Friday, March 29, 2024

Ðọc Lưu Hiểu Ba ‘Không Kẻ Thù, Không Hận Thù’

 


Bản chất chế độ CSTQ không thay đổi từ 1949
‘Không có một nước Trung Hoa mới, chỉ có một đảng Cộng Sản’


 


Việt Nguyên


 





LTSTừ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa… do nhà báo Việt Nguyên trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách. Ông cũng là một bác sĩ làm việc tại Houston. 




Ngày 14 tháng 2 năm 2012, “Tân Hoàng Ðế Trung Hoa” Tập Cận Bình, theo truyền thống của Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào 10 năm trước, đến Hoa Kỳ thăm Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama ở Tòa Bạch Ốc. Báo chí Hoa Kỳ ồn ào ngạc nhiên khi thấy ông hoàng bé Kim Chánh Ân lên ngôi vua thay cha Kim Chánh Nhật băng hà ở Bắc Hàn, đã không thấy ngạc nhiên về hoàng đế Trung Hoa nguy hiểm gấp ngàn lần ông hoàng bé Bắc Hàn. Từ ngày ông cố vấn Henry Kissinger chủ trương nuôi con cọp đói Trung Hoa để khi cọp no cọp sẽ không nguy hiểm thì chế độ “Hổ” Cẩm Ðào đã cho thấy Kissinger sai lầm, kinh tế phát triển, con cọp Trung Cộng đe dọa các nước láng giềng ở Ðông Hải kể cả Nhật, Việt Nam, Phi Luật Tân. Trung Cộng dùng đô la bảo trợ các quốc gia bị Tây phương cấm vận kinh tế như Iran, Sudan, Bắc Hàn, Miến Ðiện, Zimbawee và tháng 6 năm 2011, Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào đã đón tiếp Tổng Thống Sudan Omar al Bashur người đã bị tòa án Hình Sự Quốc Tế ra lệnh bắt về tội vi phạm nhân quyền. Với tinh thần của tờ Nhân Dân nhật báo tháng 11 năm 2011: “Bài học rõ ràng cho Trung Hoa là đừng phạm lỗi lầm như Nga, trở thành một quốc gia đa nguyên đa đảng dân chủ. Ðó là âm mưu của bọn Tây phương, đưa chiêu bài dân chủ để che lấp quyền lợi, nhằm thống trị Trung Hoa như vào cuối thế kỷ thứ 19. Tây phương chỉ trích nhân quyền để ngăn chặn Trung Hoa chúng ta trở thành một đại cường quốc.”


Phó Chủ Tịch Tập Cận Bình đã tự tin đối đáp với Tổng Thống Obama như con cọp Trung Cộng đang quay lại cắn Hoa Kỳ. Trong ngày lễ tình yêu, hai bộ mặt của Tổng Thống Obama và ông Tập Cận Bình đều lạnh nhạt, Tổng Thống Obama nhắm vào cử tri Hoa Kỳ nhân mùa bầu cử sắp đến hứa đem công việc từ Trung Hoa về Mỹ bắt Trung Cộng phải chơi đúng luật còn Phó Chủ Tịch Tập Cận Bình nhằm vào Bộ Chính Trị Trung Ương đảng CSTQ, yêu cầu Hoa Kỳ tôn trọng Trung Cộng, một cường quốc lên cao hơn sau khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008.


 


Lưu Hiểu Ba, một nhà trí thức


 


Chán cảnh “ông nói gà, bà nói vịt bỏ xem đài truyền hình, tôi ngồi đọc cuốn sách mới của Lưu Hiểu Ba, người đoạt giải “Nobel Hòa Bình năm 2010, tuyển tập thơ, văn, tiểu luận “Không Kẻ Thù, Không Hận Thù” (no enemies, no hatreds, nhà sách Ðại Học Harvard) để hiểu rõ hơn mặt trái của chế độ CSTQ, bộ mặt đã được chính quyền CSTQ che giấu đằng sau bộ mặt mầu nhiệm kinh tế.


Mầu nhiệm kinh tế của Trung Hoa được giới Tây phương ca tụng đã được Lưu Hiểu Ba phơi bày qua các bài văn thơ. Mầu nhiệm kinh tế gồm thị trường hóa và tư hữu hóa của CSTQ, được Lưu Hiểu Ba viết vào hồi tháng 11 năm 2008 sau Thế Vận Hội Bắc Kinh, không có nghĩa là tạo ra một thị trường đi theo đúng luật (giống như sự chỉ trích của TT Obama) nó chỉ đồng nghĩa với thị trường hóa sức mạnh, quyền lực chính trị, vốn liếng và nguyên liệu được sử dụng qua chính quyền. Tư hữu hóa có nghĩa là “thiên đường của kẻ cướp, tất cả là của chung cho Ðảng và chính quyền.” Bọn tỷ phú mới ăn cướp đất, tổ chức các công ty quốc doanh và công ty tư chia tài sản quốc gia, giữ quyền độc tài cho nhà nước; kiếm được tiền nhanh chóng, nhóm nhỏ đảng viên tư bản đỏ rải tiền đi khắp thế giới để phá hoại dân chủ.


Năm 2006, Lưu Hiểu Ba vẫn còn tin (như Hoa Kỳ bây giờ tin) Trung Quốc không có mưu đồ quân sự như chính quyền Xô Viết, chính quyền CS tập trung vào kinh tế làm bạn với các quốc gia trên thế giới nhưng ở trong nước chế độ độc tài ngăn chặn những cuộc cách mạng hòa bình không vũ trang. Giáo Sư Lưu Hiểu Ba cũng là nhà văn, nhà thơ, nhà đấu tranh cho nhân quyền trong khối 08, theo kiểu khối 77 của Vaclav Havel, đã làm chế độ phẫn nộ vì những bài viết “vạch áo cho người xem lưng” ông đã bị kết án 11 năm tù vào năm 2010 nhưng ông tượng trưng cho kẻ sĩ trong xã hội Trung Hoa từ mấy ngàn năm, người cầm viết không khuất phục trước vũ lực, “uy vũ bất năng khuất.”


Trước khi bị đưa tòa xử ngày 23 tháng 12 năm 2009 ông viết tiểu luận “không kẻ thù, không hận thù”: bị cảnh sát bắt, tra tấn hành hạ, bị công tố viên quan tòa kết án nhưng họ không phải là kẻ thù, tôi kính trọng họ như một con người và họ chỉ thi hành nhiệm vụ nghề nghiệp. Hận thù ăn dần lương tâm và trí thông minh, đầu độc dân chúng trong thời kỳ Mao, hủy hoại tình người.” Ông hy vọng “tôi sẽ là nạn nhân chót ở Trung Hoa trong lịch sử ngàn năm xem ‘chữ nghĩa’ là kẻ thù.” Tự do ngôn luận không được tôn trọng nhưng ông được cả thế giới kính nể. Chính quyền Trung Cộng không cho ông đi nhận giải Nobel, Ông là người thứ năm trong lịch sử (năm 1935 Carl Von Ossietzky ở trong tù Ðức quốc xã, năm 1975 nhà bác học Nga Andrei Sakkharov không được chính quyền cho đi, năm 1983 Lech Walesa sợ không được chính quyền Ba Lan cho phép về, năm 1991 bà Aung Sang Sun Kyi bị giam tại gia ở Miến Ðiện) nhưng chỉ có Lưu Hiểu Ba và Von Ossietzky không được phép gởi thân nhân đi nhận giải. “Cái ghế trống” trở thành danh từ bị CSTQ cấm trên mạng cùng với 3T một F (Taiwan, Tibet, Thiên An Môn và Pháp Luân Công-Falun Gong). Năm nay 56 tuổi, Ông Lưu Hiểu Ba vẫn tự hào là nhờ cách mạng văn hóa, Mao Trạch Ðông đóng cửa trường học, cha mẹ bị đày đi làm công xã ở Mông Cổ nên ông được đọc sách tự do không bị cộng sản nhuộm đỏ. Sau khi Mao Trạch Ðông chết năm 1976, đại học mở cửa lại, Lưu Hiểu Ba tốt nghiệp Ðại Học Bắc Kinh. Bị ảnh hưởng các triết gia Tây phương như Plato, Kant, Nietzche,Heidegger, Frederic Hayek v.v… ông trở thành một trong những “con ngựa đen” đánh phá đập đổ thần tượng chế độ CS. Ở Hoa Kỳ, ông cũng giống như những sinh viên Á Ðông hay VN được đi du học, mở mắt, vỡ mộng, không còn thấy “đỉnh cao trí tuệ loài người” và thấy Tây phương vẫn còn “nhìn xuống” Trung Hoa. Những người ấy khi về nước mang đầu óc cải tiến lại bị chính quyền nghi ngờ. Cuối tháng 4, 1989, từ Ðại Học Columbia, New York, Lưu Hiểu Ba về Bắc Kinh, gặp đám người biểu tình tuyệt thực đòi dân chủ ngày 2 tháng 6, 1989. Hai ngày sau xe tăng cán nát những người biểu tình, thảm sát Thiên An Môn xảy ra, họ Lưu được xem như là người đã cứu được nhiều sinh viên bằng cách khuyên họ về nhà nhưng ông cũng bị một số người kết tội đã nói chuyện với cộng sản.


Con người bất khuất vào tù ra khám vì chống chế độ (năm 1995, 7 tháng tù, năm 1996, 3 năm tù cải tạo khi viết bài chỉ trích chính quyền bắn hỏa tiễn vào vịnh Ðài Loan) đã vào khu nhà ngoại giao tạm trú. Họ Lưu là người có tư cách đã hối hận vì nhiều người đã bị giết (con số vẫn còn được đảng CSTQ giấu nhẹm). Những người không tham dự biểu tình, không đối đầu với xe tăng, không đổ ra đường xem nhưng bị bắn, nạn nhân từ 9 tuổi đến 66 tuổi, con số chính thức là 182 người. Trong khi đó những nhà đấu tranh như ông Lưu Hiểu Ba không ai bị giết, các lãnh tụ trí thức không bị tù trong khi những người vô tội bị tù trên 10 năm, đa số lãnh tụ đi lưu vong. Trong nhóm cầm đầu “bàn tay đen” chỉ có Wang Jintao và Chen Zi Ming tù 13 năm sau đó được thả vì bệnh. Dưới con mắt Lưu Hiểu Ba, Trung Hoa một ngàn năm không đổi. Thảm sát đẫm máu Thiên An Môn năm 1989 giống như cuộc thảm sát năm 1926 ở Bắc Kinh dưới mắt nhà văn Lỗ Tấn, dân Trung Hoa tàn nhẫn thản nhiên: “Thời gian rồi trôi qua. Những con đường yên tĩnh trở lại. Ở Trung Hoa vài ngàn người chết không đáng kể, nó trở thành đề tài tán gẫu, tán dóc trong những bữa ăn.”


Ở nhà tù, khi viết bản tự thú, Lưu Hiểu Ba đã hối hận “bán đứng nhân cách và phản bội máu của những nạn nhân hy sinh.” Nghĩ về một nạn nhân 17 tuổi, Lưu Hiểu Ba đã làm bài thơ chuộc tội:


“17 tuổi anh đã ngừng thở,


Huyền diệu thay họ không ngừng hy vọng


Khi viên đạn bắn xuyên vào núi và biển quặn mình vì đau


Khi tất cả hoa trở thành một màu duy nhất (màu máu)


17 năm anh không ngừng hy vọng”


Lưu Hiểu Ba đã viết 10 năm sau ngày thảm sát Thiên An Môn để vạch trần “sự nói láo của thế kỷ” cái thói nói láo của các bạo chúa Trung Hoa từ ngàn năm lịch sử người Hán: “Khi Lưu Bang lên ngôi Hán Cao Tổ lập ra triều Hán ông đã phịa chuyện mẹ ông và con rồng để đánh bóng lịch sử gia đình. Kiểu này tiếp tục từ mộ nhà Minh cho đến đền Tưởng Niệm (CS), bọn hàng thịt, đao phủ thủ qua hàng ngàn năm và bọn độc tài quan lại trao đổi với nhau kỹ thuật giết người bằng dao găm giáo mác từ thời Tần Thủy Hoàng.”


 


Mầu nhiệm kinh tế, đàn áp nhân quyền


 


Ðảng CSTQ đã phẫn nộ với Lưu Hiểu Ba. Ông đả kích tinh thần Khổng Tử xã hội hài hòa của Hồ Cẩm Ðào kêu gọi tôn trọng trật tự “Quân thần phụ tử.” Ông kêu gọi trí thức Trung Hoa không sống với cơ hội chủ nghĩa, giả dối, ích kỷ, quỵ lụy không còn tin vào nguyên tắc đạo đức, bán rẻ lương tâm, không còn biết xấu hổ, con người thành con thú dưới thời Mao và Ðặng Tiểu Bình. Lương tâm của con người và anh hùng của sự thật sẽ đánh bại sự độc quyền chính trị của đảng. Năm 1950, Ðảng CS có bài hát “nếu không có Ðảng CS sẽ không có một Trung Hoa mới.” Năm 1989 sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn hát nhái lại “nếu không có Ðảng CS sẽ không có thảm họa một Trung Hoa mới!” còn Lưu Hiểu Ba quả quyết “trong 50 năm vinh quang chưa bao giờ có một Trung Hoa mới, chỉ có một Ðảng.”


Trong 30 năm cải tổ (1978-2008) Trung Hoa trở thành một nước của Ðảng CS để bảo vệ quyền lợi cho chế độ và một thiểu số ăn trên ngồi trước trong đảng. Thay đổi ở Trung Hoa chỉ về mặt kinh tế. Tự do cá nhân có được từ “đấu tranh giai cấp” của những người bị áp bức như phong trào 5 tháng 4 năm 1976, bức tường dân chủ tháng 12 năm 1978 đến tháng 12 năm 1979 và Thiên An Môn 1989. Dân Trung Hoa đang sống trong thời đại bi đát, dân không tin vào đảng, không tin vào bất cứ điều gì, hành động và lời nói không đi đôi, ngay cả đảng viên chỉ mong làm giàu nhanh. Ðảng viên sống như trong thời đại Xô Viết “ban ngày đi làm là đảng viên, ban đêm về nhà trong buổi ăn tối là nhà chống đối.”


Hy vọng chế độ độc tài CSTQ thay đổi từ trên xuống như Tổng Thống Tưởng Kinh Quốc đã áp dụng cho Ðài Loan năm 1980 không đến, thay đổi nếu có chỉ xảy ra từ dưới lên trên do các phong trào nhân dân.


Xã hội cộng sản đổ nát một phần do “chính sách một con” của đảng. Thanh niên ở các đô thị, không anh em, lớn lên trở thành trung tâm của gia đình, cái rốn của vũ trụ, những ông “hoàng đế bé” được nuông chiều, muốn gì được nấy không biết nỗi khổ của bố mẹ từ thời Mao hay những giai cấp cùng khổ trong xã hội thời nay, họ chỉ nghĩ “cái tôi trước nhất” thiếu tình cảm và không quan tâm đến người khác như những lời dạy của những cuốn sách làm giàu hiện nay. Các thanh niên lớn lên ở nông thôn khi được lên học ở đại học họ cũng có một thái độ tương tự, quên hết gia đình và giới nông dân nghèo khổ.


Nông dân bị cách mạng cộng sản phản bội. Từ thời Mao, dân không làm chủ đất nhưng luật lệ đất đai năm 2007 đã làm tình trạng nông dân tệ hơn. Nông dân tuyên bố giành đất lại từ chính quyền qua những cuộc biểu tình của hàng chục ngàn người nổi dậy bắt đầu từ làng An Hui (An Huy). Các chính sách kỹ nghệ hóa thành thị của Mao từ 1958 đã biến dân quê thành nô lệ, dân quê không cơm không áo. Nông dân có quyền sử dụng đất công xã, khi đất cần phát triển hay thành thị hóa, thương mại hóa, tài sản của họ thành tài sản nhà nước. Viên chức nhà nước các cấp có toàn quyền quyết định nhân danh đảng và nhà nước. Kẻ hưởng lợi là đảng viên cao cấp. Phát triển bí mật. Các công ty phát triển dùng mọi xảo thuật ngay cả bạo động, đuổi dân ra khỏi đất khỏi nhà, cắt điện nước hay dùng vũ lực. Dân không có tự do báo chí, không nghiệp đoàn, người dân thấp cổ bé miệng chỉ có thể làm kiến nghị hay tự thiêu tự sát. Trung Hoa có câu thành ngữ “chính các ông quan khiến dân nổi loạn” nay đúng trong thời cộng sản. Nhân danh chính quyền, cảnh sát công an dùng xe ủi đất phá đất phá ruộng, đánh đập dân ăn cướp đất. Ðảng viên trở thành chủ đất mới, thay vì xây hạ tầng kiến trúc, xây cầu đường, họ xây câu lạc bộ, nhà hàng, khu thương mại, phòng nhảy đầm v.v… kết quả cái nghèo của Trung Hoa không chỉ có dân nghèo mà nghèo về “hệ thống xã hội, kinh tế và dân quyền.” Cách sửa đổi duy nhất là bỏ đạo luật “nhà nước làm chủ đất.”


Mầu nhiệm kinh tế ở Trung Hoa không đi đôi với tôn trọng tự do cá nhân, tài sản và quyền lợi về tay bọn đầu sỏ còn dân “ngồi ăn đồ thừa trên bàn tiệc.”


Các mầu nhiệm kinh tế ấy được xây dựng trên chủ nghĩa quốc gia.


Lưu Hiểu Ba cho thấy 5 chiến thuật của Ðảng CSTQ sau cuộc thảm sát Thiên An Môn:


1. Chủ nghĩa quốc gia, phát sinh từ lòng yêu nước, chống Hoa Kỳ, chống Nhật, chống Ðài Loan. Xã hội hài hòa của Hồ Cẩm Ðào bắt chước hòa bình Trung Quốc (Pax Sinica) trong quá khứ.


2. Tư bản sơ khai: quyền lợi nhà nước là quyền lợi đảng, là quyền lợi của nhóm đặc quyền đặc lợi. Tiền quan trọng cần cho quyền lực chính trị, tiền bảo đảm cho sự ổn định của chế độ.


3. Chủ nghĩa tiêu thụ phung phí.


4. Ðàn áp đối lập, dân chúng không được tổ chức để thay đổi xã hội dân sự độc lập với chế độ.


5. Ðảng mua chuộc trí thức bằng cách khủng bố bằng máu sau đó đem vật chất ra cám dỗ kết quả là đồng minh 3 chiều: “Tri thức, đảng viên và tư bản đỏ.”


Sau biến cố 9/11 ở Nữu Ước chủ nghĩa quốc gia phát triển, chủ nghĩa có từ thời Mao Trạch Ðông được tờ Nhân Dân phát biểu sau biến cố 9/11: “Chôn bọn đế quốc Mỹ, bọn chó sói, âm mưu bá quyền thế giới.” “Hoa Kỳ, Nhật, Anh chính là trục quỷ” “Toàn dân thế giới hãy vùng lên chôn bọn đế quốc Mỹ.” Sau đó Giang Trạch Dân đi thăm Iran và Syria, tiếp tục chính sách đổ máu ở vịnh Ðài Loan để Trung Hoa trở thành Trung Quốc cái rốn của vũ trụ dưới thiên hạ.


Lịch sử oái oăm, ngày 1 tháng 4 năm 2001 chiếc phi cơ dọ thám của Hoa Kỳ US EPZE bị phản lực Trung Quốc TC J811 bắn hạ vào đầu nhiệm kỳ của TT George W Bush nay đến năm thứ tư nhiệm kỳ của TT Obama, Hoa Kỳ lại phải đương đầu với Trung Cộng ở biển Ðông và cái tinh thần chủ nghĩa quốc gia mà Lưu Hiểu Ba đã cảnh cáo thể hiện một lần nữa khi Trung Cộng nhất định đứng sau lưng Tổng Thống Syria Bashar Al-Assad để đàn áp những người yêu tự do.


Ðọc “Không Kẻ Thù, Không Hận Thù” của Lưu Hiểu Ba tôi có cảm tưởng như đang đọc cuốn sách viết về tình hình Việt Nam, từ đàn áp đối lập, ăn cướp đất đai như vụ Tiên Lãng Hải Phòng, đàn áp tôn giáo, bắt bỏ tù các nhà viết blog, v.v… và gần đây nhất là vụ ca sĩ Việt Khang bị bắt với bài hát phẫn nộ: “Anh là ai?” giống như bài của người dân yêu tự do bị bắt ở Trung Cộng: “Các ông đã bịt mắt tôi bằng mảnh vải đỏ, nhưng tôi vẫn thấy ánh mặt trời!” Những người ủng hộ ca sĩ Việt Khang sẽ gặp Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama ngày 5 tháng 3 năm 2012 ở tòa Bạch Ốc, họ nên yêu cầu Tổng Thống Obama can thiệp ngăn chặn Ðảng CSVN vẫy đuôi theo Ðảng CSTQ!


 

MỚI CẬP NHẬT