Tuesday, April 16, 2024

Charles Dickens tròn 200 tuổi



Lê Mạnh Hùng


 


Một trong những điều khác biệt đáng ngạc nhiên mà người ta không ngờ tới là năm nay, trong lúc nước Anh rầm rộ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của văn hào Charles Dickens thì tại Pháp, ngày sinh nhật ba trăm năm sinh nhật Jean Jacques Rousseau đã đi qua không mấy ai để ý tới.


Dickens có một vị thế khá đặc biệt trong văn học Anh. Giống như Jane Austen, và vì những lý do bao gồm cả tài khéo léo của những nhà đạo diễn của đài BBC trong việc truyền hình hóa tiểu thuyết, Dickens đã trở thành nhà văn định nghĩa thế nào là bản chất Anh cho những người không phải là sinh trưởng ra tại Anh. Dickens chắc chắn là “nhà văn nông cạn vĩ đại nhất” như lời của Henry James một nhà văn Mỹ – nhưng từ đó có thể kết luận rằng ông cũng là nhà văn được nhiều người đọc nhất. Thế nhưng những người mến phục ông luôn luôn ước muốn rằng ông là một nhà văn sâu sắc hơn.


Những sử gia lúc gần đây đã ồn ào bàn luận về một lá thư mới phát hiện do nhà văn Nga Dostoevsky viết vào năm 1878 trong đó Dostoevsky kể lại rằng chính Dickens nói với ông rằng, “tất cả những nhân vật tốt, ngây thơ trong các tiểu thuyết của ông như Little Nell hoặc ngay cả những kẻ hơi ngu đần như Barbaby Rudge đều là những người mà ông muốn trở thành trong khi những nhân vật xấu là những cái gì mà ông thấy trong chính người ông, những tàn nhẫn, những thù hận vô cớ mà ông cảm thấy đối với những người yếu đuối trông cậy vào sự đùm bọc của ông.” Dickens theo Dostoevsky cũng co lại và né tránh những người mà ông phải thương yêu. Ðiều đó khiến Dickens trở thành như một nhân vật trong chính những tiểu thuyết của Dostoevsky.


Nhiều người ca tụng Dickens như là nhà văn đầu tiên phê phán cơ cấu xã hội Anh từ dưới lên. Nhưng thực ra không phải. Tuy rằng Dickens rút ra nhiều kinh nghiệm về cuộc sống của những người nghèo sau khi trải qua nhiều tháng trời làm việc trong một xưởng sản xuất xi giầy khi ông 12 tuổi. Nhưng nhiều nhà văn Anh khác cũng đã thấy và sống một cách gần gũi hơn cuộc sống của những người cùng khổ. “Moll Flanders” của Daniel Defoe hoặc là “Amelia” của Henry Fielding cũng cho chúng ta những bức tranh chân thật không kém và còn có tình thương nhiều hơn về cuộc sống của những người bị kìm kẹp bởi nợ nần và tội phạm.


Không có một cuốn truyện nào quyến rũ tôi nhiều bằng Oliver Twist mà tôi bắt đầu đọc năm 15 tuổi khi còn ở trung học. Nhưng phải thú thật là sau này tôi cảm thấy khó khăn khi đọc lại Dickens. Ngay cả Balzac là một nhà văn mà tôi không thường đọc, tôi cũng thấy dễ đọc hơn là Dickens. Và đó là không phải không muốn. Tôi còn nhớ là cách đây vài tháng khi còn bệnh nằm nhà thương muốn đọc lại “Hard Times” và “Great Expectations” mà đài BBC năm nay đưa lên màn hình nhỏ nhưng đã phải bỏ dở giữa chừng.


Có hai chuyện làm tôi khó chịu khi đọc lại Dickens. Chuyện thứ nhất là nó chứng minh nhận xét của Henry James rằng tuy Dickens có thể là một “nhà nghệ sĩ thành thật đáng phục, nhưng ông ta đôi khi cho ta cái cảm giác giả dối.” Nói theo giọng Mỹ thông tục ta có thể coi như là đôi khi Dickens rất “phony.” Ðiều thứ hai làm người ta khó chịu hơn là đôi khi Dickens cho người đọc cảm giác rằng thái độ căn bản của ông đối với các nhân vật trong truyện – đối với con người nói chung – là một thái độ khinh miệt.


Thế nhưng Dickens không phải hoàn toàn như vậy. Oscar Wilde có lần mỉa mai rằng cần phải có một trái tim bằng đá mới đọc được đoạn tả cái chết của Little Nell trong “The Old Curiosity Shop” mà không phá lên cười. Thế nhưng phải nói đoạn tả sự trầm luân của ông nội Little Nell vào trong cái mà hiện nay chúng ta gọi là bệnh cờ bạc thì hay hơn là bất cứ một câu chuyện nào của Wilde và còn hay hơn cả Dostoevsky về tâm lý con bạc. Không phải là cái bản tính xấu mà chính cái bản tính thiện lương của ông già này, hướng dẫn một cách sai lạc đã đưa ông ra đến chỗ tiêu tan sự nghiệp. Ðó chính là nơi mà ta có thể tìm thấy cái sâu xa của Dickens – trong các quanh co của trái tim con người.


Ðiều đáng chú ý là câu chuyện nàng Little Nell mà Dickens bắt đầu viết vào năm 1840 đã khiến cho ông nổi tiếng tại Hoa Kỳ. Giống như tại Việt Nam trong những năm 1960, người ta chờ đợi máy bay từ Hồng Kông đến để đọc đoạn truyện võ hiệp mới của Kim Dung, tại Mỹ, độc giả tại Boston và New York đến chầu chực tại bến cảng đợi tầu Anh tới mang theo đoạn truyện mới nhất của Dickens. Và khi Dickens đến thăm Hoa Kỳ – lúc đó ông chưa đầy 30 tuổi – ông được đón tiếp như một thần tượng. Những bài báo kể lại chuyến đi của ông với những đám đông nồng nhiệt dự buổi đọc truyện và các bà các cô níu kéo, cắt một núm tóc của ông làm kỷ niệm làm tôi nhớ lại khi nhóm Beatles sang Mỹ hồi những năm 1960. Có lẽ có một lý do khiến người Mỹ thích Dickens hơn là người Anh là vì theo họ Dickens là điển hình của một nhà văn và quan trọng hơn nữa ông không có một chút gì là hình tượng của một người Anh điển hình. Sau cùng có thể rằng ông đã nói lên một cái gì về văn học Anh mà văn học Anh cho đến thời ông đã không sẵn sàng để nói lên.

MỚI CẬP NHẬT