Friday, March 29, 2024

Góp nhặt kỷ niệm


LTS: Bắt đầu từ hôm nay, nhật báo Người Việt sẽ đăng các bài tham dự cuộc thi viết “38 năm Little Saigon-35 năm Người Việt” vào mỗi Thứ Năm và Chủ Nhật hàng tuần, trên cả báo giấy và Người Việt Online. Tên tác giả được ban tổ chức thay thế bằng mã số. Hạn chót nhận bài thi là ngày 8 Tháng Mười Hai, 2013. Rất mong sự hưởng ứng của quý bạn đọc gần xa.

Tác giả: (35-003)

Không ai sống bằng quá khứ, nhưng những hoài niệm, hồi ức của một thời vẫn là những kỷ niệm đẹp khiến cho cuộc sống có ý nghĩa hơn.”

Nhật báo Người Việt tổ chức thi viết “ 38 năm Little Saigon, 35 năm Người Việt “ nhân kỷ niệm 35 năm số báo Người Việt đầu tiên. Tôi ngồi ôn lại tất cả những hình ảnh vui buồn của những năm tháng sống trên đất Mỹ để viết vài bài gửi về tòa soạn gọi là để góp mặt cho vui. Gia đình tôi qua Mỹ tính đến nay đã 22 năm, sau sự có mặt của Người Việt ở vùng Little Saigon này đến 13 năm. Nhưng 22 năm của gia đình tôi, 35 năm của nhật báo Người Việt hay 38 năm của thủ đô tị nạn cũng là một khoảng thời gian khá dài để nhiều công việc được hoàn tất. Nhưng cũng vẫn còn quá ngắn cho những công việc còn dang dở. Tôi sẽ viết về những kỷ niệm của những ngày đầu tiên trên vùng đất Tự Do này, những khó khăn, những hội nhập dần dần vào nếp sống Mỹ, những kinh nghiệm rút ra từ những thất bại, vài kỷ niệm dễ thương với những bạn bè của một thời Văn Khoa và Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn, những người bạn có liên quan đến Người Việt, vẫn còn đó hoặc đã rời khỏi cuộc sống tạm bợ nầy. Và tôi bắt đầu với “Những khó khăn đầu tiên trên đất Mỹ”.

1- Ở trên núi

Tôi và gia đình qua Mỹ khá muộn màng, vào cuối Tháng Năm, năm 1991. Những ngày tháng đầu tiên chúng tôi ở tạm nhà người chị ruột trên vùng Corona, Riverside. Sau vài tuần ăn không ngồi rồi, tôi đã “liều mạng” lấy application xin vào làm Teacher’s Aide ở trường John Adams. Hay không bằng hên: bà hiệu trưởng đã nhận tôi vào làm việc. Tôi chỉ đứng lớp chung với giáo viên chính, và khi học sinh làm bài có gì không hiểu thì giáo viên kia nhờ tôi phụ giúp. Cũng nhàn nhã lắm. Nhưng mỗi tuần chỉ làm khoảng vài giờ! Thu nhập không được bao nhiêu. Tôi chỉ “lăm le” tìm đường “xuống núi.”

Khoảng thời gian đó, vì chưa biết lái xe nên đi đâu tôi và gia đình cũng phải nhờ bà chị đưa đi. “Mi mới qua đây mà ‘mướn’ được người tài xế như tau đây là mi… ngon lành lắm đó! Mi thấy có ‘bà lớn’ nào làm tài xế cho thầy giáo chưa?” Rồi bà chị nhe răng cười khì khi thấy thằng em trai mặt mày nhăn nhó… như khỉ ăn ớt! Bả tưởng tôi giận vì câu nói đùa, nhưng bả đâu có hiểu tâm trạng rối bời như đống bùi nhùi của tôi lúc bấy giờ. Tôi thấy xe cộ ở xứ Mỹ nầy sao mà cứ chạy vèo vèo, chẳng ai chịu nhường ai, khiếp quá! Còn quẹo phải, quẹo trái nữa. Nhất là quẹo trái. Có mũi tên xanh và không có mũi tên xanh. Lại còn “Yield on Green” nữa! Khi nào thì được phép quẹo? Và ai được quẹo trước? Xe cộ phía ngược chiều thì cứ tiếp tục phóng như đang lao vào mình thì phải làm sao đây hả Trời? Tôi cứ vò đầu bứt tóc than khổ khi nghĩ đến lúc mình phải tự lái xe đi làm, đi học!

Ở Việt Nam tôi cũng đã từng tập lái xe Jeep của ông anh, nhưng chạy trên đường băng trong phi trường thì dễ quá, cứ thế mà “đường ta ta cứ đi, xe ta ta cứ chạy!” Ở cái xứ Mỹ này, traffic ngoài đường đâu phải chỉ có một mình ta? Gay go thật! Con cái mỗi ngày đón xe bus OCTA đi học mãi trên Norco Campus, vì cả nhà mới qua chưa có cơ hội và chưa có tiền để học lái chứ đừng nói gì có tiền để mua xe. Ðúng là “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”!

Rồi cũng phải đến lúc học lái xe. Người thầy đầu tiên ở đất Mỹ nầy là bạn của chị tôi. Mỗi sáng Thứ Bảy và Chủ Nhật, ông ta rất chịu khó cho tôi tập lái trên Freeway 91 tương đối ít xe vào sáng cuối tuần.

Giờ nầy sớm, cuối tuần thiên hạ còn ngủ nên đường sá còn vắng. Mi cứ việc lái thoải mái. Cố gắng giữ tay lái, lane mình mình đi, đừng lấn sang lane khác. Chỉ cần để ý lúc ra Freeway và vào Exit cho đúng là được.” Lý thuyết nghe sao mà ngon ơ, nhưng đến lúc thực hành thì gay go quá. Cái vô lăng hình như cũng trở chứng, không chịu nghe theo sự điều khiển của đôi tay mình nữa. Nhưng một lúc sau thì đâu vào đấy, đường chạy cũng khá thẳng thớm! Trên Freeway vắng ngắt, tôi cứ tưởng là mình đang lái Jeep trên phi đạo ngày nào, cứ nhấn ga chạy bon bon. Ông bạn chị tôi nhắc, mặt tỉnh queo: “Thì lâu lâu mi cũng phải chịu khó nhìn xuống đồng hồ tốc độ chứ! Mi đang chạy 80 đó, bớt ga đi!” Bài học lái đầu tiên trên xứ Mỹ của tôi là như thế đó!

2- Xuống đồng bằng: nỗi khổ đầu tiên

Gia đình chúng tôi dời xuống Quận Cam sáu tháng sau đó vì trên vùng đồi núi Riverside chúng tôi không thể nào tìm được một công ăn việc làm khá hơn. Sau khi đã ổn định nơi ăn chốn ở, tôi đọc báo tìm thầy học lái tiếp để chuẩn bị thi. Thi năm lần bảy lượt ở DMV, cuối cùng rồi cũng đậu và cũng được cấp bằng lái như ai! Ðược cái bằng lái xe từ DMV Westminster là ngon lành rồi! Sau này tôi mới nghe nhiều người “đồn rằng” DMV nầy nổi tiếng là khó đậu nhất!

Cả nhà đều đã có bằng lái, bây giờ làm sao phải tìm cách vay tiền để mua xe và mua bảo hiểm đây? Lại thêm một mối lo canh cánh bên long nữa! Thấy hoàn cảnh tội nghiệp của những “người di tản buồn” là chúng tôi nên đứa cháu trai gọi tôi bằng cậu bèn ký ngay cái check hai ngàn dollars “để giúp cậu mợ và em down mua xe”. Cuối tuần đó, cô cháu họ đưa gia đình tôi đi khắp các dealer để xem xe và cũng để dọ giá! Phải mất cả ngày mới tìm ra được một chiếc xe vừa với túi tiền chúng tôi. Ðó là chiếc Geo Metro màu xám 4 cửa, 3 máy, chiếc xe đầu tiên trên đất Mỹ cho cả nhà vừa sử dụng đi làm đi học và chợ búa. Rồi lại phải đọc báo và xem TV coi hãng Insurance nào giá cả phải chăng để mua bảo hiểm vì với những tay lái mới như chúng tôi không phải hãng bảo hiểm nào cũng chịu bán đâu!

Nhìn cái xe nhỏ xíu màu xám tro nhạt thấy thương làm sao!

Cám ơn bạn bè con cháu và cám ơn chiếc xe đầu tiên trên đất Mỹ đã cùng chúng tôi vượt qua những khó khăn buổi ban đầu trên quê hương mới nầy.

Tháng Chín, 2013

MỚI CẬP NHẬT