Friday, March 29, 2024

Bệnh chia rẽ

 


Nguyễn Việt Nam
Las Vegas



Người quốc gia chúng ta có một căn bệnh hầu như bất trị: bệnh đó là “Bệnh chia rẽ.” Chia rẽ là một hiện tượng phổ quát trong mọi sinh hoạt của chúng ta. Có lẽ con vi trùng chia rẽ đã thấm nhập vào dòng máu Việt qua nhiều thế hệ, cho nên từ công việc làm ăn buôn bán đến sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt chính trị, người mình không hợp tác được với nhau lâu dài.

Cuộc chiến tranh dai dẳng trên quê hương dù rằng kết thúc, đã làm cho tâm hồn chúng ta trở nên chai đá! Lịch sử Việt từ ngàn xưa không thiếu gì những tấm gương cao thượng có tâm hồn trong sáng, biết đặt việc nước trước việc nhà, biết đặt quyền lợi của cá nhân dưới quyền lợi tập thể.

Ngược lại người ngày nay tâm hồn cằn cỗi, sa sút, chỉ biết thủ lợi cá nhân. Trong mọi sinh hoạt ai nấy đều sợ người khác nổi hơn mình nên chỉ lo triệt hạ chiến hữu, bạn bè, chứ tuyệt nhiên không hợp tác với nhau, đồng tâm hiệp lực đối phó với kẻ thù chung trước mặt. Không có tinh thần đối thoại cởi mở với nhau mà chỉ thích giở đòn ngầm, móc ngoéo, xuyên tạc, hạ uy tín lẫn nhau.

Ai cũng muốn ham danh vọng, đua nhau giành quyền cao chức trọng mà không ngại phải giở những thủ đoạn bất chính với nhau.

“Ngoài thì nói nói cười cười
Mà trong nham hiểm giết người không gươm.”

Hai người đi với nhau là đã có mầm chia rẽ, có hai chính kiến khác nhau, phải lo đối phó với nhau, người nọ nghi kỵ người kia! Người đời nay không ngại ngùng khi cần phải mở miệng đòi quyền lợi, “Này, có chia phần cho tớ không đấy? Nếu không được chia phần thì ông đạp đổ, không được ăn thì quyết phá cho hôi!”

Chính vì tinh thần tệ hại đó mà trong sinh hoạt người mình có nhiều bè nhóm, thấy người làm được việc thì ganh tị. Trong chính trị, người mình có nhiều đảng phái, đảng nọ đấm đá đảng kia, thậm chí thành viên trong đảng còn thụi ngầm nhau nữa. Về mặt truyền thông báo chí thường hay xảy ra những bài viết đả kích lẫn nhau trên nhiều lãnh vực, hơn nữa còn hay “chụp mũ” với danh từ CS, v.v…!

Trong một trăm quyển hồi ký của mấy ông tướng bỏ chạy trước 30 tháng 4, 1975 thì có tới một trăm lẻ một quyển được viết ra với ý hướng đề cao cá nhân của mình lên. Người ta kiếm đỏ con mắt cũng chẳng thấy quyển nào được viết ra để hối lỗi, nhận tội trước quốc dân cả! Ông tướng nào cũng huênh hoang, tự coi mình là cái rốn của vũ trụ. Ngay cả nhũng quyển hồi ký của các tướng Việt Cộng cũng không thoát ra khỏi cái thói thường tình ấy. Hồi ký của Võ Nguyên Giáp thì khoe khoang chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Quyển Ðại Thắng Mùa Xuân, hồi ký của Văn Tiến Dũng và quyển hồi ký của Trần Văn Trà cũng đầy rẫy những chi tiết ngụy tạo để tâng bóc tâng công với đảng và tuyên truyền láo khoét.

Người có lòng với quê hương hãy nhìn về tương lai, nghĩ đến quyền lợi tối thượng của tổ quốc và dân tộc, hãy thật thà, khiêm tốn, đoàn kết ngồi lại với nhau trong tinh thần cởi mở, huynh đệ, hãy hạ mình xuống làm những việc thiết thực trong khả năng và tầm tay của mình, chỉ có thế ta mới có thể đứng chung với nhau trong mọi lĩnh vực, những hoạt động mưu cầu phúc lợi cho đồng bào cho đất nước.

MỚI CẬP NHẬT