Thursday, March 28, 2024

Cội Nguồn Yêu Thương



LTS: Bắt đầu từ hôm nay, nhật báo Người Việt sẽ bắt đầu đăng các bài tham dự cuộc thi viết “38 năm Little Saigon-35 năm Người Việt” vào mỗi Thứ Năm và Chủ Nhật hàng tuần, trên cả báo giấy và báo online. Tên tác giả được ban tổ chức thay thế bằng mã số. Hạn chót nhận bài thi là ngày 8 Tháng Mười Hai, 2013. Rất mong nhận được sự ủng hộ của quý bạn đọc gần xa.


Tác giả (35-002)


Nhiều năm đi qua… tôi không còn muốn đếm thời gian nữa. Tôi đã làm tròn bổn phận của mình đối với gia đình. Tôi đã làm tròn bổn phận đối với bản thân tôi… Tôi nghĩ vậy và tôi không còn ân hận hoặc bận tâm về những ngày sắp tới… Nhưng tự đáy lòng tôi vẫn đau đáu một điều gì khi đứng nhìn về bên kia biển: Quê nhà tôi ở đó.









Hình minh họa: Họa sĩ Nguyễn Thanh Vân/Người Việt



Mười chín tuổi của một ngày xa rất xa, tôi vượt biển cùng gia đình Tịnh sau rất nhiều lần thất bại… Chiếc ghe 3 lốc nhỏ xíu trôi dạt như chiếc lá mỏng manh trên sóng dữ biển Ðông cuối cùng cũng đến Phi sau bao nhiêu hãi hùng, rã rời , đói khát… Tôi không muốn nhớ lại những ngày cùng cực buồn đau đó, cuộc sống vẫn tiếp diễn thôi, và tôi phải nhắm mắt lao về phía trước như một mũi tên đã rời khỏi chiếc cung định mệnh của mình. Tôi còn cả một gánh nặng ở quê nhà… Học, học và làm việc như điên cuồng để quên những điều cần quên và để nhớ những điều cần nhớ.

Công việc đầu tiên nhà thờ tìm cho tôi rất đơn giản: giữ một bé hai tuổi để mẹ bé đi làm việc ngoài giờ. Tôi có thể vừa học bài vừa chăm sóc bé… đôi khi dọn dẹp những thứ lộn xộn của buổi tiệc party cuối tuần… vừa dọn vừa rơi nước mắt nhớ lại những ngày vàng son trước đó. Tôi cắm đầu vào học, nhớ lời thầy Huỳnh Tấn:

Cúi đầu xuống mà đi

Gầm đầu vào mà học

Trước mắt ta nỗi nhục

Sau lưng ta nỗi buồn…

Thầy đã không hề biết chỉ vài năm sau, cô học trò ngoan của thầy đã vịn vào câu thơ đó mà gạt nước mắt đứng lên, cứng cỏi chống chọi với cuộc đời mới mẻ…

Cuộc sống của bà chủ single mom của tôi đầy sóng gió tình trường nên bé con cũng chẳng lấy gì làm ngoan ngoãn… Bé la hét như cái còi xe cấp cứu 911 những khi không vừa ý. Tôi vừa luống cuống dọn ra những bánh kẹo, chocolat, trái cây, sữa , đồ chơi v.v… vừa liếc ra cửa sổ sợ bà phù thủy hàng xóm đang chăm chú nhìn hằn học… Chỉ có như vậy bé mới cười vui vẻ, chịu chơi một mình cho tôi học… Cho đến một ngày, bà chủ single mom kiểm tra tủ lạnh, tủ chứa rồi thản nhiên hỏi:

-Mày có uống sữa hoặc ăn bánh kẹo của Baby không?

Tôi sững sờ, choáng váng, giận dữ… Tháo cái tablier ném xuống đất, khoác vội cái pack-bag đùng đùng phóng xe đạp chạy đi, nhất định không để một giọt nước mắt nào rơi trước mặt con người độc ác đó. Cha Tom đã đứng chờ tôi trước cổng nhà thờ vì bà chủ đã điện thoại cho cha mắng vốn, không thích cái con bé Á Châu ốm nhách đói ăn mà lại vô cùng sensible. Cha đã nói với bà: “Bà đã lầm, cô ấy là con gái của một người mà tất cả mọi chúng ta đều phải nghiêng mình thán phục.” Thấy mặt cha là nước mắt tôi tuôn như suối, tủi thân, nhục nhã, căm giận… Cha vỗ đầu tôi, dịu dàng:

-Nín đi, con gái . Chuyện nhỏ mà… chỉ là sự khác biệt giữa hai nền văn hóa… hay cũng có thể là giữa hai giai cấp…

Tôi nuốt nước mắt:

-Tại sao có người lại độc ác trong cả lời nói vậy hả cha?

Cha trầm ngâm, lại mỉm cười an ủi:

-Tính cách của mỗi người thôi con, họ hồn nhiên nghĩ sao nói vậy, không như các cô công chúa quận chúa nhà mình, uốn lưỡi chín lần rồi… không nói gì cả…

Ðôi khi cha vẫn tự trào để đem lại một niềm vui bé nhỏ cho các con chiên , cha hay nói với các giáo dân quá tôn sùng cha: tôn giáo là thuốc độc. Hãy sáng suốt. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy lòng mình ngấm đầy thuốc độc như hôm nay. Ðắng nghét và đau đớn.

-Quên đi, con gái. Một ngày nào đó con sẽ đứng cao hơn họ.

Cha lại đi tìm cho tôi một việc làm khác, theo cha rất phù hợp với bản chất của những cô bé Việt Nam hiền lành, nhân ái: săn sóc, chuyện trò với những người già yếu trong Nursing Home… Tiền lương căn bản đủ để tôi chi phí và gởi về nuôi gia đình qua những ngày gian khổ. Việc học đối với tôi là một cứu cánh. Tôi không hiểu sức mạnh nào để một con bé 85 pounds như tôi can đảm đi trọn con đường học vấn sau 8 giờ làm việc mỗi ngày… chiếc xe đạp là người bạn thân nhất cùng tôi đi qua mỗi ngày 4 chuyến bus xuyên vài thành phố, ai nói ở Mỹ không bao giờ có một giọt mồ hôi? Mồ hôi tôi đã chảy cùng nước mắt khi phải di chuyển những bệnh nhân nặng gấp đôi mình, nghe những lời mắng nhiếc cộc cằn khi tôi không hiểu rõ điều họ muốn. Mồ hôi tôi đã mặn chát cùng nước mắt dưới cái nắng nóng gần 100 độ F của Cali… nơi vẫn được gọi một cách hoa mỹ là thiên đường nắng ấm.

Tôi biết, chỉ có một sức mạnh siêu nhiên duy nhất là cạnh bên tôi luôn luôn có một thiên thần hộ mệnh, mỗi đêm, thiên thần mở tấm gương soi huyền hoặc cho tôi thấy bên kia đại dương, mẹ tôi chen chân các bến xe, bến tàu, giấu từng ký cà phê, từng bao bột ngọt… em trai tôi cuốc từng nhát cuốc bật máu bàn tay trên những cánh đồng khô cháy… em gái tôi cắn răng bon chen giữa chợ đời khốc liệt… và ba tôi, đâu đó trong trại cải tạo của một vùng biên giới rừng thiêng nước độc.

Tôi nuốt nước mắt vào tim…

Ngày ra trường, không có cha mẹ anh em bên cạnh để tôi hãnh diện và hãnh diện vì tôi… chỉ có cha Tom và gia đình Tịnh.

Nhưng tôi gởi tặng thành tích đầu tiên này về bên kia biển, nơi tôi đã đành đoạn xa lìa.

Bây giờ, mẹ tôi đã yên nghỉ trên đồi cao lộng gió để nhìn về quê nhà, một chốn nghỉ ngơi cuối cùng mà rất nhiều người bản xứ không thể mơ tới nỗi.

Bây giờ, em trai tôi vui vẻ, hạnh phúc bằng lòng với cuộc sống xứ người.

Bây giờ, em gái tôi có thể thong dong dạo chơi trên những con đường xanh mượt cỏ và ngào ngạt hương hoa.

Bây giờ, tôi có thể từ trên bục giảng nhìn xuống đám học trò bản xứ của tôi để nói với các em rằng: Mọi người đều bình đẳng trong cuộc sống.

Tôi đã quên nỗi đau đớn ngày nào khi bà chủ đầu tiên sỉ nhục tôi vì một điều mình đã không phạm phải, tôi đã quên những giọt mồ hôi mặn đắng cùng nước mắt. Tôi cầu nguyện cho bà và những người như bà có cuộc sống êm ả hơn để không còn
trút những oán hờn vào người khác.

Bây giờ, thiên thần hộ mệnh vẫn ở cạnh tôi, thỉnh thoảng lại mở ra cánh cửa gương huyễn hoặc cho tôi nhìn về bên kia biển:

Quê nhà tôi ở đó

Nước mắt tôi lại rơi như những ngày xưa cũ: Tôi có thể làm gì cho quê hương yêu dấu?

MỚI CẬP NHẬT