Friday, April 19, 2024

Ðạo Luật Cấm Bạo Hành Chống Phụ Nữ


Cấp thẻ xanh cho nạn nhân


 


Carolyn Kim/Asian Pacific American Legal Center


Ðỗ Dzũng/Người Việt (chuyển ngữ)


 


Ðạo Luật Cấm Bạo Hành Chống Phụ Nữ (Violence Against Women Act-VAWA) là luật liên bang. Luật cho phép nạn nhân bạo hành gia đình được xin quy chế thường trú dân (thẻ xanh) mà không cần bảo trợ của người phối ngẫu (gây ra bạo hành).


Thông thường, một công dân hoặc thường trú nhân hợp pháp tại Mỹ phải “xin” thẻ xanh cho người phối ngẫu và con cái (nếu có). Một khi Sở Di Trú chấp thuận đơn xin, người phối ngẫu và con cái (còn gọi là người thụ hưởng) có đủ tiêu chuẩn để xin thẻ xanh.


Tuy nhiên, Ðạo Luật VAWA có một cách khác để người phối ngẫu xin thẻ xanh, nếu là nạn nhân của bạo hành gia đình. Theo luật này, người phối ngẫu bị bạo hành và con cái được “tự xin” thẻ xanh mà không cần sự giúp đỡ hoặc bảo lãnh của người bạo hành. Cách thức này rất quan trọng bởi vì nhiều người bạo hành có thể muốn kiểm soát tiến trình xin thẻ xanh và tình trạng di trú của nạn nhân như là một điều kiện “bắt chẹt” trong khi vẫn tiếp tục hành hạ người phối ngẫu. Khi “tự xin” thẻ xanh trong trường hợp này, theo Ðạo Luật VAWA, người phối ngẫu bị bạo hành không phải đóng một lệ phí nào cả.


Nên nhớ, nhiều vấn đề liên quan đến tự xin thẻ xanh theo Ðạo Luật VAWA rất phức tạp. Quý vị nên luôn luôn hỏi ý kiến một luật sư di trú kinh nghiệm trước khi điền đơn. Sau đây là một số câu trả lời thông dụng liên quan đến tự điền đơn VAWA. Tuy nhiên, thông tin này không thể được coi là sự thay thế cho những lời cố vấn pháp lý:


 


1. Những gì cần có để chứng minh cho trường hợp của tôi khi tự nộp đơn xin thẻ xanh theo Ðạo Luật VAWA?


A. Quý vị phải lập gia đình (hoặc là con cái) hợp pháp với một công dân hoặc thường trú nhân Hoa Kỳ. Nếu ly dị người phối ngẫu của mình vì bị bạo hành, quý vị phải tự nộp đơn VAWA trong vòng hai năm sau khi ly dị. Nếu người phối ngẫu vi phạm bạo hành qua đời, quý vị phải nộp đơn trong vòng hai năm sau ngày chết của người này.


B. Quý vị phải chứng minh mình lập gia đình thật sự, rằng quý vị và người phối ngẫu thật sự muốn có một cuộc sống vợ chồng suốt đời, chứ không phải lập gia đình để được vào Hoa Kỳ và để có thẻ xanh.


C. Trước đó, quý vị phải sống với người phối ngẫu tại Hoa Kỳ.


D. Quý vị phải là nạn nhân của tình trạng bạo hành, về thể xác và tâm sinh lý, do người phối ngẫu gây ra.


E. Quý vị là một người có “cá tính đạo đức tốt,” có nghĩa quý vị là người chưa bao giờ vi phạm tội ác. Tuy nhiên, luật di trú có nhiều phân loại định nghĩa về cá tính đạo đức tốt, và một luật sư có thể giúp quý vị xem có đạt tiêu chuẩn này hay không.


 


2. Làm sao tôi có thể chứng minh được những tiêu chuẩn này?


Giới chức Sở Di Trú sẽ xem xét từng bằng chứng khác nhau. Nói chung, quý vị sẽ phải nộp một bản sao giấy hôn thú, giấy khai sinh của bất cứ đứa con nào của hai người, giấy ly dị trước đó, chứng nhận tình trạng di trú của người vi phạm bạo hành, bằng chứng hai người sống chung, bản khai của quý vị mô tả chi tiết quan hệ với người phối ngẫu và vụ bạo hành, hình đám cưới của hai người, hình chụp các vết thương liên quan đến vụ bạo hành, báo cáo của cảnh sát, thư ủng hộ của những người biết quý vị và người phối ngẫu của quý vị, và tất cả các bằng chứng khác, tùy theo trường hợp của quý vị. Mỗi trường hợp mỗi khác, và không phải tất cả mọi bằng chứng kể trên có thể áp dụng vô trường hợp của quý vị.


Ngoài ra, không một bằng chứng nào có thể thay đổi tình trạng tự nộp đơn VAWA của quý vị. Nên nhớ, một luật sư có thể giúp quý vị quyết định loại bằng chứng nào là tốt nhất để sử dụng trong tiến trình tự nộp đơn.


 


3. Tôi có thể nộp đơn theo Ðạo Luật VAWA cho con riêng của tôi không?


Nếu con của quý vị dưới 21 tuổi, quý vị có thể bao gồm chúng trong đơn VAWA, ngay cả những đứa con này không phải là nạn nhân của tình trạng bạo hành.


 


4. Sau khi đơn của tôi được chấp thuận thì phải làm gì?


Như đã đề cập ở trên, quý vị có thể đủ tiêu chuẩn xin thẻ xanh. Ngoài ra, quý vị cũng có thể nộp đơn xin giấy đi làm (Employment Authorization Document). Với giấy này, quý vị được đi làm một cách hợp pháp tại Mỹ. Tùy theo nơi cư ngụ, quý vị có thể xin được một số trợ cấp của chính phủ.


 


5. Tôi có thể xin thẻ xanh ngay được không?


Ðiều này còn tùy.


Nếu người phối ngẫu vi phạm bạo hành là công dân Mỹ, quý vị được coi là một “người thân trực hệ” dựa theo luật di trú và quý vị có thể nộp đơn xin thẻ xanh ngay sau khi đơn VAWA được chấp thuận.


Nếu người phối ngẫu vi phạm bạo hành là thường trú nhân, quý vị sẽ được cho biết ngày ưu tiên (priority date) theo như đơn người phối ngẫu xin cho quý vị. Quý vị không thể nộp đơn xin thẻ xanh trước khi ngày ưu tiên có hiệu lực. Ðiều này có nghĩa là quý vị phải chờ theo thứ tự cho đến khi Sở Di Trú thông báo họ sẽ tiến hành xem xét hồ sơ theo ngày ưu tiên của quý vị. Tiến trình nộp đơn xin thẻ xanh bắt buộc người nộp đơn phải đóng lệ phí (không phải như đơn VAWA) và nên nhờ một luật sư làm đơn và cố vấn giùm.


 


6. Tôi sợ là người phối ngẫu của tôi biết tôi tự nộp đơn VAWA. Tôi phải làm gì đây?


Quý vị nên thu thập tất cả mọi giấy tờ hoặc bất cứ bằng chứng nào, nếu điều này có thể bảo đảm an toàn cho mình. Luôn luôn có cách khác để chứng minh quý vị đủ điều kiện theo Ðạo Luật VAWA. Ðây là lý do tại sao quý vị cần phải hỏi ý kiến luật sư. Một khi tự điền đơn, giới chức Sở Di Trú sẽ không được phép thông báo cho người phối ngẫu của quý vị là quý vị đã nộp đơn cũng như cung cấp bất cứ thông tin nào về đơn của quý vị.


 


7. Nếu người vi phạm bạo hành với tôi không phải là di dân hợp pháp?


Trong trường hợp này, quý vị chắc chắn không thể tự nộp đơn VAWA được. Tuy nhiên, quý vị có thể được hưởng một quyền lợi di trú khác, gọi là “U nonimmigrant status” (U visa) mà cuối cùng cũng giúp quý vị có thẻ xanh. Quý vị nên hỏi ý kiến một luật sư di trú nếu là nạn nhân của tình trạng bạo hành trong gia đình, đã báo cáo tội ác này với cơ quan công lực địa phương.


 


Lưu ý: Thông tin này không phải là một lời cố vấn luật pháp và không nên được dùng để thay thế như là một sự giúp đỡ hoặc hướng dẫn tương đương với một luật sư di trú kinh nghiệm hoặc một tổ chức cố vấn pháp lý.


Nếu cần giúp đỡ, xin quý vị gọi điện thoại tiếng Việt tại số 1-800-267-7395.


Trung Tâm Pháp Lý Người Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương (APALC) là một tổ chức bất vụ ủng hộ quyền công dân, cung cấp trợ giúp và giáo dục pháp lý, cũng như tạo thành một liên minh trong cộng đồng để gây ảnh hưởng tốt cho người Mỹ gốc Châu Á Thái Bình Dương, đồng thời góp phần tạo ra một xã hội hài hòa.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT