Thursday, March 28, 2024

‘Fiscal cliff,’ ngân sách và kinh tế Hoa Kỳ

 


Nguyễn Văn Khanh


 





LTS – Trong tuần lễ qua, giới lãnh đạo Hoa Kỳ nhiều lần gặp nhau, với hy vọng giải quyết những khó khăn về ngân sách cho tài khóa tới, cũng như cắt giảm cần thiết những năm tới. Cuộc thương thảo “bờ vực ngân sách” (fiscal cliff) được chú ý tới vì là mục tiêu hàng đầu của cả đôi bên, và vì những lời phát biểu mang nội dung cho thấy vẫn còn bế tắc, mà các nhà lãnh đạo Dân Chủ và Cộng Hòa liên tục đưa ra trong 72 giờ qua. Ðể giúp quý độc giả tiện theo dõi, nhật báo Người Việt có cuộc trao đổi ngắn với đặc phái viên Nguyễn Văn Khanh về những điểm liên quan đến cuộc thương thảo chưa có dấu hiệu sẽ được giải quyết.




 


NV: “Bờ vực ngân sách” (fiscal cliff) là gì? Tại sao lại có cụm từ này?


Nguyễn Văn Khanh: “Fiscal Cliff” là cụm từ được các chính trị gia ở Washington, DC, dùng để nói về (1) những khoản cắt giảm ngân sách và (2) tăng thuế, sẽ tự động được áp dụng kể từ ngày mùng 1 Tháng Giêng, 2013 nếu hai đảng không thỏa thuận được với nhau về ngân sách. Nếu được thực hiện, cả hai khoản (1) và (2) sẽ giúp quốc gia vừa cắt giảm chi tiêu lại vừa có thêm tiền thuế, nhưng đồng thời có thể đưa nước Mỹ trở lại giai đoạn khủng hoảng kinh tế.







Tổng Thống Barack Obama nói chuyện tại Hatfield, Pennsylvania, vận động dân chúng áp lực Quốc Hội hành động để chặn tình trạng “fiscal cliff” xảy ra. (Hình: Jessica Kourkounis/Getty Images)


NV: Tại sao lại có chuyện lạ như vậy?


Nguyễn Văn Khanh: Theo tính toán của các chuyên viên tài chánh bên hành pháp và lập pháp, chuyện lạ đó xảy ra vì chính phủ phải cắt bớt chừng $130 tỉ chi tiêu, phần lớn là cắt giảm ngân sách quốc phòng và các chương trình phúc lợi xã hội, đồng thời thu thêm khoảng $400 tỉ tiền thuế người dân không đóng vì những khoản khấu trừ đặc biệt được ban hành và áp dụng từ thời chính phủ George W. Bush. Ngoài ra, 26.4 triệu gia đình Hoa Kỳ sẽ phải đóng thêm thuế vì không được hưởng mức thuế nhẹ hơn mức thuế họ thật sự phải đóng hàng năm. Mức thuế nhẹ này cũng được ban hành và áp dụng từ thời chính phủ George W. Bush, nếu không tiếp tục áp dụng vào đầu năm tới, trung bình mỗi gia đình sẽ phải đóng thêm khoảng $3,700 tiền thuế.


Cả hành pháp lẫn lập pháp đều không muốn giới trung lưu đóng thêm thuế, cho rằng tăng thuế có nghĩa là dân chúng sẽ bớt chi tiêu, và khi dân chúng không tiêu tiền, kinh tế quốc gia sẽ gặp khó khăn.


NV: Như vậy trở ngại nằm ở chỗ nào?


Nguyễn Văn Khanh: Trở ngại là mức thuế mà phía Dân Chủ muốn giữ nguyên mức thuế cũ cho hai vợ chồng có thu nhập dưới $250,000/năm và cá nhân có thu nhập dưới $200,000/năm. Trong thời gian vận động tái ứng cử, Tổng Thống Barack Obama đã nhiều lần hứa với cử tri điều này, cam kết sẽ buộc những người có mức thu nhập cao phải đóng nhiều thuế hơn trong khi vẫn tiếp tục giảm thuế cho thành phần trung lưu. Không chỉ Tổng Thống Obama mà ngay các vị dân cử của đảng Dân Chủ đều nói rằng việc ông tái đắc cử nhiệm kỳ hai chứng tỏ cử tri Hoa Kỳ ủng hộ chủ trương phải bắt những người có mức thu nhập cao đóng nhiều thuế hơn.


Bên đảng Cộng Hòa không ủng hộ chuyện đó. Lập luận được đưa ra là trong lúc quốc gia vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng, vẫn ở giai đoạn phục hồi thì không nên vội tính đến chuyện tăng thuế. Có lần, Dân Biểu Paul Ryan, chủ tịch Ủy Ban Ngân Sách Hạ Viện và cũng là người đứng chung liên danh tranh cử tổng thống với cựu Thống Ðốc Cộng Hòa Mitt Romney, nói rằng “hoàn toàn sai lầm” khi nghĩ đến chuyện tăng thuế trong lúc này. Nếu tôi nhớ không lầm thì chữ ông Ryan dùng là “dead wrong.”


NV: Muốn giảm thuế cho thành phần trung lưu nhưng không muốn tăng thuế cho những thành phần khác, như vậy đảng Cộng Hòa lấy tiền đâu để bù đắp vào chỗ thiếu hụt?


Nguyễn Văn Khanh: Phía đảng Cộng Hòa nói có nhiều cách để chính phủ thu thêm thuế mà không bắt dân phải đóng thêm, như giảm bớt các khoản khấu trừ các công ty cũng như dân chúng đang được hưởng, sửa đổi lại luật thuế, sửa đổi Medicare… Cũng phải nói thêm ý kiến của cánh Cộng Hòa cũng như cánh Dân Chủ đều được một số người ủng hộ, nhưng để hai bên có thể đi đến chỗ tương nhượng thì vẫn còn xa.


NV: Xa tới mức nào?


Nguyễn Văn Khanh: Cứ nghe phát biểu của hai bên thì chúng ta thấy vẫn còn xa lắm. Ðiển hình nhất là mới trưa Chủ Nhật tuần này, Dân Biểu John Boehner, chủ tịch Hạ Viện, nói ông không thấy nhiều hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề vào cuối năm nay. Ông Tổng Trưởng Tài Chánh Timothy Geithner nhắc lại những nguy cơ mà quốc gia sẽ vướng phải nếu cuộc thương thảo bị bế tắc. Trước đó, tôi còn nhớ Thượng Nghị Sĩ Harry Reid, chủ tịch Khối Ða Số Thượng Viện, mỉa mai nói: “Không biết ông Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner nghĩ gì trong đầu.” Càng nghe càng thấy khó khăn, trở ngại.


NV: Nếu không giải quyết xong vào ngày 31 Tháng Mười Hai năm nay, chuyện gì sẽ xảy ra?


Nguyễn Văn Khanh: Rất nhiều chuyện sẽ xảy ra. Trước hết là người dân sẽ phải đóng mức thuế cao hơn, thứ nhì là chính phủ phải tự động cắt giảm hơn $100 tỉ ngân sách như trước đây đã thỏa thuận với Quốc Hội, thứ ba là mức phát triển kinh tế sẽ chậm lại. Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (CBO), một cơ cấu không đảng phái do Quốc Hội Liên Bang thành lập, cho rằng trở ngại không nhiều, chẳng hạn như tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng nhưng chỉ ở mức 9%, mức phát triển kinh tế chỉ gặp khó khăn sáu tháng đầu năm 2013 nhưng sau đó sẽ bình ổn trở lại. Bên Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) có vẻ lo âu hơn, sợ khó khăn sẽ kéo dài gây ảnh hưởng bất lợi cho mức phát triển kinh tế toàn cầu.


NV: Những nhân vật nào đóng vai trò chủ chốt trong cuộc thương thảo?


Nguyễn Văn Khanh: Bên Tòa Bạch Ốc cử ông Tổng Trưởng Tài Chánh Timothy Geithner giữ vai trò đại diện cho hành pháp, để thảo luận với bên lập pháp. Nhưng tất cả mọi người đều hiểu chuyện xong hay không xong nằm ở Tổng Thống Obama của đảng Dân Chủ và ông Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner của đảng Cộng Hòa.


NV: Còn chuyện nợ trần (debt ceiling) thì sao?


Nguyễn Văn Khanh: Hồi mùa Hè năm 2011, Quốc Hội đồng ý nâng mức nợ trần lên thành $16,394 tỉ. Hầu hết các chuyên viên tài chánh của cả hành pháp lẫn lập pháp đều tin vào Tháng Hai năm tới, nước Mỹ phải vay thêm tiền để chi tiêu. Theo tôi hiểu thì nhiều vị dân cử Dân Chủ lẫn Cộng Hòa hy vọng khi thảo luận “fiscal cliff,” các nhà lãnh đạo hai đảng cũng bàn thảo và có quyết định chung về mức nợ trần sẽ được tăng là bao nhiêu.


NV: Xin cảm ơn anh Nguyễn Văn Khanh.

MỚI CẬP NHẬT