chuyển cho ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam.

“Trong vai trò lãnh đạo quốc gia, Thủ Tướng Phúc là một nhân vật quan trọng của chế độ Cộng Sản Việt Nam, một quốc gia mạnh tay đàn áp quyền tự do mà chính Hoa Kỳ luôn tôn trọng,” Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn được trích lời phát biểu. “Điều đáng tiếc là, trong suốt 42 năm qua, Việt Nam chưa cho thấy bất cứ tiến bộ nào, là họ có một hồ sơ nhân quyền trong sạch, xứng đáng là đối tác với Hoa Kỳ.”

Và để kêu gọi Tổng Thống Trump nêu ra vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn trích dẫn báo cáo hàng năm của Ủy Ban Quốc Tế Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ (USCIRF), đưa ra ngày 26, Tháng Tư, cho thấy “chính quyền Cộng Sản Việt Nam tiếp tục đàn áp bất cứ ai thách thức quyền lực của họ, bao gồm các luật sư, blogger, nhà hoạt động, tổ chức xã hội dân sự, và tổ chức tôn giáo” và kết quả là “Việt Nam đủ tiêu chuẩn để bị đưa trở lại danh sách Các Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt (CPC).”

Việt Nam từng bị USCIRF đưa vào danh sách này năm 2002.

Để vạch rõ hơn những vi phạm nhân quyền của Cộng Sản Việt Nam, trong lá thư, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn nêu ra trường hợp nhà hoạt động Việt Nam Vương Văn Thả và gia đình chín người của ông, hiện đang bị chính quyền Cộng Sản Việt Nam quấy nhiễu, chỉ vì ông đã dám tố cáo tội ác của họ qua Facebook và YouTube.

Theo Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn, những trường hợp như vậy cho thấy, sự lạm dụng lập đi lập lại của Cộng Sản Việt Nam, và kêu gọi sự chú ý của Tổng Thống Trump, nếu ông Phúc chấp nhận lời mời.

“Tôi hy vọng, ông sẽ nhân cơ hội này, nhấn mạnh rằng, Hoa Kỳ sẽ không gia tăng quan hệ với bất cứ quốc gia nào không tôn trọng nhân quyền của người dân, và hơn nữa, bất cứ thỏa thuận nào với Hoa Kỳ phải mang tính chất bảo vệ nhân quyền cho người dân Việt Nam,”

Ông Phúc trước đây có nói sẵn sàng đến thăm Hoa Kỳ bất cứ lúc nào, và cho biết gần như chắc chắn chấp nhận lời mời của Tổng Thống Trump. Tổng Thống Trump cũng dự trù sẽ tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam vào Tháng Mười Một.

Trong khi đó, tại Westminster, thành phố trung tâm của Little Saigon, Thị Trưởng Trí Tạ sẽ đệ trình một nghị quyết, kêu gọi Tổng Thống Donald Trump chú ý đến thảm họa môi trường tại Việt Nam, trong phiên họp thường kỳ vào lúc 7 giờ tối Thứ Tư, 10 Tháng Năm.

Sau đó, toàn thể Hội Đồng Thành Phố sẽ gởi một lá thư đến nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, yêu cầu ông gây áp lực với chính quyền CSVN.

Nghị quyết nêu ra rằng, vào ngày 6 Tháng Tư, 2016, hàng triệu con cá chết dạt lên bờ biển của tỉnh Hà Tĩnh, và ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên-Huế.

Ngư dân địa phương nghi rằng, cá bị chết là do nước bị nhiễm độc. Sau đó, các giới chức Việt Nam xác nhận cá chết là do chất cyanide và chất phenol thải từ nhà máy Formosa ra biển. Nhà máy nhận trách nhiệm, chịu bồi thường $500 triệu.

Thảm họa môi trường này ảnh hưởng kỹ nghệ đánh bắt cá và kỹ nghệ du lịch của những tỉnh này, trong khi ngư dân chưa được bồi thường thỏa đáng.

Đã vậy, khi sự việc xảy ra, nhà nước cố tình bưng bít thông tin, làm cho người dân phải biểu tình phản đối. Thế rồi, công an phản ứng bằng cách đe dọa, quấy nhiễu, và đánh đập người dân.

Ngoài ra, cũng theo nghị quyết, sự việc xảy ra trong vụ Formosa cho thấy, chính quyền Cộng Sản không quan tâm đến môi trường thế giới, trong khi Việt Nam xuất cảng hải sản trị giá $7 tỷ trong năm 2016, trong đó, có 21% xuất cảng sang Hoa Kỳ. Vì thế, người tiêu dùng Mỹ có thể là nạn nhân của hải sản bị nhiễm độc.

Thị trưởng và hội đồng thành phố muốn chuyển những quan tâm này đến tổng thống Hoa Kỳ, và yêu cầu chính phủ Mỹ xem xét kỹ hải sản nhập cảng từ Việt Nam, vì thế:

1-Thị trưởng và hội đồng thành phố yêu cầu chính phủ Mỹ đòi hỏi chính phủ Việt Nam phải công khai trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này một cách nhanh chóng và giải quyết các quan tâm về môi trường.

2-Thị trưởng và hội đồng thành phố yêu cầu chính quyền Mỹ hiện tại, để bảo vệ người tiêu dùng tại Hoa Kỳ, thiết lập các trạm kiểm soát độc lập để xem xét bất cứ chất độc nào trong các hải sản nhập cảng từ Việt Nam. (Đ.D.)

Mời độc giả xem điểm tin buổi sáng ngày 5 tháng 5 năm 2017

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT