Thursday, March 28, 2024

Hà Tĩnh: Nợ 6 ngàn, bị ngân hàng đòi tiền lời… 75 triệu!

HÀ TĨNH (NV)Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn của tỉnh Hà Tĩnh vừa làm 20 gia đình ở phường Ðại Nài, thành phố Hà Tĩnh, “chết đứng” khi họ nhận được các tờ giấy đòi những khoản nợ rất nhỏ, chỉ 1000 đồng hay 6,000 đồng Việt Nam cách đây hơn 15 năm. Không những vậy, số tiền lời họ bị đòi lại vô cùng lớn.








Giấy đòi nợ ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Hà Tĩnh gửi bà Uông Thị Liên. (Hình: Infonet)


Báo Infonet.com kể lại câu chuyện cho biết ngày 16 tháng 2, 2012, khoảng 20 gia đình ở phường Ðại Nài (TP. Hà Tĩnh) nhận được giấy đòi nợ quá hạn của Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Hà Tĩnh.


“Ðiều đáng ngạc nhiên là những khoản nợ gốc rất nhỏ nhưng lãi thì rất lớn.” Nguồn tin nói. Tờ báo kể ra một vài thí dụ.


Con nợ Nguyễn Huy Thủy nhận được thông báo như sau:


“Ngày 4 tháng 1, 1997, ông có vay ngân hàng 7 triệu đồng. Dư nợ đến ngày 16 tháng 2, 2012 là 1,000 đồng. Số tiền lãi quá hạn là 47.88 triệu đồng.”


Anh Thủy kể lại câu chuyện vay nợ cũ: “Năm 1996, gia đình tôi cắm sổ đỏ miếng đất sát ngay quốc lộc 1A vay 40 triệu đồng ở Ngân hàng NN&PTNN TP Hà Tĩnh. Năm 1997 tôi có vay thêm 7 triệu đồng nữa. Ðến năm 2002 tôi đã trả xong cả số tiền gốc và lãi.”








Bà Trịnh Thị Nguyệt, giám đốc ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Hà Tĩnh. (Hình: Infonet)


Ðọc trong “Sổ theo dõi cho vay, thu nợ” của gia đình anh ở mục “Số tiền vay – Trả nợ”, người ta thấy ngân hàng ghi: “Trả 46,999,000 đồng.” Còn ở mục “Dư nợ” ghi: “1,000 đồng”.


Nguồn tin thuật lại rằng từ năm 2002, sau khi gia đình anh Thủy trả xong nợ phía ngân hàng không hề có bất cứ thông báo gì về khoản vay này nữa nhưng ngày 16 tháng 2, 2012 vừa qua anh nhận được thông báo như trên.


Một con nợ khác, bà Uông Thị Liên nhận được giấy thông báo đòi nợ quá hạn có nội dung: “Ngày 14 tháng 6, 1995, bà có vay Ngân hàng NN&PNN Hà Tĩnh số tiền là 100 triệu đồng. Dư nợ đến ngày 16 tháng 2, 2012 là 6,000 đồng. Số tiền trên đã quá hạn lâu ngày để thu hồi vốn cho nhà nước, Ngân hàng NN&PTNN TP. Hà Tĩnh – phòng Giao Dịch số 4 yêu cầu bà mang số tiền gốc là 6,000 đồng và tiền lãi quá hạn là 75.67 triệu đồng đến tại số 504 đường Hà Huy Tập, TP. Hà Tĩnh để thanh toán trước ngày 26 tháng 2, 2012.”


Ðặc biệt, ở những dòng chữ cuối của tờ giấy đòi nợ quá hạn này được phòng Giao Dịch số 4 cho in đậm và gạch dưới với lời đe dọa: “Nếu hết ngày nói trên mà bà không trả nợ thì ngân hàng sẽ kết hợp với các cơ quan chức năng khác trên địa bàn thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ theo luật định. Mọi chi phí thu hồi nợ bà phải chịu.”


Bà Liên tường thuật câu chuyện vay nợ ngân hàng ngày trước:


“Năm 1995, gia đình tôi có vay ngân hàng 100 triệu nhưng sau đó đã trả xong. Từ đó đến này đã hơn 10 năm trôi qua nhưng phía ngân hàng không hề có thông báo gì về số nợ đó nữa mà hồ sơ về khoản vay này tôi cũng không còn lưu giữ nên khi nhận được tờ giấy này gia đình tôi như bị chết đứng.”


Trong khi đó, theo Infonet, bà Trịnh Thị Nguyệt, giám đốc Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Hà Tĩnh giải thích các tờ giấy đòi nợ quá hạn đối với một số gia đình ở phường Ðại Nài bởi “từ năm 1996 đến năm 1997 các hộ này có vay tiền ở Ngân hàng NN&PTNT TP Hà Tĩnh. Tuy nhiên, sau đó các hộ này gặp khó khăn nên rơi vào cảnh không có khả năng trả cả gốc và lãi. Sau một thời gian vượt qua khó khăn, từ năm 2001 đến 2006 các hộ này đã có khả năng trả được một phần nợ. Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ này, phía ngân hàng đã thu phần lớn nợ gốc (chỉ trừ lại một phần rất nhỏ từ 1,000 đồng đến 6,000 đồng) và một phần lãi rất ít, tùy theo hoàn cảnh từng gia đình. Khi thu được số tiền này ngân hàng đã trả lại tài sản mà họ đã thế chấp. Ngày 16 tháng 2, 2012, ngân hàng gửi giấy thông báo đòi nợ là nhằm mục đích phối hợp với các hộ này tiếp tục thu hồi số nợ lãi còn tồn đọng trong nhiều năm qua.”


Bà Nguyệt giải thích thêm: “Trường hợp của bà Uông Thị Liên, năm 1997 có vay ngân hàng 100 triệu đến thời điểm trả nợ cuối cùng vào năm 2001 thì số nợ gốc của bà còn thiếu là 6,000 đồng và lãi còn tồn đọng thiếu là 75.6 triệu đồng. Còn trường hợp của ông Nguyễn Huy Thủy, năm 1996 và 1997 có vay ngân hàng tổng cộng là 47 triệu đồng, đến thời điểm trả nợ cuối cùng vào năm 2002 thì số nợ gốc mà ông còn thiếu là 1,000 đồng và lãi còn tồn đọng thiếu là 47 triệu đồng.”


Không thấy các con nợ cho biết số tiền lời họ còn thiếu lúc trả gần hết nợ là bao nhiêu mà nay lại nhiều như vậy. Ðồng thời, tại sao “gác” lại cái phần vốn vay chỉ có từ 1 ngàn đến 6 ngàn? Hay lãi mẹ đẻ ra lãi con? Sự thắc mắc của các con nợ là ngân hàng đã để suốt một thời gian dài không đòi, không thấy được giải thích. (T.N.)


 

MỚI CẬP NHẬT