Friday, March 29, 2024

Gặp gỡ Hành pháp – Lập pháp: Xong chửa? Chửa xong!

 


Nguyễn Văn Khanh


 


Hình như từ “thiện chí” là từ các chính trị gia Hoa Kỳ đang sử dụng tối đa. Ít nhất là trong ngày gặp gỡ đầu tiên giữa các lãnh tụ Cộng Hòa và Dân Chủ ở Tòa Bạch Ốc.










Hình ảnh TT Obama trên báo ngoại quốc. (Hình: Soe Than WIN/AFP/Getty Images)


Thể theo lời mời của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama, 4 ông bà lãnh đạo đảng Dân Chủ và Cộng Hòa ở Thượng lẫn Hạ Viện cùng nhau đến Tòa Bạch Ốc để thảo luận với hành pháp về những vần đề quan trọng của quốc gia, từ chuyện ngân sách, tăng thuế, giảm thuế, cho đến việc duyệt xét lại những chương trình phúc lợi mà dân chúng đang được hưởng. Trước khi lên đường, Dân Biểu Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner của đảng Cộng Hòa bảo “sẽ đi họp với tất cả thiện chí,” ý muốn nói sẵn sàng thảo luận với phía Dân Chủ để cùng giải quyết mọi vấn đề. Không hẹn mà hò, ông Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc Jack Lew cũng nói bên hành pháp đón tiếp phái đoàn lập pháp “với tất cả thiện chí,” ý muốn bảo sẽ lắng nghe xem Quốc Hội muốn gì, cũng như “sẵn sàng tương nhượng để cùng đi đến mục tiêu chung” như lời Tổng Thống Obama đã nói trong cuộc họp báo hồi đầu tuần.


Nói dễ, làm không dễ.


Hình ảnh người dân Hoa Kỳ trông thấy qua TV là cảnh 2 bên Dân Chủ-Cộng Hòa phát biểu với báo chí sau cuộc họp kéo dài gần 90 phút đồng hồ. Ðại để, cả 2 bên đều nói hài lòng với những gì đã được thảo luận, đã trình bày thật rõ ràng quan điểm của mình, và đang trông chờ vào “thiện chí” của phía bên kia. Cuộc họp báo bỏ túi ngay cửa Tòa Bạch Ốc cho thấy họ đã gặp nhau, đã tranh luận với nhau, và chưa đạt được kết quả cụ thể nào cả.


Ðiều đó không gây ngạc nhiên, dù cả tuần lễ nay bên Cộng Hòa bắn tiếng cho biết sẵn sàng bàn thảo kế hoạch tăng mức thu cho ngân sách của chính phủ bằng cách giảm bớt một số khoản khấu trừ mà giới đầu tư đang được hưởng, bên Dân Chủ – qua bà Trưởng Khối Thiểu Số Nancy Pelosi – cũng báo trước mặc dù ý kiến tăng thuế những người có mức thu nhập từ $250,000/năm mà Tổng Thống Obama đưa ra “được sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng” nhưng sẽ cùng với phía Cộng Hòa thảo luận lại, để có thể đạt được “một giải pháp hợp lý.” Bà Pelosi cũng báo trước cắt giảm chỗ nào cũng sẽ được lắng nghe, “nhưng không được đụng tới 2 khoản tiền dành cho Medicare và An Sinh Xã Hội (Social Security).”


Tại sao không đạt được kết quả? Câu trả lời: hành pháp và lập pháp không có điểm đồng thuận để có thể bắt đầu cuộc thương thảo; các vị dân cử Cộng Hòa và Dân Chủ không đồng ý với nhau về khoản tiền cần cắt và nên cắt ở chỗ nào, đồng thời khi ngồi xuống bàn nói chuyện, cả 2 bên cũng không đồng ý với nhau về những gì phải tranh luận, dù biết quốc gia sẽ gặp trở ngại về ngân sách nếu chương trình giảm thuế cho dân (được thi hành từ thời Tổng Thống George W. Bush) không được gia hạn và điều khoản quy định ngân sách “tức khắc” bị cắt giảm $110 tỷ sẽ được thi hành vào ngày đầu năm 2013.


Hầu hết các chuyên gia về ngân sách của cả hành pháp lẫn lập pháp đều nói nếu không tiếp tục giảm thuế cho dân, tình hình kinh tế quốc gia sẽ trở lại giai đoạn khó khăn, nhưng nếu giảm thuế cho dân mà không có khoản phụ thu để bù đắp, chính phủ Hoa Kỳ lại phải tiếp tục vay thêm tiền để chi tiêu, mức nợ đang có sẽ tiếp tục tăng. Bên Cộng Hòa chống đối mọi ý kiến tăng thuế (đánh vào thành phần có mức thu nhập cao) để chính phủ có thêm tiền, bên Dân Chủ nhất quyết cho rằng những người có mức thu nhập từ $250,000 trở lên phải chịu mức thuế 39.6% đã từng áp dụng thời Bill Clinton.


Ngay chuyện cắt giảm ngân sách cũng là điều 2 bên không đồng quan điểm với nhau. Các vị dân cử Cộng Hòa cương quyết không cắt giảm ngân sách quốc phòng, nhưng lại sẵn sàng nói chuyện sửa đổi chương trình trợ cấp xã hội và y tế. Bên Dân Chủ tính toán hoàn toàn khác: không chỉ cắt bớt số binh sĩ đang có, sẽ bỏ hẳn một số dự án chế tạo thêm tầu chiến và chiến đấu cơ, nhưng tăng tiền cho các chương trình nghiên cứu để hiện đại hóa quân sự bằng phương tiện kỹ thuật. Riêng về điểm này, lợi thế phía Dân Chủ đang có là sự ủng hộ bán chính thức của Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Tom Coburn và bản phúc trình do văn phòng ông soạn thảo mới được tung ra cách đây chỉ vài ngày, nội dung cho rằng có thể cắt bớt nhiều tỷ dollars của Bộ Quốc Phòng bằng cách bỏ một số dự án ông thấy không cần thiết, nên giao một phần khá lớn công việc cho dân sự qua các công ty tư nhân.


Như vậy, chuyện sẽ được đôi bên giải quyết như thế nào? Ðiều đầu tiên là cả hành pháp Dân Chủ lẫn lập pháp Cộng Hòa đều nói cuộc gặp gỡ mang tính tích cực, hứa hẹn sẽ cùng nhau giải quyết cho xong những trở ngại đang khiến cả nước lo âu. Nhân viên văn phòng bà Pelosi và các phụ tá của ông Boehner cũng bảo “các sếp đều nói phải làm ngay, không thể đợi nước đến chân mới nhảy.”


Cũng là điều đáng mừng, dù vẫn chưa có kết quả cụ thể.

MỚI CẬP NHẬT