Thursday, March 28, 2024

Cụ Hương miền Nam

 


Mai Thanh Truyết 


 


Thưa quý vị,


Cụ Trần Văn Hương mất ngày 27 tháng 1 năm 1982 tại Sài Gòn. Cụ mất đi để lại cho chúng ta nhiều tiếc nuối. Hôm nay nhân ngày lễ tưởng niệm Cụ, tôi xin chia sẻ vài suy nghĩ về Cụ: 


Về sự nghiệp chánh trị 


Cụ Trần văn Hương đã hai lần được mời và bổ nhiệm đảm trách chức vụ Ðô Trưởng Saigon, đây là chức vụ đứng đầu quán xuyến điều hành bộ máy hành chánh thủ đô, bảo tồn bộ mặt của thể chế Việt Nam Cộng hòa đang trong giai đoạn củng cố xây dựng và phát triển với những khó khăn chồng chất về mọi mặt.


-Lần đầu vào năm 1955 sau khi Hiệp định Genève chia hai đất nước VN được ký kết, do cố Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm;


-Lần thứ hai,, sau khi chánh quyền Ngô Ðình Diệm bị lật đổ vào năm 1963, cụ Trần Văn Hương lại được bổ nhiệm Ðô Trưởng Sài Gòn.


Tháng 11 năm 1964, cụ Trần Văn Hương được Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu bổ nhiệm làm Thủ Tướng Chánh Phủ và lập nội các.


Năm 1971, cùng đứng tên trong liên danh Nguyễn Văn Thiệu, cụ Trần Văn Hương đã đắc cử Phó Tổng Thống VNCH và đến 21 tháng 4, 1975, sau khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, cụ Trần Văn Hương đã đảm nhiệm chức Tổng Thống VNCH trong thời gian ngắn ngủi 7 ngày và trao quyền lại cho Tướng Dương Văn Minh đầu hàng Cộng sản.


Qua các tình huống được liên tiếp giao phó vào các chức vụ hàng đầu kể trên, xét ra, không phải thinh không mà cụ Trần Văn Hương đã được chiếu cố như vậy. Trong bối cảnh chánh trị miền Nam, cụ Trần Văn Hương đã lần lượt dấn thân vào sinh hoạt chánh trị đại chúng với danh nghĩa là một nhân sĩ miền Nam do nhu cầu của đất nước, có thể kể:


-Việc thành lập Ðảng Phục Hưng nhưng thực tế, không có nhân sự và phương tiện hệ thống hóa cơ cấu đảng, trong bối cảnh chánh, trị phần lớn các đảng phái hiện tồn còn với tính cách là đảng cách mạng, sinh hoạt thích ứng với nhu cầu đảo chánh, lật đổ, chưa đạt điều kiện hoạt động đấu tranh đối lập nghị trường như cố Giáo Sư Nguyễn Văn Bông chánh thức phác họa soi sáng về sau qua bài phát biểu tại Ðại học Luật khoa.


-Việc cùng 17 nhân sĩ hình thành Nhóm Caravelle, để phải chịu cảnh tù đày ngoài Côn Ðảo.


Việc phải chọn giải pháp vận dụng hậu thuẫn quần chúng miền Nam, cùng đứng chung liên danh với Nguyễn Văn Thiệu trong kỳ bầu cử Tổng Thống sau khi đã ở trong vị thế đối lập để tạo một lối thoát tích cực cho đất nước. 


Về mẫu con người và phong cách nhân sĩ miền Nam 


-Nhân cách con người miền Nam: Trong hoàn cảnh tù đày ngoài Côn Ðảo, Cụ Trần Văn Hương đã kiên trì nhận chịu xem thường những thiếu thốn và ràng buộc vật chất trong khi giữ vững tinh thần qua câu thơ bất hủ biểu tỏ thái độ bình thản bộc trực sắc thái miền Nam qua câu thơ bất hủ để đời ghi trong tập thơ “Lao trung lãnh vận” đọc lên ai cũng thấy thương cho ông già trong cảnh tù đày:


“Ngồi buồn gãi háng, dái lăn tăn”


Tính can trường về nhân cách của con người miền Nam của Cụ Trần Văn Hương còn được biểu lộ qua sự kiên trì dấn thân, không bỏ cuộc, mà trái lại, vẫn chấp nhận trách vụ được giao phó tiếp đó do nhu cầu của tình hình đất nước.


-Phong cách xử lý tình huống trong sáng của con người miền Nam: Ðảm nhiệm chức vụ Tổng Thống VNCH sau khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, cụ Trần Văn Hương đã vì quyền lợi đất nước thực hiện thủ tục trao quyền cho Tướng Dương văn Minh, nhưng vẫn tôn trong quy định của Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa qua việc triệu tập buổi họp khoáng đại lấy quyết định của Quốc Hội. Nhân dịp này, Cụ Trần Văn Hương đã có những lời phát biểu sâu sắc xác định lập trường giữ vững căn bản pháp lý của quyền lực trên cơ sở Hiến Pháp. Với đôi chút mỉa mai về Tướng Dương Văn Minh, cố TT Trần Văn Hương đã xác định quyền lực lãnh đạo quốc gia “không phải là cái khăn mouchoir,” “đây không phải là một tờ giấy bạc từ trong tay tôi, tôi móc ra đưa cho đại tướng.”


Vô cùng tiếc nuối, do trùng hợp với một sinh hoạt cộng đồng đã sắp xếp trước nên không đến dự buổi lễ giỗ tại San Jose được, tôi là Mai Thanh Truyết, xin cùng ban tổ chức và quý anh chị tham dự chia sẻ một số cảm nghĩ soi sáng ghi trên về cụ Trần Văn Hương cùng phát huy niềm tự hào về một nhân sĩ miền Nam để cùng nắm tay nhau xông tới nhằm đúng mục tiêu đấu tranh diệt Cộng sản bạo tàn trên đất nước Việt Nam thân yêu.


Thưa quý vị,


Mỗi năm, nhân mùa Tết đến, hình ảnh Cụ Hương lại về, hình ảnh của một ông già gân miền Nam, bình dị, nhẹ nhàng nhưng rất dứt khoát trong quyết định và hành động.


Cụ Hương đã sống trọn vẹn cho Ðất và Nước, từ buổi giao thời sau thời thực dân cho đến Ðệ Nhứt và Ðệ Nhị Cộng Hòa. Cụ sống và thể hiện tròn trách nhiệm của người con Việt trong những giai đoạn nghiệt ngã nhứt của đất nước.


Ngay từ thuở thiếu thời và xuân thời, làm giáo viên, rồi làm Ðô Trưởng, Cụ luôn bình dị với chiếc áo sơ mi trắng, chiếc quần kaki xanh bên cạnh chiếc xe đạp cũ kỹ. Nhiều đối thủ chánh trị Bắc kỳ và Trung kỳ đàm tiếu rằng hành động của Cụ nhằm mục đích làm dáng, phô trương tánh liêm khiết và che mắt thiên hạ. Nhưng Cụ chẳng cần cải chánh, vì con đường Cụ đi… thẳng băng. Ðó là con đường phục vụ dân tộc bằng tất cả tâm và sức của mình.


Cụ không cần được xưng tụng là… kẻ sĩ Nam kỳ. Cụ cũng không màng đến danh lợi, vật chất… và khi nào thấy không còn có thể hợp tác được với “chánh quyền” ở thời điểm nào đó… Cụ ngang nhiên phủi áo ra đi, chấp nhận ngồi tù hay bị trù dập.


Trong giai đoạn cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, cũng có nhiều người trách Cụ tại sao ham quyền cao chức trọng mà nhận lãnh nhiệm vụ Tổng Thống hiến định khi cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thoái vị. Ðứng trước cơn hồng thủy của dân tộc, tôi cho rằng đây là một động can đảm nhứt của Cụ, nghĩa là chấp nhận hy sinh sanh mạng cá nhân để hy vọng mưu tìm một lối thoát cho quê hương.


Và hành động của kẻ sĩ Nam kỳ cuối cùng của Cụ là không chấp nhận quyền công dân do bạo quyền trao trả khi mà Quân Dân Cán Chánh còn kẹt trong lao tù cộng sản.


Xin đan cử một vài ước muốn cuối đời của Cụ:


Ước nguyện của Cụ Hương vào năm 1974 là cố gắng xây dựng Ðại Học Long Hồ tại Vĩnh Long. Nhiều giáo sư gốc gác địa phương được mời phụ trách chức vị viện trưởng như GS NVT, GS TKN… nhưng việc thực hiện không thành vì những biến động thời cuộc dồn dập trong giai đoạn nầy. Có lẽ đây là một tiếc nuối của Cụ nhiều nhứt.


-Khi Cụ qua đời, đám tang được tổ chức tại nhà do chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cấp trong hẻm 210 đường Phan Thanh Giản bên cạnh trường Marie Curi. Có một sự kiện thú vị cũng cần nên kể ra nơi đây nhân ngày giỗ của Cụ. Số là anh con trai trưởng của Cụ là thượng tá CS đi ra phường để xin phép mua một cai hòm quốc doanh, nhưng bị người tài xế trung thành của Cụ chận ngang, và anh nầy chạy vào Chợ Lớn mua một cổ quan tài gỗ với giá 10,000 Ðồng (tiền VC bấy giờ). Anh Tàu nghe nói là mua cho Tổng Thống VNCH cho nên bớt xuống còn 5,000 mà thôi.


Một trong những ước nguyền của Cụ là khi chết được chôn ở Nghĩa Trang Quân Ðội với lễ nghi quân cách của một binh nhì; nhưng việc nầy cũng không thành. Tuy nhiên một an ủi cho Cụ là Cụ được hỏa táng tại Lò thiêu Thủ Ðức, xéo bên cạnh bức tượng Tiếc Thương, trước sự hiện diện đông đủ của học trò cùng hầu hết thân hào nhân sĩ miền Nam không quản ngại mạng lưới công an chằng chịt chung quanh lò thiêu.


Hôm nay, nhân ngày giỗ Cụ Trần Văn Hương, cúi xin đốt một nén hương lòng tưởng niệm một người con Việt chân chánh miền Nam.


Tuổi trẻ miền Nam chắc chắn sẽ tiếp nối bước đường Cụ đi và chắc chắn sẽ thành công trong công cuộc dành lại quê hương từ tay bạo quyền.


Thành kính mong Cụ phò hộ cho tuổi trẻ miền Nam.


Mai Thanh Truyết


Người con Việt miền Nam


 

MỚI CẬP NHẬT