Thursday, March 28, 2024

‘Xuân Ca,’ hát cùng lớp thanh nhạc Lê Hồng Quang

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Sau thời gian rèn luyện công phu, buổi hội ngộ giữa những tâm hồn yêu âm nhạc, hòa điệu trong tiếng hát của các em thiếu nhi, thanh thiếu niên, những vị cao niên trong lớp thanh nhạc Lê Hồng Quang lại cất lên, trong buổi trình diễn cuối khóa mùa Xuân với chủ đề “Xuân Ca.”

Buổi diễn vào ngày cuối Tháng Ba, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster, tràn ngập hơi Xuân, khi hầu hết những bản nhạc dành cho các em nhỏ được ưu tiên hát do thầy Lê Hồng Quang chọn và hướng dẫn, nhưng lần này độ khó đã tăng lên rất nhiều với những bài đòi hỏi người hát phải khổ luyện.

Nhạc phẩm “Ly Rượu Mừng” sáng tác Phạm Đình Chương do em Thu Anh mở màn đã chiếm trọn cảm tình người thưởng thức, với câu chữ tròn và chắc, cùng với làn hơi phong phú trong nhịp điệu vững vàng, được tán thưởng bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt.

Tiếp theo, không ai ngờ được lần này bé Kenrick Khải Bùi, 5 tuổi, học sinh mẫu giáo trường Murdy Elementary, thật tự tin khi em trình diễn bản “Ta Hạnh Phúc Liền Giây Phút Này” (Happiness Is Here And Now), một bản thiền ca với tính cách triết lý nhẹ nhàng và khó trình bày, nhưng em vẫn vượt qua dễ dàng với lời Việt và Anh, nhận đựợc sự ngợi khen nồng nhiệt của nhạc sĩ Lê Hồng Quang.

Tiếp nối là những bài “Em Là Bông Hồng Nhỏ” (Trịnh Công Sơn), “Cho Con” (Phạm Trọng Cầu), “Cò Lả” (Dân Ca Bắc Bộ), “Người Thầy” (Nguyễn Nhất Huy), “Tuổi Ngọc” (Phạm Duy), “Anh Cho Em Mùa Xuân” (Nguyễn Hiền), “Hãy Yêu Nhau Đi” (Trịnh Công Sơn), qua giọng ca các em Jazmyn Bùi, Minnie Hoàng Nguyễn, Anh Thư, Hoàng Mỵ Thanh Thanh, Bảo Hân, Hữu Lộc, Bảo Ân.

Các học viên nhỏ tuổi trong buổi diễn “Xuân Ca.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cô Tâm An, bà mẹ trẻ của ba em nhỏ Kenrick Khải Bùi, Anh Thư và Thu Anh, cho hay các cháu thích học nhạc, đó là sở thích và các cháu biết áp dụng vào cuộc sống rất thú vị.

“Sau những giờ học mệt mỏi ở trường, các cháu hát theo sự đam mê thích thú. Đặc biệt khi phát âm tiếng Việt, ngoài sự rèn luyện của thầy Quang, các cháu còn được dạy thêm và nói tiếng Việt ở nhà thường xuyên nên hát tự nhiên lắm,” cô kể.

“Khi hai chị học bài hát ở nhà, Kenrick ngồi nghe và tự học hát theo luôn, và bài hát đầu tiên mà Kenrick hát là bài ‘Ơn Nghĩa Sinh Thành,’ cùng hát chung với hai chị trong lần trình diễn năm rồi,” cô Tâm An hào hứng kể tiếp.

Học viên Diễm Hạnh, đã tốt nghiệp UC San Diego được hai năm nay, đang thực tập về khoa mắt, chuẩn bị lấy bằng bác sĩ nhãn khoa nhi đồng, lần này xuất hiện với nhạc phẩm “Mừng Tuổi Mẹ” thật điêu luyện.

“Em theo học lớp thanh nhạc của thầy Lê Hồng Quang từ lúc nhỏ nhưng gần đây phải nghỉ học, dồn hết sức cho năm cuối đại học. Bây giờ học xong rồi, trở về lớp thanh nhạc, lại có cơ hội được học tiếng Việt. Em rất cảm ơn ba mẹ em đã khuyến khích và dạy em nói tiếng Việt rất nhiều trong giao tiếp hằng ngày,” Diễm Hạnh vui vẻ nói.

Hợp ca nữ trong nhạc phẩm “Xuân Ca.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Mở màn phần hai của chương trình là hợp ca nữ trong nhạc phẩm “Xuân Ca” sáng tác Phạm Duy, với một bài hát được trình bày bằng bốn bè, quả thật là sự cố gắng hết sức của nhóm.

Cô Phan Uyển Nghi, một trong những học viên kỳ cựu nhất của nhóm hợp ca nữ này, cho biết đã theo học lớp thanh nhạc hơn 10 năm nay.

“Thanh nhạc là một bộ môn nghệ thuật, khi theo học, tôi thấy được cái đẹp trong giọng hát mình, chứ không đi trình diễn hay dự thi, thành ra mình rất hứng thú trong việc ca hát như là một niềm vui. Và khi tiếp xúc được với niềm vui đó, tôi cảm thấy đời sống hằng ngày của mình được nuôi dưỡng và thăng hoa nhiều hơn,” cô Uyển Nghi tâm tình.

Cô Lan Phương, giáo viên tiếng Việt lớp vỡ lòng và lớp 5 tại Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam, theo lớp thanh nhạc Lê Hồng Quang đã hơn bốn năm nay, cho biết sau khi học, nắm vững kỹ thuật như lấy hơi, nén hơi nên cô rất tự tin hát trước công chúng.

Trong đêm diễn này, với nhạc phẩm “Nắng Paris Nắng Sài Gòn” sáng tác Ngô Thụy Miên, nhạc sĩ Lê Hồng Quang hướng dẫn cô với kỹ thuật hát giọng cao, và cô Lan Phương đã hát rất tự nhiên, lả lướt theo nhịp điệu cùng với tâm tình của bài hát, với sự tự tin của người đã khổ công luyện thanh nhạc.

Học viên lớp thanh nhạc Lê Hồng Quang trong buổi diễn cuối khóa “Xuân Ca.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Đặc biệt khi dạy học tiếng Việt, tôi lồng vào kỹ thuật hát để dạy học trò, các em rất thích được nghe giải thích ý nghĩa bài học bằng tiếng Việt, cũng như cách phát âm cho các em bằng động tác, thí dụ như dấu huyền thì đưa tay phải lên, dấu sắc thì đưa tay trái lên, các em dễ nhớ và thấm sâu hơn. Nếu phụ huynh cho con em mình đi học tiếng Việt từ lớp vỡ lòng, sẽ rất thuận tiện cho việc học tiếng Việt của các em sau này, nếu muốn tiếp tục học lên cao hơn nữa. Học trò tiếng Việt của tôi cũng có nhiều em theo học lớp thanh nhạc này,” cô Phương chia sẻ.

Giáo Sư Vũ Ngọc Mai, cao tuổi nhất trong lớp thanh nhạc, người thường xuyên hát trong những buổi cuối khóa, nói: “Sau thời gian học, tôi rất tự tin về kỹ thuật khi trình diễn. Nhưng khi hát những bài mới, với ca từ súc tích và diễm lệ, tôi thường hay quên lời và học bài lâu hơn, nhưng với niềm đam mê tôi sẽ vượt qua. Tôi hát bài ‘Hải Ngoại Thương Ca’ trong lần trình diễn này để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Văn Đông, vừa mới ra đi. Tôi đã hát bài này với hai đồng nghiệp trong đại hội trường nữ Lê Văn Duyệt cách đây mấy năm, nên rất xúc động khi hát lại bài này.”

Bác Sĩ Nguyễn Đăng Phúc thì cho rằng: “Trong những lo toan mệt nhọc hằng ngày, âm nhạc mang lại một niềm hân hoan giúp mang lại sự cân bằng trong cuộc sống. Tôi cũng có ít nhiều năng khiếu âm nhạc nên hát là một sự diễn đạt rất tự nhiên.”

Phải nói lần trình diễn mùa Xuân này, niềm đam mê âm nhạc đã vượt qua tất cả, tuổi tác và thành phần xã hội, lớp thanh nhạc Lê Hồng Quang như một đại gia đình thân thương với những người không có tuổi, mang lại sự thích thú và hài lòng của người phụ trách, và nhạc sĩ Lê Hồng Quang luôn tươi cười trong sự tiến bộ của học trò. (Văn Lan)

Dâu tây đứng đầu danh sách các loại quả bẩn nhất ở Hoa Kỳ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT