Friday, March 29, 2024

Ẩn số nào trong thơ Nguyễn Ðức Liêm?

 


Du Tử Lê


 


Bằng vào ghi nhận riêng, tôi thấy bên cạnh với những nhà thơ chọn con đường phổ biến thơ của mình qua những phương tiện chính như báo chí, Internet… thì cũng có những nhà thơ từ chối các phương tiện phổ biến ấy. Những người này lại chia thành hai thành phần.



Thành phần thứ nhất, chỉ đưa sáng tác của mình cho một vài thân hữu đọc. Những người mà họ tin là sẵn sàng chia sẻ mọi tâm tư của họ.


Thành phần thứ hai, cũng khước từ đăng tải thơ trên báo hoặc các trang mạng… Nhưng lâu lâu lại tung vào đám đông, như ném “phi tiêu” bất ngờ vào văn giới. Trong số nọ, cũng có người đi đó đây, nhờ bằng hữu tổ chức những buổi ra mắt sách khi có tác phẩm mới.


Ở thành phần thứ hai vừa kể, tôi thấy có nhà thơ Nguyễn Ðức Liêm.


Họ Nguyễn làm thơ rất nhiều. Từ Việt Nam. Bên cạnh một nghề nghiệp để mưu sinh, Nguyễn Ðức Liêm làm thơ gần như “full-time.”


Trong tình cảnh này, những người không biết nhiều về ông, sẽ dễ dàng đi đến kết luận: Họ Nguyễn quá dư thì giờ, không biết làm gì cho hết, nên quay qua “hành hung” thơ. “Cho đỡ buồn.”


(Dù đã bước qua tuổi bảy mươi họ Nguyễn vẫn theo đuổi chủ nghĩa độc thân. Ông chưa một lần lập gia đình).


Trong những bữa nhậu mịt mờ khói sóng, từ ngày này tiếp ngày khác, Nguyễn Ðức Liêm thường cao hứng nói chuyện về thơ. Thậm chí, ông còn đọc thơ của mình cho một vài bằng hữu chọn lọc nghe.


Những giây phút ấy, không ai có thể phân biệt đâu là thơ? Ðâu là rượu? Tôi nghĩ, ngay chính ông, nếu được hỏi, ông cũng sẽ không thể biết đâu là rượu? Ðâu là thơ? Nhưng tuyệt nhiên, không bao giờ ông hé răng tiết lộ về e ngại xung đột hay, tranh chấp gần xa nào, giữa quyết tâm ăn ở với thi ca và, ký thác một đời riêng cho gia đình!


Tôn trọng bạn, một số người thân thiết nhất với ông như Trần Lam Giang, Ðỗ Hùng, Nguyễn Tường Tâm, hoặc ông LS coi trời… “nhỏ như con thỏ” Triệu Bá Thiệp… cũng không bao giờ nêu “vấn nạn” này với thi sĩ.


Chỉ biết, thời còn ở Saigon, nghề nghiệp chính của ông là chuyên viên thu hình của đài truyền hình số 9, đường Hồng Thập Tự. Qua Mỹ tháng 4, 1975, ông theo học và hành nghề điện toán tới ngày về hưu.


Như một “tự bạch,” (hay một thứ tuyên ngôn về thi ca?) nơi trang đầu mở vào “Tuyển Tập 2, Nguyễn Ðức Liêm,” (1) viết:


“Trước khi làm người tôi đã là thơ là rượu / Thơ với rượu là một / Nó giao hưởng tôi / Nó đã thêm thắt sức sống cho tôi / Nó sẽ vỗ về tôi khi tôi chết / Nó cổ như Ðạo Ðức Kinh / Nó mới lạ như lối diễn xuất của James Dean trên màn bạc Hoa Lệ Ước / Nó bảo / Ðời người là hí cuộc biết bao cửa vào mà chưa chắc đã có một cửa ra / Nó dỗ tôi cô đơn / Nó dạy tôi những bí mật của tâm linh / Nó gạch nối tôi với ba nghìn thế giới / Nó bảo / Phật nói ‘duy ngã độc tôn’ nghĩa là mỗi chúng sinh chúng ta đều có cái tôi ở ngoài vòng sinh lão bệnh tử’ / Vì sao / Vì ‘nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính’ ‘cái tôi ở ngoài vòng sinh lão bệnh tử là phật tính’ / Nếu không có phật tính thì rượu và thơ cũng chẳng ra hồn.”


Dù phát biểu kể trên của họ Nguyễn là một “tự bạch” hay một thứ “tuyên ngôn” về thơ thì, với nhiều người trong số độc giả của ông, có một cảm giác chung là choáng váng, xựt xừ (như người bị say sóng hay say rượu) bởi những câu thơ bất ngờ ý tưởng, hành hung chữ nghĩa, ngật ngưỡng (hay xiêu tán) hình ảnh.


Ngay tự những bài thơ đầu đời, Nguyễn Ðức Liêm đã hạ bút:


“Giai nhân


không có nhà


lấy thi nhân làm vương quốc


Thi nhân


Không có nước


Lấy đỉnh đáy đu đưa


Làm tình tính tang mình”


(NÐL, “Của Những Vuông Tròn,” 1969)


Hoặc bài thơ “Cửu Chương Hồng,” (do bằng hữu sưu tập được), họ Nguyễn viết năm 1957, lúc 16 tuổi:


“Ðỏ hơn con bé quàng khăn


Em nhân với nắng thành trăng trắng ngà


Chia em vào cõi tiên sa


Vi lên em vút nũng ra nịu đời


Ðể anh ba bị chín quai


Mười hai con mắt theo hoài gót son


Rồi thành thằng bé tí hon


Ði hia bảy dặm vẫn còn xa em.”


Hoặc nữa:


“Năm món điểm tâm


Cháo lòng con hươu sao cổ cao chín ngấn


Bánh cuốn nhân phục linh


Xôi gạo nếp nàng Hương


Xoa mỡ gà lôi lai phụng


Mứt ngó sen ngào mật


Vặn nõn mình thon thắt đáy lưng ong


Chè kho lam bát giác…”


(NÐL, trích “Trùng Trùng Cúc,” 1969)


Với thời gian, cũng với những người trong số những độc giả kiên trì đọc thơ Nguyễn Ðức Liêm, cảm thấy dường như mức độ choáng váng (như người bị say sóng hay say rượu) bởi những câu thơ bất ngờ ý tưởng, hành hung chữ nghĩa, ngật ngưỡng (hay xiêu tán) hình ảnh trong thơ họ Nguyễn… ngày một gia tăng – Tựa mũi tên thi ca mang tên ông, chỉ có một đường bay duy nhất là thẳng tới! (Mặc dù thẳng tới đâu? Có dễ chỉ tác giả biết?!):


“Tiếng hạc bay


nam thanh nữ thoát


Tiếng suối reo


thế gian qui về một mối


tứ hải giai huynh đệ


Tiếng… Cô ‘thăng’


Con đồng hiện nguyên hình nộm


Beethoven đờ đẫn


thứ người máy iRobot


Cô-mình-sao-y-chính-bản


tiến lên bục xoay Beethoven


quay lại cúi rạp xuống cảm tạ


hàng hàng lớp lớp


vỗ tay câm…


Này?


Bạch Cư Dị


người thế kỷ thứ tám thứ chín


Beethoven


người thế kỷ mười tám mười chín


Thế còn


thế kỷ hai mươi mốt


phản lực cơ vượt bức tường âm thanh


chơi những nốt ‘atonic’


‘vô chính diệu’


Trên không


Thế còn


những sát na câm


chơi chết lặng giữa hai nốt nhạc…”


(NÐL, “Sao Y Chính Bản Bích Tô Vân,” 2010)


Ðến nay, qua những buổi ra mắt sách ở nhiều nơi khác nhau, đã có nhiều tác giả, thân hữu ghi nhận, phát biểu về về thơ Nguyễn Ðức Liêm…


Tựu trung, đa số gặp nhau ở điểm chung chung: Thơ họ Nguyễn rất mới lạ.


Tiếc chưa tác giả nào phân tích rốt ráo để chỉ ra cho người đọc rõ cái mới lạ kia, của tiếng thơ… mới lạ này!


Phải chăng thơ Nguyễn Ðức Liêm vốn có quá nhiều ẩn số?


(Còn tiếp 1 kỳ)


 


Chú thích:


(1) “Tuyển Tập 2, Nguyễn Ðức Liêm,” ấn hành năm 2012, bởi nhà XB Của Những Vuông Tròn, dày gần 500 trang. Khổ lớn. Bìa bọc. Gồm những bài thơ họ Nguyễn sáng tác từ năm 1960, tới những bài thơ mới nhất, viết năm 2011 ở Hoa Kỳ.

MỚI CẬP NHẬT