Thursday, March 28, 2024

Chính phủ Bảo Thủ và cải tổ hệ thống y tế tại Anh – Lê Mạnh Hùng

 


 


Lê Mạnh Hùng


 


Một chính sách tốt có thể không tốt về chính trị. Nhiều cải tổ hữu ích về lâu về dài bị chống đối nhiều trong ngắn hạn. Và đôi khi chuyện xảy ra ngược lại. Những chính sách xấu lại được dân chúng hoan nghênh một cách nhất thời.


 Chính phủ Lao Ðộng của ông Tony Blair chẳng hạn đã đưa ra nhiều đạo luật không có lợi gì cho xã hội chỉ vì muốn chứng tỏ rằng mình không yếu mềm trước tội ác. Nhưng chính phủ liên đảng Bảo Thủ và Dân Chủ Tự Do của các ông David Cameron đã thành công trong việc tạo ra một chuyện hiếm khi xảy ra, đạo luật cải tổ Hệ Thống Y Tế Quốc Gia (National Health Service – NHS) vừa bị Viện Quý Tộc bác tuần trước đã phối hợp cả một chính sách tồi tệ với một hành động chính trị làm mất lòng dân. Ðạo luật mới này có triển vọng sẽ chôn vùi tham vọng chính trị của ông David Cameron chứng minh cho dân Anh rằng đảng Bảo Thủ đáng được tin cậy như là người bảo vệ cho hệ thống NHS.


Ðược thành lập ngay sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, Hệ Thống Y Tế Quốc Gia (NHS) của Anh có lẽ là định chế xã hội chủ nghĩa độc nhất còn tồn tại trên thế giới kể cả ở những nước tự nhận là Xã Hội Chủ Nghĩa như Trung Quốc hoặc Việt Nam (có thể là còn tồn tại ở Cuba và Bắc Hàn, nhưng hai nước này không kể).


Nguyên tắc chủ đạo của hệ thống là dịch vụ y tế được cung cấp miễn phí cho mọi người dân bất kể là có khả năng trả tiền hay không. Cả nước được chia ra làm nhiều khu y tế có những bệnh viện tổng hợp của mình. Các bác sĩ được tổ chức thành những phòng mạch cho mỗi khu vực địa phương và ăn lương như công chức. Sự kiện khu vực này dẫn đến một hiện tượng mà người Anh gọi là “post code lottery” tức là tùy theo nơi mình ở mà dịch vụ y tế tốt hay là xấu. Các vùng nghèo chẳng hạn, con bệnh thường không được chăm sóc tốt bằng những vùng khá giả hơn có lẽ một phần vì những vùng này thiếu bác sĩ. Nhưng tuy rằng mô hình này bị chỉ trích rất nhiều, nhất là ở Mỹ nhưng nó cũng cung cấp một dịch vụ y tế đủ tiêu chuẩn cho người dân Anh, nhất là những người dân nghèo. Kẻ viết bài này đã từng hai lần phải vào nằm bệnh viện trong những khoảng thời gian dài có thể bảo đảm rằng tiêu chuẩn các nhà thương này (ít nhất là tại khu vực mình ở) không kém gì tiêu chuẩn của các nhà thương tư của Mỹ.


Nhưng có lẽ vì tính chất xã hội chủ nghĩa của nó mà suốt từ gần bốn mươi năm nay, các chính phủ Anh liên tiếp cải tổ nó để thích hợp cho ý thức hệ thời thượng hiện hành. Nhưng mặc dầu những cố gắng từ thời chính phủ của bà Margaret Thatcher, hệ thống tiếp tục làm cho các chính phủ khác nhau thất vọng và làm tan rã triển vọng thăng tiến của vị bộ trưởng nào không may được giao trách nhiệm làm chuyện này.


Nigel Lawson, một cựu bộ trưởng Tài Chánh của đảng Bảo Thủ Anh có lần nhận xét rằng “hệ thống NHS có tác động kỳ quái vào các nhà chính trị vốn rất thông minh trong những việc khác,” và đó là theo ông định chế này là cái gần nhất mà người Anh có thể coi như là một thần tượng. Thành ra đối với NHS, các cử tri Anh hành động như họ là tín đồ của một tôn giáo cổ kính nào đó, trong lúc các nhà chính trị để dành lá phiếu đều cạnh tranh để chứng minh rằng họ là những người thật sự tin tưởng vào nó nhất là vào những mùa bầu cử.


Vị bộ trưởng cuối cùng tìm cách làm chuyện này – và như vậy phải đối mặt với những giận dự và chống đối của cử tri, bác sĩ, y tá và các đồng nghiệp của mình tại Quốc Hội – là ông Andrew Lansley. Dự luật cải tổ hệ thống NHS của ông hầu như chắc chắn sẽ được Hạ Viện thông qua vào mùa Xuân năm nay, nhưng với một tình trạng bị sửa đổi, cắt xén đến mức người ta có thể tự hỏi rằng đưa ra một đạo luật mới như vậy để làm gì.


Khách quan mà nói, hệ thống NHS cần được hiện đại hóa. Chi phí y tế tại Anh mặc dầu không nhiều bằng các nước khác ở trình độ phát triển tương tự nhưng cũng đang tăng một cách nhanh chóng. Một hệ thống quản lý thư lại cứng ngắc nhiều khi không đáp ứng được những nhu cầu của các bệnh nhân. Anh quốc chắc chắn là cần chi tiêu nhiều cho việc phòng bệnh hơn là cho việc chữa bệnh và nước Anh cần có nhiều những trung tâm y tế chuyên ngành hơn là những bệnh viện tổng hợp. Các dịch vụ xã hội và y tế cần phải được phối hợp một cách chặt chẽ. Và việc cung cấp các dịch vụ y tế cũng nên có một chỗ cho cạnh tranh để giữ cho chi phí không tăng quá mức.


Một số những yếu tố này người ta có thể tìm thấy trong dự luật của ông Lansley, nhưng chúng bị chôn vùi sâu ở dưới. Ðiều nổi lên trên mặt là một thay đổi quan trọng trong cơ cấu tổ chức của NHS. Ông Lansley nói ông chủ trương thay đổi từ từ nhưng ông David Nicholson, tổng giám đốc hệ thống NHS thì nói rằng những thay đổi quá lớn đến nỗi người ta có thể thấy chúng từ ngoài không gian. Và chúng cũng đòi hỏi phải mất nhiều tỷ bảng Anh để thi hành trong lúc ngân sách đang thiếu hụt.


Các giới chức tại Bộ Tài Chánh thì e sợ rằng họ sẽ phải bỏ ra hàng tỷ đô la cứu những bệnh viện bị phá sản vì sự cải tổ này trùng với một loạt những cắt giảm trong ngân sách NHS. Bầu không khí trong Quốc Hội và chính phủ thì cũng không có gì tốt hơn. Năm ngoái đảng Dân Chủ Tự Do của ông Clegg nằng nặc đòi hỏi phải có những thay đổi lớn trong dự luật. Nay thì đảng này có vẻ phủi tay, nói rằng đó là những “cải cách của tụi Bảo Thủ.” Trong khi đó những đồng liêu Bảo Thủ của ông Lansley thì cũng chẳng khen thưởng gì thành tích của ông.


Vấn đề là tất cả những chuyện này đều có thể đoán trước được. Khi ông Lansley đầu tiên đưa ra dự luật của ông, ông đã không trả lời nổi câu hỏi sơ khởi: các thay đổi này nhằm giải quyết vấn đề gì của hệ thống NHS? Và đến bây giờ câu hỏi đó vẫn chưa có câu trả lời. Chính ông Lansley cũng công nhận rằng ông có thể đạt được 90% mục tiêu của mình mà không cần phải có một đạo luật nào mới.


Ông Lansley nói rằng ông muốn trao quyền quyết định chi tiêu vào tay các bác sĩ, nhất là các bác sĩ gia đình. Nhưng kể từ đó hầu hết các hiệp hội bác sĩ đã thống nhất trong việc chống đối lại dự luật. Bây giờ thì ông Lansley đã thay đổi thái độ. Các bác sĩ nay là biểu hiện của những “quyền lợi bảo thủ” tìm cách phá hoại cải cách. Những hứa hẹn rằng các thay đổi sẽ giải phóng tài nguyên cho việc chữa trị nay đã bị thay bằng những ước đoán khả tín rằng chúng chỉ tạo thêm một tầng lớp thư lại mới. Và chính Ủy Ban Y Tế Hạ Viện của đảng Bảo Thủ cũng đã lên tiếng phụ họa cho những người chống đối.


Các phụ tá của ông Cameron tại số 10 đường Downing cho biết rằng ông Cameron không có một cam kết ý thức hệ nào với dự luật này. Nhưng ông cho rằng cái giá chính trị phải trả cho việc thu hồi dự luật này quá lớn so với việc cứ tiếp tục. Ông Lansley theo họ sẽ từ từ bị từ chức một khi dự luật này thông qua. Còn ông Clegg thì biện hộ rằng bây giờ đã quá muộn để có thể quay trở lại. Ông cũng lầm như ông Cameron. Bà Margaret Thatcher cũng nói với một luận điệu tương tự như hai ông trên khi các đồng nghiệp của bà khuyên bà nên rút lại dự luật thuế “poll tax.” Và kết quả là bà đã tiêu tan sự nghiệp vì luật thuế mà người Việt tại Anh gọi là thuế thân này. Hiện vẫn còn thời gian cho ông Cameron rút lại dự luật. Làm việc này quả là có mất mặt, nhưng nó chính là phối hợp được cả chính trị hay lẫn chính sách tốt.

MỚI CẬP NHẬT