Friday, March 29, 2024

Càng phản chiến, càng được quân nhân ủng hộ?

 


Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt


 


Có một chính trị gia. Ông này ra tranh cử tổng thống, và nói những lời rất phản chiến.










Ron Paul được giới quân nhân góp quỹ gấp 6 lần tất cả đối thủ Cộng Hòa cộng lại, theo tính toán của văn phòng tranh cử của Paul. (Sơ đồ: Người Việt; nguồn: Ron Paul 2012)


Ông chống chiến tranh Iraq, vì cho rằng Iraq chả làm hại gì nước Mỹ. Al-Qaeda lúc đó chạy trốn đâu đó trong Afghanistan, Pakistan, chứ không liên quan Iraq.


Ông phản đối việc can dự vào Libya. Ông muốn ngưng dùng máy bay không người lái ném bom vào Pakistan. Ông nói trong cuộc tranh luận tại New Hampshire, “Nền an ninh quốc gia của chúng ta không tăng được gì khi chúng ta hiện diện ở những chỗ đó.”


Ông thấy không có lý do gì lại hoảng loạn lên vì 1 vũ khí nguyên tử (chưa làm xong) ở Iran trong khi Israel có 200 phi đạn nguyên tử. Ông viết như vậy trong cuốn sách “Liberty Defined” xuất bản tháng 4 năm ngoái, và đặt vấn đề: Thời Chiến Tranh Lạnh nước Mỹ đàm phán hạt nhân với Liên Xô được thì tại sao không đàm phán được với Iran.


Ông muốn chấm dứt chiến tranh ở Iraq, ở Afghanistan, và trong cuộc tranh luận của ứng cử viên tại Thư Viện Reagan ở California hồi tháng 9, ông đề nghị cắt ngân sách $20 tỷ tiền chạy máy lạnh trong các căn cứ Mỹ ở đó. “Cắt máy lạnh ở Vùng Xanh, quân nhân ta sẽ về nước, và điều đó sẽ làm tôi rất vui.”


Chính trị gia này là Bác Sĩ Ron Paul, dân biểu đại diện vùng Galveston, Texas, và ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa.


Với quan điểm như vậy về quốc phòng, thử hỏi ông Paul được giới quân nhân ủng hộ tới mức nào?


Một cách để đo lường sự ủng hộ của giới quân nhân, là xem người ta góp quỹ tranh cử bao nhiêu tiền.


Trong bầu cử ở Mỹ, bất cứ ai góp quỹ tranh cử, ứng cử viên đều phải ghi lại tên, địa chỉ, làm việc ở đâu, số tiền bao nhiêu, và mỗi 3 tháng nộp danh sách đó cho ủy ban bầu cử liên bang FEC. (Bầu cử địa phương ở các tiểu bang cũng vậy, phải giữ danh sách và nộp cho cơ quan bầu cử địa phương và tiểu bang.)


Và đó là điều ban tranh cử của Ron Paul đã làm. Họ lấy các bản khai về người góp quỹ tranh cử cho các ứng cử viên. Họ xem trong đó có ai phục vụ trong quân đội. Rồi họ cộng con số lại. Kết quả:


* Trong quý 4, 2011, Ron Paul nhận được hơn $150,000 từ quân nhân.


* Cùng quý 4, Mitt Romney và Newt Gingrich, mỗi người nhận được khoảng $10,000. Tức là Paul được quân nhân ủng hộ gấp 15 lần Romney hay Gingrich.


* Paul được quân nhân ủng hộ gấp 3 lần Tổng Thống Barack Obama.


* So với đối thủ Cộng Hòa, Paul nhận được 87% tiền góp quỹ tranh cử, so với Gingrich được 6%, Romney 5%, Santorum 2%, theo tính toán của ủy ban tranh cử của Paul.


* Tính tổng cộng tất cả các đổi thủ, kể cả Tổng Thống Obama và cựu Thống Ðốc Buddy Roemer nay đã rút, Paul nhận được 2/3 tiền góp quỹ tranh cử, gấp đôi tất cả các đối thủ cộng lại.


Bác Sĩ Ron Paul cũng là cựu chiến binh duy nhất trong số các ứng cử viên tổng thống của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Ông phục vụ trong quân y của không quân từ 1963-1965, rồi sau đó trong quân y của không quân vệ binh quốc gia từ 1965-1968.


 


Vấn đề của đảng Cộng Hòa: Mức nhiệt tình


 


Một vài con số do đài CBS đưa ra cho thấy cử tri Cộng Hòa năm nay không thiết tha mặn mà với vòng bầu cử sơ bộ cho mấy. Ngày “Super Tuesday” năm nay kết thúc mà không ai thắng trọn vẹn. Romney thắng 6 tiểu bang; Santorum thắng 3; Gingrich thắng 1.









Tính cả Tổng Thống Barack Obama và cựu Thống Ðốc Buddy Roemer nay đã rút, Paul nhận được 2/3 tiền góp quỹ tranh cử, gấp đôi tất cả các đối thủ cộng lại – cũng theo tính toán của văn phòng tranh cử của Paul. (Sơ đồ: Người Việt; nguồn: Ron Paul 2012)


Số cử tri đi bầu trong ngày Super Tuesday năm nay thấp hơn hẳn so với cũng ngày Super Tuesday năm 2008. Không chỉ thấp hơn vừa vừa, mà thấp hơn hẳn, thấp hơn ở khắp nơi trừ Vermont và Ohio.


Hai tiểu bang xuống tệ hại là Virginia và Massachusetts. Ðiều này có thể tạm thông cảm được. Tại Virginia, Rick Santorum và Newt Gingrich không được vào danh sách ứng cử viên, và tại đây số cử tri đi bầu giảm hẳn so với năm 2008: Bớt mất 225,000 phiếu.


Tại Massachusetts, tiểu bang nhà của Mitt Romney, nơi ai cũng nghĩ ông sẽ thắng nên không ai màng đi tranh cử, số cử tri giảm 140,000 so với 2008.


Hai nơi đó thông cảm được. Một tiểu bang khác cũng thông cảm được là Georgia, tiểu bang nhà của Gingrich – ông đại diện tiểu bang này ở Hạ Viện – số cử tri đi bầu xuống 50,000 phiếu.


Nhưng Tennessee, nơi Romney tranh cử rất mạnh với hy vọng hất cẳng Santorum, các cơ quan tư vấn thực hiện thăm dò để theo dõi ai lên ai xuống, nhưng cử tri vẫn phớt lờ, số người đi bầu giảm 3,000 phiếu.


Và ở Oklahoma, cũng một nơi tranh cử quyết liệt, số người đi bầu giảm 60,000 phiếu so với năm 2008. Cựu Thượng Nghị Sĩ Santorum thắng tại Oklahoma và Tennessee, cũng như ở North Dakota.


 


Vấn đề của Romney: Người bảo thủ


 


Tuy tranh cử trong đảng của phe bảo thủ, nhưng Romney vẫn bị những người tự nhận là “rất bảo thủ” nghi ngờ, không tin tưởng. Một nhóm các cơ quan truyền thông, gọi là National Election Pool, đặt Edison Media Research làm thăm dò cử tri sau khi họ rời phòng phiếu. Cuộc thăm dò này cho thấy, trong số những người tự nhận là “rất bảo thủ,” họ đều bỏ phiếu cho Santorum hoặc Gingrich thay vì Romney.


Tại Tennessee, chẳng hạn, Santorum thắng Romney 28% trong số cử tri “rất bảo thủ”. Santorum cũng dẫn Romney trong số cử tri “rất bảo thủ” ở Oklahoma 20%, ở Ohio 19%, và ở Vermont, ngay sân sau tiểu bang nhà của Romney, 1%.


Tại Georgia, người về nhất trong số cử tri “rất bảo thủ” là Gingrich, và ông này dẫn Romney 33%.


Không chỉ bị giới “rất bảo thủ” nghi ngờ, Romney còn bị tiếng là ứng cử viên của người giàu, với cử tri lương trên $100,000 ủng hộ Romney rất mạnh mẽ. Tại Ohio, chẳng hạn, người có lợi tức từ $100,000 tới $200,000 ủng hộ Romney 44% so với Santorum 34%. Với người giàu hơn nữa, lợi tức trên $200,000, tỷ lệ bỏ phiếu cho Romney lên tới đa số tuyệt đối, 53%, và giảm với Santorum xuống còn 24%.


 


Vấn đề của Obama: Vẫn bị bất bình


 


Trong khi nội bộ đảng Cộng Hòa đánh đấu lủng củng, thì một điều lạ là Tổng Thống Obama vẫn không chiếm được cảm tình của đa số người dân.


Cơ quan Gallup thường xuyên thăm dò ý kiến của người dân về tổng thống. Họ hỏi đơn giản là người dân có thích những điều tổng thống làm không.


Trong suốt nửa cuối năm 2011, Obama luôn bị tỷ lệ “không thích” cao hơn “thích”.


Rồi tới đầu năm 2012, kinh tế bắt đầu tiến triển và đối phương thì tranh giành nhau loạn xạ. Tỷ lệ thất nghiệp giảm. Ngay cả khi tính luôn những người thất nghiệp lâu quá bỏ cuộc, tỷ lệ vẫn giảm. Tính ra, đã qua 5 tháng liên tiếp tỷ lệ thất nghiệp giảm và xuống tới mức thấp nhất trong 3 năm.


Số việc làm trong nền kinh tế tăng, và tăng nhiều. Trong một tháng 1, 2012, có thêm tới 243,000 việc làm mới. Ðó là sau 7 tháng liên tiếp nền kinh tế gia tăng số việc làm trên 100,000 việc mỗi tháng.


Rồi Tổng Thống Obama đề nghị tiếp tục giảm thuế lương, một điều có lợi cho cử tri trung lưu. Cộng Hòa trong Quốc Hội lúc đầu không chịu, sau sợ bị phản đối nên phải nghe theo Obama.









Mặc dù kinh tế đang hồi phục, đối phương đang lủng củng, nhưng mức ủng hộ Tổng Thống Barack Obama vẫn thấp. (Sơ đồ: Người Việt; nguồn: Gallup)


Cùng lúc đó, thay vì tiếp tục lo chuyện kinh tế, đảng Cộng Hòa lao đầu vào trong cuộc tranh cãi về thuốc ngừa thai, một cuộc đối đầu mà thăm dò cho thấy đa số người dân không ủng hộ lập trường của Cộng Hòa.


Nói chung là hai tháng đầu năm 2012 toàn là tin mừng cho phe Obama. Vậy mà mức “thích” của người dân đối với Obama vẫn ì ạch ở con số 45% và mức “không thích” vẫn cao hơn, ở mức 47%.


Ðiều này có nghĩa là đảng Cộng Hòa vẫn còn hy vọng cướp Tòa Bạch Ốc từ tay Tổng Thống Obama, nếu ông không đẩy được con số này lên.


 


Chuyện Alaska: Sarah Palin bầu cho ai?


 


Trong ngày Super Tuesday, một trong 10 tiểu bang bầu cử sơ bộ là Alaska. Ðó là tiểu bang nhà của bà Sarah Palin, cựu thống đốc tiểu bang và cựu ứng cử viên phó tổng thống thời ông John McCain năm 2008.


Vậy bà bầu cho ai? Chồng bà, Todd Palin, đã chính thức ủng hộ Newt Gingrich. Bà thì chưa tuyên bố. Nhưng khi Fox News hỏi bà bỏ phiếu cho ai, bà tiết lộ bà bầu cho Gingrich.


Nhưng vẫn chưa chịu lên tiếng chính thức ủng hộ (tức “endorse”) ứng cử viên nào cả.


McCain thì đã chính thức ủng hộ Romney. Bà Palin nói là nếu Romney thắng thì bà sẵn sàng “đứng bên cạnh John McCain, một người tôi rất ngưỡng mộ, đứng bên cạnh ông để ủng hộ Romney”. Tức là vẫn bóng gió rằng có ủng hộ Romney thì cũng chỉ vì McCain.
 ,OPEN MON-SAT 10-6PM *****WE BUY/SELL USED CAMERA EQUIPMENT

MỚI CẬP NHẬT