Thursday, April 18, 2024

Giáo viên sống với đồng lương còm cõi



Phỏng vấn cựu giám đốc Sở Giáo Dục Sài Gòn: ‘Người thầy không phải thánh thần để không cần đến vật chất’


 


Nguyễn Ðạt/Người Việt


 


Ðời sống khốn khó của giới giáo viên trong cả nước vì đồng lương ít ỏi, không đủ trang trải cho sinh hoạt đời sống hàng ngày. Ai cũng thấy vậy nhưng nó đã kéo dài từ bao nhiêu năm qua không có gì thay đổi. Trong một dịp gặp mặt, ông huỳnh công minh, cựu giám đốc sở giáo dục-đào tạo thành phố sài gòn, mới nghỉ hưu, nói một ít điều về chuyện lương bổng giáo viên ở việt nam hiện nay.


 


Hỏi: Ðã nhiều chục năm trong ngành giáo dục, ông nhận xét thế nào về chế độ tiền lương của giáo viên hiện nay?










Trung học Lê Hồng Phong vốn là trường trung học Petrus Ký trước kia. (Hình: Internet)


Ông Huỳnh Công Minh: Ðồng lương của giáo viên là cao nhất trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp. Về mặt chữ nghĩa, chữ “cao nhất” ở đây là tốt là hay nhất rồi còn gì. Nên khi học về chủ trương đường lối, ai cũng yên tâm, thấy rằng nhà nước đã chăm lo đầy đủ cho người thầy giáo. Nhưng trong thực tế, công nhân viên chức các ngành khác không chỉ sống bằng tiền lương như đội ngũ giáo viên. Trong hệ thống lương của nhà nước, có rất nhiều người lương thấp hơn lương của giáo viên, nhưng họ sống hàng ngày có thể tới mức hoang phí.


Còn giáo viên thì, thực trạng thật đáng buồn; để đủ sống, phải bươn chải đủ cách; người thầy không thể tập trung được nữa trong sự nghiệp giáo dục, là một công việc nặng nề và đầy trách nhiệm; từ đó, về mặt tâm lý, đạo đức của người thầy đã bị ảnh hưởng không ít.


Có người cho rằng, chỉ vì đồng lương mà người thầy mất phẩm chất. Nhưng người thầy cũng là con người chứ không phải thánh thần để không cần đến vật chất, không cần đồng lương đủ sống mà vẫn sống đàng hoàng được.


Hỏi: Theo ông, lương của giáo viên như thế nào mới đủ sống?


Ông Huỳnh Công Minh: Ðồng lương của giáo viên tối thiểu là phải đủ ăn đủ mặc, nhà ở đi lại chữa bệnh nuôi con… Trong lịch sử xã hội Việt Nam, có giai đoạn người thầy giáo lãnh lương 30 ngàn đồng/tháng; nhưng cơm áo một tháng, nhà ở khang trang, chỉ tốn có 5 ngàn đồng mà thôi. Tức là lãnh 5 mà tiêu chỉ 1. Lúc đó ai cũng thấy người thầy giáo là tấm gương sáng, ai cũng trân trọng người thầy. Bây giờ thì trái ngược, lãnh 1 mà phải tiêu tới 5. Thế là cuối cùng phải đắp đổi cái này cái khác.


Trong những năm phụ trách Sở Giáo Dục-Ðào Tạo thành phố (Sài Gòn), là nơi ngân sách đầu tư cho giáo dục lớn nhất trong cả nước; ngân sách này có tới 80% chi cho lương giáo viên, nhưng giáo viên vẫn không thể trang trải đủ cho đời sống hàng ngày, vẫn rất thiếu thốn. 20% còn lại cũng không đủ chi cho những hoạt động thường xuyên của nhà trường, như điện, nước, hoạt động dạy và học… Những trường lớn như Lê Hồng Phong (trường Pétrus Ký cũ), Nguyễn Thị Minh Khai (trường Gia Long cũ)… có nhiều giáo viên thâm niên; thì 80% chi cho lương giáo viên không đủ, nên đã phải lấn qua 20% còn lại. Vì thế mà những trường này thường thiếu tiền trả cho điện nước hàng tháng!










Ông Huỳnh Công Minh. (Hình: giaoduc.edu.vn)


Hỏi: Theo ông, có cách nào để cải thiện đồng lương cho giáo viên?


Ông Huỳnh Công Minh: Theo tôi, có 2 cách. Cách thứ nhất là, tính đủ lương của giáo viên và thiết chế trường học theo yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế để đầu tư. Ngân sách đầu tư được bao nhiêu cho trường công lập, còn lại là xã hội hóa (người dân và các nguồn khác đầu tư), tức là các trường ngoài công lập. Trường công lập sẽ không thu học phí, trường ngoài công lập sẽ thu học phí cao.


Cách thứ hai, cũng từa tựa như hiện nay, là duy trì một số lượng lớn trường công lập, nhưng trường có một phần học phí của phụ huynh đóng. Cách này sẽ hay hơn, vì học sinh được học trường công lập nhiều, đóng học phí nhẹ hơn trường ngoài công lập. Nhưng cách này gặp cơ chế tài chính rất phức tạp, khó khăn. Hơn mười năm học qua, học phí ở trường công lập vẫn không điều chỉnh được. Thế nên đồng lương giáo viên vẫn là đồng lương còm cõi.


Xin cảm ơn ông!

MỚI CẬP NHẬT