MYANMAR, (NV) – Ngày 14 Tháng 11, 2014, ông Barack Obama đã gặp ông Nguyễn Tấn Dũng bên cạnh hội nghị thượng đỉnh các nước Ðông Nam Á (ASEAN) tại Myanmar. Ông tổng thống Mỹ cũng đã gặp Trương Tấn Sang nhân hội nghị APEC tại Bắc Kinh. Tất nhiên, hai bên đã nói chuyện Biển Ðông và mối đe dọa của Cộng Sản Trung Quốc.

Ðiều đáng thất vọng là sau đó ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng chính quyền Cộng Sản Việt Nam, không dám nói một lời nào để cảnh cáo Trung Cộng trong âm mưu tiếp tục xâm lấn biển Đông nước ta. Không thấy ông Nguyễn Tấn Dũng đáp lại với ý của Obama muốn hai nước liên lạc chặt chẽ hơn , hoặc kêu gọi Mỹ phải đóng vai trò tích cực hơn để bảo vệ an ninh trong vùng Biển Ðông.

Không dám bày tỏ một thái độ mạnh mẽ, Nguyễn Tấn Dũng chỉ lập lại những luận điệu cũ, để các đồng chí cộng sản anh em hài lòng. Nguyễn Tấn Dũng nói rằng, “Việt Nam sẽ áp dụng tất cả các biện pháp hòa hoãn và cần thiết, trong vòng luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong vùng biển tranh chấp.”

Nói vậy cũng giống như không nói gì cả. Dũng còn nói thêm rằng các quốc gia trong vùng không nên làm gì cho tình trạng thêm phức tạp và thay đổi nguyên trạng (status quo).

Ðiều mà mọi người dân Việt Nam chờ đợi là một ông thủ tướng nước mình phải lên tiếng phản đối việc Trung Cộng mới thiết lập các phi đạo trên hòn đảo nhân tạo lập trên những tảng đá ngầm trong vùng Trường Sa. Ðó chính là một hành động phức tạp và thay đổi nguyên trạng.”

Một người đại diện quyền lợi dân tộc Việt Nam cũng phải lên tiếng cảnh cáo Trung Cộng không được hành động khiêu khích, như đem giàn khoan dầu tới trấn ngự ngay vùng biển Việt Nam.

Nhắc tới “luật pháp quốc tế” nhưng Nguyễn Tấn Dũng cũng không dám báo cho thế giới biết rằng Việt Nam có thể đưa ra các bằng cớ lịch sử vững chắc chứng tỏ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đã bị Trung Cộng cưỡng chiếm từ năm 1974.

Trong khi đó, Thủ Tướng Trung Cộng Lý Khắc Trường đã mở cuộc tấn công ngoại giao ngay trong hội nghị ASEAN. Ông ta đưa ra những món lợi nhử các nước Ðông Nam Á để mời quay theo quỹ đạo của Trung Quốc. Về vấn đề Biển Ðông, Lý Khắc Trường mạnh mẽ hơn Nguyễn Tấn Dũng nhiều, nói rằng “Trung Quốc cương quyết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình.” Hai chữ “lãnh thổ” trong câu của Trường ám chỉ cả Hoàng Sa và Trường Sa!
Thái độ hung hăng của Lý Khắc Trường khác với không khí hòa hoãn và nhượng bộ mà Tập Cận Bình đã cố gắng phô trương tại hội nghị APEC trong mấy ngày trước đó. Guồng máy tuyên truyền của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc đề cao “thắng lợi ngoại giao” này, để cho địa vị của Tập Cận Bình vững hơn sau hai năm nắm quyền. Nhưng trong thực tế, tại hội nghị Trung Cộng đã phải nhượng bộ rất nhiều. Báo đài của Cộng Sản Việt Nam cũng che đậy những yếu kém ngoại giao của Trung Cộng.

Hành động tự hạ mình rõ rệt nhất là Tập Cận Bình chịu bắt tay thủ tướng Nhật Bản mà không đặt điều kiện nào cả, sau khi đã tỏ ra hung hăng trong thời gian trước đó.

Từ Tháng Mười Hai năm ngoái, Trung Cộng cắt đứt mọi cuộc gặp gỡ cấp cao, để phản đối việc ông Abe tới viếng đền Yasukuni, nơi vẫn thờ phụng cả những lãnh tụ quân phiệt thời chiến tranh Trung Nhật (1937-1945). bây giờ, báo, đài ở Trung Quốc lờ đi không hề nhắc lại điều này.

Tập Cận Bình cũng nhượng bộ Mỹ, làm quà an ủi Tổng Thống Obama sau khi đảng Dân Chủ thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Quốc Hội Mỹ. Ngoài các thỏa hiệp nhỏ về chiếu khán, giao thương, liên lạc quân sự để tránh xung đột bất ngờ, Bắc Kinh cũng chịu ký một thỏa ước về môi trường mà họ vẫn từ chối từ bao năm nay. Giới chức chính quyền Mỹ ngạc nhiên khi Trung Cộng đồng ý từ năm 2013 sẽ bắt đầu cắt các hơi độc do công nghiệp thải ra. Bao năm nay, Bắc Kinh vẫn khăng khăng không chịu cắt khí thải, lấy cớ rằng nhà máy của các nước Tây Phương đã thải hơi độc từ hai thế kỷ trước, trong khi người Trung Hoa bắt đầu gần đây!

Một thắng lợi của Tập Cận Bình được báo, đài đề cao khắp nước Trung Hoa là thỏa hiệp mua hơi đốt của Nga. Nhưng đây cũng là một ảo tưởng. Dân Trung Quốc sẽ được mua mỗi năm 68 tỷ mét khối hơi đốt từ Siberia, chuyển qua các hệ thống ống dẫn xuyên qua các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, và sa mạc Mông Cổ.

Nhưng đó chỉ là thành quả trên giấy tờ. Vì không biết bao giờ hệ thống ống dẫn dầu và khí đốt mới thành hình! Cũng chưa biết ai sẽ trả tiền cho dự án tốn kém đó, và khi có tiền rồi cũng mất nhiều năm mới hoàn tất và sử dụng.

Trong lúc đó, nền kinh tế nước Nga vẫn trên đà xuống dốc; khó tìm ra vốn để đầu tư vào dự án này. Nga đã bị các nước Tây phương phong tỏa kinh tế, trong ba tháng qua đồng Rúp của Nga đã mất giá gần một phần tư so với đô la Mỹ. Tiền vốn của giới tư bản Nga được đưa ra ngoại quốc lên tới hàng trăm tỷ đô la.

Tiền xuất cảng dầu khí, cung cấp một phần tư ngân sách chính phủ, xuống mất một phần ba. Giá dầu lửa trung bình 110 đô la một thùng trong nửa đầu năm 2014, nay chỉ còn trên dưới 80 đô la, và sẽ còn xuống nữa vì các nước OPEC và Mỹ cũng đang đua nhau tăng sản xuất. Vì dầu xuống giá, ngân sách chính phủ Nga đã mất 40 tỷ đô la.

Ðồng Rúp xuống giá khiến nhiều người từ Châu Âu đang tới Nga mua sắm, vì các món hàng Nga xa xỉ vẫn bán theo giá cũ, không điều chỉnh theo hối suất mới! Trong 12 tháng tới, đồng Rúp sẽ còn xuống, vì trong năm 2015 các ngân hàng và xí nghiệp Nga sẽ phải trả 120 tỷ đô la tiền nợ đáo hạn, trong đó 30 tỷ phải trả ngay trong Tháng Mười Hai này.

Chỉ có các xí nghiệp xuất cảng dầu, khí là có sẵn ngoại tệ trả nợ. Các ngân hàng và xí nghiệp khác sẽ phải đổi tiền, trong khi việc vay nợ từ nước ngoài ngày càng khó vì bị phong tỏa.

Trong tình trạng đó, không biết bao giờ chính phủ Nga có đủ tiền xây dựng hệ thống dẫn dầu, khí trong các vùng giá lạnh và sa mạc. Nhưng dân Trung Hoa trong lục địa không biết những khó khăn của Nga. Họ được thấy cảnh ông Vladimir Putin khoác khăn choàng lên vai bà Tập Cận Bình, trong khi ông chủ tịch nước Tàu đang quay trò chuyện với ông tổng thống Mỹ phía bên kia. Nhưng hình ảnh Putin hào hoa cũng chỉ xuất hiện được mấy ngày cho các công dân mạng đùa cợt, chế nhạo, rồi bị cơ quan kiểm duyệt cắt và cấm đoán ngay.

Ông Obama đã mượn Bắc Kinh làm nơi gặp gỡ với 11 chính phủ khác bàn tiếp về khối mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương TPP mà không mời Trung Quốc. Ðáp lại ông Tập Cận Bình cũng đưa ra một khối mậu dịch tự do Á Châu Thái Bình Dương khác, (Free Trade Area of the Asia-Pacific hay FTAAP). Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy để kết thúc các hiệp ước mậu dịch tự do với Nam Hàn và Australia, hai nước vùng Châu Á.

Trong mấy năm qua, dư luận các nước Châu Á là nghi ngờ tham vọng bành trướng của Trung Cộng. Các nước Châu Á đã mua khí giới nhiều hơn để tự vệ. Trong năm năm, cho tới năm 2013, số vũ khí bán sang Châu Á chiếm gần một nửa (47%) tổng số trên thế giới. Trước đó, trong năm năm từ 2004 đến 2008, tỷ số này chỉ là 40%.

Mối nghi ngờ của các nước Ðông Nam Á lên cao nhất khi Trung Cộng đưa giàn khoan dầu HD-981 đến vùng Hoàng Sa của Việt Nam. Chiến lược của Tập Cận Bình thể hiện trong Hội nghị APEC là tìm cách trấn an tâm lý các nước chung quanh, để bắt đầu kế hoạch bành trướng bằng kinh tế để gây ảnh hưởng lâu dài.

Tập Cận Bình muốn Trung Quốc sẽ đóng vai trung tâm, liên kết các nước Châu Á, từ Kazakhstan xuống đến Sri Lanka, qua “Vòng đai Kinh tế Ðường Tơ Lụa” và “Ðường Tơ Lụa Trên Biển,” như đã trình bày trong bài trước ở mục này. Bắc Kinh sẽ đầu tư 40 tỷ Mỹ kim để xây dựng Vòng đai Ðường Tơ Lụa xuyên vùng Trung Á, sang tới Châu Âu. Còn Ðường Tơ Lụa Trên Biển sẽ bao gồm các nước Nam và Ðông Nam Á, rồi qua Địa Trung Hải.

Hiện nay Trung Cộng là nước mua bán với các nước ASEAN nhiều nhất. Năm ngoái, thương vụ giữa hai bên đã lên tới 444 tỷ Mỹ kim, tăng 11% so với năm trước. Ngày hôm qua tại Myanmar, Lý Khắc Trường đã đưa ra những đề nghị kinh tế, thương mại để nhử các nước Ðông Nam Á, nhằm đối phó với dự án Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Obama.

Theo ông thủ tướng Trung Cộng, Bắc Kinh sẽ cho các nước ASEAN vay 10 tỷ Mỹ kim với lãi suất thấp. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc sẽ dành 10 tỷ đô la khác để xây dựng hạ tầng cơ sở, gồm cả các hải cảng trên Ðường Tơ Lụa Trên Biển.

Trung Cộng đã gạt ra ngoài không nói gì đến những tranh chấp với các nước Đông Nam Á trong vùng Biển Ðông, mà chỉ nói đến việc hợp tác thương mại. Họ đã đề nghị thành lập một Ngân hàng Ðầu tư Hạ tầng Cơ sở Châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank) mà hiện nay chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã tham gia dù nhiều nước khác còn chưa tỏ ý. Vì mục đích chính của ngân hàng này là tăng thêm các mối thầu cho các công ty xây dựng Trung Quốc.

Nhưng Trung Cộng sẽ khó chinh phục được lòng tin tưởng của lân bang. Ông Tra Ðạo Huỳnh, giáo sư Ðại Học Bắc Kinh nhận xét: Các dự án phát triển chung với lân bang của Trung Quốc sẽ giúp đem tiêu thụ các món hàng sản xuất ứ đọng trong nước, như thép và xi măng đang đầy ứ không bán được. Ông không tin rằng chính phủ nước ông có thể thành công khi đem tiền ra nhử. Ông nói, “Nhất là tại các nước Ðông Nam Á, có nhà lãnh đạo nào nghĩ mình sẵn sàng ‘khấu đầu’ trước một túi tiền nhử trước mắt hay không?”

Nhưng trong số các quốc gia Ðông Nam Á, Việt Nam ở vào vị thế yếu nhất khi đối đầu với Trung Cộng. Lý do vì đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn coi Cộng Sản Trung Hoa là chỗ dựa để bảo vệ chế độ vừa tham nhũng vừa bất lực.

Mặc dầu dân Việt biểu tình khắp nơi chống Trung Cộng xâm lấn suốt mấy năm qua, nền kinh tế Việt Nam trong thực tế vẫn lệ thuộc Trung Quốc. Trong một năm xảy ra vụ HD-981, giao thương với Trung Quốc trong mười tháng đầu năm 2014 vẫn tăng thêm 22%. Thương vụ năm ngoái lên tới hơn 50 tỷ đô la, tăng 84% so với con số hơn 27 tỷ năm 2010. Chính quyền Cộng Sản Việt Nam dự đoán trong năm 2015 số thương mại sẽ lên tới 60 tỷ đô la.

Chiến thuật của Trung Cộng là vừa dùng mồi nhử, vừa đe dọa các nước nhỏ chung quanh. Trung Cộng đã dùng thói “vừa đánh vừa xoa” đối với Việt Cộng. Họ đe dọa khiến cho chính quyền Hà Nội phải đứng ngoài vụ chính phủ Philippines kiện Bắc Kinh; rồi không dám nói đến việc đưa Bắc Kinh ra tòa án quốc tế nữa. Trong chuyến qua thăm Việt Nam năm ngoái, Lý Khắc Trường đã đề nghị Việt Nam cùng làm các dự án đầu tư về năng lượng, trong khi các công ty Trung Quốc đã chiếm hơn 90% các mối thầu xây dựng nhà máy điện ở Việt Nam rồi. Bắc Kinh cũng đưa mồi nhử Cộng Sản Việt Nam cùng cộng tác trong việc khai thác dầu ngoài khơi. Nếu tham gia các dự án như vậy, Hà Nội sẽ mắc bẫy, vì mặc nhiên công nhận chủ quyền của Bắc Kinh trên các quần đảo đang bị chiếm. Vụ HD-981 là một đòn “đánh nặng,” ngay sau đó là những lời lẽ ôn tồn và các miếng mồi nhử, mặc dầu Bắc Kinh vẫn cương quyết bảo thủ quyền của họ trên biển, như Lý Khắc Trường vừa nhắc lại.

Theo Giáo Sư Carl Thayer, một người chuyên nghiên cứu về Việt Nam, hiện nay trong giới lãnh đạo ở Hà Nội phe thân Trung Cộng đã thắng thế. Nhận xét này đã thấy rõ rệt trong những hành động và lời nói của ông Nguyễn Tấn Dũng hôm 14 Tháng 11 vừa qua. (Ngô Nhân Dụng)