Tuesday, April 16, 2024

Diễn viên vắng mặt


Tạp ghi Quỳnh Giao


 


 


 


Khi theo dõi lễ trao giải Oscar năm nay, Quỳnh Giao bỗng nhớ đến Vũ Thành.









Tài tử Jean Dujardin của Pháp vui mừng với giải Oscar 2012 cho nam tài tử xuất sắc nhất qua phim “The Artist”. (Hình minh họa: Martin Bureau/AFP/Getty Images)


Trong chốn thân tình, với đầy kính trọng, người viết được gọi nhạc sĩ rất khó tính này bằng chú, dù là ở trong đài phát thanh, ông cứ “toi moi” như với một người bạn.


Có một lần, Vũ Thành phát biểu một câu hơi lạ. Không chỉ phát biểu, ông còn ghi âm vào cuốn băng “Hát Cho Kỷ Niệm” do Quỳnh Giao thực hiện lấy một cách rất thủ công nghệ từ mấy chục năm trước để làm kỷ niệm.


Ông cho rằng một ca khúc là lá thư, người đọc lá thư đó là ca sĩ. Người nhận thư hiển nhiên là thính giả.


Vũ Thành phát biểu như vậy để than phiền là nhiều người đã trình bày sai tác phẩm, có thể là về nhạc, có khi là về lời. Ông là người khó tính chứ không xuề xòa như Phạm Duy khi có người hát sai ca khúc của mình. Nhưng nhạc sĩ Phạm Duy lại có cái tật phát biểu rất chướng với người nào ông không thích, theo cái kiểu cười khẩy mà Quỳnh Giao đã tạm gọi là “đánh đuổi chầu rìa”.


Cái tật ấy khiến ông lãnh búa rìu không ít trước và sau khi ông “về quê”, trong nghĩa đen!


Trở lại Vũ Thành và xâu chuỗi “người viết thư-kẻ đọc thư-người nhận thư” như ông ví von, chúng ta thật không biết rằng “người nhận thư”, là các thính giả, nghĩ sao về lá thư. Chỉ đoán rằng họ thích, nhất là ca khúc bị hát sai nhiều nhất của ông là Giấc Mơ Hồi Hương! Ðúng là Vũ Thành quá khó tính, hay là người sinh bất phùng thời.


Sở dĩ Quỳnh Giao lại nhớ đến ông khi theo dõi giải thưởng Oscar vì nghĩ đến những người đưa thư khác. Là các nghệ sĩ trình diễn.


Ðiện ảnh là một bộ môn nghệ thuật chết!


Chết rồi, không khéo mình lại phát biểu như những nhạc sĩ xuất chúng vừa nhắc đến ở trên!


Sự thật thì khi trình diễn, các nghệ sĩ của điện ảnh không có khán giả trước mặt, hoặc rất ít mà toàn là đồng nghiệp cả, như đạo diễn, nhà sản xuất hay các chuyên viên thu hình, những người lo âm thanh, ánh sáng, v.v… Sau khi tác phẩm hoàn tất và được phổ biến, khán giả mới có cơ hội thẩm định, khen chê hoặc mua vé mua đĩa hay không.


Ðiện ảnh là nghệ thuật chết vì không có luồng nhân điện nối kết người viết thư, kẻ đọc thư và những người nhận thư.


Kịch nghệ thì khác, đó là một bộ môn sống!


Trong âm nhạc cũng thế, khi trình diễn ca khúc live, tức là “sống”, trước một cử tọa ngồi trước mặt, các nghệ sĩ là nhạc công hay ca sĩ có sự giao cảm với người đọc thư nên trình diễn khác hẳn khi họ thu băng, ghi âm hay làm đĩa.


Giải Oscar và câu nói của Vũ Thành mới dẫn người viết về những ghi chép tạp nhạp của tuần này.


Khi trực tiếp trình bày một tác phẩm trước cử tọa, chúng ta thường chú ý đến người trình diễn, như kịch sĩ hay ca sĩ. Nhưng thật ra một kẻ trình diễn khác cũng có mặt mà mình không biết. Ðó là khán giả, hay quần chúng thưởng ngoạn. Khán giả có thể không biết vai trò của họ, chứ nghệ sĩ trình diễn thì phải biết.


Hãy nghĩ đến các buổi tập dượt sau hậu trường, khi khán giả chưa có mặt.


Khi ấy, mọi nghệ sĩ trình diễn, kịch sĩ hay ca sĩ, đều là diễn giả. Tức là diễn không có thật, chẳng có thần, may lắm thì chỉ có kỹ thuật cho chuyên viên âm thanh ánh sáng hoặc cho dàn nhạc có thể biết vào ra thế nào ở câu mở đầu, hay ở khúc coda để dứt điểm vào lúc cuối.


Trong những buổi tập dượt ấy, mọi sự đều rất luộm thuộm khiến người yếu bóng vía đều vò đầu bứt tai.


Ðến buổi tổng dượt thì hình như mọi chuyện đã có nét hơn. Ca sĩ thuộc lời hơn, kịch sĩ thuộc vở hơn và đối đáp nhuần nhuyễn hơn. Âm thanh, ánh sáng hoặc trang phục đã có vẻ như thật. Nhưng vẫn chưa là thật.


Người trình diễn bồng bềnh trong cõi hư hư ảo ảo, cứ như thật mà vẫn không thật! Khi đó, người xấu lo, và thật ra thì ít kinh nghiệm, đã có thể cằn nhằn xỉa xói đồng nghiệp làm nhiều người muốn bật khóc. Quỳnh Giao có chứng kiến những chuyện đó. Nào là tiếng đàn chưa ngọt, khúc ngân còn méo, màn kéo quá nhanh, v.v… Nhưng ở dưới kia, người đạo diễn hay nhạc trưởng và một số cử tọa thu hẹp đã nhìn thấy cái khác. Nghệ sĩ trình diễn có thần hơn.


Ðến khi mở màn thì mọi sự mới hoàn toàn đổi khác, nhờ sự xuất hiện của đám diễn viên ngồi dưới, của khán thính giả!


Thành phần này thật ra không biết rằng mình góp phần đáng kể cho một tác phẩm nghệ thuật mà họ đang thưởng ngoạn. Sự kỳ diệu ở đây là người trình diễn bắt được cái thần bị lạc, trói được tiếng ngân rất tròn và tung lên cái đỉnh cao nhất, trong tiếng nhạc du dương của một dàn nhạc nay mới thật là nhạc sống! Sự hiện diện chăm chú, ánh mắt trong tĩnh lặng, cái đầu nghiêng nghiêng và tiếng vỗ tay rộn ràng đã len vào sân khấu và dẫn dắt người trình diễn lên nấc thang vòi vọi của nghệ thuật.


Ðiều bất công trong cả màn trình diễn này là cách phân phối lợi lộc!


Người nghệ sĩ có thể nhận tiền thù lao và tiếng vỗ tay, đôi khi còn có đóa hoa nữa mà không phải là do người nhà đưa lên. Chứ người trình diễn thụ động và “vô tình” ở dưới thì phải trả tiền mà không biết rằng mình vừa đóng vai trò quan trọng cho một sinh hoạt nghệ thuật.


Hình như chúng ta thiếu sự giao cảm cần thiết giữa nghệ sĩ trình diễn và quần chúng thưởng ngoạn.


Người chủ quan có máu độc tài thì nghĩ ngay đến việc chỉ đạo văn nghệ, phải lãnh đạo cả người sáng tác lẫn quần chúng thưởng ngoạn để nghệ thuật thể hiện đúng hướng cách mạng. Người thực tiễn thì nghĩ đến két bạc: Quần chúng ưa gì thì xin cứ làm như vậy, đây không phải là lúc bàn cãi về nghệ thuật vì người tiêu thụ mới là vua.


Chung quy, người viết thư và kẻ đưa thư hay đọc thư đều lệ thuộc vào một thành phần thờ ơ nhất là người nhận thư. Khán giả mới là người quyết định về trình độ cao thấp của nghệ thuật. Ý muốn và trình độ của họ mới là mệnh lệnh vô hình giúp chúng ta nói đến sự thịnh suy của văn hóa hay nghệ thuật.


Khi quần chúng thưởng ngoạn ngày nay của chúng ta lại thích những chuyện họ đang coi là thời thượng nhất thì mình đã có thể kết luận về cái lẽ thịnh suy của nghệ thuật. Với đôi chút ngậm ngùi.


May là Vũ Thành không còn nữa!

MỚI CẬP NHẬT