Thursday, March 28, 2024

Chia tay với Jon Huntsman – Nguyễn Văn Khanh

Nguyễn Văn Khanh


 


1


Tối Chủ Nhật đã nghe được tin ông Jon Huntsman sẽ rời cuộc đua. Ðến sáng Thứ Hai tin này trở thành sự thật.


Trước những người ủng hộ họp mặt tại Myrtle Beach ở South Carolina, ông không chỉ loan báo quyết định ngưng cuộc vận động mà còn lên tiếng nói ông tin đã đến lúc Ðảng Cộng Hòa cùng nhau đoàn kết chung quanh ứng viên có đủ mọi điều kiện để đánh bại Tổng Thống Barack Obama của Ðảng Dân Chủ vào tháng 11 tới đây. Ông bảo thêm “ứng viên đó, tôi tin, chính là Thống Ðốc Mitt Romney.”


 


2


Nếu theo dõi sát những cuộc vận động ngay từ những ngày đầu tiên, hầu như mọi người đều đoán biết trước chuyện sẽ xảy ra như thế, tức sớm muộn gì ông cựu thống đốc tiểu bang Utah kiêm cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh cũng phải chia tay với ước mơ trở thành nhà lãnh đạo quốc gia. Từng được xem là một ứng cử viên sáng giá, có cả kinh nghiệm điều hành lẫn ngoại giao, nhưng cuộc vận động tranh cử mà ông thực hiện không giúp ông đi xa hơn bước khởi đầu là bao nhiêu.


Hầu như lúc nào ông cũng đứng cuối bảng – kể cả danh sách các ứng viên có triển vọng thành công lẫn danh sách những ứng viên xin được tiền ủng hộ, đến độ ông phải quyết định bỏ Iowa để dồn hết sức lực cho trận chiến New Hampshire, nơi chính ông nhìn nhận sẽ là trận đánh sống còn với hy vọng cử tri sẽ lắng nghe ông khi ông trình bày những điểm cần phải làm để “đảm bảo quốc gia tiến vững mạnh hơn những gì Tổng Thống Obama đã làm trong 3 năm qua.” Ði đến đâu, gặp ai, ông cũng bảo “tôi là người đặt quốc gia lên trên hết,” xem đó là mục tiêu của cuộc tranh cử.


Rất tiếc, chú ý duy nhất ông tạo là lời phản biện ông đưa ra trong cuộc tranh luận cuối cùng trên truyền hình ở Manchester, sau khi ứng viên Mitt Romney chỉ trích việc ông nhận lời mời của ông Obama để làm đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh. Hôm đó, mọi người đứng dậy vỗ tay hoan hô khi nghe ông bảo “đất nước này đang ở trong cảnh chia rẽ… chỉ vì những người có lối suy nghĩ như thế.”


Những tiếng vỗ tay tán thưởng đó cũng không giúp ông đi xa hơn ở trận chiến sơ bộ New Hampshire, ngay cả những lúc các cuộc thăm dò nói là ông có thể chia phiếu với người dẫn đầu là ông Mitt Romney cũng không giúp ông tới thành công. Càng đến gần ngày bầu cử thì tình hình càng trở nên xấu hơn cho ông và kết quả cuối cùng: ông thất bại nặng nề ở New Hampshire và tức khắc đứng đầu danh sách những ứng viên “phải” rời cuộc đua tiến về Tòa Bạch Ốc, vì có dự vòng sơ bộ ở South Carolina vào cuối tuần này cũng chẳng có lợi ích gì.


 


3


Sáu tháng trước đây hầu hết các nhà quan sát chính trị đều nói Jon Huntsman là ứng cử viên phải chú ý tới. Nhưng chỉ hai tháng sau đó, ông cựu thống đốc Utah đã phạm rất nhiều lỗi chiến lược, khiến cho cuộc vận động ngày từ những ngày đầu đã gặp khó khăn.


Hình ảnh mọi người chưa quên là hình ảnh của đầu mùa hè 2011, ông cùng với gia đình đứng trước tượng Nữ Thần Tự Do để loan báo quyết định ra tranh cử. Ít phút đồng hồ sau đó, trang web của ông cho phổ biến những đoạn video ghi hình ảnh ông lái xe gắn máy, ông nghe nhạc pop, ông tham gia vào ban nhạc của trường trung học… để mọi người biết dù xuất thân trong một gia đình giầu có nhưng ông là một người bình thường như hàng trăm triệu người Mỹ bình thường khác.


Bên cạnh những video khá độc đáo đó là những việc ông đã làm trong những năm vừa qua, từ khoảng thời gian không dài ông làm chủ tịch điều hành công ty hóa chất của gia đình cho đến lúc ông làm thống đốc tiểu bang Utah, và những thời ông phục vụ trong chính quyền liên bang dưới thời 3 tổng thống Cộng Hòa Ronald Reagan, George Bush, George W. Bush và phục vụ dưới thời Tổng Thống Dân Chủ Barack Obama. Ông thành công cả thời gian phục vụ ở tiểu bang – 2 nhiệm kỳ thống đốc – lẫn phục vụ ở cấp liên bang – trong đó phải nói tới những đồn đãi ở Washington cho rằng ông Obama mời ông làm đại sứ vì muốn tránh “đụng độ” chính trị 2012.


 


4


Nhưng sau ngày ông ra tranh cử, cả cánh Cộng Hòa lẫn phe Dân Chủ đều tìm cách xa lánh ông. Các viên chức Tòa Bạch Ốc từng nói với báo chí là ông “chơi không đẹp” khi từ chức để tranh cử đối đầu với sếp, bên Cộng Hòa cũng chẳng hài lòng khi nghe ông đưa ra những lời phát biểu chỉ trích đường lối hoạt động của đảng. Ông cũng là ứng viên Cộng Hòa duy nhất lên tiếng chê bai nhà tỷ phú Donald Trump, trong khi ông tỷ phú này là người đang có ảnh hưởng khá lớn ở cuộc tranh cử kỳ này.


Bên cạnh những sai lầm đó còn có nhiều lý do được đưa ra để giải thích tại sao ông Huntsman không thành công. Lý do được nhiều người nói đến nhất là việc ông sai lầm khi bỏ ngõ Iowa, giúp ông Romney cơ hội trở thành nhân vật “cấp tiến Cộng Hòa” duy nhất có khả năng thành công khi tranh cử đối đầu với ứng viên Barack Obama của đảng Dân Chủ. Lập trường và mục tiêu của 2 ông không khác gì nhau mấy, nhưng chính quyết định hoàn toàn sai lầm này của ông Huntsman đã khiến cử tri trong đảng phải chú ý nhiều hơn đến ông Romney.


Lý do thứ nhì là ông không được sự ủng hộ của chính thành phần cốt cán trong đảng. Phe bảo thủ không muốn đến gần những người có tư tưởng cấp tiến như ông – về những phát biểu ông đưa ra cho các câu hỏi liên quan đến ngoại giao, giải quyết vấn đề người cư trú bất hợp pháp và kế sách giải quyết tình trạng biến đổi, trong khi phe cấp tiến lại chê bai ông là “lưng chừng,” là “không rõ rệt.”


Vì thế, dù họ nói sẵn sàng nghe ông trình bày, nhưng trong thâm tâm của thành phần cốt cán này, hầu như ai ai cũng có sẵn ý nghĩ ông không phải là người họ trông đợi. Cũng chính vì thế nên quyết định bỏ Iowa trở thành sai lầm chiến lược lớn hơn: ông đánh mất một cơ hội rất lớn để trình bày cho những người đang thắc mắc hiểu rõ hơn về ông.


Ðiểm thứ 3 là những lời phát biểu ông đưa ra, khiến mọi người phải ngạc nhiên vì thấy rõ ràng là một chính trị gia mà ông không biết nắm bắt cơ hội. Khi được hỏi về chuyện tại sao từng đoàn người vẫn tiếp tục tìm đường nhập cảnh lậu vào Mỹ, ông trả lời “bây giờ chẳng ai muốn đến Hoa Kỳ vì kinh tế nước Mỹ quá yếu, không làm ra tiền.” Mới tháng trước khi đài truyền hình CBS hỏi ông tại sao không dự bầu sơ bộ ở Iowa, ông trả lời “họ đi hái bắp ở Iowa, còn cử tri New Hampshire mới chọn người làm tổng thống.”


Phát biểu này tức khắc được xem là phát biểu “tệ nhất” mà đáng lẽ ông không nên phạm phải. Nói đúng hơn: chẳng riêng ông, bất cứ ai nuôi mộng trở thành tổng thống đều không nên phạm phải.


Chắc cũng vì thế nên trước khi tin ông ngưng cuộc vận động được báo chí phổ biến, một trong những chiến lược gia Cộng Hòa là ông Mike Dennehy từng ví con cuộc tranh cử của ông Huntsman “chẳng khác gì một người bệnh đang phải sống bằng máy thở.” Vẫn theo ông Dennehy – nhân vật tạo tên tuổi sau ngày soạn sách lược giúp Thượng Nghị Sĩ John McCain thành công ở New Hampshire hồi 2008, “tương lai chính trị của ông Huntsman không sáng lắm” chỉ vì những quyết định ông đã làm. Nói rõ hơn: bỏ Iowa, không thành công ở New Hampshire, đưa ra những lời phát biểu khiến cử tri không hài lòng thì đừng trông chờ hy vọng ở South Carolina.


Ðiều ông Mike Dennehy nói không sai. Cuộc thăm dò do chính ban tham mưu của ông Huntsman cho thấy chỉ có 4% cử tri South Carolina biết đến ông. Với tỷ lệ thấp như thế, chia tay với cuộc đua là giải pháp bắt buộc phải nghĩ tới.


 


5


Trong cuộc họp báo trực tuyến cuối cùng ngay sau khi giã từ với ước mộng được đảng đề cử, ông không nói gì nhiều đến chuyện đã qua, và cũng không cho biết dự tính tương lai của ông như thế nào. Ông chỉ bảo 6 tháng qua “có rất nhiều cơ hội tiếp xúc với cử tri, biết họ mong muốn gì và nghĩ gì về đất nước.”


Ông kết thúc bằng câu: “Chúng tôi đã cố gắng bằng mọi cách. Chúng tôi đã làm việc hết sức mình. Chúng tôi đã gặp gỡ với mọi tầng lớp dân chúng” và quyết định cuối cùng “vẫn là quyết định của cử tri.”

MỚI CẬP NHẬT