Thursday, April 18, 2024

Xem triển lãm ‘Câu Chuyện Việt’ với cái nhìn của một ‘người trong cuộc’

Linh Nguyễn/Người Việt

YORBA LINDA, California (NV) – “Người trong cuộc” tổ chức đi xem triển lãm “Câu Chuyện Việt” (Viet Stories) cùng ba người bạn cố tri, tại bảo tàng viện Richard Nixon ở Yorba Linda, vào sáng Thứ Tư, 4 Tháng Tư, không ai khác, chính là ông Tony Lâm, cựu nghị viên gốc Việt đầu tiên tại Westminster.

“Sở dĩ tôi mời ba người bạn thâm giao đi xem là vì họ chỉ được nghe, nhưng chưa được thấy tận mắt như tôi. Hơn nữa cuộc triển lãm này bắt đầu từ ngày 24 Tháng Hai, có một góc trưng bày hình ảnh về hành trình tị nạn của tôi mà họ có người ở cùng trại với tôi tại Guam năm 1975, như anh Tạ Quang đây,” ông Tony Lâm nói với nhật báo Người Việt.

Ông chỉ tay vào những hình ảnh về ông do ban tổ chức “Việt Stories” trưng bày.

“Đây là hình ảnh khi tôi cùng vợ con, lúc còn ở Việt Nam. Còn đây là những lá thư tôi viết tay, những giấy tờ chứng nhận khả năng Anh ngữ, những hình ảnh sinh hoạt khi tôi làm trưởng trại Asan ở Guam,” ông nói thêm.

Ông tiếp tục dùng cây gậy chống để chỉ vào những bức hình trên cao và chiếc áo khoác màu xanh đậm có thêu tên “Councilman Tony Lam” trưng trong khung kính.

“Còn đây là những tài liệu khi tôi tranh cử nghị viên Westminster. Đây là hình tôi đọc diễn văn khi đắc cử. Đây là cây bút tôi dành tặng bạn bè, trên thân bút có ghi hàng chữ ‘Stolen from Tony Lam’!” ông khôi hài và quay sang giới thiệu ba người bạn từ khi còn trẻ, cùng hiện diện để xem triển lãm.

Ông Tony Lâm (phải) và ông Tạ Quang. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Anh Tạ Quang ở Westminster, 85 tuổi, cựu trung tá từng phục vụ tại Tổng Cục Tiếp Vận Bộ Tổng Tham Mưu và Quân Đoàn II QLVNCH; anh Huỳnh Bá Hành, 86 tuổi, ở Fountain Valley, trước ngày 30 Tháng Tư là hiệu trưởng Trung Học Biên Hòa; và anh Đặng Thảo, 82 tuổi, cư dân Fullerton, từng làm với tôi trong phái đoàn Đài Loan, cố vấn cho Hiệp Hội Nông Dân và Nông Tín Cuộc từ năm 1959 dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm,” ông nói.

Vì có thời gian ở cùng trại với ông Tony Lâm, ông Tạ Quang nhắc đến những kỷ niệm của hai người bạn già: “Tôi còn nhớ hình ảnh 20 căn nhà hai tầng bằng nhôm và những sinh hoạt trong trại, như tổ chức dạy nghề cho người tị nạn, rồi vụ thuyết phục đồng bào trên tàu Việt Nam Thương Tín hồi hương…”

Ông Tony Lâm kể chuyện một người Mỹ hỏi ông rằng ông được ai bầu làm trại trưởng với giọng hách dịch.

“Lối anh hỏi giống các thái thú thời Tây. Đó là lý do chúng tôi ra nông nỗi này!” ông kể và cho biết người hỏi sau khi nghe câu trả lời bèn bỏ đi một nước!
Vị cựu nghị viên cho biết ông từng làm phụ tá cho ông Rufus Philipes, giám đốc USAID và được quyền tuyển mộ nhân viên cho cơ quan này.

Ông Huỳnh Bá Hành cũng cho biết về mối liên hệ của ông với ông Tony Lâm: “Chúng tôi là bạn từ năm 1957, tuổi mới đôi mươi, ăn chơi có nhau. Tôi làm mai vợ cho nó. Ông nội này cũng quậy lắm, nhưng làm được việc.”

Ông Đặng Thảo chia sẻ: “Tôi cùng Tony Lâm làm trong phái đoàn Đài Loan và lo cố vấn nông nghiệp, đánh cá và mục súc. Sau đó hắn đi làm USAID, tôi cũng đi theo và sau làm kiểm toán viên cho cơ quan này từ năm 1963 đến 1965.”

Từ trái, các ông Tony Lâm, Huỳnh Bá Hành, Tạ Quang và Đặng Thảo, trước lối vào của bảo tàng viện. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Đến đây thì ba người đứng trước những hình ảnh về sự phát triển của cộng đồng người Việt tị nạn tại Orange County, trong đó có việc tham gia của giới trẻ vào các chức vụ dân cử địa phương, như Andy Quách, Nguyễn Quốc Lân, Trần Thái Văn, Dina Nguyễn, v.v…

Ông Tony Lâm hồi tưởng lại những ngày làm cho hãng Johnson Drakes & Fibers thầu làm xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa.

“Sau tôi làm cho hãng thầu RMK, rồi đi thầu cung cấp cát, đá, bốc dỡ hàng ở hải cảng Cam Ranh, coi trên 600 phụ bến tàu, trong hai năm. Sau đó tôi làm nhà máy sản xuất cơm gạo sấy và tôm đông lạnh ở Rạch Sỏi, vì trước đó tôi từng có dịp qua Mỹ nhập cảng máy đông lạnh (1972),” ông cựu nghị viên kể.

Ông chia sẻ những ngày tình nguyện làm việc trong trại tị nạn Asan, rồi qua Mỹ: “Tôi tổ chức thi văn nghệ vào Tháng Sáu năm 1975 nhân ngày độc lập của Guam. Ngày Lễ Ðộc Lập Hoa Kỳ vào Tháng Bảy, tôi tổ chức thi đua làm xe hoa và tổ chức nơi thờ phượng cho các tôn giáo để người tị nạn có nơi thờ phượng.”

“Sau đó, khi tôi sang California, tôi mở văn phòng dịch vụ, rồi ứng cử nghị viên, mở nhà hàng Viễn Đông, và sau khi về hưu, tôi làm chủ một tiệm bánh mì Lee’s Sandwiches ở Westminster,” ông nói.

Ông Tony Lâm và ba người bạn tỏ ra chú ý nhất là khu triển lãm về hàng trăm hiện vật quí hiếm được thu lượm và đóng góp từ nhiều nơi trên thế giới, các câu chuyện của người Việt tị nạn và các tác phẩm nghệ thuật của 17 nghệ sĩ, trong đó có họa sĩ Ann Phong, Bé Ký, Đinh Q. Lê, Nguyễn Thị Hợp, Châu Thụy, Hồ Thành Đức, Binh Danh, Nguyễn Việt Hùng, Long Nguyễn, Nguyễn Đồng, Nguyên Khai, Tiffany Lê, Howard Hao Vy TranNguyen Ly, N Tuan, Thuy Linh Bennet Kang, và Vi Ly.

Cuộc triển lãm do Viện Bảo Tàng Nixon Library Museum cùng với Giáo Sư Linda Trinh Võ thuộc trường đại học UC Irvine, giám đốc Dự Án “Câu Chuyện Việt: Lịch sử truyền khẩu của người Mỹ gốc Việt” và cô Trâm Lê, cố vấn ngoại vụ về nghệ thuật và văn hóa của thành phố Santa Ana, đồng tổ chức.

Bảo tàng viện Richard Nixon Presidential Library & Museum, 18001 Yorba Linda Blvd, Yorba Linda, Ca 92886, tiếp tục mở cửa cho đến 28 Tháng Năm, 2018.

Đặc biệt nhân kỷ niệm 10 năm, “Chương Trình Việt Stories” sẽ có tiếp tân lúc 5 giờ 30 chiều ngày Thứ Năm 12 Tháng Tư, và 7 giờ tối cùng ngày sẽ chiếu phim “Journey from The Fall” miễn phí.

Muốn giữ vé trước, xin vào ghi danh, hạn chót là ngày 9 Tháng Tư, tại:
https://www.eventbrite.com/e/viet-stories-recollections-regenerations-exhibition-and-journey-from-the-fall-film-showing-tickets-42405724664. (Linh Nguyễn)
—————-
Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình “Du lịch đền Karnark ở Ai Cập” (phần 2)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT