Friday, April 19, 2024

Bộ đồ vía – Quỳnh Giao



Tạp ghi Quỳnh Giao

 

 

 

Ðã có một thời mà những ông ăn mặc đỏm dáng được gọi là “ăn vận rất kẻng”.

Tài tử Brad Pitt với bộ đồ vía thật gọn và đẹp. (Hình minh họa: Leigh Vogel/Getty Images)

Ðộng từ “ăn” của ta thì ai cũng biết vì mình làm gì cũng là ăn cả! Ăn Tết là dịp ăn hút và ăn chơi đến nỗi người lớn quên cả làm ăn và con trẻ có khi quên luôn ăn học, v.v… Nhưng còn “vận” hay “bận” trong chữ “ăn bận” thì có nghĩa là gì? Có người giải thích là mang trên người. Cũng còn hiểu được đi.

Ðến chữ “kẻng” thì mình nói sao?

Ða số những người đã đọc cuốn “Chơi Chữ” của cụ Lãng Nhân Phùng Tất Ðắc đều có thể nhớ ra chữ “kẻng” là một cách người Bắc đọc trại từ chữ Americain – a-mê-ri-canh – là người Mỹ qua lối phiên âm của Tây! Ăn mặc kẻng là ăn bận như Mỹ, nói theo tiếng lóng của dân Bắc Kỳ.

Có lẽ chúng ta còn một cách giải thích khác, rất chi là “Nam-Bắc đề huề”: Chữ “kẻng” có thể xuất phát từ chữ “cảnh” mà dân miền Nam mình gọi là “kiểng”. Người viết bắt chước các nhà nghiên cứu nên xin ghi như vậy để “tồn nghi”. Nhân tiện xin hỏi luôn rằng khi ta nói người kia “có bộ đồ vía rất đẹp” thì chữ “vía” đó có nghĩa là gì?

Nhân đọc một bài viết của một chị Minh Nguyệt, trưởng nữ gia đình Cát Tường đã phát minh ra kiểu áo dài “Lemur” thời xa xưa, Quỳnh Giao bỗng thấy tội nghiệp cho các ông.

Vì hầu như chúng ta và cả nhân loại đều quan tâm đến y phục phụ nữ, vào mùa nào báo nào cũng có mục thời trang và phục sức của các bà. Chứ cho đàn ông thì rất là lơ thơ tơ liễu. Do vậy, kỳ này mình xin góp phần nữ nam bình quyền mà nhắc lại đôi chút về “bộ đồ vía” của các ông.

Thế nào là một bộ quần áo đẹp?

Có một chi tiết mà chúng ta không mấy để ý, đó là bộ quần áo của nam giới như chúng ta thấy ngày nay ở mọi nơi thật ra lại là một phát minh khá mới của nước Anh, vào những năm 1930 trở về sau mà thôi. Nghĩa là bộ đồ vía này xuất hiện trước phong trào nhạc cải cách của nước ta không lâu đâu. Chi tiết ấy có cho thấy một điều lý thú: Các nhạc sĩ của chúng ta đã đi những bước tiên phong không chỉ trong nhạc mà trong cả cách phục sức rất mới. Chỉ sau Âu Châu có chục năm! Hãy nhớ đến những tấm ảnh cũ của các nhạc sĩ tiền phong của mình thì thấy.

Quỳnh Giao học lóm được chi tiết về thời điểm xuất hiện bộ “complet” nói theo tiếng Pháp, hay bột “suit” nói theo tiếng Anh, là từ sách báo chuyên đề về thời trang của nam giới nên xin ghi lại cho quý vị. Chứ trước đấy, hình như các ông còn ăn mặc lòe xòe lắm, chưa biết đi vào nền nếp hẳn hoi đâu. Thật là tội nghiệp!

Theo tiêu chuẩn của những người ăn bận rất kẻng thì một bộ đồ vía phải gồm có áo và quần, đôi khi thêm một cái “gilet” ngắn tay mặc giữa cái sơ mi và áo vét ở ngoài. Rắc rối là khi người Anh lại gọi cái “gilet” đó là “vest” và gọi cái vét là “jacket”!

Cứ ra vẻ nhiêu khê vậy chứ một bộ đồ vía của mấy ông chỉ có hai hay ba mảnh là hết đất. Thêm nét tội nghiệp khác nếu ta so sánh với dàn khăn áo thướt tha mớ bày mớ ba của các bà!

Theo chuẩn mực về cái đẹp thì một bộ đồ vía của các ông phải được đánh giá ở ba bậc trước sau.

Ðầu tiên và quan trọng nhất nên cũng tốn kém nhất, là cách may cắt và đường kim mũi chỉ phải tạo ra nét tự nhiên cho người mặc, nhất là ở đôi vai. Quá rộng hay quá chật đều không được. Sau đó mới là màu sắc, nó phải hợp với thời tiết, mùa màng và nơi mặc. Ði làm hay đi chơi thì có khác nhau và trước khi ra khỏi nhà thì nên liếc vào trang khí tượng ở nơi sẽ đến.

Như ở tại Mỹ, sau ngày lễ Lao Ðộng vào đầu tháng 9 thì người Mỹ sành điệu không bận complet màu trắng hay giầy mầu trắng khi thời tiết đã vào Thu. Họ đợi đến Mùa Xuân.

Sau cùng mới là vải vóc, dày mỏng hay ấm lạnh ra sao khi mặc vào rồi lên xe ra đường?

Mà tiêu chuẩn này có thay đổi theo sự tiến hóa của khoa học vì người ta đã sáng chế ra nhiều loại vải bằng len mà rất nhẹ và khá mỏng dù vẫn ấm hơn vải dệt bằng sợi bông. Và chắc chắn là sang hơn loại vải vóc hóa học như polyester. Thật ra cũng chắc khác trang phục của phụ nữ, thời nay loại vải thông dụng nhất ngay trong ngày hè vẫn là toàn len, “pure wool”. Mà phải là len tối tân rất nhẹ. Chỉ vì… tạo hóa lại chiều lòng người mà cho ta sợi len của súc vật vừa giữ hơi ấm vừa có đặc tính là khó gẫy nên chẳng dễ nhàu. Các ông mà lái xe xuyên bang mấy giờ đồng hồ sau đó áo quần vẫn có vẻ thẳng thớm nếu là dệt bằng len.

Chứ bằng vải bông vải đũi là có ngay chất giang hồ và bộ đồ vía sẽ làm người ta mất vía.

Người ăn mặc trau chuốt thì cho rằng Anh và Ý là hai nước có nghệ thuật thiết kế và may cắt áo quần các ông thuộc hạng cao điệu. Một xứ mù sương và một xứ nắng ấm lại biết phục vụ thẩm mỹ nam giới đến độ trở thành tiêu chuẩn cho các nước khác, kể cả Pháp và Mỹ!

Thế rồi tùy thời trang thay đổi, cái áo vét có hai hay ba bốn khuy, có khi cài thẳng, có khi cài chéo, đằng sau có xẻ ở giữa hay ở hai bên sườn. Họ xẻ như vậy là để khi thọc tay túi quần thì không làm cổ áo bị nâng lên như cái máng xối. Nhưng vì dân Ðức lại thấy rằng thọc tay túi quần là vô lễ, áo vét làm cho xứ này không có xẻ!

Và mấy khuy thì mấy, không mấy ai lại gài khuy dưới cùng, trừ phi là ca sĩ miệt vườn, thân bó như đòn bánh tét, đang “lipsing” trên sân khấu.

Tạp ghi đến đây thì người viết nhớ đến phân nửa kia của nhân loại, là các bà các cô.

Vài ba chi tiết thường thức cũng là một cách để chị em mình biết đánh giá “đối phương” ra sao! Nếu tinh ý một chút thì nên nhìn vào tay áo vét của các ông, nó có dàn khuy và một nét xẻ vài phân. Bộ đồ vía đúng điệu phải có nét xẻ đó và cao điệu hơn nữa thì còn có thể cởi cái khuy ngoài cùng. Nghĩa là phải may cắt khá chi ly nên đắt tiền đấy.

Mà để làm gì?

Ðể các ông dù có vận đồ vía vẫn có thể xăn tay áo lên hầu hạ và rửa chén cho các bà. Hôm nào đi phố xin quý vị cứ liếc qua cửa hiệu áo quần loại đắt tiền của họ để kiểm chứng điều này.

MỚI CẬP NHẬT