Thursday, March 28, 2024

‘Góp Lá Mùa Xuân’: Xem ‘quái kiệt’ chơi guitar bằng một tay

Quốc Dũng/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Góp Lá Mùa Xuân 2018” đặc biệt có sự góp mặt của một “quái kiệt” vừa chơi guitar bằng một tay (do tay kia phải cắt bỏ vì bị hoại tử) vừa kết hợp thổi kèn harmonica một cách điêu luyện, một ca sĩ với giọng ca chuyên hát nhạc Trịnh Công Sơn được nhiều khán giả yêu mến, cùng một tiến sĩ vì người khuyết tật.

Đó là ba nhân vật sẽ xuất hiện trong chương trình nhạc thính phòng “Góp Lá Mùa Xuân 2018” do Fortitude Educational Foundation tổ chức giúp trẻ mồ côi, khuyết tật Việt Nam, sẽ diễn ra lúc 2 giờ trưa Chủ Nhật, 25 Tháng Ba, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Họ là thầy giáo, nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh, người sáng lập và điều hành Trường Mồ Côi và Khuyết Tật Hướng Dương ở Bến Cát, Bình Dương; ca sĩ Thủy Tiên; và Tiến Sĩ Võ Thị Hoàng Yến, người sáng lập và điều hành Trung Tâm Khuyết Tật và Phát Triển (DRD) ở Sài Gòn.

Anh Nguyễn Thế Vinh cho biết: “Đây là lần thứ ba Fortitude Educational Foundation tổ chức chương trình này tại Mỹ với mục đích góp tiền để giúp cho Trường Mồ Côi và Khuyết Tật Hướng Dương. Cái chính của chương trình là một buổi văn nghệ trình diễn thật sự, rồi sau đó mới giới thiệu trường Hướng Dương. Buổi diễn đầu tiên ở Little Saigon, sau đó là San Diego, San Jose, và Houston.”

Tiến Sĩ Hoàng Yến giới thiệu: “Cách làm việc của chúng tôi khác với một số chương trình làm cho người khuyết tật khác. Bởi vì thường làm cho người khuyết tật thì người ta mang người khuyết tật tới, chương trình có phẩm chất hay không thì không quan trọng, quan trọng là gợi sự thương hại để nhiều người cho tiền. Còn chương trình của chúng tôi thì không phải như vậy, mà mọi người đến thưởng thức âm nhạc thật sự, đàng hoàng. Qua đó làm cầu nối với mọi người rồi mới giới thiệu hoạt động của trường Hướng Dương.”

“Chúng tôi làm như vậy là vì, khi tham gia một số chương trình làm từ thiện dành cho người khuyết tật, chúng tôi cảm thấy khó chịu, bởi vì người ta đem hình ảnh người khuyết tật một cách đáng thương hại chỉ để người xem cho tiền, chứ không phải thưởng thức một buổi văn nghệ. Với ‘Góp Lá Mùa Xuân,’ cả Thế Vinh và Thủy Tiên đều là nghệ sĩ thực thụ ở Việt Nam, đã đi lưu diễn nhiều nơi trên thế giới như Pháp, Nhật, Nam Hàn, Mỹ…,” bà nói.

Từ phải, thầy giáo Nguyễn Thế Vinh, ca sĩ Thủy Tiên, và Tiến Sĩ Võ Thị Hoàng Yến. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

“Mọi người hay nói đùa Vinh là ‘độc thủ đại hiệp,’ bởi vì Vinh chỉ có một tay (do tay kia phải cắt bỏ vì bị hoại tử) nhưng chơi đàn guitar rất điêu luyện, cái này hiếm có trên thế giới vì họ chỉ chơi piano hay các loại nhạc cụ khác. Người thường phải dùng hai tay để vừa bấm phím vừa gảy guitar, trong khi Vinh chỉ có một tay mà phải vừa bấm phím vừa gảy luôn. Đặc biệt, Vinh còn vừa chơi đàn vừa thổi kèn harmonica nữa. Có lẽ trên thế giới mới chỉ có mình Vinh,” bà nói thêm.

Anh Vinh cho hay, anh sẽ đàn những nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy như Diễm Xưa, Niệm Khúc Cuối, Tuổi Đá Buồn, Bao Giờ Biết Tương Tư…

“Hơn hết, đó là đờn cho Thủy Tiên hát. Ở Việt Nam, Tiên nổi tiếng là một trong những người hát nhạc Trịnh Công Sơn hay nhất, đã từng đoạt giải nhất trong cuộc thi hát nhạc Trịnh ở Việt Nam năm 2004 nên những người mê nhạc Trịnh đều biết đến cô,” anh nói.

Ca sĩ Thủy Tiên chia sẻ: “Từ giải nhất đó thì một số anh em quý mến muốn mời tôi ra phòng trà hát, nhưng tôi có một chút mặc cảm vì khuôn mặt của mình. Bởi vì tôi nghĩ, khi hát phòng trà, ngoài chuyện người ta trả tiền để thưởng thức giọng hát, người ta còn phải ngắm sắc diện, nên tôi không tự tin. Nhưng các anh rất kiên nhẫn, thúc mãi. Rồi thì khán giả ở phòng trà tán thưởng vỗ tay, từ đó tôi mạnh dạn bước ra ngoài.”

“Khoảng năm 2006 có chương trình rất lớn của gia đình Trịnh Công Sơn làm, khi đó ca sĩ Lệ Thu, và một ca sĩ là cháu của ông, cũng về. Chương trình đó tôi được hát với rất nhiều ca sĩ nổi tiếng, với bài hát ‘Xin Cho Tôi’ tôi được rất nhiều khán giả thích và báo chí giới thiệu, nên sau đó tôi không làm công nhân ở khu chế xuất nữa, mà làm bước đệm lớn để tôi đi hát phòng trà. Đến năm 2008 tôi được đi Pháp để giới thiệu tiếng hát của mình. Cuộc đời có những may mắn nối tiếp, nên tôi được đi Châu Âu bốn lần, và đi Mỹ được bốn lần, để hát những chương trình gây quỹ từ thiện giúp trẻ em, phụ nữ khuyết tật,” cô nói.

Thầy giáo Nguyễn Thế Vinh (giữa) trong chuyến thăm hai học trò của mình đang du học tại Nhật Bản. (Hình: Nguyễn Thế Vinh cung cấp)

Nói về cơ duyên gặp thầy giáo, nghệ sĩ Thế Vinh và ca sĩ Thủy Tiên, Tiến Sĩ Hoàng Yến cho biết: “Năm 2009 khi làm chương trình gala âm nhạc cho người khuyết tật ‘Giới Hạn Là Bầu Trời’ thì tôi gặp hai bạn này. Lúc đó tôi muốn làm một chương trình âm nhạc gây chú ý, bởi vì tôi muốn thay đổi nhận thức của mọi người đối với người khuyết tật, không nhìn một cách thương hại nữa mà nhìn công nhận tài năng thực sự của họ. Sau đó tôi biết Thủy Tiên thích làm công tác xã hội, nên tôi ‘dụ’ cô về làm quản lý cho Hội Quán Đời Rất Đẹp do tôi lập cho Trung Tâm Khuyết Tật và Phát Triển (DRD) năm 2010. “

“Thời gian đầu vừa làm công việc ở hội quán, vừa đi hát chịu không nổi vì nhiều việc quá. Sau đó tôi làm hẳn ở hội quán thôi, bởi vì làm hội quán rất thích, mình như một đốm lửa có thể lan tỏa đến anh em khuyết tật khác, đó là một bước đệm để anh em tự tin bước ra ngoài hội nhập. Hội quán cũng tổ chức những đêm nhạc hằng tuần, để mọi người nhìn nhận đúng với khả năng của anh em, chứ không phải nhìn khuyết tật để thương hại,” ca sĩ Thủy Tiên cho hay.

Kể về Trường Mồ Côi và Khuyết Tật Hướng Dương, thầy giáo, nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh cho biết: “Khi mở trường hồi năm 2010 tôi chỉ nhận nuôi, dạy các em học cấp 3 có hoàn cảnh mồ côi, khuyết tật để ăn học đến hết đại học, hoàn toàn miễn phí. Sau hai đợt đi Mỹ năm 2016 và 2017, thấy bà con quan tâm, giúp đỡ nên năm vừa rồi tôi có nhận những em học cấp 1 và cấp 2.”

“Mục đích nhận các em nhỏ hơn để mình can thiệp sớm hơn, nhắm giúp các em không bỏ học. Bởi vì càng ngày tìm các em mồ côi học cấp 3, nhất là con trai, hầu như không có. Hầu hết các em học tới cấp 2 thì nghỉ để đi làm. Do đó tôi bắt đầu nhận các em cấp 1 và 2 là vì vậy,” anh kể.

Học sinh Trường Mồ Côi và Khuyết Tật Hướng Dương ở Bến Cát, Bình Dương. (Hình: Nguyễn Thế Vinh cung cấp)

“Các em mồ côi ở đây là mồ côi cha, hoặc mẹ, hoặc cả khi còn cả cha mẹ nhưng họ bị bệnh. Mỗi năm tôi dành dịp Tết không bận bịu chuyện dạy đi đến những vùng sâu vùng xa để gặp cha mẹ các em và phỏng vấn trực tiếp các em tại nhà, thậm chí còn phải khích lệ, năn nỉ để các em không bỏ học và theo tôi về trường để tiếp tục việc học. Tất cả đều do tôi tự lo, cho các em miễn phí ăn, ở, học cho đến hết đại học. Tuy nhiên, khi lên đại học thì tôi chỉ giúp một phần, còn lại các em phải đi làm thêm để có tiền học,” anh kể thêm.

Anh cho hay, trong bảy năm trường có 121 học sinh, trong đó 81 học sinh đi thi đại học thì có 70 vào đại học, 11 vào cao đẳng, hoàn toàn là trường công.

“Học trường tư mắc tiền và không có phẩm chất nên các em phải cố gắng vào các trường công như đại học Bách Khoa, Kinh Tế, Kinh Tế-Luật, Sư Phạm… và học các ngành cơ khí, kinh tế, công nghệ thông tin… Tôi hướng các em thi vào những ngành mà ở Việt Nam dễ xin việc làm,” anh nói.

“Trong 81 em học đại học và cao đẳng, ngoài một số học ở Việt Nam thì có 36 em đang học ở Nhật, 1 em ở Úc, và 1 em ở Mỹ. Hiện tôi đang dạy 40 em ở trường, trong đó một nửa là cấp 3, một nửa còn lại là cấp 1 và 2,” anh nói thêm.

Trong chương trình “Góp Lá Mùa Xuân” lần này, Tiến Sĩ Võ Thị Hoàng Yến nói: “Có hai thông điệp chúng tôi muốn gửi đến, đó là mọi người đến và thưởng thức âm nhạc thực sự chứ không phải thương hại gì cả. Và như tên của chương trình, chúng tôi nói thật, làm thật, không lợi dụng danh nghĩa khuyết tật để quyên góp tiền.”

Chương trình còn có sự góp mặt của các ca sĩ Kim Thoa, Kim Yến, Đức Cường, ban nhạc Quốc Võ piano, Phong Lê guitar, Khương Nguyễn keyboard. (Quốc Dũng)

—————–

Liên lạc tác giả: [email protected]

Rơi nước mắt cảnh đón 76 nữ sinh được khủng bố trả tự do

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT