Friday, April 19, 2024

Đồng hương thân hữu Di Linh-Lâm Đồng họp mặt


Quốc Dũng/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Thân hữu Di Linh-Lâm Đồng sẽ họp mặt lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy, 4 Tháng Sáu, tại Club House, Kensington, Garden Park, 9800 Bolsa Ave., Westminster, CA 92683.

 

Ba người bạn học chung lớp sau nhiều năm xa cách: Trần Thị Phương, Thái Dương Minh, Hứa Thị Đào (từ trái) cùng hát bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” trong lần họp mặt năm 2015. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)

Bà Phương Trần, thành viên ban tổ chức, cho biết: “Chúng tôi cố gắng làm thật tốt để buổi họp mặt diễn ra thắm nồng tình thầy trò và đồng hương xa xứ. Đây là dịp để chúng tôi gặp gỡ thầy cô, cựu học sinh của trường trung học Lê Lợi – trường trung học duy nhất ở Di Linh, Lâm Đồng, trước năm 1975. Nhờ mái trường này và nhờ công ơn các thầy cô đã không ngại nơi xa xôi đến dạy học để chúng tôi nên người.”

Bà chia sẻ, hầu hết các phụ huynh học sinh đều dồn những tình cảm trân trọng cho các thầy cô và cũng vì thế mà học sinh dù thuộc lớp nào, lớn hay nhỏ cũng đều ngoan ngoãn chăm chỉ coi thầy cô như những hình ảnh mà các em ao ước khi lớn lên cũng sẽ được như vậy.

“Đồng thời, buổi họp mặt này chúng tôi cũng mong gặp được tất cả đồng hương ở Bảo Lộc, các vùng phụ cận tới tham dự. Ngoài việc hàn huyên, thăm hỏi, và trao đổi với nhau những tin tức vui buồn của những người đã gắn liền với địa danh Di Linh-Lâm Đồng, chúng tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ những bạn bè, đồng hương ở Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn theo khả năng của mình,” bà nói.

Bà cho hay: “Mỗi năm chúng tôi gặp nhau vào dịp Hè để con cháu có cơ hội cùng tham dự, để từ đó tìm hiểu về quê hương, nguồn cội. Mặc dù nhóm thân hữu chúng tôi không lớn, nhưng lúc nào cũng rất thân thiết với nhau, trong đó tình thầy trò, tình bạn hữu lúc nào cũng gắn bó như keo sơn. Và vì gắn bó như vậy mà ngay địa điểm tổ chức buổi họp mặt này, suốt nhiều năm qua chúng tôi không thay đổi, bởi vì nơi này rất ấm cúng và thân tình.”

Theo bà Phương, hơn 20 năm sinh hoạt nhưng thân hữu Di Linh-Lâm Đồng không lập hội, không có hội trưởng hay ban chấp hành gì cả. “Vì thị trấn Di Linh nhỏ nên chỉ có một trường trung học. Và cũng vì thị trấn nhỏ mà mọi người trong thị trấn sống với nhau như một gia đình. Do đó, tuy xa xứ, nhưng chúng tôi không thay đổi truyền thống vốn có. Thân hữu Di Linh-Lâm Đồng là một đại gia đình, mỗi lần họp mặt là anh chị em đồng hương chúng tôi cùng đứng ra lo chung với nhau tổ chức tiệc, văn nghệ, để thầy trò kể lại những chuyện ngày xưa,” bà cho biết.

Di Linh là một trong những quận của tỉnh Lâm Đồng, chỉ cách Ðà Lạt vài chục cây số. Là một quận thuộc cao nguyên trung phần nên Di Linh có khí hậu thật mát mẻ quanh năm. Nói tới Di Linh-Lâm Đồng, mọi người khắp nước đều nhắc đến đặc sản trà, bởi vì trà Lâm Đồng nổi tiếng thơm, ngon với những đồn điền trà bao la bát ngát với danh hiệu “Trà Blao.”

Nói đến Di Linh-Lâm Đồng, người ta cũng nghĩ đến làng Cùi Di Linh, một làng cùi nổi tiếng nhất nước, vì tại nơi đây có một vị giám mục Công Giáo người Pháp, có tên Việt là Đức Cha Sanh, trước khi đến Di Linh, ông là giám mục giáo phận Sài Gòn. Sau khi về hưu, Đức Cha Sanh tình nguyện lên săn sóc các người cùi, cuối cùng ông bị lây bệnh và qua đời. Giám mục để lại di chúc xin được chôn trong làng cùi với các anh em bệnh phong.

Gioan Cassaigne là tên của ông. Ông sinh ngày 30 Tháng Giêng, 1895, tại Grenade-sur-l’Adour, Landes (miền 40), giáo phận Air et Dax, Pháp. Con trai duy nhất của ông Joseph Cassaigne (1842-1948) làm nghề thử và bán rượu, và bà Nelly Cassaigne (1852-1907). Từ năm 1972, Đức Cha Sanh không còn đủ sức để làm việc vì các căn bệnh hoành hành từ lâu: Bệnh sốt rét (từ 1929), cùi (1943), lao xương (1957) và lao phổi (1964). Đức Cha Sanh qua đời ngày 31 Tháng Mười, 1973.

Trước năm 1954, hầu như Di Linh không có một căn cứ quân sự nào nên sắc thái chiến tranh thường không có ở nơi thị trấn này. Di Linh cũng là nơi cách thành phố thơ mộng Ðà Lạt không bao xa nên Di Linh cũng không được gọi là nơi “khỉ ho cò gáy” mà cũng có ít nhiều sắc thái phong lưu của một thành phố du lịch kế bên. Vì vậy, con người Di Linh vừa có cái chân chất hiền hòa của người dân miền núi, lại vừa có cái tinh nhanh, tháo vát của người dân phố thị.

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT