Saturday, April 20, 2024

Chung nhau mua nhà, một giải pháp có thể áp dụng được


Nhiều người trong chúng ta từng ở chung phòng với những người bạn trong thời gian học đại học. Vài người đã trải qua những kinh nghiệm không vui và thề rằng họ sẽ không bao giờ ở chung như vậy nữa.









Trong thời buổi khó khăn hiện nay, chung nhau mua một căn nhà là điều có thể thực hiện được. (Hình minh họa: David McNew/Getty Images)


Nhưng thế rồi, sống một mình có thể tốn kém và làm cho người ta cảm thấy cô đơn. Việc cùng làm chủ căn nhà là một giải pháp để thoát khỏi cảnh đó.


Theo bà Phoebe Chongchua, tác giả của nhiều bài báo liên quan đến địa ốc và tài chánh, trong một bài được đăng trên website địa ốc RealtyTimes.com, những người chung nhau mua nhà là chung nhau khoản đầu tư của họ – tất cả đều sống chung dưới một mái nhà. Ðiều đó có vẻ kỳ cục đối với những người trưởng thành và không có những mối quan hệ thân mật để cộng tác trên những khoản đầu tư lớn như vậy. Nhưng trong nền kinh tế này, chuyện đó đang trở thành một giải pháp hợp lý và có thể thực hiện được.


Lãi suất thế chấp nhà vẫn rất thấp, giá nhà đã sụt giảm, và tiền thuê đang gia tăng. Những người chọn giải pháp đồng sở hữu nhà nhìn vấn đề như thế này: nếu chúng ta có thể sống chung với nhau trong một căn nhà thuê, tại sao không làm chủ nó? Mua chung một bất động sản có thể mở thêm nhiều cơ hội khác, bởi vì, thí dụ, nếu bạn có bốn người đủ điều kiện để vay một món tiền, bạn có thể vay một món tiền lớn hơn nữa.


Tuy nhiên, trong cái tốt không phải là không có cái xấu, hoặc, ít ra, có một vấn đề mà bạn cần phải thận trọng. Cũng như trong một vụ kinh doanh, bất động sản do nhiều người làm chủ có nghĩa lợi tức tổng cộng cao hơn để có thể mua nhà tốt hơn, nhưng nó cũng có nghĩa có nhiều vấn đề phải giải quyết. Nếu các chủ nhà tương lai là hai cặp vợ chồng chung nhau mua căn nhà, bạn phải chuẩn bị là có thể xảy ra bất ngờ như một vụ ly dị. Ngoài ra, bạn phải biết chính xác người nào chịu trách nhiệm về những khu vực nào của căn nhà và bất động sản. Phải có một sự thấu hiểu hoàn toàn về tình hình tài chánh của nhau và khả năng trả tiền thế chấp nhà cùng những phí tổn khác. Bạn phải chuẩn bị để xử trí kịp thời khi có người muốn bán căn nhà hoặc có người từ trần.


Rồi còn có khía cạnh giao tế trong vấn đề cộng đồng sở hữu nhà. Bạn có thật sự cùng sống dưới một mái nhà hay bạn sẽ tìm kiếm một bất động sản có một đơn bị gia cư khác nằm trên đó hoặc được gắn liền như một chung cư cho hai gia đình? Ít ra tình trạng này cung cấp thêm một chút riêng tư. Một sự xem xét thiết yếu khác là điều này sẽ ảnh hưởng ra sao đến mối quan hệ lâu dài của bạn. Ðúng, tình hình giống như dọn vào ở chung với người bạn lòng của bạn, nhưng gấp ba hoặc nhiều hơn tùy theo việc sở hữu chung căn nhà.


Ðối với vài người, việc làm chủ một căn nhà đã vượt khỏi tầm tay đến độ việc sở hữu chung có thể là giải pháp khả thi duy nhất. Nhưng điều quan trọng là bạn cần suy đi nghĩ lại vấn đề này thật cẩn thận.


Hãy bảo đảm có một luật sư soạn thảo một thỏa thuận. Khi bạn khởi sự kinh doanh với một người cộng tác, bạn phải có vài hướng dẫn về pháp lý bao gồm những gì xảy ra khi nó kết thúc – mối quan hệ chuyên môn hoặc kinh doanh. Ðiều đó cũng đúng với vấn đề đồng sở hữu nhà. Ðừng nghĩ rằng vì bạn và những người kia đang là những người bạn thân thiết, do đó sẽ không khi nào bạn cần hoặc muốn tách ra.


Các chi tiết của thỏa thuận càng được nêu lên một cách minh bạch, bạn càng ít phải tranh luận, hoặc, tệ hơn nữa, nhờ luật pháp phân xử trong tương lai. Nhưng ngay cả trước khi bạn đi tới giai đoạn này, hãy làm bài toán. Hãy nghiên cứu thị trường. Tìm sự trợ giúp chuyên môn của một địa ốc viên nhiều kinh nghiệm. Hãy bỏ ra nhiều thì giờ thảo luận về những gì bạn muốn trong một căn nhà, viễn ảnh của bạn, và nơi bạn muốn sống với người cùng nhà tương lai của bạn. Tạo ra sự thông cảm lẫn nhau và hết sức kiên nhẫn, khoan dung, sự tương thích, và một tinh thần nhân nhượng sẽ tiến một con đường dài để có sự hài hòa trong việc cùng làm chủ căn nhà. (nn)

MỚI CẬP NHẬT