Friday, April 19, 2024

Câu chuyện cuối năm – Lê Phan

 


Lê Phan 


Năm Tân Mão 2011 sẽ đi vào lịch sử như là một năm của nhiều biến động, nhiều hy vọng nhưng cũng nhiều thất vọng nhất.


Biến động quan trọng nhất hẳn là làn sóng phản đối đã dẫn đến Mùa Xuân Ả Rập khi những cuộc biểu tình bất bạo động đã khiến hết chế độ độc tài này đến chế độ độc tài khác sụp đổ. Có thể bây giờ nhìn lại chúng ta thấy vô số những lý do tại sao các chế độ này tan rã, nhưng nhìn từ Tháng Giêng năm 2011 thì mọi sự thật khó tưởng tượng nổi.


Tôi còn nhớ hồi năm 2009 khi đến Ai Cập, người hướng dẫn tour du lịch là một giáo sư khảo cổ nhưng phải làm thêm để kiếm sống. Mỗi lần đi qua những tấm hình khổng lồ của ông Hosni Mubarak nằm ở khắp ngã tư đường, ông ta lại mỉa mai “hoan hô vị tổng thống muôn năm của chúng tôi.” Năm đó mà ai bảo với nhân dân Ai Cập là có ngày ông Mubarak, bệnh hoạn, nằm cáng đến tòa để bị xét xử về tội ra lệnh thảm sát nhân dân thì hẳn không ai tin.


Những chế độ độc tài khi đang còn đứng vững thường có vẻ vô cùng vững chãi. Ngay cả một tháng trước khi Liên Xô sụp đổ, không một chuyên gia về điện Kremlin nào dám cả quyết là chế độ độc tài như một khối đá hoa cương khổng lồ đó có thể tan vỡ nhanh chóng đến thế.


Những biến động trong thế giới Ả Rập, sự thành công của Cách Mạng Hoa Lài đã tạo nên hy vọng không những chỉ trong thế giới Ả Rập mà còn ở những nơi khác nữa. Ngay tại Hoa Lục cũng đã có những e ngại khi một thông điệp được phổ biến mời mọi người đi bộ cho dân chủ.


Tiếc thay mùa Xuân đã trở sang mùa Ðông và những hy vọng của những ngày vui sướng khi những nhà độc tài bị lật đổ nay đang đụng vào thực tế của quyền lực và quyền lợi. Ðiều an ủi duy nhất là dầu sao những chế độ thay thế đang hoặc là cố gắng xây dựng dân chủ như ở Tunisia hay Libya hoặc đang bị áp lực phải xây dựng dân chủ như ở Ai Cập.


Nhưng năm qua cũng chứng kiến những biến động dẫn đến đau khổ và tuyệt vọng. Cuộc khủng hoảng của khối đồng Euro đã đi theo một vòng xoắn xuống dốc mà chưa biết bao giờ mới kết thúc. Vì sự thúc đẩy của quyền lợi của các ngân hàng, của các “cường quốc” Âu Châu như Ðức và ở một khía cạnh nào đó Pháp, lãnh tụ của khối Euro đã từ chối không cho Hy Lạp phá sản.


Chỉ vì không chấp nhận cho Hy Lạp phá sản, rút ra khỏi khối Euro, trong một tính toán thiển cận, Ðức với Pháp theo đuôi, đã phung phí không biết bao nhiêu tỷ Euro, để rồi dẫn đến tình hình càng ngày càng suy đồi. Nếu họ làm vậy ngay từ đầu năm 2011 thì làm sao mà câu chuyện quái đản của tuần lễ cuối năm Mão này có thể xảy ra khi các quỹ đầu tư tư nhân đang tính chuyện kiện Hy Lạp ra trước tòa án nhân quyền nếu Hy Lạp cứ nhất quyết nghe lời Ðức và Quỹ Tiền Tệ bắt họ phải chịu “cắt tóc” 50%, tức là mất đi một nửa số tiền đầu tư. Luật Âu Châu công nhận quyền tư hữu là một nhân quyền!


Thật ra thì các hedge fund này đã quá tham lam. Mặc dầu là những kẻ ăn theo, mua nợ của Hy Lạp khi các ngân hàng bán tống bán tháo nên họ mua công trái của Hy Lạp thường chỉ mất 40 cent cho mỗi Euro trái phiếu, thành ra ngay cả có mất đi 50% họ cũng vẫn còn lời. Nhưng họ tính là rằng đằng nào họ cũng lời cả một trăm phần trăm nếu họ làm găng. Hy Lạp phá sản thì họ sẽ được các công ty bảo hiểm trả lại đủ nguyên một trăm phần trăm. Âu Châu mà sợ cứu nguy họ cũng được một trăm phần trăm.


Tức quá Hy Lạp dọa sẽ đổi luật để cho họ phải chịu “cắt tóc” và đó là lúc họ nói sẽ kiện ra tòa lên đến Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu vì “nhân quyền của họ đã bị vi phạm!”


Câu chuyện cười ra nước mắt của Âu Châu cũng chỉ bằng câu chuyện ở Hoa Kỳ khi cường quốc số một của thế giới đã tự đưa mình vào một chỗ bế tắc. Một tinh thần chủ thuyết hoàn toàn phản dân chủ đã dẫn những vị dân cử Cộng Hòa thuộc phe Tea Party đưa Hoa Kỳ đến bờ vực thẳm của phá sản trong khi sự thiếu cương quyết và thiếu lãnh đạo của Tổng Thống Barack Obama đã làm cho tình hình thêm khó khăn.


Nhưng thế giới năm 2011 cũng đã đem lại hy vọng ở một nơi mà từ bao nhiêu năm nay rồi không ai dám hy vọng. Miến Ðiện, mà chỉ mới năm 2007 đã chứng kiến cuộc Cách mạng áo cà sa, mà sự thất bại đã đưa đến một tình trạng tuyệt vọng khó có thể tưởng tượng nổi. Một người bạn Miến của tôi đã khóc ròng khi thấy quân đội xông vào chiếm đóng chùa chiền, một việc mà không một người Miến nào có thể nghĩ họ dám làm.


Ấy vậy mà chính cũng lại một ông tướng, tuy đã cởi áo, nay đang thực hiện những điều không ai tưởng sẽ có ngày đến với Miến Ðiện. Ngay cả năm ngoái, sau cuộc bầu cử, khi bà Aung San Suu Kyi được trả tự do, ai cũng tưởng là tình hình sẽ trở lại lề lối cũ. Bà Suu Kyi sẽ được tự do ít lâu rồi lại bị quản thúc lại.


Cho đến ngay bây giờ nhiều người Miến vẫn còn lo sợ không dám tin vào những gì họ đã chứng kiến. Những tù chính trị mới được trả tự do cũng vẫn còn dè dặt. Dân chúng chỉ dám thầm hy vọng. Và tất cả đều trông cậy vào sự lãnh đạo của bà Suu Kyi, mà trong giai đoạn gần đây đã chứng tỏ một sự linh động đáng kính nể.


Ở nước láng giềng, hoàng gia và các ông tướng đã để cho bà Yingluck Shinawatra lên nắm quyền mặc dầu biết rằng bà ta cũng chỉ là đại diện của ông anh cũng là một điều đáng mừng. Không ai có thể nói ông Thaksin là một lãnh tụ dân chủ đáng kính phục nhưng cũng không ai có thể chối cãi tài mỵ dân của ông. Và cũng vì vậy càng từ chối ông sự hiện diện trong chính trường chỉ càng tăng cường thêm cho huyền thoại của ông đối với dân Thái ở nông thôn.


Ngay cả ở Malaysia nơi trong nhiều năm Bác Sĩ Mahathir và những người thay thế ông đã duy trì một hình thức độc tài độc đảng nhưng hiến định, nay cũng đã có vẻ đang thay đổi. Sự việc lãnh tụ đối lập Anwar Ibrahim sau cùng đã thoát được khỏi những cáo buộc kê dâm đã là một tiến bộ lớn.


Tiếc thay chỉ ở Việt Nam và Trung Quốc là chưa có vẻ gì có sự thay đổi nào cả. Nhưng ở Việt Nam, những tiếng nổ ở Tiên Lãng có vẻ đã lần đầu làm chính quyền rúng động. Trong khi đó, thí nghiệm của tỉnh ủy Quảng Ðông ở Ô Khảm, nơi nhân vật cầm đầu dân chúng nổi loạn được cho lên nắm quyền, cho thấy là ngay ở Trung Quốc cũng có những nhà lãnh đạo muốn mở cửa một phần nào về chính trị.


Thành ra nhìn kỹ lại thì 2011 không đến nỗi là một năm quá tệ. Về kinh tế thì tình hình quả bi đát nhưng về chính trị đã có những dấu hiệu đáng mừng. Hy vọng 2012 sẽ tiếp tục được đà tiến triển chính trị và giải quyết được những bế tắc kinh tế.


 

MỚI CẬP NHẬT