Friday, March 29, 2024

Bầy voi Donner và cuộc hành trình bi hài của đảng Cộng Hòa… – Nguyễn Xuân Nghĩa

 



 


Nguyễn Xuân Nghĩa


Trong lịch sử khai phá miền Tây Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ 19, một biến cố đã để lại ấn tượng bi thảm được đời sau gọi là “The Donner Party.”


Ðó là khi gần chín chục người cùng ngựa xe xẻ núi vượt đèo từ Missouri đến California vào Tháng Năm năm 1846 và lại tìm đường tắt qua rặng Sierra Nevada nên bị kẹt trên hẻm núi. Kết cục là phân vân, tranh cãi rồi rã thành từng nhóm. Hơn phân nửa chết lần mòn trong tuyết giá.


“Ðường đi không tới” có thể là tên gọi cho cuộc hành trình, với sự kiện là đã có cảnh người ăn thịt người.


Trong vòng tranh cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa, con voi như một biểu tượng của đảng như đang đi lại con đường ấy. Ðó là “Bầy voi Donner”…


***


Ta có một bên là ứng cử viên Barack Obama – không hành xử như một tổng thống mà kiên định là ứng cử viên tái tranh cử. Bên kia là 10 ứng viên Cộng Hòa. Tiến trình thanh lọc từ cơ sở lên khiến các ứng viên rơi rụng dần. Sáu người đã bỏ cuộc, phân nửa giã từ trước khi có vòng sơ bộ.


Ðảng Dân Chủ cũng trải qua trận đấu gay go như vậy trong các năm 2007 và 2008 trước khi câu chuyện ngã ngũ khi Nghị Sĩ Obama được hậu thuẫn của bộ máy đảng – và gia đình Kennedy ở miền Ðông Bắc – mà qua mặt Nghị Sĩ Hillary Clinton vào giờ chót để thành ứng viên chính thức trước đại hội đảng tại Denver Colorado vào cuối Tháng Tám năm 2008.


Nhưng bầy voi trong vòng sơ bộ Cộng Hòa bị “hội chứng Donner” khi mất phương hướng mà chia thành bốn nhóm đảo điên qua từng chặng vượt núi. Và hiện tượng “đồng chủng tương tàn” cũng đã xảy ra giữa các đồng chí.


Thật ra, nếu không theo dõi – tính tới nay – 19 cuộc tranh luận sơ bộ của đảng, dân Mỹ hết biết là bầy voi muốn đi đâu, hoặc sẽ dẫn đảng về đâu. May ra thì phải đợi đến đại hội đảng vào cuối Tháng Tám này tại Tampa, Florida.


***


Bây giờ, hãy nhìn vào bốn con voi đầu đàn trong rặng Sierra Nevada của vòng sơ bộ, hoặc bốn lộ trình vượt núi để đưa đảng tới vinh quang. Ðó là bốn mảnh bản đồ với những mũi tên chằng chịt… bắn vào nhau.


Xin nhắc lại vài con số về khảo sát dân ý để nhớ lại sự đảo điên của bầy voi:


Tháng Sáu năm ngoái, tại cửa ải South Carolina, cựu Thống Ðốc Mitt Romney là con voi già dẫn trước cựu Nghị Sĩ Newt Gingrich 15 điểm (27%-12%). Hai tháng sau, Thống Ðốc Rick Perry vọt lên trên với 26 điểm làm Gingrich xuống hạng ba. Hình như con đường qua núi phải vượt sa mạc Texas của Perry! Nhưng đến đầu Tháng Mười Hai, Gingrich lại dẫn trước, hơn Romney đến 13 điểm và sau đó thì Perry bỏ cuộc. Mà đấy mới chỉ là lộ trình qua ải South Carolina.


Hiểm lộ chính yếu nằm tại Florida, một tiểu bang lớn với 50 đại biểu cử tri đoàn.


Cuối Tháng Mười Một thì Gingrich dẫn trước Romney 30 điểm, giữa Tháng Giêng vừa rồi thì thua Romney 26 điểm – đảo 56 điểm trong sáu tuần – rồi một tuần sau lại thắng chín điểm. Hôm Thứ Năm, Romney thắng lại tám điểm, đến tối Chủ Nhật thì dẫn 11 điểm, trước vòng bỏ phiếu Thứ Ba này của Florida.


Nếu kể thêm kết quả tại các tiểu bang khác như Iowa hay New Hampshire và hai ứng cử viên còn lại là Dân Biểu Ron Paul và cựu Nghị Sĩ Rick Santorum, người ta hết biết là đảng viên Cộng Hòa dưới cơ sở muốn gì. Hoặc bốn con voi còn lại là Mitt Romney, Newt Ginrich, Ron Paul và Rick Santorum sẽ dẫn đảng qua ngả nào để thắng con lừa Barack Obama.


Lịch sử của các cuộc tranh cử sơ bộ chưa từng thấy sự thăng giáng thất thường như vậy. Và cũng chẳng thấy hiện tượng… voi ăn thịt voi.


Ở vòng sơ bộ, các ứng viên đều có thể đả kích lập trường quan điểm của đối thủ để thuyết phục cử tri. Ðấy cũng là bình thường và truyền thông phải có khả năng phán xét sự đúng sai của từng lập luận. Nhưng khi bốn con voi đầu đàn lại giương ngà đòi đâm qua đảng để xuyên thấu phổi đối phương, đảng Cộng Hòa mở ra cuộc tàn sát nội bộ.


Hoặc tự biến thành con lừa.


***


Một nguyên lý của vòng sơ bộ bên Cộng Hòa là khả năng minh chứng lập trường bảo thủ nhằm vận động hậu thuẫn của đảng viên dưới cơ sở. Lý do là đảng viên tích cực nhất lại thuộc khuynh hướng bảo thủ, đến cực đoan nếu xét tới quan điểm chung của cử tri Hoa Kỳ vào ngày bỏ phiếu. Bên đảng Dân Chủ cũng có hiện tượng đó, từ phe cực tả vào tới phía trung dung.


Nhưng thế nào là bảo thủ?


Về kinh tế thì có thể là quyền tự do trên thị trường và sự thu hẹp của vai trò nhà nước, tiêu chuẩn hóa ở mức bội chi ngân sách chẳng hạn. Về xã hội thì có thể là kỷ cương đạo đức, chống việc phá thai hoặc định chế hóa hôn nhân giữa người đồng tính. Về an ninh thì có thể là củng cố sức mạnh Hoa Kỳ và ngăn ngừa mọi nguy cơ tấn công quyền lợi của nước Mỹ. Những triết lý khái quát ấy phải được giải trình thành tiêu chuẩn cụ thể trong từng hồ sơ mà đảng viên coi là ưu tiên.


Tình trạng loạn chiêu đến bi hài là đảng Cộng Hòa không xác định nổi ưu tiên và ngần ấy ứng viên đều đả kích nhau là “không đủ bảo thủ.” Họ thi nói thách xem ai mới là người cực đoan nhất và ngần ấy người đều bị chụp mũ là là “RINO,” Republican In Name Only, Cộng Hòa giả hiệu! Toàn những con lừa đội lốt voi…. Chỉ có cặp ngà là rất sắc.


Quần chúng ở dưới thì hò reo cổ võ và đổi ý lung tung sau mỗi đợt quảng cáo.


Mitt Romney, doanh gia thành công trước khi tham gia chính trị, có thể là tiêu biểu cho giải pháp cứu nguy kinh tế thị trường. Nhưng thành tích đầu tư trong công ty Bain Capital năm xưa của ông lại bị chính đối thủ Cộng Hòa là Gingrich biến ra tội ác “làm thịt doanh nghiệp và sa thải công nhân.” Loại lý luận “tư bản chủ nghĩa độc ác” có thể khiến phe Dân Chủ và nhóm người đòi chiếm đóng Wall Street cứ như nằm mơ thấy tiên!


Và khả năng mơ mộng với viễn kiến kiểu John Kennedy – dùng kỹ thuật chinh phục không gian sau cơn bàng hoàng về vệ tinh Sputnik của Liên Xô – khiến sử gia và chính trị gia biến báo như New Gingrich được phong làm… “Ðại sứ Mỹ trên Nguyệt Cầu.”


Ông đề nghị lập ra khu thuộc địa trên cung trăng để giải quyết các bài toán của nhân loại. Nếu theo dõi tư tưởng của ông từ hai chục năm trước, người ta không ngạc nhiên về loại ý kiến táo bạo này khi cách mạng tín học mở ra chân trời viễn mơ cho nước Mỹ.


Còn Ron Paul, ứng cử viên lão thành ở tuổi 79, vẫn hồn nhiên ve vãn người già và con trẻ. Từ quần chúng tích cực trong phong trào Tea Party tới những tay kỳ cựu trong khuynh hướng tự do tuyệt đối “libertarian” đều mến mộ chủ trương thu hẹp vai trò nhà nước đến mức “vô vi” – bất can thiệp – và tháo chạy khỏi thiên hạ sự của thế giới để ưu tiên lo lấy việc nhà.


Trong quá khứ, đảng Cộng Hòa đã trải qua nhiều giai đoạn tranh luận nội bộ với các khuôn mặt lừng danh của nhiều xu hướng. Ôn hòa như Nelson Rockefeller, bảo thủ như Barry Goldwater, quốc gia cực đoan đến tự cô lập như Patrick Buchanan hay Ross Perot. Nhưng thực tế thì đảng này kiểm soát Hành pháp trong đa số nhiệm kỳ tổng thống sau Thế Chiến II. Ngoại lệ duy nhất là Bill Clinton khi ông tái đắc cử năm 1996.


Qua thế kỷ 21 và giữa hàng tấn bùn được tạt lên truyền hình để xuyên tạc đối phương – trong đảng – người ta nghĩ đến bản năng tự sát khá mạnh của đảng. Họ quên “điều răn thứ 11” của Ronald Reagan: trong đảng thì không nói xấu nhau.


Sau khi tự bắn vào chân, các ứng cử viên chống nạng tự vả vào miệng. Trong khi cử tri vẫn hàng tuần đổi ý, xem con voi nào sẽ dẫn họ ra khỏi hốc núi Sierra Nevada, để Hoa Kỳ tiếp tục lãnh đạo thế giới. Trong một kỳ sau, chúng ta sẽ nhìn qua thế giới đó sau khi kiểm lại vài con số về kinh tế… Lạnh mình!


 

MỚI CẬP NHẬT