Thursday, March 28, 2024

Dân Mỹ muốn gì? – Nguyễn Xuân Nghĩa

 


Nét nghiêm và buồn của những người chủ đất nước…


 


Nguyễn Xuân Nghĩa


Năm nay, Hoa Kỳ có tổng tuyển cử vào ngày Thứ Ba sau ngày Thứ Hai đầu tiên của tháng 11 – chi tiết rắc rối ấy cũng là chuyện lạ! Năm nay, người ta cũng nhận thấy là các ứng cử viên đều thiếu tinh thần hài hước. Nghiêm và buồn là một nét chung. Tại sao vậy?


Tổng tuyển cử là khi dân Mỹ bầu lại cả tổng thống lẫn toàn phần Hạ Viện và một phần ba Thượng Viện cùng một số thống đốc tiểu bang. Như trong mọi cuộc bầu cử hai năm tổ chức một lần – khác với tổng tuyển cử là theo nhiệm kỳ bốn năm của tổng thống – cử tri còn chọn lựa nhiều chức vụ dân cử địa phương hoặc quyết định về các đề luật do địa phương đưa ra.


Năm nay, Tổng Thống Barack Obama ra tái tranh cử và đảng Cộng Hòa phải chọn ứng cử viên tổng thống từ vòng sơ bộ nên tranh luận trong đảng là trọng tâm chú ý và tường thuật. Nhưng còn 435 dân biểu Hạ Viện, hơn ba chục nghị sĩ Thượng Viện hoặc thống đốc cũng phải xin phiếu cử tri. Mà ngoài chuyện bầu cử, Hoa Kỳ còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết.


Chúng ta đang chứng kiến hiện tượng “soi gương nhau”: cử tri theo dõi chuyện tranh cử để chọn người trong khi các chính khách theo dõi phản ứng của cử tri để trình bày – hay điều chỉnh – chủ trương của mình cho tinh vi hấp dẫn hơn. Mà cử tri cũng có quyền đổi ý! Vì vậy, “chủ động gây ấn tượng” và “bị ấn tượng chi phối” là hai chuyện song hành.


Trong hoàn cảnh đó và vào dịp đầu năm, người viết xin nghịch ngợm chụp một tấm hình về tâm tư dân Mỹ: căn cứ trên kết quả khảo sát ý kiến dân Mỹ vào tháng 12 – vốn còn thay đổi – đây là những điều mà dân Mỹ ước đoán về tình hình năm 2012.


Xin đọc lại: họ ước đoán và có khi đoán sai, chứ không hẳn là ước muốn như vậy!


Dù chỉ có 47% dân Mỹ cho là Tổng Thống Obama đáng được cho thêm một nhiệm kỳ, đa số tới 65% (gần hai phần ba) đoán rằng ông sẽ tái đắc cử! Thông điệp phũ phàng cho đối lập. Tìm vào chi tiết thì các chính khách có thể chấm lại tọa độ – nhưng đây không là nội dung bài viết.


Chuyện thứ hai, hồ sơ nóng nhất là viễn ảnh kinh tế 2012: 67% dân Mỹ cho rằng kinh tế có thể bị suy trầm nữa!


Suy trầm hay “recession” là khi đà tăng trưởng giảm sút trong hai quý liền; tệ hơn tình trạng này là nạn suy thoái, “depression.” Nếu dân Mỹ – thuộc cả ba nhóm Dân Chủ, Cộng Hòa và độc lập – mà bi quan như vậy, phản ứng của họ (như người tiêu thụ hay nhà đầu tư) tất nhiên ảnh hưởng đến kinh tế. Quả là chi tiết không vui cho buổi đầu năm.


Nhưng chưa hết buồn đâu.


Chuyện thứ ba là cảm quan của dân Mỹ về phương cách đối phó: sau một năm dài thất vọng về cách xoay trở của Quốc Hội – bị đánh giá là tệ chưa từng thấy vì chỉ được chừng 12% dân chúng tin tưởng – đến 72% dân Mỹ cho là trong năm 2012, nhiều phần thì họ sẽ phải trả thuế cao hơn.


Nhìn vào chi tiết đó, ta thấy điều… tích cực: đa số dân Mỹ đã ý thức được mức nguy ngập của nạn công chi thu bừa phứa khiến công trái đã bằng tổng sản lượng. Họ đành chấp nhận là năm nay sẽ bị thuế nhiều hơn. Chấp nhận chứ chưa chắc là ủng hộ, có khi còn đòi nợ vào năm 2014!


Năm qua Hoa Kỳ bị hạ điểm tín dụng, chuyện đau lòng và mất mặt. Nhưng 61% dân Mỹ còn cho là trong năm 2012, Hoa Kỳ lại bị mất điểm lần nữa. Trong số này, thành phần trẻ từ 18 đến 24 tuổi, là thế hệ trả nợ sau này, có vẻ bi quan nhất: 79% tin là Mỹ sẽ bị giáng cấp. Họ còn bi quan hơn lớp người có lợi tức thấp nhất: 72%!


Một thành tích nay biến thành cối đá trên cổ của chính quyền Obama là kế hoạch cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế, thường được gọi là ObamaCare. Ða số dân Mỹ không ưa và mong là đạo luật sẽ được thu hồi. Chuyện ấy, cả năm qua truyền thông đã nói tới. Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã phải và đang nghiên cứu hồ sơ này.


Ða số đến 63% dân Mỹ cho rằng đạo luật sẽ bị bác, chỉ có 29% tin là sẽ rất khó hay không thể thu hồi. Xuyên qua chuyện đó, người ta còn thấy rằng đa số dân Mỹ thất vọng về việc chính quyền đã vượt giới hạn hiến định. Chi tiết ly kỳ là 58% những người tự xưng là đảng viên Dân Chủ cũng cho rằng Tối Cao Pháp Viện sẽ bác bỏ ObamaCare.


Nhìn ra ngoài, đến 80% dân Mỹ cho là năm nay Trung Ðông sẽ còn bất ổn, và có nổi dậy trong các nước độc tài. Chuyện đáng chú ý hơn vậy là họ cũng tin rằng các chế độ mới tại đây sẽ chống Mỹ và có ác cảm hơn với các nước Tây phương! Cũng trong mạch suy tư đó, dân Mỹ không tin là Hoa Kỳ sẽ bị khủng bố tấn công nữa, nhưng lại bi quan về tình hình Iraq sau khi Hoa Kỳ triệt thoái vào cuối năm nay.


Ða số đến 63% tin rằng Iraq sẽ mất ổn định, kể cả 57% bên Dân Chủ, 67% bên Cộng Hòa và 66% thành phần độc lập. Sau khi Hoa Kỳ đổ xương máu và tiền bạc cho chiến trường này mà cử tri lại nghĩ như vậy thì ta hiểu ra bài toán của lãnh đạo mỗi khi phải lấy quyết định can thiệp vào xứ khác.


Hồ sơ đối ngoại nóng nhất của Hoa Kỳ hiện nay là Iran và kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm. Từ thời chính quyền Bush, Hoa Kỳ vẫn ở trong trạng thái vừa đánh vừa đàm, vừa dọa vừa dụ để can ngăn Iran đừng tiến hành kế hoạch này. Chưa biết kết quả hay hậu quả thực tế ra sao, có xung đột hay chăng, chúng ta cần để ý đến nhận thức hay sự phán đoán của cử tri Mỹ.


Ða số đến 62% những người trả lời thăm dò ý kiến cho rằng năm nay, Iran sẽ có bom hạch tâm! Lạc quan nhất là các đảng viên Dân Chủ vì chỉ có 49% là tin như vậy. Bi quan nhất là người xưng danh Cộng Hòa: 77% e là các giáo chủ tại Tehran sẽ có bửu bối tuyệt đối ấy!


Hóa ra bức tranh mờ mờ nhân ảnh do dân Mỹ tự phác họa cho năm nay có nhiều màu xám hơn màu hồng!


Dĩ nhiên là họ có thể lầm, và còn đổi ý, nhưng tấm hình chớp nhoáng về tâm tư của họ cũng đang chi phối cách tính toán của các chính trị gia. Và sẽ ảnh hưởng đến kết quả bầu cử lẫn vận mệnh của nước Mỹ trong vài năm tới. Xấu hay tốt thì cũng còn do “lòng dân.”


Lời kết ở đây là một câu… lạc điệu: nền dân chủ không chấp nhận sự lười biếng!


Nếu lười suy tư và tìm hiểu, rồi phó thác cho các chính trị gia, người ta sẽ lãnh hậu quả về sự chọn lựa của mình. Mà vì sao lại nói về sự lười biếng? Vì một chi tiết nhỏ: thống kê không dối trá, kẻ dối trá thì lại ưa xào thống kê để gây ấn tượng.


Số là hôm Thứ Sáu đầu tháng, Bộ Lao Ðộng công bố thống kê nhân dụng của tháng 12: tỷ lệ thất nghiệp giảm chút đỉnh, tới mức 8.5%. Chi tiết tưởng là chuyên môn ấy gây ngộ nhận là tình hình có khả quan hơn. Sai lầm ở đây nằm trong một định nghĩa hay phân số: thất nghiệp tại Mỹ được khách quan ước lượng vào khoảng 8.5% của lực lượng lao động. “Lực lượng” này là những người ở tuổi lao động, đang có hoặc đang kiếm việc làm.


Nếu không thụ động hay lười biếng, người ta có thể thấy ra sự thật đằng sau thống kê: sau khi kinh tế chính thức ra khỏi nạn suy trầm vào tháng 6, 2009, lực lượng lao động tại Mỹ đã giảm 843,000, vì nhiều người thất vọng hết muốn kiếm việc nữa. Lực lượng ấy chỉ bằng 64% của tiềm năng thực tế – là số trung bình mấy chục năm của lao động. Tức là tình hình chưa được khả quan như ấn tượng từ một con số.


Ðâm ra muốn có dân chủ thì phải chịu khó! Mệt thật.

MỚI CẬP NHẬT