Thursday, March 28, 2024

Câu chuyện hội nhập của bà con tại thành phố Melbourne



Ðoàn Thanh Liêm


 


Trong suốt hai tuần lễ ở Melbourne là thành phố lớn thứ nhì của Úc Châu, tôi đã có dịp gặp gỡ và sinh hoạt thân tình với trên 30 gia đình là bà con trong họ nội và ngoại của tôi. Phần đông các gia đình này đã định cư tại đây từ 30 năm, nên có thể nói họ đã hội nhập bắt rễ khá thành công vào trong dòng chính của xã hội nước Úc – nhất là thế hệ trẻ sinh trưởng tại Úc hay đến đây lúc còn rất nhỏ tuổi và theo học tại các trường học bản xứ ngay từ cấp mẫu giáo sơ cấp.









Công viên Federation Square tại thành phố Melbourne, Úc, mùa Giáng Sinh 2011. (Hình: Robert Cianflone/Getty Images)


 Mà đặc biệt tính ra có đến cả ba thế hệ trong một gia đình vẫn còn sinh hoạt gắn bó với nhau, không khác gì với các gia đình ở Việt Nam hiện nay. Dưới đây, tôi xin lần lượt tường thuật về quá trình hội nhập mà vẫn giữ được bản sắc riêng biệt truyền thống dân tộc như thế – xuyên qua sinh hoạt trong các gia đình bà con thân tộc mà tôi đã có nhiều thời gian để tìm hiểu trong chuyến vãng gia mới nhất này.


Trường hợp của gia đình bà Hân với ba thế hệ.


Bà Nguyễn Thị Hân là người em cô cậu với mẹ tôi; bà cụ Bá Khản thân mẫu của bà là em gái út của ông ngọai tôi là cụ Chánh Cẩm. Vì thế, anh chị em tôi phải kêu bà Hân là bà Dì, dù bà chỉ lớn hơn tôi có một tuổi thôi.


 


1.Thế hệ thứ nhất


 


Ngoài gia đình của bà Hân, thì còn có gia đình của cậu Chúc là người anh và gia đình của chú Khảo là người em, tất cả ba gia đình anh chị em này đều sinh hoạt gắn bó với nhau rất chặt chẽ và tổng cộng có đến cả trăm người là con, là cháu và là chắt cùng định cư xung quanh thành phố Melbourne. Chú Hân chồng của bà đã mất 12 năm nay rồi và ngay hôm tôi đến nhà bà, thì lại đúng là ngày Lễ Giỗ tưởng nhớ đến ông – quy tụ rất đông con cháu về tham dự thánh lễ tại nhà do Linh Mục Nguyễn Xuân Trường thuộc Dòng Phanxicô là người con trai thứ đứng ra cử hành.


Nhà bà Hân ở tại thị trấn Reservoir cách trung tâm Melbourne chừng 10 km về hướng Bắc, mà có rất nhiều xe chuyên chở công cộng như xe bus, xe tram và xe lửa phục vụ người dân di chuyển trong vùng phụ cận thành phố. Năm 2012, bà dì của tôi đã bước vào tuổi 80, nhưng vẫn còn khỏe mạnh tinh tường, mỗi buổi sáng bà lại đi bộ đến tham dự thánh lễ tại nhà thờ Công Giáo ở gần nhà nữa. Bà còn làm cả một số món ăn để phụ giúp với gia đình các con vì bận rộn phải đi làm, nên không có nhiều thời giờ để nấu nướng. Nhờ được thụ hưởng chế độ an sinh khá chu đáo dành cho người cao niên tại nước Úc, nên bà có cuộc sống tương đối ổn định, thanh thản.


Từ ngày ông mất, bà ở nhà một mình trong căn nhà 3 phòng tương đối gọn gàng tươm tất, với khu vườn phía trước và sau nhà. Tất cả các con của bà là em họ của tôi (second cousin) thì mỗi ngày thay phiên nhau đến thăm hỏi và chăm sóc cho bà, vì hầu hết đều ở quây quần gần với ngôi nhà của bà. Vào những ngày cuối tuần, thì con cháu lại quy tụ đông đủ với nhau tại nhà bà để dùng bữa cơm gia đình chung với nhau. Vì thế cảnh sinh hoạt của cả ba thế hệ trong đại gia đình này – như tôi được chứng kiến trong nhiều ngày cư ngụ tại nhà với bà – thì rõ ràng thật là gắn bó, thân mật và ấm cúng.


Theo lời bà dặn, tôi đã đem từ California tài liệu về gia phả của họ Tống bên ngọai của bà cũng như của tôi ở làng Cát Xuyên – Xuân Trường – Nam Ðịnh. Bà dì Hân và các em con bà đã rất vui mừng và tự hào khi đọc được trong tài liệu gia phả này ghi rằng: “Ông cụ tổ 5 đời trước xuất thân từ đất Thanh Hóa và vì là một vị tướng lãnh của quân đội Tây Sơn, nên dưới triều Gia Long nhà Nguyễn ông cụ đã phải đổi tên tuổi và đến lập nghiệp tại miền đất Cát Xuyên lúc đó còn hoang vu thưa thớt dân cư. Ðể tránh bị dòm ngó nghi kỵ, cụ tổ này đã không để lại bất kỳ tên tuổi hay giấy tờ gì, kể cả ngôi mộ cũng chỉ gọi là Mả Tổ – chứ không hề ghi danh tánh nào của cụ.” Khám phá này lại càng làm tăng thêm sự gắn bó trong đại gia đình chúng tôi – với niềm tự hào chung về nguồn gốc tổ tiên họ ngoại của mình.


Về phần ông Chúc và ông Khảo là người anh và em của bà Hân, thì cả hai ông đều là cựu sĩ quan Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa. Và sau khi bị đi tù cải tạo mất mấy năm trở về, các ông đã vượt biên sang Úc Châu rất sớm. Và kể từ ngày định cư ở Úc, thì các ông đều được hưởng quy chế đãi ngộ rất bảo đảm dành cho các cựu chiến binh đồng minh của nước Úc. Vì thế mà ông Khảo, nhờ có sức khỏe và năng động tháo vát hơn, nên đã tích cực tham gia vào việc bảo trợ và giúp đỡ cho nhiều bà con người Việt mới đến định cư những năm sau này.


Nói chung, thì các vị trong thế hệ thứ nhất như bà Hân, ông Chúc, ông Khảo khi qua định cư ở Úc Châu, thì đã ở vào cái tuổi trên 50 rồi, không còn phải bươn chải vật lộn gì lắm với chuyện cơm áo gạo tiền nữa. Nhưng các vị này lại ra sức duy trì được sự gắn bó bền vững trong mối sinh hoạt của toàn thể đại gia đình sinh sống trong khu vực xung quanh thành phố Melbourne là thủ phủ của tiểu bang Victoria. Nhờ đó mà các thế hệ thứ hai, thứ ba của lớp con cháu – tuy rất thành công trong sự hội nhập với dòng chính của xã hội Úc – thì vẫn còn giữ được bản sắc tốt đẹp của truyền thống đạo đức văn hóa ngàn xưa của dân tộc Việt Nam chúng ta – như sẽ được trình bày chi tiết cụ thể hơn trong các đoạn tiếp theo dưới đây.


 


2. Thế hệ thứ hai


 


Thế hệ thứ hai về bên họ ngoại của tôi là lớp con của bà Hân, ông Chúc, ông Khảo thì tất cả có đến trên 20 người, mà nếu tính cả con dâu, con rể nữa – thì có thể lên tới trên 40 người. Về phía họ bên nội của tôi, thì cũng có đến 10 người cháu là con của chú Tống Văn Lạc em họ của tôi, nên các cháu kêu tôi là bác. Các cháu đều trưởng thành và hầu hết đều có gia đình riêng biệt. Thành ra tổng số người thuộc thế hệ thứ hai định cư tại Úc mà thuộc cả họ nội và ngoại – thì đã có đến cỡ 60 rồi. Ngoại trừ một vài con dâu, con rể là người có nguồn gốc ngoại quốc, còn đại đa số đều sinh trưởng ở Việt Nam, nhưng khi tới định cư ở Úc Châu, thì phần đông mới ở vào lứa tuổi 15 – 20, nên đã có thể thích nghi khá thành công với xã hội địa phương.


Nói chung, thì các em cháu này đều có được công ăn việc làm ổn định, sắm được nhà ở riêng và lại có con thuộc thế hệ thứ ba cũng còn thành công hơn cả cha mẹ nữa. Ðể cho ngắn gọn, tôi chỉ xin ghi ra một số trường hợp điển hình tiêu biểu nhất cho thế hệ thứ hai này.


A. Chú Ðức là con của ông Chúc, và là cháu của bà Hân. Năm nay ở vào tuổi 54-55, chú là một chuyên viên quản lý kỳ cựu cho hãng Toyota của Nhật và được kể là người rất thành công về mặt chuyên môn cũng như tài chánh. Căn nhà do chú tổ chức xây cất lấy coi thật bề thế, ngăn nắp và tươm tất. Nhưng bà con đều quý mến chú Ðức ở cái nết hiếu thảo vì tận tình lo lắng cho người cha già yếu với chứng bệnh Parkinson đã nhiều năm nay. Chú cũng còn bận rộn chăm sóc chu đáo cả cho người con bị bệnh ngặt nghèo nữa. Trường hợp của gia đình chú Ðức, thì rõ ràng là ở trong tình trạng “ thuyền to sóng lớn” – tuy rất thành công về mặt công việc chuyên môn, mà lại thật vất vả chật vật với gánh nặng trong gia đình như vậy. Nhưng người anh cả trong dòng họ này vẫn bền bỉ kiên trì nêu tấm gương sáng cho các em trong đại gia đình ở thế hệ thứ hai định cư tại Melbourne cùng noi theo.


B. Gia đình của Oanh & Phước. Cô Oanh là trưởng nữ của bà Hân. Trước năm 1975, Oanh theo học tại trường Luật Saigon và sau này kết duyên với người bạn học là chú Phước quê quán tại Cần Giuộc. Khi qua định cư ở Úc, thì gia đình cô chú đã có 3 đứa con đều còn nhỏ tuổi, vì thế mà cả hai người đều phải đi làm ở Sở Bưu Ðiện. Nhưng là người có chí tiến thủ, nên Phước nhận làm ca đêm, để có thể đi học thêm vào ban ngày. Và sau ít năm Phước đã thi đậu thành luật sư và hiện đang điều hành một văn phòng chuyên về luật pháp tại một thị trấn cũng gần nhà. Con trai là cháu Trần Minh Tùng lúc qua Úc chưa đày 2 tuổi, mà nay cũng đã là một luật sư làm việc cho một văn phòng của giới luật sư bản xứ ở trung tâm Melbourne nữa. Căn nhà của Oanh & Phước khá rộng với khu vườn phía sau lớn cỡ cả ngàn mét vuông – với cây cối xanh um và nhiều loại bonsai với cả phong lan và đặc biệt có rất nhiều chim chóc bay đến kiếm mồi ăn và sáng sớm cất tiếng hót thật huyên náo sinh động. Hai cô chú cũng như các người em khác đều tham gia đóng góp cho Giải Nhân Quyền Việt Nam năm 2011, mà lại có cả một bà là thân chủ của văn phòng luật sư Phước cũng góp vào số tiền này thêm mấy chục Úc kim nữa. Phước và tôi rất tâm đắc với nhau về chuyện chính trị và pháp lý, vì giữa chúng tôi ngoài tình anh em họ hàng thân thiết lại còn là đồng nghiệp với nhau nữa.


C. Linh Mục Nguyễn Xuân Trường là con trai thứ của ông bà Hân, năm nay cỡ gần tuổi 50, thuộc dòng Phanxicô cùng với vị Giám mục Nguyễn Văn Long. Chú học mấy năm đại học ở Úc, rồi mới đi tu và đã thụ phong linh mục được trên 15 năm rồi. Cô Oanh là chị cả có thuật lại cho tôi nghe câu chuyện thật ngộ nghĩnh như sau: “Tội nghiệp cho em Trường, hồi mới làm linh mục mỗi lần về thăm nhà thì cứ bị bố em nghiêm khắc cảnh giác nhắc nhở cho là không được hách xì xằng với con chiên bổn đạo thế này, thế nọ. Vì sợ ông cụ, nên em cứ thin thít, không dám nói năng đối đáp gì với bố cả Thấy vậy em phải tìm cách can gián ông cụ rằng: Trường nó đâu đã làm điều gì sai trái để mà bố đe nạt em nó như thế? Ông cụ mới nói với em là: Bố phải nhắc nhở trước như vậy, vì mấy cha cố thường hay bị sa ngã vào cái bệnh kiêu ngạo lên mặt ta đây lắm…” Hiện Linh Mục Trường đang giữ chức giám tỉnh của nhà dòng tại thị trấn Springvale cách xa Melbourne chừng trên 100 cây số, nên thường về thăm mẹ mỗi tuần. Chú sinh hoạt hồn nhiên thân thiết với anh chị em và các cháu trong gia đình và tôi đặc biệt cảm kích vì tấm lòng hiếu thảo của chú đối với bà mẹ của mình, và chú cũng không hề tỏ ra xa cách với bất kỳ một ai trong dòng họ. Chắc chắn rằng lời cảnh giác của ông bố khi cụ còn sinh tiền vẫn còn âm hưởng mạnh mẽ trong tâm khảm của vị linh mục trẻ tuổi này vậy.


D. Cô chú Khảo đều là những người nhiệt thành trong các hoạt động xã hội và tôn giáo, nên mấy con của cô chú cũng noi theo và tham gia tích cực trong sinh hoạt cộng đồng ở địa phương, thêm vào với sự thành công về nghề nghiệp chuyên môn. Ðiển hình như em Phượng thì rất hăng say với công tác của phong trào học hội Công Giáo Cursillo tại Úc Châu.


Trong gia đình này, còn có em Hùng là một chuyên viên rất thành công trong ngành ngân hàng và từ mấy năm nay Hùng đã được cử về Việt Nam để điều hành một cơ sở tài chánh tại Hanoi.


 


3. Thế hệ thứ ba


 


Phần đông các cháu thuộc thế hệ thứ ba thì đều sinh trưởng tại Úc, số ít thì qua đây lúc còn rất nhỏ tuổi. Do đó mà các cháu được thụ hưởng một nền giáo dục về khoa học kỹ thuật rất tiến bộ, nhờ đó mà có thể sánh vai sát cánh nhịp nhàng với các bạn người bản xứ cùng lứa tuổi và hội nhập dễ dàng êm thấm với dòng chính của xã hội Úc Châu.


Ðiển hình như trường hợp của cháu Vân con gái của vợ chồng Oanh & Phước, thì hiện cháu đang điều khiển một trung tâm dậy kèm (tutoring) và luyện thi cho các học sinh cấp tiểu học và trung học ở thị trấn Saint Alban với trên 400 học sinh. Cháu Vân và chồng là Mike người Úc gốc Scotland đều có niềm say mê với nghề dậy học, nên trung tâm này rất thành công trong việc dậy bổ túc cho các học sinh yếu kém – vì thuộc các gia đình mới nhập cư mà cha mẹ không có khả năng và kinh nghiệm để hướng dẫn chu đáo về chuyện học tập cho con cái. Sau nhiều năm kiên trì tận tâm với giới học sinh kém may mắn như thế, đến nay trung tâm dậy kèm này đã gây được uy tín và sự tin tưởng vững chãi của giới phụ huynh trong vùng.


Em trai của Vân là Tùng, thì cũng là một luật sư trẻ tuổi với nhiều triển vọng tại Melbourne như đã ghi ở trên.


Còn lớp trẻ tuổi hơn, thì phần đông đều học rất giỏi, nên đã được nhận vào học tại các trường học danh tiếng ở Úc Châu. Có cháu lại còn được cấp học bổng hay được cho đi học mãi bên nước Mỹ hay Âu Châu, đặc biệt là bên Anh Quốc nữa.


Sự thành công của thế hệ thứ ba này thiết nghĩ cũng dễ hiểu, bởi lẽ cha mẹ và cả ông bà của các cháu đã hết lòng hy sinh chăm lo thật chu đáo cho lũ con cháu có điều kiện học hành đến nơi đến chốn – như đã được ghi chi tiết ở hai mục trên đây.


Bài viết đến đây đã khá dài rồi, tôi chỉ xin tóm lược lại là: Những thành công của thế hệ thứ hai và thứ ba – như tôi được chứng kiến nơi các gia đình bà con ở Melbourne – thì đều bắt nguồn nơi tinh thần đạo hạnh kiên trì và tính nhẫn nại cần mẫn của thế hệ thứ nhất gồm những con người lương hảo với quyết tâm xây dựng tương lai cho con, cho cháu tại vùng đất mới là lục địa nước Úc – với nhiều cơ hội thuận lợi tốt đẹp được mở rộng cho tất cả những người di dân từ khắp nơi trên thế giới đến quy tụ tại nơi đây vốn được coi như là một thứ “miền đất lành chim đậu” vậy.

MỚI CẬP NHẬT