Friday, April 19, 2024

Ca dao thời đổi mới

Nhìn Việt Nam hiện nay qua lăng kính ca dao



 Lê Hoàng Long sưu tầm


Ở Việt Nam có quá nhiều hiện tượng xảy ra. Tốt có, xấu có. Tuy vậy, điều xấu xảy ra nhiều hơn. Gom góp những dữ kiện tiêu cực do người ta nêu ra, người viết cô đọng theo tinh thần khách quan và vô tư trên nền tảng dữ kiện (người viết có thể đã trải qua vài dữ kiện khi còn ở Việt Nam).


Văn chương không khác gì mầu sắc các họa sỹ dùng trổ tài vẽ những bức tranh diễn tả tâm tư mình qua nét cọ. Ngoài những truyện, bài viết phác họa bức tranh xã hội, ca dao dân gian cũng góp phần ghi những đặc nét của xã hội người ta đang sống. Những câu ca dao ví tựa những bức tranh thủy mạc với vài nét chấm phá để nói lên khía cạnh nào đó trong nếp sinh hoạt xã hội.
Sưu tầm được những câu ca dao xuất phát từ những người dân đen sống dưới chế độ cộng sản hiện nay ở Việt Nam, chúng tôi xin góp lại và phổ biến để quý độc giả hình dung được nếp sống hiện tại ở Việt Nam. Qua ca dao, người dân đen đã dùng để phơi bầy tư duy của họ khi nhìn thấy những cảnh trái tai gai mắt trong mọi mặt của đời sống từ chính trị, kinh tế, xã hội, v.v. Dân đen chiếm đa số, nên những lời oán thán của họ đủ vẽ được bức tranh sống động của xã hội Việt Nam hiện thời.


Về mặt kinh tế, nước ta lấy nông nghiệp làm căn bản. Gạo là những viên ngọc quý nuôi sống dân tộc. Người dân phải dãi nắng dầm mưa, phơi mình dưới ánh nắng gay gắt trên cánh đồng lúa với con trâu đi trước cái cầy theo sau để cầy sâu mảnh ruộng và gieo trồng hạt lúa. Ðáng lẽ, ngành canh nông phải được ưu tiên phát triển và cơ giới hóa để tăng hoa lợi làm cho người dân no đủ hàng ngày, nhưng người cộng sản xao lãng vì chỉ lo vun đầy túi tham.
Dân ơi ta bảo dân này,
Dân ra ngoài ruộng, dân cầy mình dân!
Cấy cần bổn phận con dân,
Quốc Hội bận họp bán dần nước non!
(Sưu tầm)


Quan điểm tiến lên xã hội chủ nghĩa chỉ là điều hoang tưởng. Sau thời gian dài theo kinh tế do nhà nước chỉ huy, tình trạng đất nước lâm vào túng thiếu. Thậm chí gạo không có ăn. Do vậy, dân ta đã có thời ăn lúa làm rượu (có người gọi “bo bo”) do Thủ Tướng Phạm Văn Ðộng đi xin Ấn Ðộ. Ở ngoài đời, người dân có phương tiện để trả vỏ “bo bo” và thêm thắt các thực phẩm khác để tạo món ăn sống qua ngày. Ngược lại, các tù “cải tạo” chẳng có thêm được món gì khác để pha chế; trong cảnh “cải tạo,” các tù viên “vật lộn” với “bo bo.”
Việt-Ấn Kết Tình
Bo bo Việt-Ấn kết tình.
Tay trà, chân đạp, vặn mình ghiền cơm!
Ra tay dân Ấn làm ơn,
Làm cho cả trại nặc “thơm” mùi hèm!!!
Trời cao ngó xuống mà xem!
Ðồ ăn súc vật sao đem cho người!!!
(Lê Hoàng Long)


Bắt chước giặc Tàu, người cộng sản đành đổi mới. Họ cũng viết Hiến Pháp để ra vẻ dân chủ. Từ đó, các cán bộ và các đảng viên được phép “tham gia kinh tế.” Do vậy, nạn tham nhũng đã hoành hành. Người dân lún sâu trong vũng lầy nghèo đói!
Tuổi thơ cháu trót nghe lời.
Ðánh cho Mỹ, ngụy đầu rơi, máu trào!
Lơn lên, “Ðộc Lập” tràn vào,
Cháu “ngoan” cả nước ào ào xin ăn!!
Ngày xưa chống Mỹ, chống Tây,
Ngày nay chống gậy ăn mày áo cơm!
(Sưu tầm)


Trước “giải phóng,” dù trong thời lạm phát do nội chiến gây ra, người dân vẫn mua được thịt, cá, tôm, v.v. để ăn. Nhưng sau giải phóng người dân được “giải phóng” khỏi ăn thịt cá vì không đủ tiền mua. Thậm chí, đồ đạc trong nhà, dân mang bán sạch vì túng thiếu.
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
Ðồ đạc bán trước, cửa nhà bán sau!
Ăn cơm chỉ có mắm, rau.
Chớ ăn thịt cá mà “đau” dạ dầy!
(Sưu tầm)


Trong cảnh túng thiếu, người mẹ đào đâu ra tiền để mua sữa cho con mình. Người mẹ đành phải sử dụng “cây nhà lá vườn” vì những lời hứa hẹn từ ngày chưa giải phóng đến nay rỗng tuếch!
Tiền đâu mua sữa cho con.
Thôi đành vạch vú thay lon sữa bò!
Con ơi! Ðảng hứa đảng “no.” (*)
Trăm điều hứa hẹn, con bò trắng răng!


(*) Ở ngoài Bắc, có làng nói lầm “lo” thành “no” và “no” thành “lo.” Dần dà, sự đọc lầm thành thói quen. Ðiều này dẫn đến hiểu lầm “tại hại.”
Ðảng rằng đảng giữ phần “no”!
Phú cường tổ quốc, dân “lo” cả đời!
(Lê Hoàng Long)


Thiếu đồ ăn, hụt đồ uống, và không chất bổ dưỡng, vẻ đẹp của các nàng kiều nữ Việt trở nên héo úa, tàn lụi chả khác những cánh hoa tả tơi trong bão táp.
Da em thơm như mùi cơm mậu dịch. (*)
Má em hồng như vỏ củ khoai lang.
Mặt em trắng như khoai mì lột vỏ.
Môi em thâm như cà tím “dái dê.”
(Sưu tầm)
(*) Cơm nấu có mùi hôi.


Trong chế độ cộng sản hiện nay, chỉ thiểu số chức quyền kiếm tiền dễ dàng qua lòng tham nhũng vô lương. Họ thi nhau khoe giầu khoe sang qua những hành động ngông cuồng phí phạm. Có kẻ chơi xế hộp hạng sang, xây nhà thờ phượng tông môn lộng lẫy. Có người ăn sáng một tô phở giá vài trăm ngàn đồng. Ðể là tay chơi có hạng, người đeo “đổng,” kẻ chơi “di động” cả ngàn đô không run tay! Ngược lại dân đen khó nhọc trong nợ áo cơm và không thoát khỏi Thần Nghèo để một ngày đẹp trời nào đó gởi xác nghĩa trang.
Ði làm ngày nắng.
Cố gắng ngày mưa.
Làm trưa không đủ.
Tranh thủ làm đêm.
Làm thêm Chủ Nhật.
Mửa mật… nghĩa trang!
(Sưu tầm)


Mải mê làm giầu, bọn quyền thế chẳng có thì giờ “săn sóc” đám dân đen nghèo hèn. Nếu khiếu nại hay than thở, họ chỉ nhận được những lời đắng cay, phũ phàng! Thật tội nghiệp! Thượng Ðế nổi giận vì cục ngu của những kẻ nghe lời dụ dỗ.
Thượng Ðế hỡi! Bao giờ con hết khổ?!
Tổ cha ngươi! Còn khổ mãi nghe không!
Ai bảo quyết chí chung lòng,
Ði theo cộng sản vót chông diệt thù.
Bây giờ ngươi biết ngươi ngu,
Hối tiếc đã muộn; lưng gù đã chưa!!!
Hỏi Ta, Ta chửi cho chừa
Ðời sau chớ có bị lừa Việt gian!
(Thêm 4 câu sau)


Về mặt xã hội, đói khổ làm cho xã hội không còn kỷ cương luân lý. Thần Ðói xúi giục dân nghèo đi vào đường tội lỗi, không biết giữ nhân phẩm bởi các cụ thường nói “Phú quý sinh lễ nghĩa; bần cùng sinh đạo tặc.” Với lòng tham vật chất, các cán bộ, đảng viên thi nhau cướp đất của dân và đẩy dân vào cảnh ăn mày, hay làm đĩ điểm, trộm cắp. Thậm chí đất chùa, đất nhà thờ chúng chẳng tha; điển hình là thánh địa Thái Hà. Các cha xứ đành phải dẫn con chiên xuống đường phản đối.
Ðảng ta cướp đất dân đen,
Cho ngoại thuê mướn, nhiều phen kiếm tiền.
Kêu oan, kêu ức thêm phiền,
Công an ập tới, chúng xiềng chân tay.
Thôi đành chịu kiếp ăn mày,
Kẻo thân tù tội biết ngày nào tha!
(Lê Hoàng Long)


Ở những thành phố, đám cái bang xuất hiện mọi nơi. Họ không ngần ngại xin tiền khách qua đường, nhất là khách ngoại quốc hay Việt kiều khúc ruột vạn dặm.
Cái bang khắp chốn lang thang,
Vai bị, tay gậy hành trang ăn mày.
Ðảng ơi đảng hỡi có hay;
Nhờ Ðảng dẫn dắt, ăn mày đời tôi.
Ðảng từng róng mỏ khua môi.
Cứu dân thoát cảnh tôi đòi ngoại bang.
Giờ đây Ðảng chẳng ngó ngàng,
Bận rộn tham nhũng, đo gang đếm tiền!
(Lê Hoàng Long)


Hố sâu ngăn cách giữa thiểu số phong lưu và đa số bần lưu càng ngày càng rộng! Lời hay ý đẹp của Bác kính yêu: chí công vô tư, vô sản chuyên chính, v.v. đã bay xa bởi làn gió tư bản đỏ. Do hiến pháp, cán bộ và đảng viên mặc sức làm giầu. Dân đen được xem là công cụ lao động sản xuất, là máy người. Họ bị bóc lột hơn thời Ðế Quốc Pháp.
Nhà ai giầu bằng nhà cán bộ?
Hộ ai sang bằng hộ đảng viên?
Trong khi dân khổ triền miên,
Bọn giầu vung vãi bạc tiền chơi ngông!
(Sưu tầm)


Nạn quan liêu cửa quyền vẫn còn tồn tại trong chế độ Cộng Sản. Nó lan tràn từ Bắc vô Nam, từ thành phố, tỉnh lỵ, quận hạt, làng tới xã. Ðâu đâu, người dân phải biết “thủ tục đầu tiên” khi xin giấy tờ. Thời vừa cải tạo về, tôi phải chịu thời gian quản chế một năm. Mỗi lần xin chữ ký, tôi phải mời nhỏ “thầy ký,” sau khi ký xong, ra nhâm nhi ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc” và phì phèo vài điếu thuốc “có cán.” Có lần, tôi mất cả “cơ nghiệp” kiếm được trong nghề kèm Anh ngữ lang thang tạm sống. Lúc bấy giờ, phong trào học Anh ngữ còn “rụt rè e thẹn.” Tôi cố gắng đạp xe đi kèm kiếm tiền độ nhật. Như mọi đầu tháng, tôi mời nhỏ hắn ta; rồi ra trước ngồi chờ. Mười lăm phút sau, hắn đi với ba tên bạn. Tôi thầm hiểu mình đã mắc thế “ăn chùa hội đồng.” Thế là cả tháng lương kèm trẻ tiêu tan. Tôi đành khất bà chủ quán để ngày kế tiếp tôi ghé trả. Lòng tôi quặn lại. Bà chủ quán thông cảm tình cảnh và lắc đầu thở dài ngao ngán. Ngày nay, tôi vẫn còn nghe nói màn “ăn chùa hội đồng” ngày càng phát triển mạnh mẽ trong giới cửa quan!
Muốn vợ, phải có trầu cau,
Muốn xin chữ ký mau mau thuộc lòng.
“Ðầu tiên thủ tục” phải thông,
Ngơ ngơ, ngáo ngáo, chẳng xong đơn từ!
Bởi
Việc quan đâu phải việc chơi
Muốn quan ấn ký, vài lời với quan.
Lệ này phải biết lo toan,
Nhớ đừng xao nhãng, kẻo quan bất bình!
(Lê Hoàng Long)


Ngoài cướp đất dân đen, Ðảng dâng đất, biển cho giặc Tàu truyền kiếp qua văn thư ngoại giao Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng ký gởi để đổi lại cho cuộc sống an thân phì da của đám nô tài cộng sản.
Cắt đất dâng Trung Hoa,
Bởi nghèo, bởi yếu; mù lòa Ðảng ta.
Vô lương bán đất ông cha,
Cho thân béo trục, làn da căng phồng!
(Sưu tầm)


Ngoài ra, cộng sản khai thác tình ruột thịt kẻ ngoại người nội để kiếm đô-la qua đường dây chuyển tiền hay lợi dụng những chuyến Việt kiều về thăm quê hương sau bao năm xa cách thân nhân. Ngày xưa, nhớ lại, kẻ vượt biên chúng rủa là vong quốc; ngày nay, chúng âu yếm tặng cho mỹ từ “khúc ruột ngàn dặm.” Thật mỉa mai! Lòng con người đổi thay không mấy chốc! Vô hình trung, sống dưới chế độ cộng sản, một số người dân vô tình tiêm nhiễm thói xấu này. Nặng vật chất; nhẹ tinh thần; thiếu chữ tín. Hiện nay, đối với cộng sản, đô-la là kim chỉ bắc. Bất chấp mọi hành động, miễn có nhiều đô-la để chuẩn bị dông!
Việt Minh, Việt Cộng, Việt kiều
Trong ba Việt ấy, Ðảng yêu Việt nào?
Việt Minh tuổi tác đã cao.
Việt Cộng ốm yếu, xanh xao, gầy mòn.
Việt kiều như gái còn son,
Ngu sao lại bỏ gái non chọn già!!
Lại thêm có lắm đô-la
Việt vong vội vã đổi ra Việt kiều!!!
(Thêm 4 câu sau)


Thiểu số dư tiền; đa số thiếu hoặc không tiền. Nạn trộm cướp, giựt đồ, lừa đảo, mãi dâm tung hoành. Biết bao người con gái “cho thuê” thân xác để kiếm sống và giúp gia đình trong thời gạo châu củi quế. Biết bao tổ chức giới thiệu hôn nhân móc nối người mua kẻ bán bằng mọi thủ đoạn miễn sao có tiền. Do vậy, ngọn gió mới “lấy chồng ngoại” đã thổi mạnh. Số may mắn thời ít; số hẩm hiu thời nhiều.
Từ “lấy chồng” mất hẳn ý nghĩa. Nó chỉ là hình thức để che giấu hành động bậy bạ của kẻ ngoại đến Việt Nam “mua” vợ. Biết bao cảnh đau lòng xảy ra do báo chí trong và ngoài nước đăng tải. Tiền trên hết biến con người thành nô lệ. Do vậy, đã có màn hàng loạt gái Việt trần truồng để kẻ “mua vợ” sờ nắn kiểm nhận “hàng xịn hay dởm” trước khi rước “nàng dâu mua” về quê nội. Qua những hình ảnh Sài Gòn, Hà Nội ăn chơi, chúng nói lên tinh thần đạo đức, hành động tự trọng không được nêu cao như thời trước 1975. Có lẽ sau 30 năm nội chiến, người ta lo hưởng thụ kẻo uổng đời khi tận thế gần kề.
Vũ trường là chốn ăn chơi.
Chí Hòa là chỗ nghỉ ngơi giang hồ.
Ðồng quê ruộng lúa bỏ khô
Gái quê ập đến thành đô “kiếm tiền”!
(Sưu tầm)
 
Thân gái tha phương
Ðau thương phận gái bỏ quê nhà!
Lấy chệt chồng hờ cứu mẹ cha!
Vị hiếu trinh nguyên đành phải bán!
Xuân xanh nát úa chốn trời xa!
Vùi hoa dập liễu đời ô nhục!
Nghiệt ngã thân tàn gặp quỷ ma!
Vấn hỏi trời cao ông có thấu?
Dân tôi thống khổ lệ chan hòa!
(Lê Hoàng Long
Thương cảm các kiều nữ Việt tại Ðài-Loan)



Về mặt giáo dục, việc học hành không được thi hành đúng đắn và nghiêm chỉnh. Nạn mua bằng bán cấp xẩy ra. Ðã có lần báo chí trong nước nêu lên. Kẻ có tài không được trọng dụng. Người không học, có chức vụ, có tiền, lo mua bằng cấp để “lộng kiếng”! Giá trị trí tuệ không được tôn trọng. Do vậy, học sinh tìm đủ cách để có bằng dắt lưng giành việc làm.
Trăm năm Kiều vẫn là Kiều,
Muốn đậu tốt nghiệp phải… liều cóp-pi!
Lãnh đạo cũng thế huống chi,
Học hành, ôn luyện làm gì cực thân!
Thật thà nên chẳng có phần,
U mê, dốt nát, nên thần nên quan!!
(Sưu tầm)
 
Ðại học ngày này có ích gì!
Học hành đúng đắn để mà chi!
Xì tiền có được ngay bằng cấp.
Tội vạ gì đâu phải dự thi!
(Lê Hoàng Long)
 
Bác Ðỗ nhà ta quả có tài!
Vô bưng “kháng chiến” cả đời trai.
Văn chương, chữ nghĩa đâu cần biết!!
Chủ tịch oai phong há sợ ai!!!
(Lê Hoàng Long)



Về mặt chính trị, guồng máy chính trị có nhiều vết nứt rạn to lớn do đầu óc bè phái: kẻ thân Nga, người thân Tàu. Hoàng Văn Hoa bỏ đảng sống ở Trung Quốc trong thời Lê Duẩn tại chức. Võ Nguyên Giáp thất sủng bị bổ nhiệm coi “xưởng đẻ” (mỹ từ thời Việt Cộng mới cướp miền Nam).


Ngày xưa đại tướng oai hùng.
Ngày nay đại tướng ngập ngừng phân vân.
Cầm quân rồi lại cầm quần.
“Xông pha xưởng đẻ” có phần oai hơn!!!
(Sưu tầm)



Nào ai bảo Giáp (*) không oanh liệt!
Bởi thế giờ đây đành bị triệt.
|Xưởng đẻ giam mình nỗi hẩm hiu.
Canh “đồn” nữ chủ; đời cay nghiệt!!!
(Lê Hoàng Long)


(*) Giáp: Tướng Võ Nguyên Giáp vang bóng một thời. Bị hất cẳng sau 1975 trong chế độ cộng sản.
Việc tướng Võ Nguyên Giáp bị “hạ bệ” cho thấy Việt Cộng chuyên vắt chanh bỏ vỏ. Chẳng thế, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã biến dạng. Những thành phần lợi dụng thời cơ để tìm đường công danh từ Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Hữu Thọ, v.v. đã bị “đá ra biên.” Ngay cả một số trí thức miền Nam trước 75 có “cảm tình” với cộng sản bị trở mặt thẳng tay. Những lời hứa hẹn của cộng sản đã bay xa. Ngày nay, họ làm ngược 180 độ.



Về mặt đối ngoại, đảng hèn nhát cúi đầu nhận làm nô lệ để sống hưởng thụ bằng cách cắt xén đất đai do cha ông để lại sau quá trình lập và dựng nước cam go đầy xương máu.
Ðất đai xương máu ông cha.
Vinh thân, phần đất Ðảng ta nhượng Tàu.
Nam Quan, Bản Dốc còn đâu!
Trường, Hoàng, biển rộng cúi đầu ngậm tăm!
(Sưu tầm)
Ðối với Việt Cộng, người phải hiểu rằng
Ðộc Lập là Nô Lệ
Tự Do là Ðộc Tài
Hạnh Phúc là Ðói Khổ



Những hiện tượng xảy ra ở Việt Nam hiện nay đã minh chứng 3 nghĩa trên! Những người hy sinh cho đảng nay giác ngộ. Họ thức tỉnh mình đã lầm đường và tỏ ra hối hận và chán chường trước bức tranh vân cẩu.
Về vườn tôi chả có chi!
Giấy khen một đống làm gì được đây?!
Giờ đây có nước ăn mày.
Công lao theo Bác qua cầu gió bay!
Giờ đây thức tỉnh mới hay
Vắt chanh bỏ vỏ thằng tay không tình!
Uổng công tôi đã hy sinh
Thành công, phú quý một mình đảng xơi!
Giậm chân đạp đất, kêu trời.
Ổng bèn chửi mắng đáng đời nghe con!!
(Lê Hoàng Long)



Người dân cả ba miền Bắc, Trung, và Nam thấy được sự thực phũ phàng. Giải phóng được “Mỹ, Ngụy” để nô lệ Tàu! Ðất nước thu hẹp. Dân tình đói khổ. Tệ nạn tham ô, cướp đất của dân lan tràn đất nước. Vụ mới xảy ra gần đây nhất là vụ cướp đất của ông Ðoàn Văn Vươn. Vì uất ức, ông ta chống lại bọn cường hào phường quận. Ðiều này nói lên lòng dân bất mãn, tức giận, và căm thù.
Ngày xưa Mỹ thối, Ðảng thơm.
Ngày này Ðảng quậy thối om cõi bờ!
(Sưu tầm)
 
Ngày xưa dân Ðảng một lòng.
Giờ đây Ðãng đã thay lòng hại dân.
Ðất đai tấn chiếm dần dần.
Ðưa dân vào cảnh túng bần, khổ đau.
Dân bèn vùng dậy bảo nhau.
Ðập tan bè lũ làm giầu bất lương!
(Lê Hoàng Long)



Giữa công an và dân là hố sâu ngăn cách. Thay vì bảo vệ dân, chúng đàn áp dân theo lệnh bọn chủ chốt. Do vậy, dân căm phẫn đám công an này.
Bộ đội buông súng dân tha.
Công An dân phải chặt ba khúc liền.
Bọn này bảo vệ cửa quyền.
Ðang tâm đánh đập tật nguyền dân đen.
(Sưu tầm)



Người dân có chính nghĩa và có sức mạnh tinh thần, nhưng thiếu vũ lực. Do vậy, họ mong bộ đội hỗ trợ để lật đổ chế độ thối nát này.
Hỡi anh bộ đội thương binh.
Chắc anh đã thấy dân mình ra sao!
Công lao, xương máu năm nào.
Vào sanh, ra tử biết bao nhiêu lần.
Vì dân, chung sức góp phần.
Nêu cao đại nghĩa, diệt dần sói lang!
(thêm 3 câu sau)



Nói tóm lại, ca dao là phương tiện để người dân phơi bày ý kiến, suy nghĩ, thái độ, cảm xúc, và ước mơ chân thật trước những hiện tượng xấu hay đẹp xảy ra trong xã hội. Ca dao được coi như những nét chấm phá đa mầu vẽ bức tranh xã hội. Ngắm bức tranh ca dao, người ta hiểu được hiện tình Việt Nam ra sao.


Wisconsin, 16 tháng 1, 2012

MỚI CẬP NHẬT